TUẦN 06 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
CẦN CÓ ĐỨC TIN ĐỂ ĐÓN NHẬN TÌNH THƯƠNG
(Mc 8,11-13)
Chúng ta thấy trong
Tin Mừng, gần như đã trở thành quy luật để Đức Giêsu thi hành phép lạ, đó là đức
tin và lòng mến. Nếu không có đức tin thì ắt không thể có lòng mến, mà không có
lòng mến thì làm sao có thể hoán cải? Như thế sẽ không bao giờ có phép lạ!
Hôm nay, bài Tin Mừng
cho thấy những người Pharisêu cũng đến để nghe Đức Giêsu giảng và họ đã chứng
kiến rất nhiều phép lạ cả thể Đức Giêsu đã làm. Một trong những phép lạ mới nhất,
đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người từ bẩy chiếc bánh và mấy con
cá nhỏ. Tuy nhiên, thay vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì họ lại trai cứng
và tiếp tục đi vào vết xe đổ như Tổ tiên họ đã thách thức Thiên Chúa trong Samạc;
hay đi theo con đường của Satan khi chúng thử thách Đức Giêsu sau khi Ngài ăn
chay 40 đêm ngày! Trước sự trai lỳ và u mê do thói kiêu ngạo, ghen tỵ và sự giả
dối nơi họ, nó đã làm cho lương tâm những người Pharisêu bị phủ lấp và không
còn nhạy bén để nhận ra tình thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu. Vì thế,
Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” Và Ngài đã
không làm phép lạ theo như yêu cầu của những người Pharisêu, bởi vì họ không
tin và phép lạ không thể diễn ra trong sự thách thức và cưỡng bách được.
Trong đời sống đức tin
của chúng ta thường ngày cũng vậy. Nhiều khi cũng thách thức Thiên Chúa khi
chúng ta đem Ngài ra để so sánh với ông nọ, thần kia; hoặc có lúc chúng ta cũng
ra những điều kiện cho Ngài khi nhủ rằng: nếu Chúa có mặt thực sự, thì Chúa làm
cho con được thế này hay thế kia thì con sẽ tin? Những lúc như thế, chúng ta đã
bị sự kiêu ngạo thúc bách và khi đó trong ta chỉ còn những yêu cầu phát xuất từ
sự tham vọng và thực dụng thuần túy mà không hề nghĩ đến ơn cứu chuộc là hạnh
phúc vĩnh cửu!
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban cho con ơn khiêm tốn và lòng yêu mến Chúa để chúng con nhận ra tình thương
của Thiên Chúa và luôn sống trong sự an bài của Ngài. Amen.
THỨ BA
ANH EM CHƯA HIỂU Ư?
(Mc 8,14 -21)
Qua những ngày làm việc
mệt nhọc với đám đông dân chúng và sau khi Đức Giêsu bị những người Pharisêu
đòi hỏi về dấu lạ..., Đức Giêsu đã không những không làm mà Ngài đã bỏ họ mà đi
nơi khác.
Thánh Máccô kể: Đức
Giêsu và các môn đệ đã trèo thuyền để ra đi hướng về Betsaiđa. Khi Ngài và các
ông đang ở trên thuyền, thì đây là lúc riêng tư để thầy trò tâm sự. Đức Giêsu
đã lên tiếng căn dặn các môn sinh của mình: “Anh
em phải coi chừng, hãy đề phòng men Pharisêu và Hêrôđê!”. Tại sao Đức Giêsu
lại cẩn trọng nhắc các môn đệ như vậy? Thưa là vì Ngài thấy rõ sự mù quáng do
thành kiến và xuất phát từ thói kiêu ngạo, ghen tỵ, hình thức gây ra cho hai
nhóm này, nên lòng họ khô cứng, trai lỳ, không còn nhạy bén với lương tâm nữa.
Chính vì thế mà Đức Giêsu cảnh báo các môn đên dừng đi vào vũng lầy đó của họ.
Mặt khác, qua những lời
thầm thì thể hiện sự lo lắng của các môn đệ về chuyện các ông không mang bánh
theo, Đức Giêsu đã khiển trách các môn đệ và Ngài tiếp tục dạy cho các ông bài
học về sự phó thác. Đức Giêsu đã dùng phương pháp hồi tưởng để gợi lại cho các
môn sinh về sự quan phòng của Thiên Chúa khi con người tin tưởng vào Ngài qua
hai phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nhắc lại như thế, Đức Giêsu còn đi xa hơn để củng
cố lòng tin của các ông vào chính Ngài, đó là: có Chúa là có tất cả. Chúa là
kho báu mà không gì có thể sánh bằng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa mọi nơi
mọi lúc, nhất là những lúc khó khăn, thử thách.
Khi phó thác vào sự
quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay phù trợ, che trở và đỡ nâng chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con phó thác cuộc đời của mình vào
bàn tay từ ái của Chúa để được Ngài yêu thương. Amen.
THỨ TƯ
ÁNH SÁNG CỦA NIỀM TIN
Mc 8, 22-26
Nếu bài Tin Mừng hôm
qua Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ của mình đừng rơi vào lối sống của những người
Pharisêu; đồng thời Ngài củng cố đức tin của các ông và mặc khải cho họ biết rằng:
có Chúa là có tất cả.
Hôm nay, sau một chặng
hành trình lênh đênh trên biển khơi, và qua những tâm sự của thầy trò. Đức
Giêsu và các môn đệ đã đáp bến.
Nghe thấy tin Đức
Giêsu đến, dân chúng đã dẫn một người mù đến gặp để xin Ngài chữa lành.
Thực ra thì bệnh mù là
một thứ bệnh rất phổ biến tại các nước Đông Phương. Kinh Thánh cũng thường
xuyên nhắc tới bệnh mù. Riêng Tân Ước là 52 lần và toàn bộ Kinh Thánh là 80 lần.
Nhưng điều quan trọng là ý nghĩa của sự kiện này.
Tình thương của người
dân qua việc dẫn anh mù đến với Đức Giêsu và nhất là sự tín thác của chính anh
vào Ngài cho thấy một thái độ hoàn toàn khác với những người Pharisêu. Sự khác
biệt này đã là điều kiện cần và đủ để phép lạ xảy ra. Thật vậy, thấy được lòng
tin mạnh mẽ nơi dân chúng và anh mù, Đức Giêsu đã chữa cho anh ta được sáng mắt.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mặc khải cho chúng ta một điều quan trọng: Đức Giêsu là ánh sáng thế gian.
Ngài đến để đem lại cho con người ánh sáng ngõ hầu họ nhận ra chân lý và tình
thương của Ngài. Ai nhận ra Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống thì được
nhìn thấy tình thương của Ngài trên cuộc đời của mình và được ơn biến đổi.
Mặt khác, Lời Chúa mời
gọi chúng ta hãy biết yêu thương, cảm thông như Đức Giêsu và những người có
lòng tốt dẫn anh mù đến gặp Ngài. Hơn nữa, qua đó, Lời Chúa mời gọi chúng ta vững
tin vào Chúa như anh mù.
Lạy Chúa Giêsu, nhiều
khi chúng con sáng mà lại thành mù vì không nhận ra tình thương của Chúa. Xin
Chúa giải thoát chúng con khỏi tình trạng mù tâm linh và cho chúng con ánh sáng
của niềm tin và ân sủng. Amen.
THỨ NĂM
CẦN XÁC LẬP MỐI TƯƠNG QUAN CÁ VỊ
(Mc 8,27-33)
Trong nghi thức Thánh
Tẩy cho người lớn, Giáo Hội mời gọi đương sự tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức
Kitô và Giáo Hội của Ngài cách xác quyết. Chính trong niềm tin mạnh mẽ như thế,
mà người anh chị em của chúng ta được gia nhập Giáo Hội của Đức Giêsu để được sự
sống đời đời.
Tin Mừng hôm nay cũng
cho chúng ta thấy một cuộc tuyên tín cá vị được diễn ra tại địa hạt Cêsarê thuộc
quyền Philiphê.
Khởi đi từ việc dân
chúng có nhiều nhận định về Đức Giêsu sau khi đã chứng kiến những lời giảng dạy
khôn ngoan và quyền năng cũng như những phép lạ cả thể Ngài đã làm.
Thấy vậy, Đức Giêsu muốn
làm một bài trắc nghiệm các môn đệ về nhận định của dân chúng về Ngài, Ngài hỏi:
“Người ta nói Thầy là ai?”. Các ông
nhanh nhảu trả lời rằng: “Họ bảo Thầy là
Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Đức
Giêsu đã bất ngờ hỏi trực diện các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.
Quá ngỡ ngàng vì không ai nghĩ Đức Giêsu lại hỏi cụ thể như thế! Tuy nhiên, đây
là điều cần thiết trong cuộc đời môn đệ, bởi nếu không có niềm xác tín mạnh mẽ,
cá vị vào Đấng mà họ tin theo thì e rằng họ sẽ chạy theo hiệu ứng đám đông và đặt
ra cho mình những lợi lộc thực dụng thấp hèn.
Phêrô đã thay lời anh
em tuyên xưng cách xác quyết: “Thầy là Đấng
Kitô”. Đây là lời tuyên tín xác định căn tính Thiên Sai của Ngài. Tuy
nhiên, Phêrô và các môn đệ khác cũng chỉ hiểu theo nghĩa giải phóng chính trị
mà không để ý hay không hiểu sứ vụ cứu chuộc của Thầy mình, nên ngay lập tức, Đức
Giêsu cấm các ông không được loan báo điều này cho ai.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta xác tín niềm tin của mình vào Chúa như thánh Phêrô và can
đảm đi theo Đức Giêsu khi sẵn sàng trở nên môn đệ trung tín của Ngài.
Dù có gặp phải khó
khăn, thử thách và những trào lưu dễ dãi, giảm thiêng và thượng tục, chúng ta vẫn
vững tin và trung thành với sứ vụ
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con khi đã tin theo Chúa thì cũng sẵn sàng và trung thành đi đến cùng
con đường mà Chúa đã mời gọi chúng con đi theo.Amen.
THỨ SÁU
TIN VÀ ĐI THEO
(Mc 8,34-39)
Sau khi Phêrô thay lời
anh em tuyên xưng niềm tin, Đức Giêsu đã ngay lập tức loan báo về cuộc khổ nạn
của mình để các ông hiểu rõ về căn tính “Đấng
Kitô” theo ý định của Thiên Chúa. Hình ảnh người tôi tớ Yavê trong Cựu Ước
mà Isaia đã nhắc tới, đó chính là hình ảnh tiên trưng về Ngài. Quả thật, Đức
Giêsu đến không phải là làm theo ý riêng, nhưng hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa
Cha trong tư cách là người Tôi Tớ.
Sau khi tỏ cho các ông
về cuộc khổ nạn mà Đấng Kitô – Thiên Sai sẽ phải chịu, thì cũng ngay lập tức
Ngài mời gọi các ông: “Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Thật tiếc thay cho
Phêrô! Ông tuyên tín thì mạnh mẽ, nhưng khi nói đến sự vâng phục và con đường
khổ giá mà Thầy sẽ đi để cứu chuộc nhân loại, thì ông đã thất vọng và lên tiếng
can ngăn Ngài. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giêsu, và một cách vô
tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô theo thánh ý Thiên Chúa Cha.
Như thế, ông đã lộ rõ
tính thực dụng của mình khi đặt niềm tin vào một Đấng Thiên Sai đến giải phóng
dân tộc theo nghĩa chính trị. Vì thế, ông đã bị Đức Giêsu quở trách thật nặng nề:
“Satan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng
của anh không phải là tư tưởng của Thên Chúa mà là của loại người”.
Trong cuộc sống đạo của
chúng ta, nhiều khi không khác gì Phêrô. Có những cơn sốt sắng nổi lên thì thề
sống chết với Chúa và trung thành đến cùng với Ngài, nhưng sau đó, khi thử
thách hay những khó khăn gặp phải, chúng ta bắt đầu suy xét lại và đem so sánh
thiệt hơn với đời. Những lúc như thế, chúng ta đã lập lờ và nhùng nhằng, so đo
tính toán...
Nên nhớ quy tắc căn bản
của sứ điệp Lời Chúa hôm nay:
Thiên Chúa không bao
giờ cất khỏi đau khổ cho con người. Nhưng ngược lại, Ngài sẽ tiếp tục gửi đau
khổ đến cho những ai Ngài thương mến. Cũng như chính Ngài, Đức Giêsu luôn luôn
mời gọi chúng ta đón nhận đau khổ và chiếu dọi yêu thương vào đó thì đau khổ sẽ
có ý nghĩa và nở hoa cứu độ. Nếu không có yêu thương thì thập giá mãi mãi đè bẹp
chúng ta, nhưng chúng ta đón nhận và vác lấy trong tình yêu thì nhờ thập giá sẽ
trở thành con đường dẫn đến vinh quang, đau khổ sẽ thành biểu tượng tình yêu.
Xin Chúa Giêsu ban cho
chúng ta ơn can đảm để lựa chọn và sống mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời. Để
ngang qua lòng mến, chúng ta được ơn cứu chuộc. Amen.
THỨ BẨY
MỘT CUỘC BIẾN ĐỔI
Mc 9,1-12
Cuộc biến hình hôm nay
được diễn ra sau sáu ngày Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài cho các môn
đệ.
Giờ đã đến, Đức Giêsu
hé mở vinh quang của Ngài trong tư cách là Đấng Thiên Sai - Con Thiên Chúa. Qua
cuộc biến hình của Ngài với Êlia và Môsê, Đức Giêsu muốn dạy cho các ông bài học
rằng: chính Ngài phải chịu đau khổ rồi mới đến vinh quang; phải trải qua cái chết
rồi mới phục sinh. Đây cũng là con đường dẫn đến hạnh phúc dành cho người môn đệ
nếu muốn chung phần với Thầy của mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta vững tin vào Chúa. Luôn biết quy chiếu cuộc đời chúng ta trong niềm hy
vọng phục sinh. Biết đón nhận thử thách và đau khổ trong cuộc đời với lòng yêu
mến Chúa, để nhờ đó, chúng ta được hạnh phúc như Chúa đã mặc khải cho các môn đệ
khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa tha thiết. Biết trung thành với Chúa trong
mọi hoàn cảnh, để mai sau được phục sinh với Ngài. Amen.