TUẦN 05 PHỤC SINH
THỨ HAI
HÃY LÀM MỚI LẠI TÌNH YÊU“YÊU SẼ GIỮ LỜI”
(Ga14, 21-26)
Trong
tình yêu, hẳn ai cũng hiểu rằng: “Yêu ai
thì đều muốn cho người mình yêu được hạnh phúc và tìm mọi cách để cho người yêu
của mình được hài lòng...”.
Đây
là tình yêu tự nhiên của con người dành cho nhau. Nhưng tình yêu giữa ta và
Chúa thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ: nếu ta nói mình yêu Chúa, thì Lời Chúa
phải ở trong ta và sẽ chi phối mọi lời nói, hành động và việc làm của ta.
Vì
thế, Đức Giêsu nói: “Ai nghe các giới răn
Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Như vậy, yêu mến
Chúa là giữ lời Chúa truyền, và người yêu mến Thiên Chúa thì sẽ được: “Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người
ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy".
Khi yêu
mến Thiên Chúa, chúng ta yêu Ngài bằng một tình yêu đơn sơ chân thành. Tình yêu
của người con đối với người cha. Tuy nhiên, để tình yêu được nên trọn, chúng ta
còn phải có chiều kích thứ hai, đó là yêu tha nhân như Chúa yêu. Tức là yêu hết
mọi người không phân biệt. Yêu người thương mình và yêu cả người ghét mình. Chỉ
có tình yêu như thế, mới đem lại cho ta hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nếu chỉ
yêu kẻ làm ơn cho mình, thì phải chăng là thứ tình yêu tự nhiên thuần túy.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm mới lại tình yêu của mình với
Chúa. Tức là lấy Lời Chúa làm lẽ sống, làm định luật và tiêu chuẩn để ta yêu và
yêu bằng tình yêu của chính Chúa. Sống và giữ Lời Chúa cách trung thành, không
bóp méo và ngụy biện hay lấy Lời Chúa làm bình phong cho những hành động đen
tối của mình.
Lạy
Chúa Giêsu, Lời Chúa đem lại cho chúng con niềm vui và bình an đích thực. Xin
Chúa ban cho chúng con luôn yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, để Lời Chúa trở thành
lẽ sống và lý tưởng vươn tới sự hoàn thiện của chúng con. Amen.
THỨ
BA
BÌNH
AN LÀ ÂN BAN CỦA ĐỨC TIN
(Ga14,
27-31a)
Bình an là thứ mà con người mọi thời, mọi nơi, từ
già đến trẻ, từ người có quyền lẫn người bình dân, ai ai cũng mong muốn và khao
khát chiếm hữu cho kỳ được.
Tuy nhiên, bình an mà con người tìm kiếm ở đây,
chính là thứ bình an trong trạng thái: không chiến tranh; không bị áp bức, bóc
lột; không ốm đau bệnh tật; không tai nạn rủi ro...
Nhưng điều con người ước mong đó chỉ là thứ bình an
bề ngoài, nó không có chiều sâu và không chi phối hạnh phúc vĩnh cửu. Nó cũng
không thể thiết thực và tồn tại với thời gian. Bởi vì, sự bất ổn trong xã hội
cũng như tâm lý bất an của con người luôn hiện diện và đeo bám chúng ta cách
song song.
Vì thế, chiến tranh vẫn còn đó từ thời Đức Giêsu cho
tới ngày nay. Con người vẫn phải chịu cảnh đau khổ, tai ương, đối xử bất
công... Nhân loại cũng luôn phải đối diện với những căn bệnh thế kỷ mới của
thời đại, gây nên sự chết chóc, tang thương...
Như vậy, nếu chỉ mong được bình an hòng tránh khỏi
những điều bất trắc trên thì nó không đảm bảo hạnh phúc cho chúng ta. Còn bình
an mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ:
Nếu muốn được bình an thực sự, trước tiên phải có
đức tin. Chỉ có đức tin mới cảm nghiệm được sự bình an sâu xa trong tâm hồn.
Bởi lẽ: bình an của Đức Giêsu chính là bình an ngay trong những khổ cực đau
thương, bách hại, mất mát và ngay trong những hiểu lầm oán ghét, bất công...
Như vậy, ơn bình an này chính là ân huệ đức tin và hệ quả của bình an chính là
đem lại ơn cứu chuộc cho con người chứ không phải đem lại cho con người sự an
tâm, đảm bảo phần xác.
Sự
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tình trạng bình an của Chúa
ngay trong những trái ngang của cuộc đời và xã hội. Tức là, cho dù cuộc sống có
bất công, con người có tàn nhẫn, đâu khổ có dồn dập, kẻ thù có lộng hành, sự ác
có chiến thắng, thì với chúng ta, những người tin Chúa, chúng ta hãy nhìn tất
cả chiều kích đó dưới con mắt đức tin và tâm niệm rằng: tất cả đều sinh ích cho
người có lòng yêu mến Chúa, và với ân sủng của Chúa, thì Ngài có thể biến từ sự
dữ trở nên sự lành.
Có
được tâm tình đó, chắc chắn chúng ta có được sự an bình thư thái, và bình an
của Chúa sẽ ngự trị nơi tâm hồn chúng ta.
Lạy
Chúa Giêsu, ơn ban bình an của Chúa là quà tặng vô giá Chúa ban cho các môn đệ
và cũng cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn được ở trong sự bình an
đó hôm nay và mãi mãi. Amen.
THỨ
TƯ
KẾT HỢP ĐỂ SINH HOA TRÁI
(Ga,
15,1-8)
Khi
nói đến cây nho, chúng ta nghĩ ngay đến bà con nông dân khu vực duyên hải Miền Trung
Việt Nam, bởi vì nơi đây, phong trào trồng nho đã trở thành nghề chính của
người dân. Khi trồng nho, người ta phải chăm bón, và nhất là cắt tỉa đúng quy
cách mới mong một vụ mùa bội thu. Nếu không biết chăm bón đúng cách và không
dám cắt tỉa, cây nho sẽ không sinh trái hay chỉ sinh ra những trái sâu xi, sần
sùi, èo ọt...
Hôm
nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Ngài với
dân và đồng thời cũng nói lên thực tại Nước Trời ngang qua hình ảnh cây nho và
cành nho.
Cây
nho là thứ cây trồng chủ yếu của người Palestina thời Đức Giêsu. Cây nho còn là
biểu trưng của chính dân Iraenl. Vào thời Cựu Ước, các tiên tri đã lên tiếng
cảnh tỉnh dân chúng khi mượn hình ảnh cây nho không trái hay cho ra những loại
rượu đắng chát không đạt tiêu chuẩn để nói lên sự thờ ơ, bất trung, phản bội
của dân với Thiên Chúa.
Hôm
nay, Đức Giêsu cũng dùng lại hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó và hệ quả
của nó trong tương quan giữa Ngài với ta. Vì vậy, Ngài đã ví mình là cây nho,
chúng ta là cành nho. Đồng thời, Ngài cũng tiên báo, muốn được sinh hoa trái
thiêng liêng, ắt phải cắt tỉa những cành ích kỷ, vụ lợi, giả hình, kiêu ngạo,
gian dối, bất công..., để từ đó nảy thêm những mầm nho mới và sẽ sinh ra hoa
trái của chân thực, nhân từ, bao dung, khiêm nhường, từ bi, nhân hậu...
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy kết hợp với Chúa như cành nho với
thân nho, như hình với bóng, để sự sống của ta là của Chúa và hoa trái được
sinh ra chính là hoa trái cùng dòng giống với Đức Giêsu.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, chúng con là cành. Xin cho chúng con mãi mãi được
gắn bó với Chúa như cành liền cây, để chúng con được ơn cứu chuộc và chia sẻ
hoa trái cứu chuộc đó cho anh chị em xung quanh. Amen.
THỨ
NĂM
NẾU...
THÌ SẼ...!
(Ga,
15, 9-11)
Đau buồn, trăn trở, xao xuyến và lưu luyến trước sự
ra đi vĩnh viễn của người thân là lẽ thường tình. Nhất là sự ra đi ấy lại là
cái chết. Vì thế, trước sự chia lìa đó, người ta thường trăn trối cho nhau
những lời tâm huyết phát xuất từ đáy lòng. Người trăn trối thì thỏa lòng, người
đón nhận thì trân trọng và coi đây như lời thiêng liêng nên tìm mọi cách để thi
hành.
Hôm nay, Đức Giêsu biết mình sắp rời bỏ thế gian để
về với Chúa Cha, nên trong tình nghĩa thầy trò và nhất là vì sứ vụ chuyển trao,
nên Đức Giêsu đã có những lời trăn trối với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như
vậy”. Tiếp theo, Ngài căn dặn các ông: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy,
anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.
Đến đây, chúng ta liên tưởng đến những lời truyền
dạy của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Như vậy, với văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng:
lệnh truyền yêu thương là điều Đức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ của mình...
Ngài cũng muốn các ông trải dài lệnh truyền ấy không chỉ bằng lời nói, mà là
hành động.
Tuy nhiên, suốt hơn hai ngàn năm qua đi, sự giàu có,
quyền lực và thực dụng... đã làm cho con người ngày càng xa rời nhau khi sự
phân biệt giàu nghèo được thiết lập ngay tại tâm can của con người. Vì thế,
người ta không ngừng củng cố uy tín bằng quyền lực mà quên đi tình thương. Sự
liên đới trong tinh thần trách nhiệm phải chăng là điều xa xỉ, quan điểm chụp
giật là đề tài được nhiều người lựa chọn! Bởi vì mục đích của họ là thỏa mãn cái
bụng, củng cố cái ghế, chứ không phải sống và thi hành tâm tư lòng thương xót
của Thiên Chúa.
Thế nên, xã hội và con người hôm nay nhiều khi không
màng chi đến tín nghĩa, ân tình và lòng từ bi thương xót... Lời trăn trối của
Đức Giêsu khi xưa phải chăng đã đi vào quên lãng?
Không! Nếu con người và xã hội hôm nay không chấp
nhận đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, thì chúng ta, những người Kitô hữu,
mỗi người không thể thờ ơ trước lời trăn trối đầy yêu thương của Đức Giêsu
được. Bởi lẽ đây là điều căn bản thể hiện căn tính của người Công Giáo. Mất đi
bản chất này, chúng ta không còn là Kitô hữu đúng nghĩa!
Lạy Chúa Giêsu, những lời trăn trối của
Chúa hôm nay đã làm cho mỗi người chúng con phải tự cật vấn lương tâm mình, để
sống sao cho phù hợp với tư cách người môn sinh của Chúa trong thế giới hôm
nay. Amen.
THỨ
SÁU
“YÊU
NHƯ THẦY”
(Ga15,
12-17)
Yêu và muốn được yêu chính là nhu cầu của con người.
Nếu vắng bóng tình yêu, con người chỉ còn có cách đối xử với nhau như loài vật.
Họ sẽ cắn xé nhau chỉ để đảm bảo việc sinh tồn mà thôi.
Thấy được tầm quan trọng của tình yêu giữa người với
người, và cũng thấy được sự cao quý của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Hơn thế nữa, cần phải làm cho bản chất của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc
sống của người môn đệ, nên Đức Giêsu đã truyền và dạy cho các ông bài học yêu
thương khi nói: “Anh
em hãy thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em”.
Khi
nói như thế, Đức Giêsu muốn cho những ai tin và tiếp bước thì cũng được hòa vào
và đi trong đường lối yêu thương của Thiên Chúa để được hạnh phúc. Đồng thời
cũng cần sống và diễn tả tình yêu ấy cho người khác.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu
thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong
đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với
mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như một người tôi tớ... và cuối cùng, coi sự
sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho
người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi yêu như Chúa,
chúng con hiểu cả! Nhưng sống điều mình hiểu thật là không dễ chút nào! Xin
Chúa ban cho chúng con quả tim, đôi mắt, đôi tai, đôi tay và đôi chân của Chúa,
để chúng con can đảm thực thi lệnh truyền yêu thương của Chúa trong niềm tin,
lòng mến và sự phó thác. Amen.
THỨ BẢY
XIN CHO ĐƯỢC XỨNG ĐÁNG
(Ga 15,18-21)
Người
Công Giáo mọi thời, mọi nơi luôn gặp phải những thử thách, bắt bớ. Thực trạng
này càng rõ rệt hơn nữa trong những năm gần đây: nhiều linh mục, tu sĩ và giáo
dân bị bắt, giết chết cách tàn nhẫn ác ôn...!
Tại
sao vậy? Thưa, chỉ vì người Kitô hữu mãi mãi là khách lạ trên cuộc đời này khi
không chịu khuất phục những điều gian dối, bất nhân trái với luân lý và giá trị
Tin Mừng... Vì thế, việc bắt bớ, loại trừ là điều mà những kẻ chống đối Giáo
Hội luôn nhắm tới chúng ta.
Tin
Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng cảnh báo cho các môn đệ biết trước những đau khổ
mà các ông sẽ phải chịu vì danh Ngài. Đồng thời, Ngài cũng đưa ra một quy luật:
“Tôi tớ không trọng hơn chủ được”; “Nếu
thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”; “Nếu họ bắt
bớ Thầy, họ cũng bắt bớ anh em”.
Tuy
nhiên, mỗi người chúng ta khi đứng trước thử thách, đau khổ, bách hại... cần
phải có thái độ:
Thứ
nhất: Thiên Chúa luôn thanh luyện con người bằng thử thách để xứng với vinh
quang mà Ngài sẽ ban cho sau những khổ đau ấy. Bởi vì: nếu ta cùng lao khổ với
Người thì cũng được vinh hiển với Người
(x. Rm 8,17). Những bất hạnh, mất mát và thiệt thòi ở đời này không đáng là gì
so với vinh quang sẽ tỏ hiện mai sau (x. Rm 8,18).
Thứ
hai: chỉ những ai bền đỗ đến cùng trong thử thách mới được cứu độ (x. Mt
10,22). Triều thiên sự sống chỉ có thể trao ban ở cuối đường cho những ai trung
thành (x. Kh 2,10).
Thứ
ba: cần có thái độ như thánh Phaolô: mọi sự đều mưu ích cho con cái Chúa (x. Rm
8,28) và Ngài không thử thách quá sức chịu đựng của con người.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô hữu của mình.
Khi mang danh hiệu này, chúng ta thuộc về Đức Kitô, được thông phần đau khổ với
Ngài và được vinh hạnh cùng Ngài cứu chuộc thế giới ngang qua những đau khổ mà
chúng ta phải chịu vì danh Đức Giêsu. Vì thế: những trái khuấy dồn dập tư bề;
những đau khổ về tinh thần lẫn thể xác như: bị bắt bớ, đánh đập và ngay cả cái
chết... chúng ta hãy vui mừng hân hoan, bởi lẽ, lúc đó, chúng ta được trở nên
giống Đức Giêsu hơn bao giờ hết và thật vinh hạnh vì được thuộc về Ngài chứ
không thuộc về thế gian.
Lạy Chúa Giêsu, vì danh Chúa, nhiều khi chúng con bị khổ cực đắng cay. Xin Chúa ban sức mạnh, để chúng con trung thành vác thập giá hằng ngày cho nên. Amen.