NGÀY 02-02
LỄ ĐỨC MẸ DẤNG CHÚA VÀO ĐỀN
THÁNH - LỄ NẾN
ĐỨC GIÊSU – ÁNH SÁNG SOI
MUÔN DÂN
(Ml 3, 1-4; Dt 2, 14-18; Lc
2, 22-40)
Có
một câu chuyện kể về người nông dân: ông ta trồng trong vườn nhà mình nhiều
loại trái cây. Hằng năm, mỗi khi mùa trái cây về, những hoa trái đầu tiên, ông
ta nhất định phải hái để dâng kính tổ tiên. Khi được hỏi lý do, ông trả lời:
“Sống trên đời phải có hiếu nghĩa với đấng sinh thành, hơn nữa, hôm nay, tôi
được hưởng những hoa trái này cũng là do công khó của tiền nhân đi trước để
lại. Vì thế, việc dâng tiến các cụ hoa
trái đầu mùa là thể hiện sự hiếu kính, lòng biết ơn và chân nhận công khó của
các ngài để lại”.
Hôm
nay, Phụng Vụ Giáo Hội cũng làm toát lên ý nghĩa việc Đức Maria dâng lên Thiên
Chúa hoa quả đầu mùa của Mẹ là chính Chúa Giêsu để bày tỏ sự hiếu kính, tôn thờ
và vâng phục của Mẹ đối với Thiên Chúa.
1.
Lịch sử ngày lễ
Lễ
Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ được mừng kính ở thế kỷ V tại Giêrusalem.
Vào ngày kết thúc mùa giáng sinh, tức là 40 ngày sau lễ giáng sinh, Giáo Hội
tại Giêrusalem tổ chức rất long trọng biến cố này. Sau đó, vào năm 650 của thế
kỷ VII, lễ này được mừng kính rộng rãi trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ.
Tuy nhiên, lối hiểu và cách thức diễn tả của Giáo Hội Đông
Phương thì nhấn mạnh đến việc gặp gỡ. Gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Người.
Hình ảnh cụ già Simêon và nữ tiên tri Anna chính là biểu trưng cho dân Chúa
thời Cựu Ước mong chờ Đấng Cứu Thế, hôm nay, Đấng ấy đến, Ngài là Ánh Sáng
chiếu soi muôn dân. Còn đối với Giáo Hội Tây Phương thì tập trung vào ý nghĩa
của việc Đức Maria Dâng con vào đền thờ và việc tẩy uế theo Luật nơi Mẹ Maria
(x. Lv 12).
Trong những năm cuối thế kỷ thứ VII, đầu thế kỷ thứ VIII
(678-701), Đức Giáo Hoàng Sét-gi-ô I đã quyết định thêm vào đó nghi thức rước
nến trước thánh lễ. Cũng chính từ đây, lễ này còn được gọi là Lễ Nến, bởi vì
trước thánh lễ có nghi thức làm phép nến ở tiền sảnh nhà thờ hay một nơi nào đó
thuận tiện, và sau đó kiệu nến vào trong nhà thờ để cử hành thánh lễ. Điều này
làm toát lên ý nghĩa Đức Giêsu chính là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân. Hôm nay
Ngài đã đến và soi chiếu dân Người. Chính vì lý do này mà sau này, phụng vụ
Giáo Hội tập trung và quy hướng về Đức Giêsu nhiều hơn về Đức Mẹ để làm toát
lên vai trò là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân nơi Đấng Cứu Thế.
Trong phần khai mạc và cuộc rước nến, Đức Giáo Hoàng và đoàn
đồng tế mặc phẩm phục tím nói lên sự sám hối và ý hướng muốn được thanh tẩy.
Điều này ngầm ám chỉ về Đức Maria chưa được thanh tẩy theo luật Dothái sau khi
sinh con.
Khi đoàn rước tiến tới cửa đền thờ Đức Bà Cả, thì Chủ tế và đoàn
đồng tế thay lễ phục màu trắng để diễn tả sự tinh tuyền, trong sạch của Đức
Maria .
2. Ý nghĩa của ngày lễ
Hình ảnh nổi bật và ý nghĩa của ngày lễ chính là việc Dâng Đức
Giêsu trong đền thờ. Việc Đức Giêsu được dâng lên cho Thiên Chúa trước sự vui
mừng và hạnh phúc của cụ già Simêon và nữ tiên tri Anna đã làm toát lên ý nghĩa
của sự khao khát đợi trông của dân Itrael về Đấng Cứu Thế. Hôm nay, Ngài đến,
Ngài đã trở thành Ánh Sáng chiếu soi nhân loại, trở thành trung tâm điểm của
mọi tâm hồn.
Ngoài việc tập trung vào Chúa Giêsu như là Ánh Sáng soi chiếu
muôn dân, Giáo Hội còn mời gọi con cái mình hướng về Mẹ Maria và thánh Giuse
như là những mẫu gương công chính và thánh thiện.
Sự công chính và thánh thiện ấy được tìm thấy rõ nơi cung cách
của thánh Giuse và Mẹ Maria. Các ngài đã trở thành nữ tỳ và tôi trung của Thiên
Chúa, vì thế, sự khiêm nhường và vâng phục đã được tìm thấy nơi các ngài như là
điểm son của đời sống thánh thiện.
Việc dâng Đức Giêsu, người Con Chí Ái và duy nhất lên cho Thiên
Chúa đã thể hiện điều đó. Mặc dù các ngài thừa hiểu rằng: Người Con mà mình sắp
dâng cho Thiên Chúa đây chính là Thiên Chúa làm người. Ngài là Chúa tể trời
đất. Là Ánh Sáng cho muôn dân. Tuy nhiên, vì muốn trung thành với Luật và thể
hiện lòng biết ơn Thiên Chúa, nên các ngài đã sẵn sàng tiến lên đền thờ để thi
hành bổn phận như mọi người.
Thật vậy, theo truyền thống thì việc dâng con có thể thực hiện
tại nhà. Còn việc tẩy uế nơi người mẹ thì cũng không nhất thiết phải cả chồng
cùng đi. Tuy nhiên, vì yêu mến đền thờ, yêu mến nhà Thiên Chúa, nên các ngài đã
vượt mọi khó khăn để lên đền thờ tiến dâng Đức Giêsu và thanh tẩy người Mẹ theo
Luật định.
Như vậy, sự thánh thiện qua việc vâng lời đã làm cho thánh Giuse
và Mẹ Maria xứng đáng được coi là những con người tốt lành và gương mẫu.
Dấu chỉ tiềm ẩn dành cho một gia đình tốt còn được biểu hiện qua
việc sống nghèo và chịu nhiều đau khổ. Hình ảnh cặp bồ câu non chứng minh cho
cái nghèo của gia đình Thánh Gia. Mặt khác, lời tiên tri của cụ già Simêon tiên
báo về cuộc khổ nạn mà Đức Giêsu phải chịu và nỗi đau trong tâm Mẹ Maria như
muốn tô đậm thêm điểm tốt của một gia đình trung thành với lề luật và Thiên
Chúa để đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời.
Tuy nhiên, điều quyết định để thánh Giuse và Mẹ Maria thực sự
trở nên một con người bình an, thánh thiện và tốt lành, đó là có sự hiện diện
của Đức Giêsu trong gia đình và nhất là nơi tâm hồn.
Mỗi khi mừng lễ Đức Mẹ dâng Chúa vào đền thờ, mỗi người chúng ta
được mời gọi nhớ lại Bí tích Rửa Tội chúng ta đã lãnh nhận. Ngày đó, mỗi chúng
ta được thuộc trọn về Chúa. Được trở nên con cái Thiên Chúa. Cũng chính từ đó,
chúng ta được mời gọi đón nhận Ánh Sáng Chúa Kitô trong cuộc đời của mình, đồng
thời có sứ mạng lan tỏa Ánh Sáng ấy cho người khác.
Khi đã thuộc về Chúa và đi theo Ánh Sáng là chính Ngài, chúng ta
được mời gọi thực thi Lời Chúa cách yêu mến và trung thành như Mẹ Maria và
thánh Giuse đã trung thành giữ luật trong lòng mến.
Mừng lễ dâng Chúa vào đền thờ hôm nay, chúng ta còn được mời gọi
hãy tín thác và phó dâng cuộc đời, sự nghiệp, tương lai của chúng ta cho Chúa
để được sống dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ và soi dẫn của Người.
Lạy
Chúa Giêsu là Ánh Sáng chiếu soi trần gian. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng
con được trung thành và yêu mến Luật Chúa như Mẹ Maria và thánh cả Giuse, để
luôn được đi trong Ánh Sáng của Ngài. Amen.