NHÂN THÁNG MƯỜI MỘT - NGHĨ SUY VỀ CÁI CHẾT
Tu sĩ: Jos.Vinc.
Ngọc Biển, S.S.P.
Khi chọn Tháng Mười Một là
tháng dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn, Giáo Hội muốn mời gọi con cái
của mình một mặt tưởng nhớ tới những người đã khuất để cầu nguyện cho họ. Mặt
khác, Giáo Hội cũng muốn chính những người còn đang sống hãy nghĩ đến thân phận
của mình, một ngày nào đó rồi cũng sẽ phải ra đi như những người thân yêu của
mình đã lần lượt lìa bỏ thế gian để về với thế giới bên kia. Nay tôi – mai bạn.
Vậy, đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Cuộc đời sẽ đi về đâu? Bên kia cõi chết là
gì? Qua bài viết này, người viết xin được khiêm tốn chia sẻ những gẫm suy về ý
nghĩa cái chết của những người có niềm tin.
Trong Mười Điều Răn, Thiên
Chúa đã dành hẳn Điều Răn Thứ Bốn nói về lòng hiếu thảo của con cháu đối với
ông bà cha mẹ. Đây không phải là lời khuyên mà là một luật buộc phải thi hành
như Các Điều Răn khác.
Vậy hiếu kính cha mẹ là
yêu mến, biết ơn, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và cầu nguyện cho các
ngài khi đã qua đời. Nhưng mang trong mình những giới hạn nhất định, nên nhiều
khi chúng ta đã không thể chu toàn được với các ngài.
Thật thế, không ai có thể
chu toàn lòng kính mến, hiếu thảo đối với những bậc ông bà, cha mẹ, hoặc vuông
tròn sự yêu thương hoà đồng giữa anh chị em ruột thịt trong nhà và bà con thân
thuộc lối xóm. Cho dù nếu có, thì trong Tháng Các Linh Hồn này, Hội Thánh cũng
nhắc nhở chúng ta làm mới lại những yêu thương ấy đối với những người đã khuất,
để từ đó làm mới lại mối dây liên lạc yêu thương, tương kính với những người
đang sống. Những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.
Truyền thống của Giáo Hội
dạy cho ta biết rằng: các linh hồn là những người đã một thời sống cùng, sống
với chúng ta trên cõi trần này, nhưng các ngài đã ra đi trước. Vì khoác trên
mình thân phận của con người, nên nhiều khi các ngài mang lấy tội mà đi vào cõi
chết. Những lỗi lầm đó có thể là do yếu đuối của các ngài, có khi vì
chúng ta mà các ngài phải bị liên luỵ.... Như vậy, trước khi về hưởng trọn vẹn
niềm vui và hạnh phúc bên Chúa như các thánh, các ngài phải thanh luyện cho
xứng đáng trước sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa. Những người còn sống có
thể dâng thánh lễ, làm các việc lành đạo đức, dâng những hy sinh, hãm mình...
để cầu nguyện cho các linh hồn. Mặt khác, khi cầu nguyện cho các các ngài, Giáo
Hội muốn cho chúng ta hiểu được rằng, đây còn là thái độ của lòng biết ơn. Vì:
trước hết, ta sống là nhờ cha mẹ và người thân. Ai trong chúng ta cũng đều lớn
dần lên ngang qua sự vất vả một nắng hai sương của cha mẹ. Từ những đêm thức
trắng lo toan, đến những tần tảo quanh năm suốt tháng để ta được nuôi dưỡng nên
người. Trong nụ cười của chúng ta có sự chết (hy sinh) của cha mẹ.
Trong niềm vui của chúng ta có đau khổ của đấng sinh thành. Và thế rồi, dầu cha
mẹ có khuất núi, thì các ngài lại đang hiện diện nơi con cháu là chúng ta, vì
chúng ta mang trong mình huyết nhục cũng như tinh thần của các ngài. Như vậy,
với niềm tin vào Đức Kitô chết và phục sinh cùng những lời Chúa hứa, chúng ta
phó thác người thân chúng ta nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Ngoài việc đọc kinh, cầu
nguyện... cho các linh hồn thì việc đi viếng nghĩa trang, việc sửa sang phần mộ
là việc tốt. Nhưng điều tốt này lại có ích cho người còn sống nhiều hơn. Bởi
lẽ, từ cái nghĩa trang mà mỗi người thấy đó, từ nấm mồ mà chúng ta đang sửa
sang tô quét ấy, từ những hũ đựng hài cốt trước mặt kia, chúng ta thấy được
kiếp sống vắn vỏi của con người. Suy nghĩ về vấn đề này, thánh Augúttinô
nói: “Mọi sự dầu hay, hay dở, đều không chắc chắn, chỉ sự chết là chắc
chắn sẽ xảy đến.” Cái đích điểm mà tất cả mọi người ở trần gian này sẽ phải
đến gặp nhau là ở chỗ: ba tấc đất sâu, và một nấm mộ cô đơn lạnh lẽo. Chính vì
thế mà Giáo Hội muốn chúng ta không dừng lại ở những tấc đất, nấm mộ, mà hãy đi
tìm cho mình một ý nghĩa đằng sau cái chết. Muốn cái chết của mình thật sự có ý
nghĩa, trước tiên hãy nghiêm túc suy nghĩ ngay đến cái chết của chính mình qua
cuộc sống hiện tại, hầu chuẩn bị cho xứng đáng khi đến trình diện với Chúa
trong ngày chết của chúng ta. Thoạt nghe, có vẻ vô lý! Tại sao đang sống mà lại
phải suy nghĩ về cái chết?
Thiết nghĩ, trước khi bàn
về vấn đề này, tưởng cũng nên nhắc lại những tâm tình trong Kinh Thánh và lời
của các các thánh nói về cái chết: “Chính anh chị em đã rõ: ngày của Chúa
sẽ đến bất ngờ, như kẻ trộm lúc đêm khuya.” (1Tx 5, 2); " Hãy
tỉnh thức, vì Con Người sẽ đến phán xét chúng ta vào giờ chúng ta không
ngờ" (Lc 12,40); còn thánh Grêgory đã nói về cái chết như sau: “Chúng
ta không biết trước sẽ chết giờ nào, để chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng.”;
thánh Bênađô tiếp: vì chúng ta có thể chết bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu, nên
muốn chết lành, được cứu rỗi, phải sẵn sàng đón nhận sự chết: “Thần chết
đến bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu, nên chúng ta phải luôn sẵn sàng chờ đợi nó”.
Suy niệm đến đây, sực nhớ
cách đây mấy năm, tôi có quen một thầy tu, khi đến thăm, tôi thấy trên bàn học
của thầy luôn có một chiếc quan tài nhỏ, trong chiếc quan tài đó có tấm hình
của thầy và một bản cáo phó mà chính thầy viết cho mình. Khi hỏi thì được thầy
giải thích như sau: chiếc quan tài này là hình bóng của sự chết, bởi vì nó sẽ
ôm trọn xác chết khi con người ta hết hơi. Con người khi còn sống có là vua
chúa quan quyền, hay người phu quét rác; dù là tỷ phú hay người ăn xin; dù là
giáo hoàng hay giáo dân..., chết là hết. Cái chết là sự thật. Nên mỗi khi đi
đâu về, tôi thường hay ngắm nó, và suy nghĩ về cái chết của chính mình. Từ đó
tôi lo sám hối về những thiếu xót và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn bài cáo
phó mà tôi tự tay viết cho chính mình là vì tôi thiết nghĩ: điều tốt cho tương
lai mà tôi muốn, thì hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ. Điều tốt mà tôi mong muốn
cho tương lai là gì nếu không phải là được ở bên Chúa. Vậy ngay từ giây phút
này, tôi hãy lo sống sao cho đáng sống, để cái chết của tôi thật sự là một cuộc
đi về như lời bài hát: “Lạy Chúa, bao ngày tháng con hằng mơ ước, tìm về bên
Chúa, niềm vui suối an hoà...; hay như Trịnh Công Sơn ví cái chết là “một cõi
đi về”.
Nghe đến đây, tôi thực sự
cảm thấy "sốc". Sốc vì tôi sực nhớ đến câu chuyện trong
Kinh Thánh: nhân vật chính của câu chuyện là "một người giàu
có", ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, đến nỗi ông quyết định xây nhiều
kho mới, lớn hơn. Ông nói: "Ta sẽ tích trữ tất cả thóc lúa và của cải vào
đó" và "ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài
nhiều năm, cứ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đã". Nhưng Thiên Chúa bảo ông
ta: "Ðồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi" lúc đó
ngươi tính sao? (x. Lc 12,16 -20). Và chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Ở tận đỉnh
cao của vinh hoa phú quý, người giàu có ấy phải lìa bỏ đời này.... Sốc nữa vì
đây là sáng kiến táo bạo của thầy. Nhưng nghĩ suy một chút, tôi mới nhận ra đây
là một chân lý. Bởi đã có nguời định nghĩa cuộc sống là một hành trình để tiến
tới cái chết. Hay như thánh Phaolô: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”
(1Cr 15,32). Thật thế, mỗi ngày sống là đời ta ngắn lại; mỗi hoàng hôn ta mất
đi một ngày. Sống là đang đi dần tới cõi chết. Sự sống và cái chết nó hoà quyện
lại với nhau.
Thật vậy, cái chết là một
người bạn thân thiết với con người. Chả thế mà thánh Phanxicô Assisi đã gọi nó
là "Chị Chết". Chị Chết này dù muốn dù không, Chị cứ đến
với cuộc đời ta như người nhà. Không cần báo trước, chẳng cần ai dẫn đường. Chị
đến như một người trộm. Như một Ông Chủ bất ngờ trở về sau một thời gian đi xa.
Như vậy, thân phận con người là một cái gì đó mỏng dòn dễ vỡ. Cuộc sống nơi
dương gian này chỉ là tạm bợ. Ý thức được như thế là để xin ơn tha thứ, đồng
thời cũng lo chuẩn bị cho mình một “cái giấy thông hành” trên hành trình về với
Chúa. Giấy thông hành này chỉ có thể mua được là: lòng sám hối, sự canh tân,
việc đạo đức, những hy sinh, hãm mình..., sống và làm theo Lời Chúa dạy. Có
thế, ta mới hy vọng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời với các
thánh.
Ước mong sao trong Tháng
Các Linh Hồn này, mỗi người hãy dâng những hy sinh hãm mình, đặc biệt là Thánh
Lễ để cầu nguyện cho các linh hồn. Đây là tấm lòng biết ơn cao cả mà Chúa muốn
nơi chúng ta khi tưởng nhớ đến người quá cố, đồng thời đây cũng là trách nhiệm
của mỗi người chúng ta khi sống trong mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông. Đàng khác,
đây cũng là thời gian thuận tiện để ta suy nghĩ về chính cái chết của mình.
Thật vậy, suy gẫm về sự
chết là điều cần thiết, giúp ta biết quan tâm hơn đến cuộc sống: làm thế nào để
yêu, để tha thứ và để chấp nhận; làm thế nào để tránh những tội lỗi, những vấp
phạm, và giết chết cái tôi ích kỷ của mình như hạt lúc gieo vào lòng đất để chỉ
còn muốn sống cho Chúa cách trọn vẹn để phụng sự Ngài và phục vụ tha
nhân.
Như vậy, khi suy nghĩ về
cái chết, chúng ta hãy có tâm tình như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là
Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Vì thế, “Không có gì tách được
chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta.” (Rm 8, 39). Và cuối cùng, cái chết đến với tôi như một niềm
hãnh diện: “Còn tôi, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã thi đấu trong cuộc
đấu cao đẹp, đã chạy hết quãng đường dài. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành
cho người công chính. Chúa sẽ trao phần thưởng đó cho tôi, và không phải chỉ
cho tôi, nhưng cho tất cả những ai mong đợi Người” ( 2 Tm 4, 6-8). Chỉ có
chết trong tội mới tách rời chúng ta ra khỏi Chúa, còn chết trong Chúa là một
giải thoát, đưa chúng ta vào sự sống viên mãn của Ngài.