THỨ
SÁU TUẦN THÁNH
BUỔI
CHIỀU THINH LẶNG THÁNH
(Is 52, 13-53, 12; Dt
4, 14-16; 5, 7-9; Ga 18, 1 - 19, 42)
Tu sĩ:
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
“Hỡi không gian rủ sương mù ngàn mây hỡi hãy che
khắp trời cao. Ánh kim ô vụt lu mờ. Vì thương Chúa gánh muôn nỗi khổ đau” (Giờ tử
nạn, Lm. Hoài Đức).
Với những lời hát
rất sâu lắng ấy, tác giả đã dẫn đưa chúng ta đi vào tâm tình của ngày Thứ Sáu
Tuần Thánh trong thinh lặng.
Thinh lặng để thấy,
hiểu, để cảm nghiệm và để thay đổi lối sống cho phù hợp với những gì tốt lành
mà mình đã thấy, hiểu và cảm nghiệm.
Thinh lặng còn làm
cho chúng ta đi vào tâm tư của người khác để cùng họ sống một cuộc sống có ý
nghĩa hơn.
1.
Thinh lặng để thấy
Cũng vậy, trong cuộc
khổ nạn của Đức Giêsu, chúng ta rất cần sự thinh lặng để sống những tâm tình
vừa nêu ở trên!
Trước tiên, thinh
lặng để thấy: thấy Đức Giêsu là Đấng rất thương những người nghèo khổ, những
người thấp cổ bé họng, người ốm đau bệnh tật. Từ đó, Ngài không thể lặng im khi
những điều đó xảy ra với con người dưới những chiêu bài “đánh lận con đen” khi nhân danh tôn giáo, đạo đức, người nghèo để
làm khổ nhau.
Ngài không chỉ lên
tiếng gián tiếp, nhưng Ngài đã “chỉ mặt
đặt tên” nơi những con người có tâm đen tối. Ngài không chỉ nói mà còn hành
động. Ngài không sợ chết mà ngược lại, sẵn sàng lấy mạng sống của mình bảo vệ
những người bị ngược đãi để đổi lấy sự công bằng.
Chính vì thái độ và
lựa chọn của Đức Giêsu như vậy, nên chúng ta thấy Ngài đã bị những người
Pharisêu, Kinh Sư, Thượng Tế ghét bỏ và tìm mọi cách để hạ sát. Với họ, Đức
Giêsu chính là cái gai trong mắt, cái đó ngáng đường. Họ luôn coi Ngài là thành
phần nguy hiểm, cần phải loại trừ ra khỏi xã hội.
Như vậy, chúng ta dễ
dàng nhận thấy phản ứng chống lại Đức Giêsu của những nhà lãnh đạo Dothái thời
bấy giờ rất gắt gao do những nguyên nhân như: ghen tương, thù hận, gian dối,
kiêu ngạo.
Bên cạnh đó, chúng
ta còn nhìn thấy thái độ hoang tưởng và vụ lợi của Giuđa; sợ hãi của Phêrô cũng
như các môn đệ khác; sự thay trắng đổi đen của dân chúng; sự hèn nhát, nhập
nhằng của Philatô….
Trên đây là những
điều chúng ta thấy được qua cuộc thương khó của Đức Giêsu.
2.
Thinh lặng để hiểu
Khi đã thấy được
nguyên nhân dẫn đến cái chết của Đấng Cứu Thế, giờ đây, chúng ta cùng nhau
thinh lặng để hiểu về cuộc thương khó này dưới cái nhìn cứu độ.
Trong cuộc thương
khó của Đức Giêsu, chúng ta thấy có hai tên trộm: một người được gọi là thánh
trộm lành; một người phải gọi là kẻ trộm dữ. Tại sao vậy? Thưa, đơn giản là
người trộm lành đã biết lắng nghe và hiểu được Đức Giêsu là ai! Đặc biệt, trong
thinh lặng, anh ta còn nhận ra tội lỗi của mình để xin Chúa tha thứ. Còn tên trộm dữ đã không biết lắng nghe,
ngược lại, hắn không ngớt chửi rủa và trách móc Đức Giêsu cũng như những kẻ
đóng đinh hắn. Hắn không hiểu được ý nghĩa của cái chết nơi Đức Giêsu, vì thế,
hắn đã tự mình đánh mất “phao cứu sinh”
cuối cùng của cuộc đời đầy tội lỗi. Và như một lẽ tất yếu, hắn đã phải chết như
một kẻ xa lạ với ơn cứu chuộc mà Đức Giêsu mang lại qua cái chết của Ngài.
Cũng như người trộm
lành, qua cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta hiểu được rằng: tình yêu của
Thiên Chúa là vô hạn. Tình yêu ấy đã đi bước trước để đến với nhân loại qua
việc trao ban chính Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì được sống và
sống dồi dào.
Đến lượt Đức Giêsu,
tình yêu ấy được nở hoa cứu độ ngay trên thập giá, bởi vì: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì
người mình yêu”.
Như vậy, chỉ trong
thinh lặng, chúng ta mới có thể nhận ra và cảm nghiệm sâu xa về cái chết của
Đức Giêsu là vì tình yêu, đồng thời, qua đó, chúng ta sẽ nhìn thấu tội lỗi của
chính mình và của nhân loại, ngõ hầu ăn năn, sám hối, để được đón nhận ơn tha thứ từ mầu nhiệm khổ nạn
của Đức Giêsu.
Từ những gì đã thấy, đã hiểu, đã cảm nghiệm,
có lẽ mỗi người chúng ta đều có với nhau một mẫu số chung, đó là: bất bình, lên
án những người đương thời với Đức Giêsu vì sự ác tâm, thất đức của họ, khiến
Đức Giêsu phải chết một cách đau thương tức tưởi như vậy!
Tuy nhiên, trong thinh lặng sâu lắng, chúng ta
cũng nên làm một cuộc cật vấn lương tâm tận đáy lòng mình, để xem thử mình có
liên quan gì đến cuộc thương khó của Đức Giêsu không?
Xét về mặt khách
quan bên ngoài như địa lý, thời gian và đối tượng, có lẽ chẳng thể nào tìm ra
được một ai có những hành động trực tiếp với Đức Giêsu như những người
Pharisêu, Kinh Sư và Thượng Tế khi xưa. Nhưng, xét về sự liên đới tâm linh,
chắc chắn chúng ta không thể vô can nếu không muốn nói là tàn ác chẳng thua kém
những kẻ gây nên cái chết của Đức Giêsu, thậm chí còn nặng hơn nữa!
Thật vậy, nhiều khi
chúng ta sống thực dụng, ham tiền, hám lợi và chuộng danh vọng, những lúc như
vậy, chúng ta đâu khác gì các môn đệ của Đức Giêsu khi các ông tranh giành chỗ
nhất - nhì trong vương quốc mà họ tưởng chừng Đức Giêsu sẽ lập chốn trần gian!
Lại nữa, sự phản
bội, vô ơn và sống hai mặt, nhiều khi lại là lựa chọn chủ đạo của chúng ta
trong đời sống. Khi lựa chọn những thứ đó làm nền tảng cho đời sống của mình,
chúng ta đâu khác gì Giuđa!
Rồi có lúc vì sợ mất
chức, mất quyền, hay nhát đảm, nên đã không dám tuyên xưng đức tin của mình vào
Chúa, nhiều khi chúng ta cũng từ chối thuộc về Chúa khi không dám đứng về phía
sự thật để làm chứng cho chân lý. Những lúc như thế, hình ảnh, thái độ và lựa
chọn của Philatô và Phêrô lại hiện lên thật rõ nét trong từng hành vi và lời
nói của chúng ta!
Cuối cùng, đám đông
dân chúng khi xưa do thiếu hiểu biết, nên đã bị giới lãnh đạo tôn giáo “giật dây”, vì thế, họ đã phản bội Đức
Giêsu. Mới ngày nào họ muốn tôn Ngài làm Vua. Sự kiện đó chỉ cách hôm nay có
mấy ngày, họ đã long trọng đón Vị Vua ấy vào thành với tư cách là Đấng Thiên
Sai, là Vua Israel. Miệng họ cũng đã từng tung hô vang trời lở đất để đón Chúa
vào thành. Tuy nhiên, ngày hôm nay, họ đã thay đổi hoàn toàn!
Nhiều khi chúng ta
cũng vì cái bụng mà sẵn sàng gian lận, đổi trắng thay đen, hay đã có những lần
ta tìm mọi cách kéo Chúa về với phe ta, mặc dù biết những việc ta làm là sai
trái…. Hoặc nhiều khi chúng ta cũng sống theo kiểu a dua với đám đông: “Ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi cũng làm
theo!”.
Đôi khi chúng ta
cũng nhân danh Chúa để làm những điều khuất tất, hoặc lấy Chúa làm bình phong
cho những trái khuấy của mình! Lúc không được như ý muốn, chúng ta cũng phản
bội Chúa bằng việc quay lưng lại với Ngài khi sẵn sàng tôn thờ một ngẫu tượng
nào đó thay cho Chúa. Không còn lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình,
ngược lại, chúng ta đã lấy lời của những thày bói, thày mo và cô đồng….
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy biết noi gương trung thành, yêu mến và can đảm của Đức
Mẹ; người “môn đệ được Đức Giêsu yêu mến”; những phụ nữ Giêrusalem; bà
Verônica; ông Simong và những người đạo đức khác…. Đồng thời, khi suy tôn Thánh
Giá Chúa Giêsu, chúng ta hãy học bài học vâng phục và yêu mến của Đức Giêsu với
Thiên Chúa Cha cách tuyệt đối cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập
tự. Từ đó, mỗi người sẽ tiếp bước trên con đường tình yêu ấy cách trung thành
để đến với tha nhân như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa khai trí mở lòng, để chúng con hiểu
thấu được tình yêu mà Chúa dành cho chúng con qua mầu nhiệm thập giá. Xin cho
chúng con dám cam đảm nói lên lời: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn
nào ích gì?” Từ đó, chúng con biết trung thành, can đảm để thuộc trọn về Chúa
và sẵn sàng làm chứng về Ngài trong mọi hoàn cảnh. Amen.