TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
ĐỪNG VÌ LUẬT MÀ BẤT
NHÂN VỚI ANH EM!
(Lc 13, 10-17)
Có một câu chuyện ngụ ngôn
kể rằng: vào một buổi chiều nọ tại một làng quê, người ta đem một người chết đi
chôn. Trong khi chuẩn bị hạ huyệt, người nhà nghe thấy có tiếng động trong quan
tài? Ngay lập tức, họ báo cho mọi người biết! Vì thế, người chủ sự lễ nghi truyền
cho những người khiêng quan tài dừng lại và mở nắp quan tài ra. Mọi người ngỡ
ngàng, xôn xao và sợ hãi vì thấy người chết ngồi dạy! Tuy nhiên, vị chủ sự nói
với người trong quan tài rằng: “Thưa ông,
theo nguyên tắc, việc ông chết đã được thông báo và chúng tôi đã có giấy báo tử
của ông trong tay. Vì thế, cứ chiếu theo nguyên tắc, ông phải được chôn xuống.
Vì thế, ông vui lòng để chúng tôi thi hành bổn phận”. Dứt lời, vị trưởng
nghi truyền cho mọi người đóng nắp quan tài lại và tiếp tục lễ nghi, mặc cho lời
van xin của người trong quan tài!
Trên đây chỉ là câu
chuyện giả tưởng nhằm phê phán những người sống hình thức, vụ luật, bất nhân.
Bài Tin Mừng hôm nay
cho chúng ta thấy Đức Giêsu lên tiếng chỉ trích rất nặng lời với những người sống
vụ luật và bất nhân đối với người khác.
Câu chuyện được khởi
đi từ việc Đức Giêsu chữa người đàn bà bị quỷ ám làm cho khòm lưng đã 18 năm
vào đúng ngày Sabát. Thấy vậy, ông trưởng hội đường xem ra có vẻ khó chịu vì Đức
Giêsu đã vi phạm luật ngày Sabát. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lên tiếng nói: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong
ngày Sabát, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng
mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột
trói nó đã 18 năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày
Sabát sao?". Qua câu hỏi đó, Đức Giêsu mặc cho luật một tinh thần mới,
đó là: yêu thương, liên đới và tha thứ. Đây chính là cốt lõi của luật. Luật mà
không có tình yêu lồng vào thì đó là luật chết, vì nó giết chết con người cách
khủng khiếp nhất.
Ngày nay, vẫn có nhiều
người xem ra rất đạo đức như: đọc kinh, xem lễ hằng ngày; lần hạt thì hết chuỗi
này đến chuỗi khác. Điều này rất tốt và ích lợi cho đời sống thiêng liêng nếu
người đó biết thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy ngang qua những việc đạo
đức đó, tức là “Lời nói đi đôi với việc
làm”.
Nhưng chớ trêu thay, vẫn
còn đó những cái xác không hồn khi không biết sống yêu thương, không có tấm
lòng bác ái, nhân từ, vẫn sống man trá, lọc lừa nhân danh thứ đạo đức dởm bề
ngoài. Lại có nhiều người đi lễ đâu phải vì lòng mến Chúa, mà chủ yếu là khoe mẽ
quần là áo lượt! Vì thế, khi thấy cha giảng hơi dài một chút là khó chịu, bực tức,
hoặc khi cha dẫn giải Lời Chúa mà đụng chạm đến lòng tự ái của mình là đùng
đùng nổi giận và chỉ trích cha thế này, cha thế kia...! Tệ hơn nữa là đi lễ chỉ
vì luật, nên không thiếu gì những bạn trẻ đi lễ “ôm” hay thuộc đạo “gốc”;
đạo “ngắm”; đạo “dòng”!
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta cần thoát ra khỏi những kiểu giữ đạo vì sợ điều này điều
kia. Hay đi lễ nhà thờ chỉ vì thói quen, hoặc muốn chứng tỏ rằng mình đạo đức
hơn người. Lời Chúa thôi thúc chúng ta rằng: khi giữ những luật lệ của đạo là
điều cần thiết. Tuy nhiên, cần mặc cho nó một tình yêu. Nếu có tình yêu, chúng
ta sẽ mến Chúa, yêu anh chị em mình cách chân tình. Luôn muốn và làm điều tốt
nhất cho anh chị em chúng ta. Không còn chuyện bè phái, lươn lẹo, lật lường,
nhưng ngay thẳng, chân thành và thánh thiện. Chỉ khi làm được chuyện đó, chúng
ta mới thấy được luật của Chúa là luật làm cho con người được hạnh phúc, bình
an và hoan lạc thực sự. Nếu không thì chỉ là chiếc xiềng quá nặng mà chúng ta vẫn
cố đeo trên cổ đến nỗi bò lê lết để mang nó hằng ngày.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con yêu mến Luật Chúa; đồng thời, xin cũng cho chúng con biết đem luật
yêu thương của Chúa ra thực hành trong cuộc sống nơi các mối tương quan. Amen.
THỨ BA
NHỎ MÀ VĨ ĐẠI
(Lc 13, 18-21)
Xem thêm
CN 11 TN B (Mc 4,26-34), thứ Sáu tuần 3 TN (Mt 13,31-32), Và thứ Hai tuần 17 TN
Ở
đời, người ta thường xem nhẹ những điều nhỏ mọn và coi đó như là chuyện không
cần bàn, vì thế cũng đâu cần quan tâm!
Tuy
nhiên, những điều tưởng chừng như bé nhỏ ấy lại là nguyên nhân cần thiết để trở
thành những điều lớn lao.
Thật
vậy, nhà Phật có câu:
“Hãy nhìn một em bé
Xin người chớ xem thường
Trong em có chất liệu
Của một bậc đế vương”.
Hay;
“Hãy nhìn một đốm lửa
Xin người chớ xem thường
Dù nhỏ bằng đầu đũa
Đốt cả rừng lẫn nương”.
Bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu muốn nói đến sự lớn mạnh của Nước Trời qua dụ ngôn hạt cải và nắm
men.
Thật thế, ngày nay,
nhìn ra thế giới, chúng ta nhận thấy rất rõ sự lớn mạnh này. Khởi đi từ một
nhóm môn đệ ít ỏi và lại gặp biết bao thử thách từ trong trứng nước như: cấm
cách, bắt bớ và giết chết bằng những hình thức hết sức tàn bạo, dã man... Tuy
nhiên, càng thử thách bao nhiêu, càng phát triển bấy nhiêu, đôi khi có lúc âm
thầm, nhưng như than hồng rực nóng hơn nhiều lần ngọn lửa thế nào thì Đạo của
Chúa cũng mạnh mẽ và mãnh liệt như vậy. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam của chúng ta
cũng chứng minh rất rõ điều đó!
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta biết cậy dựa và đặt niềm tin nơi Chúa. Tin tưởng rằng mình
chẳng là gì, rất bé nhỏ, nhưng một khi đã gắn kết với Chúa trong sự khiêm tốn
thì chắc chắc Chúa sẽ dùng vào những chuyện lớn lao cho chương trình của Ngài.
Ví dụ như Phêrô; Phaolô; Âu tinh...
Khiêm tốn chính là vũ
khí để chống lại những kẻ kiêu ngạo đang ngang ngược chống phá Giáo Hội. Chúng
ta vững tin, sẽ có ngày chỉ một nắm men nhỏ, chúng ta sẽ làm cho cả khối bột dạy
men nhờ ơn Chúa.
Điều quan trọng là hạt
cải phải mục nát đi, men phải được hòa tan trong bột thế nào thì đời sống của
người Kitô hữu cũng phải như vậy, tức là đời sống đạo của chúng ta phải chan chứa
tình Chúa, tình người, sống công bằng, từ bi, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại...
Có thế, chúng ta mới làm cho hạt cải của niềm tin sống động làm chỗ dựa cho người
khác. Làm cho men yêu thương lan tỏa để nhiều người yêu mến Chúa hơn.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con biết khiêm tốn và trung thành gắn bó với Chúa để can đảm ra đi
làm chứng cho Chúa bằng khả năng nhỏ mọn đơn sơ nhưng chân thành. Xin Chúa đón
nhận và làm cho đóng góp của chúng con được hữu hiệu trong tình yêu Chúa. Amen.
THỨ TƯ
ĐƯỜNG HẸP DẪN ĐẾN SỰ SỐNG
(Lc 13, 22-30)
Xem lại CN 21 TN C
Một gia đình nọ có hai người con trai. Cha của
hai anh em là một người nông dân bình thường. Mẹ là người nội trợ. Nói chung
gia đình nghèo, cộng thêm chuyện ông bố lại thường xuyên đau bệnh. Hai anh em
bàn tính với nhau, người anh nói với người em rằng: “Em ở nhà chăm sóc cha mẹ, anh đi kiếm tiền thật nhiều để về giúp mẹ
cha tuổi già và lo thuốc thang cho cha”. Người em hỏi: “Anh định kiếm tiền bằng cách nào?” Anh trả lời: “Anh sẽ đi tham gia băng cướp, chỉ có cách
này là nhanh có tiền để lo cho cha mẹ...”. Và cuối cùng thì người anh đã
quyết định hành nghề đâm thuê, chém mướn. Lúc ban đầu tiền bạc đến với anh quá
nhiều, đến nỗi không những có tiền lo cho gia đình, anh ta còn nổi tiếng về
cách ném tiền qua cửa sổ nơi những cuộc ăn chơi trác táng, thâu đêm suốt
sáng... Tuy nhiên, chẳng bao lâu, anh ta đã bị căn bệnh thế kỷ Sida và đã chết
khi tuổi đời còn khá trẻ.
Câu chuyện trên đây chỉ
là ngụ ngôn nhằm dẫn chúng ta vào bài Tin Mừng hôm nay để hiểu được giáo huấn của
Đức Giêsu rằng: con đường hẹp là con đường dẫn đến sự sống. Còn con đường thênh
thang là con đường dẫn đến diệt vong. Muốn có được sự sống đời đời, con người
phải cộng góp vào hành trình tìm kiếm đó bằng những sự hy sinh, và đôi khi cả
cái chết hữu hạn để đổi lấy sự sống đời đời. Trên hành trình tìm kiếm đó, thánh
Phaolô đã ví mình như một vận động viên chạy đua. Phải dày công tập luyện và
chiến đấu với những cám dỗ... Vòng hoa chiến thắng chỉ được trao cho những ai đạt
được thành tích xuất sắc sau những vất vả mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con can đảm đi theo Chúa trên con đường hẹp, để được sống đời đời.
Amen.
THỨ NĂM
THIÊN
CHÚA LÀ TÌNH YÊU
(Lc 13, 31-35)
Khi
được hỏi: Thiên Chúa là Đấng nào? Hẳn không có câu trả lời nào trọn vẹn và ý
nghĩa cho bằng lời khẳng định của thánh Gioan: “Thiên
Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16).
Thật
vậy, bản chất Thiên Chúa là tình yêu, vì thế, nhiều lần và nhiều cách, Thiên
Chúa đã thể hiện tình yêu của Người cho nhân loại ngang qua sự chăm sóc, quan
phòng của Người dành cho ta.
Có
những lúc, Thiên Chúa được ví như người cha răn dạy con cái; như người mẹ yêu thương, an ủi, vỗ về; như
người chồng yêu thương vợ; như người bạn luôn đồng hành...
Hôm
nay, qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu làm toát lên hình ảnh của một Vị Thiên Chúa
yêu thương con người như: “Gà mẹ ấp ủ gà con dưới
cánh”. Quả
thật, Thiên Chúa luôn bao bọc chở che chúng ta dưới bóng cánh của Người lúc
mưa, lúc nắng, khi bão tố, hay khi bị kẻ thù tấn công. Người yêu thương ta bằng
một tình yêu trọn vẹn. Người đã cho đi tất cả, kể cả người Con Một duy nhất
chính là Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thi hành sứ vụ của Chúa Cha
trong tình yêu. Ngài đã yêu thương họ đến cùng và đã chết vì yêu.
Tuy
nhiên, vì hiềm khích, tham lam và kiêu ngạo, con người vẫn đắm chìm trong tội,
nên không thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Họ đã bị một lớp
mây mù dày đặc của tội lỗi làm cho mắt họ không còn phân biệt được tốt - xấu.
Hay đôi khi nhận ra, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì danh dự, vì chức quyền, họ
đã nhắm mắt trước tình yêu của Ngài, và đã đi ngược lại với tiếng Lương Tâm.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trong tâm tình của những người
con đã được Thiên Chúa yêu thương. Nhận ra tình yêu của Người và chia sẻ tình yêu
đó cho người khác. Khi đã lựa chọn Chúa là mục đích, lẽ sống, thì cũng đón nhận
những lời giáo huấn dạy dỗ của Ngài như khuôn vàng thước ngọc, thi hành luật
Chúa trong lòng mến. Tránh tình trạng như Hêrôđê luôn tìm cách loại trừ Đức
Giêsu chỉ vì những điều tốt đẹp Ngài đã làm, hay như những người Pharisêu, vì sợ
phiền hà, liên lụy, hay vì không chấp nhận chân lý của tình thương mà đã lợi
gió bẻ măng, tiếp tay cho sự gian ác để đồng lõa loại bỏ Đức Giêsu.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng con biết cảm nghiệm được tình yêu mà Chúa dành
cho chúng con. Đồng thời luôn sống trong tình yêu đó bằng việc đón nhận Chúa
như lẽ sống của cuộc đời và chia sẻ tình yêu đó cho người khác. Amen.
THỨ SÁU
LUẬT
PHẢI ĐƯỢC CHI PHỐI BỞI TÌNH YÊU
(Lc 14, 1-6)
Có
một câu chuyện kể rằng: khi đang đi trên đường vào chiều tối, một cô gái bị
nhóm thanh niên lạ mặt vây hãm. Đang thực hiện hành vi cướp giật và đồi bại...
bất thình lình, có một chàng trai bảnh bao, võ nghệ thuộc loại giỏi, nên anh ta
đã tung ra những tuyệt chiêu để đánh đuổi bọn cướp và bảo vệ cô gái. Thấy không
chống trả lại được, bọn cướp đã bỏ đi cách nhanh chóng, để lại cô gái cũng như
chiếc xe hàng hiệu của cô trong sự tiếc nuối! Còn cô gái thì sợ hãi tột cùng.
Tuy nhiên, với nghĩa cử hào hiệp, cộng thêm bề ngoài bảnh trai... cô gái đã
nhanh chóng lấy lại tinh thần và thán phục, tôn trọng với chàng trai tốt bụng
đã giúp đỡ mình thoát nạn. Trong tâm hồn cô, chàng trai này đã chiếm được một vị
trí đặc biệt. Thấy được cô gái đã siêu lòng, chàng trai tỏ vẻ yêu thương và hứa
hẹn đủ điều. Tuy nhiên, lợi dụng lúc cô gái không để ý, hắn ta đã nhanh chóng
lên xe của chính cô và tẩu thoát, để lại cô gái một mình trong sự bàng hoàng...
Như vậy, thực chất chàng trai đã làm mờ mắt và siêu lòng cô gái trên đây chính
là một tên lừa siêu hạng!
Hôm
nay, ngang qua việc người đàn bà mắc bệnh phù thũng đến với Đức Giêsu đúng vào
ngày Sabát, và các người Luật Sĩ tỏ ra khó chịu! Nhân cơ hội
này, Đức Giêsu dạy cho những người Luật Sĩ bài học tình thương phải phát xuất từ
tấm lòng chân thật chứ không phải vì giả bộ bề ngoài.
Khởi
đi từ câu hỏi: "Trong ngày Sabát, có
được phép chữa bệnh không?", tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một
tình huống và yêu cầu họ trả lời: "Trong
ngày Sabát, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập
tức kéo nó lên sao?". Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời
được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những Luật Sĩ không thể trả lời được
các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo. Nên gặp
phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ phải câm miệng,
bởi vì họ thuộc hạng người: luôn chất những gánh nặng không thể vác nổi lên vai người ta, còn
họ, họ không đụng một ngón ta mà lay thử.
Thật vậy, nếu luật mà không có tình thương thực sự thì hẳn sẽ
chỉ là trò bịt bợm, dối lừa và lợi dụng mà thôi. Câu chuyện trên cho thấy rõ bản
chất của chàng trai kia: hắn giữ luật là bảo vệ người thấp cổ bé họng, chân yếu
tay mền trước sự tấn công của kẻ mạnh, nhưng những hành vi, nghĩa cử đó của hắn
đâu phải vì tình thương, mà là một chiêu thức tinh vi, một trò bỉ ổi để lừa gạt
mà thôi.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy tránh cho xa thói chuyên nghề bịt
bợm, lưu manh nhân danh đạo đức, nhân danh công lý... như những người Luật Sĩ
khi xưa. Đừng vì cái mác đạo đức bên ngoài mà bất nhân đến độ loại bỏ tiếng
Lương Tâm để đi đến hành vi vu oan cho người khác, chỉ vì người ta dám nói lên
sự thật, hay vì người ta dễ thương khi sống cốt lõi của Tin Mừng là tình
thương...
Lạy
Chúa Giêsu, Luật của Chúa là luật tình thương, Luật vì con người. Xin cho mỗi
chúng con biết yêu mến Luật Chúa, và khi thi hành, xin cho chúng con biết đem
tình yêu lồng vào trong Luật đó. Có thế, Luật của Chúa mới giải thoát chúng con
mà thôi. Amen.
THỨ BẨY
THẾ
NÀO LÀ NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG ?
(Lc 14, 1. 7-14)
Có
một lần, trên xe buýt có hai linh mục, hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một
bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm
nhường?
Tưởng
rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn
nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất
xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không
đúng! Vì nếu người khiên nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng
người bị thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh
trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi
mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần
khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người
khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác
kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường
thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm
nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.
Thật
vậy, theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận
ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn,
tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng
tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.
Nói
chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa
yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và
tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng
của Ngài, bởi vì: "... hễ ai nhắc
mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen.