SỐNG  SAO  CHẾT  VẬY

_____________________________________________

Mortuis  morituri

(Bài chia sẻ tại nghĩa trang)

 

I. TƯỞNG NIỆM NGƯỜI ĐÃ CHẾT.

 

          1. Đài tưởng niệm.

                                      Ngày trước, dưới thời Pháp thuộc, giữa nghĩa trang thành phố Hà nội, có đài tưởng niệm người quá cố với dòng chữ sau đây MORTUIS MORITURI, nghĩa là người sẽ chết tưởng niệm người đã chết. Hôm nay ở tại nghĩa trang này chúng ta cũng làm lại những việc đó.

          2. Ngày 02 tháng 11.

                                            Hàng năm Hội thánh dành ngày 02 tháng 11 để tưởng niệm những người đã chết mà chúng ta gọi là ngày Các Đẳng. Giờ đây, tại nghĩa trang này, ta là những người sẽ chết tưởng nhớ đến người đã chết, đặc biệt với những người đang nằm nơi đây.

          Việc tưởng niệm đến sự chết là điều hữu ích giúp chúng ta sống tốt lành hơn vì kẻ trước người sau ai cũng phải chết.

          Sự chết là một định luật, một luật sắt cưỡng chế con người. Người ta thắng được mọi sự, nhưng chưa ai thắng được sự chết. Người ta chữa được mọi bệnh, nhưng chưa ai chữa được bệnh chết. Sự chết này chính con người đã tạo ra sau khi phạm tội :”ngươi sẽ phải chết” (St 2,17).

          Đứng trước cái chết, thi sĩ Xuân Diệu đã phải kêu lên :

 

                             Nhưng mà tôi sẽ chết than Ôi !

                             Tôi run như lá, tái như đông,

                             Trán chảy mồ hôi, mắt lệ phồng.

                             Năm đẩy tháng dồn tôi đã đến

                             Trước bờ lạnh lẽo cõi hư không.

                                      (Xuân Diệu)

 

          3. Memento morti.

                                      Ngày hôm nay ta hãy nhớ tới sự chết. Ngày xưa, các vị khổ tu chào nhau với câu :”memento morti” : ngươi hãy nhớ đến sự chết. Và Đức Giáo hoàng Piô X, khi được một vị thượng khách quen thân xin để lại một câu làm bút tích ghi nhớ suốt đời, đã hạ bút viết câu : Memento morti : hãy nghĩ tới sự chết thì sẽ sống lành thánh.

 

II. TƯỞNG NIỆM NGƯỜI CHẾT TRONG GIÁO XỨ.

 

          Ngày lễ hôm nay là ngày cầu cho ông bà cha mẹ đã ra đi trước chúng ta. Sáng nay chúng ta đã dâng lễ cầu nguyện cho ông bà cha  mẹ và các đẳng linh hồn. Chiều nay chúng ta cầu nguyện cách riêng cho những người đang nằm tại nghĩa trang này.

          Họ đã ra đi. Vâng, họ đã vĩnh viễn ra đi. Đối với họ, giờ lập công đã kết thúc. Sổ ghi công đã gấp lại. Họ không thể cứu thoát mình, chỉ mong chờ vào chúng ta, những người còn sống.

          Bên phần mộ của những người đang nằm đây, chúng ta hãy lắng tai nghe tiếng rên rỉ từ bên kia vọng lại :”Hỡi người thân nghĩa, hãy nhớ đến chúng tôi, vì bàn tay Thiên Chúa đè nặng trên chúng tôi” (Lời kinh Phụng vụ). Lời ấy chúng ta đã nghe khi tiễn biệt người quá cố .  Lời ấy có lẽ chúng ta đã hứa nhưng quên mất rồi, trong khi người thân yêu đang nằm chờ trong luyện ngục.

 

          Từ ngày thành lập giáo xứ đến nay (tức tháng 11 năm 1955), đã có bao nhiêu người đã ra đi.  Biết bao nhiêu người đã đổ mồ hôi, bỏ ra nhiều công sức và tiền của để xây dựng giáo xứ. Chúng ta không biết hết, chỉ có Chúa mới biết rõ. Hôm nay chúng ta dâng thánh lễ cầu nguyện cho họ, xin Chúa trả công cho họ theo công sức họ đã dành cho giáo xứ. Xin Chúa tha phần phạt cho họ và đem họ vào Nước Chúa hưởng hạnh phúc vinh quang muôn đời.

 

III. MỘT GỢI Ý.

 

          Trong bầu khí linh thiêng buổi tối hôm nay tại nghĩa trang, chúng ta thấy gần gũi những người đã chết vì anh chị em đang đứng bên cạnh mộ của họ. Chắc hẳn những người đang năm nơi đây nhất là ông bà cha mẹ muốân nói với chúng ta đôi điều, nhưng rất tiếc, họ không thể nói được. Tôi xin thay lời cho họ để nói với anh chị em một câu thôi, một câu rất ngăn gọn :

                                     

                                      SỐNG  SAO  CHẾT  VẬY.

 

          Chắc ai cũng muốn cho mình có một ngày chết rất tốt đẹp, một ngày đáng mừng, chứù không muốn ngày chết là ngày thê lương đáng phải nhận lấy câu nguyền rủa của Chúa Giêsu :”Thà rằng nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24).

          Tương lai thì còn xa, nhưng tương lại nằm trong hiện tại.  Giờ chết của chúng ta lệ thuộc vào giờ phút hiện tại bởi vì “cây tốt thì sinh quả tốt(x. Mt 7,17-18). Cứ nhìn vào cuộc sống hiện tại thì có thể biết giờ chết của ta sẽ ra như thế nào vì theo Kinh thánh thì “Trẻ đi lối nào, thì già đi lối đó”. Cái cây đã nghiêng về phía nào thì sẽ đổ về phía ấy.

          Một điều chắc chắn nữa là ngay sau khi chết mỗi người sẽ phải thanh toán với Chúa về cuộc sống của mình theo nguyên tắc “hữu công tắc thưởng, hữu tột tắc trừng” như sách Huấn ca đã nói :”Trong ngày mệnh chung, trả cho con người theo lối họ đã sống, đối với Đức Chúa, là chuyện thật dễ dàng” (Hc 11,26)

 

          Vậy, đứng bên cạnh mộ ông bà cha mẹ, họ hàng, chúng ta có ý nghĩ gì, đã có quyến tâm nào chưa ?

          Thời gian đang chời đợi chúng ta.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

 


Mục Lục