TUẦN 04 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
SỨ VỤ CỦA ĐẤNG THIÊN SAI
(Mc 5,1- 20)
Có những cái nhìn và lối
suy nghĩ đã đi vào truyền kiếp. Nếu cái nhìn tích cực thì lối suy nghĩ cũng
tích cực, nếu không thì ngược lại!
Người Dothái thời Đức
Giêsu cũng vậy! Họ đã nhìn ai với cái nhìn khinh bỉ thì muôn đời, con người đó
không có điểm nào tốt được!
Thật vậy, vào thời Đức
Giêsu, dưới con mắt của người Dothái, dân ngoại là dân đáng bị miệt thị, là dân
luôn sống trong tội lỗi và dưới ách thống trị của Ma Quỷ.
Tuy nhiên, khi Đức
Giêsu đến, Ngài không còn phân biệt lằn ranh giữa Dothái hay dân ngoại, nhưng sứ
vụ của Ngài là đem ơn cứu độ đến với muôn dân.
Tin Mừng hôm nay trình
thuật việc Đức Giêsu đến vùng Ghêrasa
và làm phép lạ xua đuổi Ma Quỷ ra khỏi người bị quỷ ám.
Qua phép lạ này, dưới con mắt người đời, thì đây là một sự thành công, vì
người bị Quỷ ám có một sức mạnh phi thường, không ai đụng tới hắn được, bởi lẽ
anh ta bị cả một cơ binh Quỷ nhập vào. Một cơ binh chính là tên gọi của một đạo quân Lamã thời ấy
và có khoảng 6.826 người lính. Như vậy, số Quỷ nhập vào người này cũng đông vô
số kể như vậy. Khi Ma Quỷ nhập vào người thanh niên này, anh ta mạnh khỏe phi
thường.
Phép lạ này cho thấy, Đức Giêsu có quyền năng trên Ma Quỷ, Ngài đến để giải
thoát con người khỏi bị ràng buộc bởi sự dữ. Đem lại cho họ cuộc sống tự do.
Nhưng cái giá mà Ngài
phải chịu, chính là sự loại trừ của những Luật Sĩ và Pharisêu.
Suy nghĩ về sứ vụ và
thân phận ngôn sứ của Đức Giêsu, một lần nữa chúng ta ý thức hơn về sứ mạng và
số phận của mỗi người chúng ta trên hành trình sống đạo và loan báo Tin Mừng. Số
phận của Thầy cũng là của trò. Muốn trở nên môn đệ đích thực của Thầy Giêsu, hẳn
chúng ta phải lội ngược dòng. Đi ngược quy luật tự nhiên để hiểu được giá trị của
những nghịch cảnh khi chúng ta bị người đời phản đối, khước từ, cho dù những việc
làm của chúng ta là những hy sinh vô vị lợi!
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời
của Chúa đã không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng Chúa đã không được người đời
coi trọng, mà luôn bị khinh khi! Xin Chúa cho chúng con hiểu được sự thật này để
chỉ tìm vinh danh Chúa và mong sao cho Nước Chúa được hiển trị muôn nơi, còn
chuyện khen chê, xin cho chúng con không coi trọng nó mà ảnh hưởng đến sứ vụ được
trao. Amen.
THỨ BA
TIN SẼ ĐƯỢC KHỎI
(Mc 5, 21-43)
Trong suốt hành trình
rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu gặp rất nhiều người đến xin Ngài chữa bệnh hoặc
người ta tự ý đụng chạm đến Ngài để được khỏi bệnh. Trong mọi trường hợp, Ngài
đều khơi gợi lên nơi họ một mối tương quan trực tiếp với Ngài. Mối liên hệ đó
chính là đức tin. Có đức tin sẽ được lành. Không có đức tin thì không thể khỏi.
Hôm nay Tin Mừng thuật
lại việc Đức Giêsu chữa lành một người đàn bà bị băng huyết và cho em bé 12 tuổi
đã chết được sống lại.
Trường hợp người đàn
bà băng huyết thì Đức Giêsu đòi hỏi bà ta phải có niềm tin trực tiếp vào Ngài.
Còn với em bé được Ngài cho sống lại thì chính đức tin của cha em đã làm Đức
Giêsu chạnh lòng thương và cứu sống em.
Trong cuộc sống đạo của
chúng ta, nhiều khi chúng ta tin Chúa, nhưng tin nửa vời, tức là tin khi thành
công, thuận lợi, nhưng khi đức tin bị thử thách, chúng ta sẵn sàng buông xuôi.
Như vậy, nếu không có lợi thì tức khắc chúng ta chuyển niềm tin sang đối tượng
khác! Chúa không còn là Đấng duy nhất chúng ta tin tưởng!
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy biết cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin của mình
được triển nở. Bởi vì đức tin mà không việc làm thì đức tin chết. Đức tin phải
được thanh uyện bằng những thử thách. Có thế, chúng ta mới có kinh nghiệm về sự
hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình, và mình mới đủ can đảm để làm chứng
cho Chúa ngay trong những lúc khó khăn, thử thách nhất.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban thêm đức tin cho chúng con, để chính nhờ đức tin của chúng con vào Chúa,
chúng con được sự sống đời đời. Amen.
THỨ TƯ
SỐ PHẬN TIÊN TRI VÀ QUÊ HƯƠNG
(Mc , 6, 1 – 6)
Xem thêm
Chúa Nhật 4 Thường Niên C
Trong cuộc sống đời
thường, người ta vẫn hay nói: “Gần chùa gọi
bụt bằng anh”; hay: “Bụt chùa nhà không thiêng, thiêng Bụt chùa người”.
Hôm nay, Đức Giêsu bị
chính đồng hương của mình khinh miệt. Chuyện kể rằng: sau một khoảng thời gian,
Đức Giêsu công khai thi hành sứ vụ, hôm nay, Ngài trở về nơi chôn nhau cắt rốn
để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Mặc dù lời dạy của Ngài thật khôn ngoan
và uy quyền, thế nhưng với những người đồng hương, họ sẵn có tính kỳ thị, và
chính từ đó, lòng họ trở nên chai lỳ. Họ nói với nhau: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy,
nghĩa là sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không
phải là bác thợ, con bà Maria sao?".
Lối phản ứng trên đây
cho thấy một sự lạnh nhạt, và không chấp nhận những giáo huấn của Đức Giêsu, mặc
dù vẫn biết đấy là lời khôn ngoan!
Lối nói: "Con bà Maria" là lối nói kiểu
khinh thường. Mẹ Maria cũng là người bình thường như ai, vậy thì một người vô
danh tiểu tốt như thế không thể sinh ra một người con phi thường được, nên họ
có đủ lý do để khước từ Đức Giêsu!
Trong cuộc sống của
chúng ta, chắc cũng không thiếu những lối suy nghĩ như vậy! Một khi đã có sẵn
trong lòng sự kỳ thị nào đó, thì nơi người ấy không có chút gì là tốt và chúng
ta cũng không ngừng tìm mọi cách để làm cho họ không còn uy tín để làm việc...
Tại sao lại có những lối
suy nghĩ xa lạ với Tin Mừng như thế? Thưa! Đơn giản là vì sự ích kỷ, đố kỵ, hẹp
hòi và kiêu ngạo luôn luôn ngự trị trong lối nhìn và cách nghĩ của chúng ta,
khiến ta không thể vượt ra xa và nhìn rộng để thấy tổng quát.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta không ngừng phấn đấu để vượt thắng những tham sân si đó, sống
quảng đại và sẵn sàng đón nhận những giá trị tốt nơi người anh chị em chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin
Chúa ban cho chúng con có cái nhìn của Chúa, để chúng con biết yêu thương không
giới hạn và sẵn sàng đón nhận anh chị em mình như Chúa đã quảng đại đón nhận
chúng con là con Chúa. Amen.
THỨ NĂM
GIẢNG GÌ? GIẢNG NHƯ THẾ NÀO?
(Mc 6,7-13)
Sau khi được Đức Giêsu
gọi và chọn các môn đệ, các ông đã ở lại với Ngài một thời gian, nay Ngài sai họ
đi để rao giảng Tin Mừng.
Đức Giêsu truyền cho họ
đi rao giảng, và không những thế, Ngài còn dạy cho họ biết giảng điều gì, và giảng
như thế nào!
Về nội dung lời giảng:
“Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta
ăn năn sám hối”. Đây cũng chính là sự tiếp nối lời giảng dạy của Đức Giêsu
và của Gioan Tiền Hô.
Về cách giảng:
-
Trước tiên, để lời giảng của các ông có giá trị, họ phải là chứng
nhân.
-
Thứ đến, chữa lành thể xác bằng việc chữa bệnh.
-
Cuối cùng, giải thoát con người khỏi xiềng xích trói buộc của Ma
Quỷ.
Về thái độ, tác phong
của người môn đệ: người thừa sai phải là người nghèo. Nghèo để thanh thoát; để
liên đới; để tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy đi loan báo Lời Chúa cho mọi người, nhất là những người
đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Người đi theo Chúa phải
là người luôn luôn xây dựng và cổ võ sự hiệp nhất, sống tình huynh đệ và yêu
thương, trở nên chứng nhân cho Lời Chúa bằng hành động.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con biết sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những
người nghèo. Nhưng trước tiên, xin cho chúng con biết sống nghèo, tin tưởng,
phó thác nơi Chúa. Amen.
THỨ SÁU
SỐ PHẬN CỦA NGÔN SỨ
(Mc 6, 14 – 29)
Có những cái chết đã
đi vào bất tử, trường tồn, bởi nó đã trở thành biểu tượng cho một tinh thần bất
khuất. Vì thế, muôn thế hệ sẽ còn tưởng nhớ chính nhân.
Cái chết đó chính là
cái chết của Gioan Tẩy Giả.
Nếu các Ngôn Sứ là những
người thay mặt Chúa, thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa cho dân; sứ mệnh của
các ngài chính là việc dạy dỗ, khuyên răn dân đi theo đường lối của Thiên Chúa
để được sống; đồng thời, lên tiếng tố cáo những việc làm sai trái mà dân đang
thực hiện. Mặt khác, các ngài cũng không quên một nhiệm vụ quan trọng, đó là nhắc
dân từ bỏ con đường bất chính gian tà để trở về với Thiên Chúa. Chính vì thế,
các ngài thường bị dân chúng giết chết để khỏi trướng tai gai mắt họ.
Thật vậy, Gioan cũng
đã chung số phận khi lên tiếng tố cáo cuộc sống loạn luân của vua Hêrôđê khi
ông ta bỏ vợ để cướp vợ của anh cùng cha khác mẹ với mình. Cuộc sống của vua đã
trở thành đồi bại, vô luân, và nhất là gây nên một gương mù lớn trong dân.
Khi Gioan tố cáo
Hêrôđê, thì đồng nghĩa với việc ông lên tiếng phản đối cả một hệ thống lãnh đạo
suy đồi khi cùng với vua hưởng lạc trong lúc chứng kiến con gái bà Hêrôđia múa hát để chiêu mộ lòng vua!
Sự thật thì mất lòng! Gian dối lên ngôi! Tội lỗi hoành hành! Và, nhất là
một con người nhu nhược, không có lập trường như Hêrôđê, Gioan đã bị giết dưới
lưỡi gươm của tội lỗi!
Tiếp nối sứ vụ của
Gioan, và nhất là thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu, suốt hơn 2.000 năm nay,
Giáo Hội không ngừng lên tiếng cho công lý, sự thật, bảo vệ những người nghèo,
không có tiếng nói..., thế nên nhiều chứng nhân anh dũng đã can đảm nói không với
ái ác, bất nhân và vô luân. Họ đã: "Vâng
lời Thiên Chúa, hơn là vâng lời con người". Vì thế, biết bao nhiêu máu
đào đã đổ ra và những đống xương “chất đầy
thành núi” qua các cuộc tử đạo để gióng lên tiếng nói của lương tâm, hầu tố
cáo những thói vô luân của con người, nhất là những vị lãnh đạo bất nhân và ham
dục...
Là Kitô hữu, chúng ta
được mời gọi trở nên ngôn sứ của Đức Kitô, trở nên người loan báo chân lý...
Tuy nhiên, theo bản
tính tự nhiên, chúng ta khó có thể vượt qua được những toan tính thiệt hơn của
con người, nên thay vì làm chứng cho Chúa, chúng ta lại phản chứng khi trở nên
như Hêrôđê, ghen tỵ, oán ghét, và tàn độc.
Những lúc như thế, ấy
là lúc chúng ta chưa dám sống công chính và đi theo giáo huấn của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban cho chúng con lòng can đảm, trung thành với sứ vụ, đồng thời, xin cũng ban
cho chúng con lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ cho anh chị em chúng con, khi
bị thù ghét, bỏ vạ, cáo gian. Amen.
THỨ BẨY
LÁNH SANG NƠI THANH
VẮNG
(Mc 6, 30- 34)
Sự quan tâm của Đức Giêsu với các môn đệ hôm nay làm cho chúng ta thấy một
hình ảnh đẹp tuyệt vời về thái độ liên đới và nghĩ đến môn sinh của mình nơi vị
Thầy khả ái.
Sau khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, hôm nay, các ông về hối hả kể
cho Đức Giêsu nghe những thành tích của mình. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã khuyên
các ông: “Anh em hãy lánh đến một nơi
thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút".
Nghỉ ngơi đôi chút, đây là cách nói thể hiện sự quan tâm của Đức Giêsu đến
sức khỏe thể xác, nhưng không dừng lại ở chỗ bề ngoài, mà nó còn đi sâu xa hơn
để thấy được ý nghĩa, giá trị của sự nghỉ ngơi tâm linh.
Nếu người môn đệ của Đức Giêsu quá quan tâm đến những thành quả bên
ngoài, đến những kết quả bằng con số, thì e rằng họ đang bám víu vào công việc
của Chúa hơn là chính Chúa, tức là cậy dựa vào những điều phụ thuộc hơn là
chính yếu.
Tuy nhiên, Kinh Thánh kể tiếp, Đức Giêsu và các môn đệ đi sang bờ bên
kia, nhưng khi các Ngài tới thì dân chúng đã đến trước rồi, nên Đức Giêsu đã chạnh
lòng thương họ như đàn chiên không người chăn dắt, vì thế Ngài đã dạy họ nhiều
điều.
Sống trong một xã hội tân tiến như hiện nay, mọi sự trở nên gần gũi khi
ngôi nhà thế giới được xích lại nhờ những phương tiện truyền thông. Người ta có
thể ngồi trong một căn phòng chỉ mấy mét vuông, nhưng có thể nhìn ra cả thế giới
bên ngoài. Nhưng lại chớ trêu thay, những điều đó tưởng chừng như làm cho người
ta gần nhau, quan tâm đến nhau hơn thì lại làm cho người ta chỉ biết nghĩ đến
mình trong khi biết bao người kêu gào tình yêu, đói khát sự liên đới!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt hãy tập trung vào đời sống
thiêng liêng, coi đời sống thiêng liêng như là nhu cầu không thể thiếu trong đời
sống đạo. Mặt khác, luôn biết quan tâm đến những người xung quanh, để lời nói
và hành động của chúng ta được thiết thực khi chúng đi đôi với nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống tình liên đới
với anh chị em, nhất là với người nghèo. Xin Chúa cũng ban cho chúng con biết
coi trọng đời sống nội tâm để chúng con tìm thánh ý Chúa và thực thi điều Chúa
muốn chúng con làm. Amen.