TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
TIỀN CÓ MUA ĐƯỢC NƯỚC
TRỜI KHÔNG?
(Mt 19, 16-22)
Chúng ta không lạ gì
câu nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Tuy
nhiên, trong cuộc sống, sự thật không phải như vậy! Vì hiển nhiên vẫn còn đó những
thứ có tiền mà không mua được. Điển hình như: sức khỏe, thời gian và sự sống…
Chả thế mà người ta vẫn thường nói: “ Tiền
có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian”; “Tiền có thể
mua được thuốc để chữa bệnh, nhưng không thể mua được sự sống...”. Điều
quan trọng là chúng ta biết sử dụng đồng tiền như thế nào cho có ích. Sử dụng
nó như đầy tớ hay ông chủ? Đồng tiền có phải là mục đích cuối cùng, hay nó chỉ
là một phương tiện để giúp con người đạt được hạnh phúc và mục đích tối hậu của
mình?
Tin Mừng hôm trình thuật
một thanh niên đến xin Đức Giêsu chỉ giáo để anh tiến bước hầu hy vọng đạt được
sự sống đời đời làm gia nghiệp. Nghe anh nói xong, Đức Giêsu đã phán: "Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về
bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho
tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta". Nhưng thật buồn, người thanh niên
này đã lặng lẽ rút lui chỉ vì anh ta có nhiều tiền của.
Thật vậy, đồng tiền liền
với khúc ruột. Đồng tiền gắn liền với cuộc sống. Đồng tiền đôi khi trở thành
ông chủ tồi. Và như thế, nó đã là rào cản số một cho những ai muốn tiến xa, tiến
sâu trên con đường nhân đức.
Dẫu vẫn biết trước những
tai hại của nó, nhưng thực ra không ít người đã vì tiền mà bán rẻ lương tâm khi
sẵn sàng trà đạp lên chân lý để đạt được mục đích “rẻ tiền”. Không thiếu người bán cả danh dự, nhân phẩm bản thân
trong nghề mại dâm chỉ vì đồng tiền. Cũng không lạ gì những chuyện đâm thuê
chém mướn, thay trắng đổi đen và vô luân, phi đạo đức cũng chỉ vì đồng tiền!
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy biết dùng của cải như là phương tiện để xây dựng tình
bác ái huynh đệ và cùng nhau xây dựng Nước Trời. Bởi vì Nước Trời là kho tàng,
đồng tiền chỉ là thứ trợ giúp để ta mua được kho tàng chứ nó không phải kho
tàng.
Vì thế, nếu chúng ta cứ
bám vào của cải vật chất quá đáng, trái tim của chúng ta sẽ bị kìm chặt nơi thế
gian. Của cải thế gian sẽ đóng kín cánh cửa tâm hồn và chúng ta trở thành nô lệ
của nó. Như vậy, Chúa không còn chỗ nào trong trái tim, lương tâm và cõi lòng của
chúng ta, và, như một lẽ tất yếu: Nước Trời không có chỗ cho những người coi đồng
tiền là ông chủ và sống ích kỷ.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con khám phá và thi hành chân lý mà hôm nay Chúa dạy chúng con. Chân
lý đó chính là chọn Chúa là gia nghiệp, là sự sống vĩnh cửu thì sẽ được hạnh
phúc. Xin Chúa ban cho chúng con một tấm lòng quảng đại, ngõ hầu chúng con biết
sử dụng đồng tiền mau hư chóng hết ở đời này để mua lấy Nước Trời qua sự bác
ái. Amen.
THỨ BA
TẠI SAO GIÀU CÓ LẠI
KHÓ VÀO NƯỚC TRỜI?
(Mt 19, 23-30)
Xem lại CN 28 TN.
Thứ Ba tuần 8 TN.
Bài Tin Mừng hôm nay
tiếp nối trình thuật hôm qua về chuyện một thanh niên đến xin Đức Giêsu chỉ
giáo để làm sao đạt được sự sống đời đời. Vì thế, Đức Giêsu đã bảo anh ta về
bán tất cả của cải để bố thí cho người nghèo thì sẽ được sự sống viên mãn như
anh mong muốn. Tuy nhiên anh ta đã buồn rầu và bỏ đi vì lòng anh đã bị đồng tiền
che lấp mục đích đời đời.
Khi thấy như thế, Đức
Giêsu quay sang các môn đệ và dạy cho các ông bài học về tác hại đồng tiền nếu
coi đó là mục đích, là ông chủ. Ngài nói: "Con
lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".
Thực ra thì Đức Giêsu
dùng lối nói ngoa ngữ để cho người nghe thấy được sự nguy hiểm của đồng tiền nếu
làm sai mục đích.
Thật thật, vào được Nước
Trời thế nào khi đồng tiền đó là quà hối lộ; là của cướp dật; là đâm thuê chém
mướn; là cờ bạc...! Tệ hơn nữa, vì không phải là đồng tiền của mình làm ra bằng
mồ hôi nước mắt, bằng công lao vất vả, nên lại dùng đồng tiền bất chính đã chiếm
đoạt được để làm những chuyện bất chính khác ...!
Chỉ cần suy tư một
chút thôi thì cũng đủ thấy sự nguy hiểm của đồng tiền khi đặt nó sai vị trí và
sử dụng không đúng mục đích.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay dạy cho chúng ta bài học:
Hãy dùng của cải để
xây dựng hạnh phúc cho mọi người, từ trong gia đình đến xã hội cũng như lo việc
bác ái, truyền giáo và xây dựng Giáo Hội.
Được như thế, ấy là
chúng ta đã nghe theo Chúa và đi trên con đường hoàn thiện mà Chúa muốn chúng
ta đi. Như vậy, sự bình an, hạnh phúc chính là phần thưởng Chúa dành cho những
ai trung tín và khôn ngoan khi biết quản lý và biết sinh lợi nén bạc Chúa trao
theo thánh ý Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con biết chọn Chúa là lẽ sống và gia nghiệp của mình. Như thế, xin
cho chúng con biết coi mọi sự chỉ là phù du, phương tiện để đạt được hạnh phúc.
Amen.
THỨ TƯ
HÃY ĐI VÀ LÀM VƯỜN NHO
CHO CHÚA
(Mt 20, 1-16a)
Xem lại CN 25 TN A.
“Hãy đi và làm vườn nho cho Chúa”. Đây là lời mời gọi của
Đức Giêsu cho mỗi người chúng ta.
Vườn nho được hiểu là Giáo
Hội. Người mời gọi là chính Thiên Chúa. Đi làm vườn nho được hiểu là công tác
truyền giáo. Việc Thiên Chúa trả lương cách hậu hĩnh và công bằng muốn diễn tả
Người là Đấng Giàu Lòng Thương Xót.
Vì thế, lời mời gọi đi
làm vườn nho không có nghĩa là một bản hợp đồng lao động, và việc nhận lương
không căn cứ vào thời gian hay công việc. Điều Đức Giêsu muốn nói ở đây chính
là: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của
người tham gia vào công việc của vườn nho”.
Qua Lời Chúa hôm nay,
Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội.
Thật vậy, Đức Giêsu muốn nói đến tính phổ quát của của ơn cứu độ, vì Thiên Chúa
không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Dothái, cho người Công Giáo, nhưng là cho muôn
dân muôn nước không trừ ai. Đồng thời Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao
dung, quảng đại và thương xót của Người.
Như vậy, ta có thể hiểu
rằng: mỗi người, Chúa đều trao cho những nén bạc và tùy khả năng để sinh lời. Phần thưởng dựa vào
tiêu chuẩn là người đó có thực sự cố gắng và chu toàn hay không mà thôi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn
nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý
Chúa dựa trên tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết, biết gắn bó với Giáo Hội và trung
thành với bổn phận của mình. Amen.
THỨ NĂM
Y PHỤC LỄ CƯỚI
(Mt 22, 1-14)
Xem lại CN 28 TNA,
Thứ Ba tuần 31 TN.
Hôm nay, Tin Mừng
trình thuật việc Đức Giêsu lấy hình ảnh hôn lễ để nói về Nước Trời. Ông Vua
chính là Thiên Chúa Cha. Hoàng Tử là Đức Giêsu. Hôn Thê là Giáo Hội. Khách được
mời là dân Dothái, nhưng họ đã khước từ, vì thế khách được mời là hết mọi người,
không phân biệt. Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày Vua tập
hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu, và đến
giờ, nhà vua mới tiến vào và phán xét mọi người để phân biệt đâu là chiên và
đâu là dê!
Tiêu chuẩn để không bị
xét xử là phải mặc y phục lễ cưới. Nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài.
Y phục mà Đức Giêsu muốn
nói đến ở đây là gì? Thưa! Đó là sự đổi mới. Đổi mới là từ bỏ lòng ích kỷ cá
nhân để mặc vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích, vô ơn, bất chính, để mặc
vào tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ sự hờ hững, vô tâm
để mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.
Vì thế, mặc y phục lễ
cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới. Tiếc thay,
điều kiện của Vua thì rất là dễ, nhưng lại trở thành quá khó đối với một số người
cố thủ trong ích kỷ, biếng nhác, tham lam và ghen ghét. Vì thế, họ bị đuổi ra
ngoài.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức lại việc mình được mời đến dự
tiệc Thánh Thể và Lời Chúa hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta đã đáp trả như thế
nào? Thờ ơ lãnh đạm như dân Dothái xưa không đi dự tiệc vì quá nhiều bận rộn
trong đời sống, hay chúng ta đi dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới là phẩm
hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như: y phục của lòng tin, cậy, mến; y
phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa; y phục của
tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo!
Mong
thay, mỗi người chúng ta, khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì
cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và đủ
điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Amen.
THỨ SÁU
“MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI”
(Mt 22, 34-40)
Xem lại CN 15 TN C, CN
30 TN A, CN 31 TN B,
thứ Sáu tuần 3 MC, thứ
Năm tuần 9 TN
Và thứ 2 tuần 27 TN.
Hôm nay thánh Mátthêu
trình thuật việc Đức Giêsu và các môn đệ tiến vào thành Gêrusalem. Trên hành trình
ấy, Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng khi họ hỏi Đức Giêsu về chuyện
kẻ chết sống lại. Thấy vậy, nhóm Pharisêu vào cuộc bằng việc họp nhau lại và cử
một người đại diện tiến đến nhằm thử Đức Giêsu để tìm cớ tố cáo Ngài, nhà luật
sĩ hỏi Ngài: "Trong các điều răn, điều
nào trọng nhất?" Đức Giêsu đáp: "Yêu
mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi". Nhân đây, Đức
Giêsu giúp họ nhớ lại một điều luật đã được nhắc đến trong sách Lêvi: “Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như
chính mình”
Tại sao Ngài lại nhắc
lại khoản luật đó?
Thưa, bởi vì những người
Pharisêu, họ chỉ giữ Luật hình thức bên ngoài, mà bên trong thì hoàn toàn trống
rỗng. Họ không yêu thương anh em mình cách thật lòng. Vì thế, chính việc giữ Luật
của họ đã phá vỡ đi ý nghĩa, cốt lõi tinh thần của Luật.
Với Đức Giêsu, khi
Ngài đến, sứ vụ của Ngài là kiện toàn Lề Luật và làm cho chúng trở nên trong
sáng. Đồng thời, Ngài muốn cho các môn đệ, những người sống cùng thời và nhất
là giới lãnh đạo... ngày càng sống đúng
cốt lõi của Luật hơn. Tinh thần và nội dung của Luật chính là: “Mến Chúa và yêu người”. Vì thế, với Đức
Giêsu, yêu thương anh em là tuân giữ Lời Ngài. Không yêu thương anh em là không
tuân giữ Lời Ngài. Nói mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối. Thật vậy, nên
đã có lần Đức Giêsu nói: “Người ta cứ dấu
này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau”.
Đây không chỉ là lời
khuyên, mà còn là một lệnh truyền, một sứ mạng đòi buộc các môn đệ và tất cả
chúng ta là những Kitô hữu phải thi hành.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng:
mến Chúa và yêu người phải là cốt lõi của Luật. Thiếu một trong hai thì chẳng
những không giữ đúng tinh thần của Chúa mà còn có nguy cơ bóp méo Luật của Ngài
và mặc cho nó sự bất nhân trong khi thi hành Luật.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con mến yêu Luật Chúa và biết thi hành Luật Chúa cách trung thành.
Amen.
THỨ BẨY
HÃY TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN
(Mt 23, 1-12)
Xem lại CN 31 TN A,
thứ Ba tuần 2 MC.
Đức cố Giáo hoàng
Phaolô VI đã nói như sau: “Người thời nay
sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy
là vì thầy dạy cũng là chứng nhân" (Thông điệp "Evangelii
Nuntiandi" số 41). Còn thánh Augustinô thì nói: “Chúng ta là tiếng, Đức Giêsu là Lời, là nội dung của tiếng, của âm thanh”.
Như vậy, người rao giảng
Lời Chúa, phải là người trung thành. Trung thành với Lời Chúa và sứ điệp của
Ngài. Trung thành với sứ vụ qua lời loan báo. Trung thành với nội dung Tin Mừng.
Không thể chấp nhận người tông đồ ra đi loan báo Lời Chân Lý, mà họ lại thuộc về
thành phần: “Ngôn hành bất nhất”, tức
là không thật, hai lòng, nói một đàng, làm một nẻo.
Sự giả tạo này được Đức
Giêsu cho thấy qua hình ảnh những người Pharisêu:“Họ là những người nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên
vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào”; mặt khác, họ
còn là những người thích sống hình thức đến độ: “Nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc
và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta
xưng hô là ‘Thầy’. Đức Giêsu không muốn để các môn đệ của mình rơi vào tình trạng
như vậy, nên Ngài quay sang các ông và nói:
“Phần các con thì không được vậy…”.
Vì thế, người tông đồ
phải là người: “Nhất ngôn, nhất hành”, nếu
không, thay vì làm chứng, chúng ta lại rơi vào tình trạng phản chứng.
Thoạt nghe, chúng ta
có thể dè lưỡi, bữu môi khinh chê những người Kinh Sư và Pharisêu! Nhưng thực
ra, nếu lắng đọng lại một chút thì hẳn lời trách móc của Đức Giêsu khi xưa lại
là lời cảnh tỉnh cho chính chúng ta hôm nay.
Thật vậy, đã biết bao
lần chúng ta sống trong cung cách của những kẻ bất nhân. Không khoan nhượng.
Không cảm thông. Sống xa hoa, hình thức, kỳ thị, ích kỷ, kiêu căng, trác táng,
ngông nghênh, ngạo nghễ và xét đoán...
Những lúc như thế, ấy
là lúc nhãn hiệu Kinh Sư và Pharisêu vẫn lủng lẳng quanh cổ chúng ta! Và như một
hệ lụy, chúng ta nói về Chúa là đấng nhân từ, hiền hậu, khiêm nhường và yêu
thương làm sao khi hình ảnh của Ngài đang méo mó nơi hành động xấu xa, lời nói
chua chát, lối sống buông thả... của ta! Như vậy, chúng ta trở thành những người
đang phá hoại sứ điệp yêu thương của Chúa.
Lời Chúa hôm nay nhắn
gửi chúng ta cần phải tránh những thứ xa hoa, diêm dúa bên ngoài. Hãy tập trung
vào cốt lõi của Tin Mừng là yêu thương, chứ đừng giả dối như những Kinh Sư và
người Pharisêu khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, nhiều
khi chúng con tìm mọi cách để uốn nắn ý của Chúa theo ý chúng con. Nhiều khi
chúng con tìm vinh dự và muốn được trọng vọng bản thân thay vì làm vinh danh
Chúa. Những lúc đó, chúng con đã đi sai đường, trệch lối theo tinh thần của
Chúa, xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con. Amen.