YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU

 

 

IX. YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU

 

Chúng ta đã biết lời Chúa nói với các môn đệ: "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34). Tình yêu huynh đệ phát xuất từ tình yêu của Chúa, noi theo tình yêu này. "Noi theo" là phần đóng góp của ta, dựa vào ơn Chúa ban. Chúng ta phải quan tâm và cố gắng thực hiện hết mình. Thế nhưng, phần đóng góp này chỉ là một khía cạnh nhỏ nhoi so với nguồn mạch tuyệt vời là tình yêu của Chúa đối với ta. Chính tình yêu này thôi thúc chúng ta, như Phaolô nói (2Cr 5,14).

 

Do đó, con đường duy nhất, ngắn nhất, để chúng ta có thể thực sự yêu nhau, là con đường qua Ðức Kitô và sống trong Ngài. Vậy phải làm một cuộc tái sinh. Sinh lại vào trong cách yêu thương của Chúa. Ta chỉ có thể làm được điều này nhờ Thần Khí. Cần có ơn Chúa để cải biến chúng ta, giúp ta có thể mặc lấy tâm tình của Chúa, cách hành xử của Chúa, khi chúng ta yêu thương anh (chị) em.

 

Vậy tâm tình của Chúa yêu thương chúng ta, nó ra làm sao? Ngài yêu thương chúng ta theo cách nào? Ai là người được Ngài yêu thương nhất ? Ðể chúng ta theo gương Ngài mà làm như vậy. Ðó là mấy điểm chính tôi muốn gợi ra trong bài suy niệm này.

 

1. "Hãy học với tôi,

vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11,29)

 

* Cách thể hiện bên ngoài chỉ là biểu lộ tâm tình bên trong, biểu lộ một tấm lòng. Lòng mới là cơ bản. Từ trong lòng xuất ra những điều xấu. Từ trong lòng cũng xuất ra những điều tốt (Tiếng Việt thường ghép từ "lòng" vào những nết xấu hay nhân đức : lòng ghen ghét, lòng kiêu căng, lòng tin, lòng cậy, lòng mến .)

 

Những điều tốt Chúa làm biểu lộ tình yêu của Ngài, cũng là từ tấm lòng của Ngài. Ðó là tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường, như chính Ngài xác nhận với các môn đệ. Xác nhận và còn muốn cho họ học lấy.

 

Phaolô cũng khuyên chúng ta hãy có tâm tình như đã có nơi Ðức Kitô. Tâm tình nào vậy? Thì cũng chính là lòng khiêm nhường, mà thánh Tông Ðồ đã ngợi ca trong bài Thánh thi bất hủ ở thư Philípphê (2,6-8). Bài ngợi ca này chấm phá những nét chính của sự khiêm nhường nơi Ðức Kitô : là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, đó là khiêm nhường; là Thiên Chúa, nhưng huỷ mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, đó là khiêm nhường; là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, đó là khiêm nhường. Nói như Augustinô, khiêm nhường là dấu chỉ của Ðức Kitô. Hay nói cách khác, Ngài là hiện thân của sự khiêm nhường.

 

Những nét chính trên đây được minh họa bằng những lời nói và hành vi cụ thể trong suốt cuộc đời trần gian của Chúa. Về những lời nói và hành vi khiêm nhường này, thường chúng ta nghĩ đến những gì Ðức Giêsu nói hoặc làm cho ta, cho con người. Thực ra, thái độ khiêm nhường trước con người chỉ là hệ quả của một thái độ khiêm nhường cốt yếu hơn, sâu xa hơn, thấm thía hơn. Ðó là khiêm nhường trước Chúa Cha. Tư cách là tư cách của người được Cha sai đi, nhận lấy mọi sự từ Cha, làm mọi sự theo ý Cha, quy hướng mọi sự về Cha.

 

Chẳng hạn, khi một người thanh niên quỳ sụp dưới chân Chúa, gọi Ngài là "Thầy nhân lành", thì trong câu trả lời cho anh ta, Chúa đã đưa vinh dự ấy về cho Chúa Cha: "Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa" (Mc 10,17-18). Sứ mạng tại thế của Chúa, sứ mạng nói lên sự khiêm nhường của Chúa, có thể tóm tắt trong chính lời Chúa ngỏ với Chúa Cha vào lúc cuối đời: "Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm" (Ga 7,4).

 

 

Ðã đành Chúa cũng khẳng định tư cách làm Thầy và làm Chúa của mình. Không ít lần Chúa tự xưng mình là thế này thế nọ : là Sự Sáng, là Ðường, là Sự Thật, là Sự Sống, là Cây Nho, là Bánh hằng sống . Nhưng Chúa nhìn nhận mọi tư cách đó đều phát xuất từ Cha. Ngài không tìm vinh danh cho mình (Ga 8,50), mà chỉ làm lợi cho vinh danh Cha mà thôi.

Vì yêu Cha mà Ngài khiêm nhường. Nhưng cũng có thể nói vì khiêm nhường mà Ngài yêu Cha. Sự khiêm nhường nơi Ðức Giêsu vừa là hiệu quả vừa là nguyên nhân của tình yêu đối với Cha.

 

Thế còn thái độ khiêm nhường của Chúa trước con người thì sao ? Chỉ cần gợi nhớ một cử chỉ có ý nghĩa sâu sắc nhất, là cử chỉ Chúa rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1tt). Trong khi các Phúc Âm Nhất Lãm im hơi lặng tiếng về cử chỉ này, thì chỉ mình PhúcÂm Gioan ghi lại. Có thể nghĩ rằng Gioan coi việc Chúa rửa chân như có khả năng diễn tả cụ thể và độc đáo nhất con ngưới của Ngài hôm trước lễ Vượt Qua. Không phải vậy sao ? Cứ để ý mà coi : qua cử chỉ của Chúa, chúng ta có thể hình dung ra nét tương phản giữa sự cao cả siêu việt của một Ðấng là Thiên Chúa, với sự tự hạ tự khiêm trong hành vi của một người tôi tớ. Ðấng cao cả quỳ dưới chân những con người tội lỗi, để làm công việc của người tôi tớ, đúng như lời Chúa nói: "Thầy ở giữa anh em như một người tôi tớ". Không những rửa chân cho các môn đệ, Chúa còn muốn ta học lấy hành vi đó, tức là Ngài muốn nêu gương cho ta nữa. Chính là lặp lại điều Ngài đã nói trước: "Hãy học với tôi ."

 

* Hiền lành và khiêm nhường : hai đặc tính sóng đôi. Ðó là hai mặt của một thái độ tâm trí. Có khiêm nhường là có hiền lành. Nơi Ðức Giêsu cũng thế thôi. Ngay một tác giả vô thần (Ernest Renan) cũng đã nhận xét Chúa là một "con người mơ mộng hiền lành của xứ Galilê" (hiền lành thì đúng, nhưng mơ mộng thì không đâu, trái lại rất thực tế).

Isaia đã tiên báo về con người của Chúa như sau: "Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị dập, Người không đành bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi" (Is 42,2-3). Ðấy là dung mạo của một Ðấng Cứu Thế hiền lành. Ðấy là hình ảnh của một Ðức Giêsu đầy lòng thương xót và bênh vực kẻ có tội.

 

Tác giả Matthêu, khi trưng dẫn những lời trên để áp dụng vào hành vi Chúa truyền cho người ta đừng rêu rao việc Ngài chữa lành bệnh tật của họ (Mt 12,15tt), còn muốn minh chứng sự khiêm nhường của Chúa : Chúa chỉ muốn làm ơn làm phúc cho người ta cách kín đáo, không phô trương, không hống hách. Cũng chính Matthêu còn dựa vào lời các ngôn sứ mô tả Chúa cỡi lừa vào thành Giêrusalem, trong dáng dấp của một con người khiêm nhu (Mt 21,5). Sự khiêm nhu này càng nổi bật giữa một khung cảnh và một bầu khí khải hoàn : có đông người tuốn đến, lấy áo lót đường, cả tiếng tung hô, đến nỗi làm chấn động thành phố. Rồi ra, con người ấy sẽ giống như con cừu bị dẫn đến lò sát sinh (Is 53,7), yên lặng trước những lời người ta tố cáo, yên lặng cho người ta khạc nhổ và đánh đập (Mt 26,63tt), yên lặng để người ta đóng đinh vào Thập giá.

 

Sự hiền lành là đặc tính của Chúa. Thế nên không lạ khi Ngài chúc phúc cho những người hiền lành : họ dẽ được đất làm cơ nghiệp (Mt 5,4). Ðất này không gì khác hơn là Nước Trời. Ðó là cơ nghiệp dành cho những ai là con cái Thiên Chúa. Cơ nghiệp ấy chính là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ðấng hiền lành, sẽ được chia sẻ cho những con cái hiền lành của Thiên Chúa.

 

Và cũng không lạ khi Chúa dạy người ta học với Ngài vì Ngài hiền lành. Người Do Thái nghe Chúa nói lúc bấy giờ đang phải thụ giáo những điều khó khăn với các thày dạy đạo, đang khổ sở vì ách nặng của Lề Luật. Cũng như chúng ta hôm nay đang phải lao đao vất vả vì cuộc sống. Thì Chúa thổi một làn không khí mới cho họ. Không phải Ngài loại bỏ ách và gánh đâu. Ngài không phải là con người mị dân. Ngài không muốn cho người ta có ảo tưởng đã ở Thiên đàng trong khi còn sống tại thế. Ách vẫn còn đó. Gánh vẫn còn đó. Có điều, ách mới này thực êm ái, do một con người hiền lành đưa ra. Êm ái, vì chỉ là chia sẻ ách của Chúa. Êm ái, vì liên hệ đến tình yêu. Ðó là luật yêu thương phát xuất từ Ngài là Tình Yêu. "Khi yêu, sẽ không còn vất vả, mà nếu có vất vả thì chính sự vất vả này cũng được yêu nốt" (Augustinô). Nhờ đó, người ta sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn.

 

* Chúng ta hãy nghe lời Chúa dạy mà học lấy tâm tình hiền lành và khiêm nhường của Chúa. Chính khi có sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, chúng ta mới có thể yêu anh chị em. Hai yếu tố đó là nền tảng của tình yêu, là cánh cửa đầu tiên mở vào con đường bác ái. Augustinô nói: "Ðâu có khiêm nhường, đấy có bác ái". Trước khi kêu gọi chúng ta lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, Phaolô đã nhắc phải ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại (Êp 4,2).

 

Thái độ đối nghịch là kiêu căng, dữ dằn. Ðó là thái độ yêu sự ưu đẳng của mình (có thật hay tưởng tượng) dưới mọi hình thức của nó : khoe khoang, ghen tương, chua ngoa, cứng cỏi, khép kín . Tất cả đều góp phần đưa đến chỗ xung khắc, đố kỵ và chống đối người khác. Cũng chẳng lạ, vì tác giả Thánh vịnh đã từng nói: "Bọn kiêu căng đặt điều bôi nhọ ; như đầy ứ mỡ, lòng chúng ra ngu muội" (Tv 119/118,69-70). Lòng đã ứ đầy mỡ thì làm gì còn tình cảm tốt đẹp và chân thực dành cho người khác? Và nếu còn chút nào đi nữa, lấy chỗ đâu mà phát tiết ra ngoài? Những người loại đó, nếu tình cờ làm những công việc gọi là bác ái, cũng chỉ là bác ái giả hiệu, giả nhân giả nghĩa, nhằm phô trương, tìm lợi cho mình, chứ không phải hoặc không hoàn toàn nhằm lợi ích của người khác. Ðó là điều Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ nơi người Biệt phái. Do kiêu căng giả hình, những con người này đầy lòng tham ô, xú uế, vô độ, vô đạo (Mt 23,25-28).

 

Cứ xem ngay ở kinh nghiệm thường ngày. Tại sao yêu thương nhau vẫn là điều quá khổ nhọc ? Tại sao thường có những bất hoà, lục đục, chia rẽ, hoặc ít nhất khó hợp tác với nhau trong đời sống cộng đồng ? Tại sao, nếu không phải phần lớn tại kiêu căng, ích kỷ. Những con sâu đáng sợ này làm tâm hồn chúng ta chai đá trong những cái mà chúng ta gọi là quyền lợi hay quan điểm khác biệt của ta. Chúng ta có khiêm tốn chấp nhận giới hạn của mình không? Chỉ có lòng khiêm tốn hiền hoà mới tháo cởi được các tâm hồn, để có thể hướng tới nhau thật tình và yêu thương nhau. Ðó mới là phúc của những người hiền lành.

Nhưng cũng cần phân biệt. Hiền lành và khiêm nhường không đồng nghĩa và đồng tình với nhu nhược, yếu đuối. Chính Ðức Giêsu, hiền lành và khiêm nhường đấy, nhưng không bao giờ nao núng khi phải bảo vệ chân lý, luôn mạnh mẽ và lên án chống phá những gì xúc phạm tới những giá trị của con người, nhất là ơn cứu rỗi của họ. Khiêm nhường không có nghĩa là thiếu cá tính, không biết nỗ lực vươn tới những điều cao cả. Hiền lành cũng vậy, không phải "hiền như Bụt" như dân gian vẫn nói, mặc ai muốn làm gì thì làm, theo chủ trương "mackenoisme (mặc kệ nó).

 

Có một lời dạy làm khuôn vàng thước ngọc do chính Chúa đưa ra: "Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu" (Mt 10,16). Ðể thực hành một nhân đức cho đúng phép, phải liên kết nó với các nhân đức khác, nhất là các bản đức (công bình, dũng lực, tiết độ, khôn ngoan). Thực hành sự khiêm nhường và hiền lành cũng thế thôi. Cho nên, trong cách xử sự thực tế liên hệ tới bác ái mà chúng ta đang bàn trong đề tài, phải khéo léo phối hợp sao cho hài hoà các yếu tố đó.

 

Lấy thí dụ về một cách thực hành bác ái trong cộng đồng : việc sửa lỗi huynh đệ. Ðây là mối thứ 4 trong bản liệt kê (có từ thời Trung cổ) 7 mối thương linh hồn người ta, thường được đọc là "Răn bảo kẻ có tội". Trước một lỗi nặng bên ngoài của người anh (chị) em, khiêm nhường không lên án, vì thấy mình tội lỗi, là một chuyện. Hiền lành để sẵn sàng bao dung, muốn chín bỏ làm mười cho xong, là một chuyện. Nhưng lợi ích của người phạm lỗi và của cả cộng đồng lại là chuyện khác. Và chuyện này lại quan trọng hơn. Có người thấy anh (chị) em lỗi nặng gây ảnh hưởng tai hại cho cộng đồng, cứ nhắm mắt làm ngơ, nghĩ bụng : hơi đâu mà lo, mặc xác nó. Không mặc xác được đâu ! Có người muốn lên tiếng, nhưng nghĩ mình không chơi thân lắm với đương sự, lại không khéo ăn khéo nói, nên đâm ngại, sợ chả được tích sự gì, lại còn thêm mất lòng. Phaolô ngày xưa đâu có ngại làm mất lòng Phêrô, khi mạnh mẽ cự tuyệt Tông Ðồ trưởng này, vì Phêrô muốn thúc bách người ngoại trở lại phải giữ những tập tục của Do thái (Gl 2,11tt). Phaolô làm thế chỉ vì thấy ý của Phêrô tai hại cho công cuộc truyền giáo. Bác ái đấy !

 

Giữa anh (chị) em đã vậy, huống hồ Bề Trên trong nhà (nếu là một tu sĩ sống trong một cộng đồng). Bề Trên thường là hiền. Hiền là phải. Chẳng nơi nào dám trao vận mệnh của cả cộng đồng cho một Bề Trên không hiền (không dám nói là dữ), cho dù có tài. Hiền, nhưng không nhu nhược. Hiền, nhưng vẫn phải chu toàn trách nhiệm lo cho từng người và cả cộng đồng. Bề Trên phải có cách hành động.Ở đây, không chỉ là sửa lỗi huynh đệ, mà còn như là sửa lỗi phụ (mẫu) tử nữa, sự sửa lỗi của cha (mẹ) đối với người con. Dĩ nhiên, về cách thức hành động sao cho phải, không thể không nhớ tới lời khuyên của Phaolô: "Hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy" (Gl 6,1), hoặc lời dạy của chính Chúa Giêsu: "Hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi" (Mt 18,15), trừ khi bất đắc dĩ phải làm cách khác. Ðó là cách lợi được người anh (chị) em. Ðó là cách thể hiện bác ái mà vẫn dung hoà được với tấm lòng hiền lành và khiêm nhường.

2. "Kẻ nghèo được nghe Tin Mừng" (Lc 7,22)

 

* Theo Kinh Thánh,người hiền lành và khiêm nhường thuộc vào số những người nghèo (anawim) của Thiên Chúa. Thế nên, trên nguyên tắc, một tấm lòng hiền lành và khiêm nhường không thể không hướng tới người đồng điệu, đồng hội, đồng thuyền. Lòng bác ái của họ dành ưu tiên cho những ngưòi này, tức người nghèo. Thì đó chính là điều mà Ðức Giêsu, một người nghèo, một người có lòng hiền lành và khiêm nhường, đã thực hiện trước tiên.

 

Ngay từ thời Cựu Ước, các ngôn sứ đã cho biết người nghèo là người được hưởng tình yêu nhân lành của Thiên Chúa: "Kẻ được Ta đoái nhìn, đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát" (Is 66,2). Người có tâm hồn tan nát là người khiêm nhu. Còn kẻ khốn khổ là kẻ bần cùng thiếu thốn, hoặc về vật chất hoặc về tinh thần. Chính sự cùng quẫn của họ là một lý do để được Chúa yêu thương (Tv 10,14). Các ngôn sứ còn loan báo : một trong những nhiệm vụ của Ðấng Mêsia sẽ là bênh vực quyền lợi của kẻ nghèo (Is 11,4). Mêsia sẽ là Ðấng mang Tin Mừng cho họ (Is 61,1). Những điều này trở thành hiện thực qua Ðức Giêsu, Ðấng Mêsia, Ðấng được Thiên Chúa sai đến để cứu nhân độ thế.

 

Khi bắt đầu truyền đạo, Chúa đã xác nhận điều này ở hội đường Nagiarét. Ðọc xong đoạn sách Isaia, Ngài nói với mọi người: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" (Lc 4,21). Khi Gioan Tẩy Giả phái môn đồ đến hỏi xem Chúa có phải là Ðấng đã đến hay còn phải đợi một Ðấng nào khác, Ngài lại xác nhận với họ rằng điều Isaia loan báo đã thực sự ứng nghiệm nơi Ngài (Lc 7,18tt). Quả thực, sứ mệnh của Chúa là đến tìm người nghèo.Và trên thực tế, chính những con người này đã tuốn đến với Chúa thực đông đảo.

 

Nhưng họ là ai ? Dưới con mắt khinh miệt và chế nhạo của người Biệt phái, họ là "bọn dân (ngu cu) đen, không biết Lề Luật" (Ga 7,49). Nhưng trước mắt Chúa, họ lại là những con người đáng thương, đáng cứu : những người tội lỗi, những người bệnh tật, những người đói khổ, những người yếu đuối, những người bị áp bức . Chúa đã làm gì cho họ ? Không gì khác hơn là rao giảng Tin Mừng cho họ, chữa lành cho họ, cả những bệnh tật phần xác lẫn những yếu đau phần hồn. Ngài liên đới với họ, không lên án, không khinh rẻ, nhưng chúc phúc cho họ. Tin Mừng thật sự đã đem đến cho họ ơn giải thoát.

 

* Chúng ta hôm nay, nếu học với Chúa để có tấm lòng hiền lành và khiêm nhường, cũng phải ưu tiên nhìn đến người nghèo, tỏ lòng yêu mến và thực thi bác ái với họ. Ðây là những người thân cận đáng lưu ý nhất, nhưng lại khó được lưu ý nhất.

 

Chúa nói với các thực khách ở Bêtania: "Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình ?" (Mc 14,7). Thực trạng xã hội thời xưa là thế. Thực trạng xã hội hôm nay cũng không khá hơn, cho dù ý thức về sự liên đới có tiến bộ hơn, các hình thức cứu trợ có gia tăng hơn. Nhưng khi nói lời trên đây, hẳn Ðức Giêsu không nhằm đề cập một thực trạng, nhưng là muốn gây ý thức cho các môn đệ cố gắng giảm thiểu hoặc tìm cách triệt hạ sự nghèo đói, thiếu thốn, đau khổ, nhờ vào công bình xã hội (Mt 23,23), quảng đại bố thí (Mt 6,2), giúp đỡ cụ thể (Mt 25,31-46) . Như vậy, người môn đệ của Chúa phải quan tâm làm những việc trên đây cho người nghèo.

 

Người nghèo chung quanh ta, có thể thấy nhan nhản. Nghèo về vật chất cũng có. Nghèo về tinh thần cũng có, nhất là không được học biết chân lý. Phải quan tâm đến cả hai loại người. Ðành rằng mục tiêu của bác ái luôn là sự cứu rỗi linh hồn, phương tiện là rao giảng Tin Mừng, nhưng bác ái này không bao giờ cho phép dửng dưng trước cuộc sống vật chất lầm than đoạ đầy của người anh (chị) em. Tông Ðồ Gioan viết: "Nếu ai có của cải thế gian, và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở lại người ấy được ?" (1Ga 3,17).

 

Chính Ðức Giêsu đã không thuần tuý rao giảng Tin Mừng, không chỉ nhìn đến tâm hồn người ta, cũng không chỉ cảm thông với nỗi khổ thân xác của họ, mà thường còn chữa lành cho họ qua các phép lạ. Ngài không để họ trở về phải đói lả dọc đường, nên trước đó đã cho họ ăn bánh thoả thuê.

 

Con người ta đâu phải chỉ có hồn. Cả hồn xác làm nên một con người. Xác còn đói, còn khát, còn rách rưới, còn bệnh tật, còn lang thang ., thì cái lo cấp bách nhất của người ta là làm sao cho hết đói khát, hết rách rưới, hết tứ cố vô thân. Chứ tâm trí đâu mà nghĩ đến ba cái chuyện khác. Có thực mới vực được đạo : câu nói đã thành quen thuộc trên chót lưỡi đầu môi.

 

Vậy người nghèo phải yêu thương, cụ thể nhất là người nghèo về vật chất. Họ thuộc vào số những người được coi là hình ảnh của Chúa trong đoạn văn về ngày chung thẩm (Mt 25,31tt).

 

Về hành vi bác ái phải làm cho nghững người này, Kinh Thánh thường xuyên nhấn mạnh việc bố thí. Bố thí theo nghĩa hẹp, tức là giúp tiền giúp của. Truyền thống Giáo Hội xưa nay vẫn để ý tới việc này. Chúng ta không giầu có gì, nhưng vẫn có thể dành ra một phần để bố thí. Dành phần dư thừa chưa đủ đâu. Phải là một phần nhu cầu của ta nữa kia ! So với chúng ta, bà già goá nghèo trong Phúc Âm còn tội hơn nhiều, nhưng bà đã dám bỏ vào hòm tiền đền thờ, không phải số thừa thãi, mà là tất cả những gì bà có (Mc 12,41tt). Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể và phải làm như bà ta. Nhưng dù sao, hành động của bà cũng đáng cho ta suy nghĩ. Biết cho đã vậy, còn phải biết cách cho. Tôi không muốn đi sâu vào điểm này. Chỉ lưu ý rằng: chúng ta làm hoàn toàn vì bác ái kitô giáo, với tâm trạng của những người anh (chị) em "mang gánh nặng cho nhau", như Phaolô bảo (Gl 6,2). Ðó chính là một trong những cách nói lên Tin Mừng cho người nghèo, không bằng lời, nhưng bằng hành động của ta.

 

3. "Yêu thương đến cùng" (Ga 13,1)

 

* Tấm lòng hiền lành và khiêm nhường, như một điều kiện để có thể yêu, chúng ta đã khai triển khá dài. Ðối tượng chính của tình yêu, tức người nghèo, chúng ta cũng đã nêu lên một số nét. Giờ đây, chúng ta nói vắn tắt vài ý về cách thức yêu của Ðức Giêsu.

 

Bằng lời khẳng định "Ngài đã yêu thương họ đến cùng", Gioan thâu tóm tất cả sự tuyệt vời của tình yêu này. "Ðến cùng" có thể hiểu theo 2 nghĩa : hoặc yêu cho đến lúc chết, lúc chấm dứt cuộc đời; hoặc yêu với mức độ hoàn hảo tột cùng, không thể yêu cách nào khác hơn. Hiểu theo nghĩa nào cũng được hết. Nhưng chính nghĩa thứ hai hẳn gây cho ta nhiều cảm xúc hơn. Nó cho thấy nét đặc trưng nhất của tình yêu nơi Ðức Kitô. Nó giúp ta hiểu rằng chính vì muốn đẩy tình yêu tới giới hạn cuối cùng mà Ðức Kitô đã chấp nhận cái chết vì ta, vì các người thuộc về Ngài. Chính là minh chứng sâu sắc và hùng hồn cho lời Ngài nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

 

Chúa hy sinh tính mạng mình ra sao ? Chắc chúng ta nghĩ ngay tới cái chết Thập giá. Ðúng thôi. Tuy vậy, việc hy sinh mạng sống đã thể hiện trước cả cái chết Thập giá, ở ngay trong việc rửa chân, mà cũng Gioan, và chỉ mình Gioan, đã thuật lại tiếp ngay sau lời khẳng định là Chúa yêu thương đến cùng.

 

Như chúng ta biết, Gioan hay coi một sự việc như dấu chỉ nói lên một mầu nhiệm. Cho nên, bảo rằng nhiều từ ngữ tác giả sử dụng ăm ắp mầu nhiệm, không phải là nói quá đâu. Thì cứ nhìn vào những cử chỉ của Chúa trong việc rửa chân mà coi. Chúa chỗi dậy, rời khỏi bàn ăn, đó là để làm một hành vi vượt qua. Mà vượt qua đối với Ngài là ra khỏi đời này, là trao ban thịt máu, là thí bỏ mạng sống. Chúa cởi áo ngoài ra, đó là lột xác và bỏ mình. Chúa cúi xuống làm công việc của một nô lệ rửa chân cho khách, đó là hư vô hoá mình. Như vậy, hành vi của Chúa không những biểu thị cho việc hư vô hoá mình trên Thập giá ngày hôm sau, mà chính là những khúc dạo đầu cho việc hư vô hoá này, tức hy sinh mạng sống mình. Chúa làm thế, tất cả là vì ta, vì muốn yêu thương ta đến cùng.

 

* Như Chúa đã hy sinh mạng sống mình vì ta, ta cũng phải biết hy sinh mạng sống mình vì anh (chị) em, để tỏ ra chúng ta muốn yêu thương anh (chị) em, như Chúa đã yêu thương chúng ta. Hy sinh mạng sống không đòi phải chết thật đâu. Có chăng là trong những trường hợp hãn hữu, hiếm hoi. Hy sinh mạng sống trong đời sống hằng ngày là dành cuộc đời ta phục vụ người khác trong tình yêu mến. Sống là sống cho người, như Chúa Kitô đã sống và chết cho ta. Ðó mới là cuộc sống có ý nghĩa.

 

Yêu thương anh (chị) em với mức độ hoàn hảo, e rằng khó, tuy đây vẫn là lý tưởng phải không ngừng vươn tới. Nhưng yêu thương cho tới lúc chết là chuyện có thể làm được, với những cố gắng phục vụ anh (chị) em trong tinh thần hiền lành và khiêm tốn, chấp nhận và vượt qua những khó khăn khi thể hiện tình bác ái huynh đệ, luôn cải thiện mối tương giao với người khác.

 

Phải nhấn mạnh những điều trên, vì (nhất là) những người sống trong một cộng đồng cùng chung một lý tưởng, tình bác ái huynh đệ coi vậy mà không dễ thực hiện. Cọ xát hằng ngày, tình yêu trở thành mong manh, hao mòn, dễ vỡ. Phải luôn tìm cách cột nó, bồi dưỡng cho nó. Mối dây liên hệ nào đó giữa con người (vd: cùng máu mủ, cùng chí hướng .) không đủ sức cột nó đâu. Dây hôn nhân không cao quý đó sao ? Nó lại là kết quả của những lần thề non hẹn biển. Thế mà có chán vạn vợ chồng coi nó như pha. Ðã chẳng muốn cột chặt lại, còn lăm le tháo tung nó. Chúng ta chỉ có thể cột tình yêu của ta, bồi dưỡng cho nó, bằng tình yêu của Chúa mà thôi. Chỉ có tình yêu này, nếu được ta mở rộng lòng đón nhận, mới có thể thôi thúc ta hi sinh mạng sống mình cho các anh (chị) em.

 

 

Ðể kết thúc cho ba bài suy niệm về tình yêu, tôi có một ý nghĩ này:

 

Thiên Chúa đã tạo dựng con người có hai mắt, hai tai, hai tay. Công dụng của chúng, sự cần thiết của chúng đối với đời sống của ta như thế nào, ai nấy đều biết cả. Tôi chỉ muốn gán thêm cho chúng hai đối tượng liên hệ đến đề tài yêu mến mà chúng ta đã suy niệm trong những bài qua. Hai đối tượng hay mục tiêu đó là Thiên Chúa và con người.

Chúng ta có hai mắt thì hãy để một mắt nhìn lên Thiên Chúa, một mắt nhìn sang con người. Chúng ta có hai tai : một tai nghe Chúa, một tai nghe con người. Chúng ta có hai tay : một tay vươn lên Chúa, một tay vươn tới con người. Một hướng lên Chúa với tất cả tình yêu. Một hướng về con người cũng với tất cả tình yêu. Thế còn hai lỗ mũi thì sao ? Dành cho mỗi phía một lỗ mũi thì kỳ quá. Nhưng cả hai lỗ mũi có chung một nhịp thở. Vậy hít vào là như hấp thụ tất cả tình yêu của Chúa, Ðấng chúng ta yêu mến, để rồi thở ra là tuôn trào tình yêu này cho các anh (chị) em. Ðời sống sinh vật nơi ta quân bình là do sử dụng đồng thời cặp đôi đó. Ðời sống thiêng liêng của ta quân bình cũng là do sử dụng đồng thời cặp đôi đó. Chúng ta yêu mến cả Thiên Chúa lẫn con người.

 

Chúng ta hãy cầu xin như lời một bài hát gợi ý cho chúng ta:

 

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con tâm hồn bác ái,

Nguồn bác ái chính trung yêu mọi người và chẳng trừ ai.

Lạy Chúa, xin hãy đong tim con đầy tình nhân ái,

Cho con say mến Chúa và bác ái với cả mọi người

(Chính Trung)

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà