LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
MẸ MARIA LÀ ƯU PHẨM
CỦA THIÊN CHÚA
(Kh 11, 19a; 12, 1-6a. 10; 1Cr 15, 20-27; Lc
1, 39-56)
Mỗi lần mừng lễ về Mẹ Maria,
chúng ta được mời gọi hướng về Mẹ như là một kiệt tác của Thiên Chúa, một thụ
tạo được ưu tuyển và trổi vượt trên hết mọi loài được dựng nên. Bởi vì Mẹ đã
được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn cách đặc biệt. Không những thế, Thiên
Chúa còn gìn giữ Mẹ cách nhiệm mầu trong chương trình cứu độ. Những ân huệ đó
không thể có nơi bất cứ loài thụ tạo nào ngoài Mẹ.
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính
trọng thể lễ Đức Maria hồn xác về trời. Khi mừng lễ này, phụng vụ mời gọi chúng
ta cùng nhau khám phá vị thế ưu việt của Mẹ trong chương trình cứu độ nơi tín
điều, truyền thống và giáo huấn của Giáo Hội. Mặt khác, việc Đức Maria hồn xác
lên trời có tầm ảnh hưởng thế nào đến đời sống đức tin và niềm hy vọng của
chúng ta?
1.
Giáo
huấn của Giáo Hội
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu
về Giáo Huấn của Giáo Hội qua biến cố Đức Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.
Lễ Đức Mẹ lên trời là lễ
trọng, và cũng là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành
trong Giáo Hội hiện nay.Vào thời điểm đầu, lễ này được gọi là lễ Đức Mẹ an
giấc. Nhưng đến năm 1950, Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII đã đổi tên thành lễ Đức Mẹ
lên trời qua Tông hiến Munificentissimus
Deus. Với tín điều này, Giáo Hội
tin nhận: “Thân xác của Người Phụ Nữ
đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối
rữa”; “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời
Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và
xác vào trong vinh quang thiên quốc” (Tông hiến
Munificentissimus Deus). Từ lời tuyên bố long trọng hôm ấy, đã trở thành
chân lý đức tin cho toàn thể Giáo Hội hôm nay.
Với lời tuyên tín trên, Đức
Giáo Hoàng đã liệt kê bốn chân lý tuyệt đối thuộc về lòng tin nơi Đức Maria.
Bốn chân lý đó là: 1) Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; 2) Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên
Tội; 3) Đức Maria Đồng Trinh Trọn Đời; 4) Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.
Khi tuyên bố cùng lúc
những đặc ân đó của Đức Mẹ, Giáo Hội muốn cho các tín hữu hiểu được cách tổng
quát những ân huệ cao cả của Đức Maria, và đây cũng là dịp để xác tín hơn nữa
những nguyên lý liên quan đến việc Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.
Nguyên lý thứ nhất: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vì Mẹ được ưu tuyển để đón nhận việc
cưu mang và sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa, và Đấng Cứu Thế là Thiên Chúa, nên Mẹ
cũng là Thân Mẫu Thiên Chúa.
Việc được Thiên Chúa cất
nhắc cả hồn xác Mẹ về trời là điều không có gì khó hiểu, bởi lẽ cả cuộc đời của
Mẹ đã hiệp thông cách chặt chẽ vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức
Giêsu. Nên khi Đức Giêsu về trời, Ngài không thể để lại để thân xác của người mẹ
yêu dấu phải hư nát trong mồ được.
Nguyên lý thứ hai: vì Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi cách nhiệm
mầu, nên khi mang thai và sinh hạ Đấng Cứu Thế quyền năng, Mẹ vẫn đồng trinh
trước, trong và sau khi sinh. Vì thế, Thiên Chúa không thể để thân xác Mẹ hư
nát nơi lòng đất và đã đưa cả hồn lẫn xác Mẹ về trời là điều cần thiết để bảo tồn
vẻ trinh nguyên nơi Mẹ.
Nguyên lý thứ ba: nếu trước kia, Nguyên Tổ loài người đã bất tuân, chống lại
Thiên Chúa và đi vào cõi chết, thì khi Đức Maria xuất hiện với lời “Xin
vâng” tuyệt đối, Mẹ đã trở thành Evà mới liên kết mật thiết với Đức
Giêsu – Ađam mới, Đấng là nguồn cội của sự sống, đã từ cõi chết sống lại và lên
trời hiển vinh, thì không có lẽ gì Mẹ lại phải chịu cảnh hư nát, bởi vì hư nát
là kết quả của tội lỗi. Như vậy, Mẹ đương nhiên và rất hợp lý để được đưa lên
trời cả hồn lẫn xác (x. GLHTCG số 963- 975).
Tóm lại, ngay từ khi thân xác Mẹ cưu mang chính xác thân Đấng Cứu Thế, thì Đức Giêsu
con của Mẹ, đồng thời là Thiên Chúa đã thánh hóa Mẹ cả xác và hồn ngay từ lúc
đầu thai. Vì vậy, sự phục sinh của Đức Giêsu không thể tách rời việc phục sinh
Thân Mẫu là người đã cưu mang cây sự sống nơi cung lòng thanh khiết của mình.
Mẹ không thể “nhục thân bất hoại”
theo lẽ thường được.
1.
Cùng với Mẹ ngợi khen
Thiên Chúa
Như
vậy, mỗi khi mừng lễ Mẹ lên trời, chúng ta hãy cùng với cả triều thần ca mừng
Nữ Hoàng Thiên Quốc: “Kìa bà nào xuất
hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai
hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Dc 6,10).
Thật vậy, phụng vụ hôm nay
làm toát lên vẻ huy hoàng và sắc thái hân hoan, vì: kể từ đây, Mẹ nắm giữ vai
trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất; làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân
loại.
Mẹ đáng được mọi đời khen
ngợi vì Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”; “Thiên
Chúa ở cùng Mẹ”. Mẹ trở thành Evà mới, thành cây quả phúc mà Thiên Chúa đem
trồng vào vườn Địa Đàng mới để được cưu mang và sinh ra quả phúc trường sinh là
chính Đấng Cứu Thế.
Sự xuất hiện của Mẹ đã đưa
nhân loại sang một trang sử mới. Lịch sử cứu độ được mở ra với biết bao ân huệ.
Đứng trước hồng ân lớn lao mà
Thiên Chúa ban cho Mẹ, và đặt mình trong tâm tình của Mẹ, chúng ta hãy cất cao
lời ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã làm nơi Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí
tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người
đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,
46-48).
Đây chính là lời kinh tuyệt
mỹ mà Mẹ Maria đã cất lên để ca tụng Thiên Chúa, và đây cũng là những cảm
nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho Mẹ cách nhiệm mầu.
Biến cố Mẹ được đưa về
trời, đã đem lại cho con người niềm hy vọng lớn lao và tuyệt đối.
Bởi vì sự phục sinh của
Mẹ gắn liền với sự phục sinh của Đức Kitô: “Đức
Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu [...]
cũng được Thiên Chúa cho sống lại” (x. 1Cr 15, 20-22).
Qua biến cố này, mặc
khải cho chúng ta rằng: Mẹ Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, và nếu
chúng ta theo chân Mẹ, sống như Mẹ và thực hành Lời Chúa cách yêu mến, trung
thành thì mai ngày cũng được lên trời hiển vinh như Mẹ. “Cuộc Lên Trời của Đức Trinh Nữ rất thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị
vào sự Phục sinh của Con mình và là việc thể hiện trước sự phục sinh của các
Kitô hữu khác” (GLCG, số 966). Bởi vì “Mỗi
người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm
thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (x. 1Cr 15, 23-24) cũng sẽ được phục
sinh như Người.
“Mẹ Lên
Trời là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội về ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho mọi
người chúng ta. Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng trông cậy vững vàng
và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG. số 69). Mẹ Lên Trời, nhận
lãnh vai trò Nữ Vương Trời Đất, hơn bao giờ hết, Mẹ trở nên gần gũi với mọi
thành viên trong gia đình nhân loại, và như thế: “Trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được kêu cầu bằng các tước hiệu
là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian” (GLHTCG. số 969).
Như vậy, việc Mẹ được
đưa lên trời cả hồn lẫn xác đem lại niềm hy vọng phục sinh của tất cả chúng ta.
Mầu nhiệm Mẹ được rước
lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhắc
nhở chúng ta cầu nguyện với Mẹ, mà còn hy vọng được trường sinh để cùng Đức Mẹ
mãi mãi chúc tụng Thiên Chúa. Amen.