TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
CẦN CÓ CÁI NHÌN CỦA
CHÚA
(Lc 21,l-4)
Xem lại
CN 32 TNB và thứ Bảy tuần 9 TN
Sau khi Đức Giêsu
thanh tẩy đền thờ bằng việc đánh đuổi con buôn để trả lại cho đền thờ sự thánh
thiêng đúng nghĩa. Hôm nay, Đức Giêsu tiến xa hơn khi nói đến tâm hồn của con
người trong việc thực hành niềm tin tôn giáo. Vì thế, Ngài đã thay đổi quan niệm
xưa khi cho rằng: một người được Thiên Chúa chúc phúc là một người đông con nhiều
cháu, đoàn xúc vật và của cải nhiều... Đây là não trạng mang đậm truyền thống của
tiền nhân nơi những người Dothái đương thời với Đức Giêsu. Lối suy nghĩ này còn
bén rễ sâu vào khái niệm dâng cúng tiền bạc trong đền thờ. Họ cho rằng: ai dâng
cúng nhiều thì dấu chỉ người đó được nhiều ơn..., bởi thế, ở gần hòm tiền, luôn
có người phụ trách xướng lên lớn tiếng số lượng mỗi người dâng để cho mọi người
biết.
Thấy thế, Đức Giêsu đã
xóa bỏ quan niệm đó và mặc cho nó một ý nghĩa sâu xa được khởi đi từ tấm lòng
chân thành chứ không phải là những vật phẩm bề ngoài.
Câu chuyện Tin Mừng
hôm nay hiện lên hình ảnh của một bà góa nghèo. Bà được Đức Giêsu đề cao vì đã
dâng tất cả những gì mình có. Thật vậy, bà không có nhiều tiền, nhưng bà có tấm
lòng bao la. 2 đồng tiền nhỏ mà bà bỏ vào thùng không đáng gì so với những đồng
tiền của giới nhà giàu dâng cúng. Tuy nhiên đây là cả gia sản hiện tại của bà.
Thấy được nghĩa cử cao quý đó, Đức Giêsu đã lên tiếng khen ngợi: “Ta bảo thật anh em, bà goá nghèo khó này
đã bỏ vào hòm nhiều hơn mọi người”.
Khi đề cao bà góa
nghèo như vậy, Đức Giêsu đã không chú ý đến số lượng, mà Ngài đã đề cao phẩm chất.
Sự ca ngợi của Đức Giêsu dành cho bà làm toát lên cái nhìn của Thiên Chúa. Ngài
nhìn từ bên trong tâm hồn, trong khi con người thì lại nhìn từ những cái bên
ngoài.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay cho chúng ta thấy: tấm lòng của con người mang tính quyết định chứ không phải
những gì bên ngoài. Giá trị tâm linh thì quan trọng hơn lễ vật. Nếu dâng cúng
nhiều mà không có tấm lòng yêu thương, bác ái thì chỉ là một cách phô trương mà
thôi.
Mặt khác, với cái nhìn
của Đức Giêsu cho chúng ta thấy: đừng vì bề ngoài mà xét đoán anh chị em mình tốt
hay xấu. Cũng đừng vì tiền mà thay đổi thái độ trắng đen và phân biệt đối xử,
hoặc đừng vì những thứ bề ngoài mà an tâm rằng ta được phúc hơn người!
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con biết noi gương bà góa nghèo để đến với Chúa bằng tấm lòng chân
thành trong sự yêu mến. Xin Chúa cũng ban cho chúng con có cái nhìn như Chúa để
được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen.
THỨ BA
NGÀY PHÂN BIỆT...
(Lc 21, 5- l1)
Một công trình hoành
tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, khẳng định
với thời đại, đó chính là thành thánh Giêrusalem. Quả thật, đây là công trình
thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái... Tuy nhiên, công trình này
rồi cũng như hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi. Dù nguy nga, đồ sộ cỡ nào thì trước
mặt Chúa cũng chỉ là phù vân!
Quả thật, sự kiện năm
70 sau Chúa Giáng Sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào
chồng lên hòn đá nào, và nó đã thành biển lửa và máu. Ngày nay, người ta chỉ
còn biết đến nó như là một sự kiện của lịch sử hay như một kỷ niệm buồn tủi với nước mắt...
Hình ảnh thành thánh
Giêrusalem bị tàn phá là tiền đề để giúp cho chúng ta cảm thấy trước sự kinh
hoàng, ghê rợn trong ngày chung cuộc của con người và thế giới. Ngày đó đến với
các điềm báo trước như: hạn hán, mất mùa, bệnh dịch, những điềm lạ xuất hiện
trên trời như: kinh thiên, động địa, hay chiến tranh tàn phá và loạn lạc...
Ngày đó là ngày phán xét, ngày phân biệt tốt và xấu; thiện và ác; chiên và dê;
lúa và cỏ lùng; cá tốt và cá xấu...
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hướng về Nước Trời như một điểm đến của chúng ta. Cần nhạy
bén với các dấu chỉ thời đại, hầu thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cần
tránh cho xa những điều bất chính và mặc lấy thái độ của những người sống trong
ân sủng. Suy nghĩ, hành động tốt để ngày Chúa đến với chúng ta là một ngày tràn
ngập vui mừng. Chớ dại mà bám víu vào những thứ tưởng chừng sẽ tồn tại trong cuộc
sống như: vật chất, chức quyền, danh vọng; hay những thú ăn chơi, đàn điếm, cờ
bạc mà quên đi mục đích tối hậu của mình.
Chỉ có Lời Chúa là tồn
tại và là Lời Hằng Sống có sức biến đổi cũng như cứu vãn chúng ta khi chúng ta
lắng nghe và thực hành mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con biết tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa
đến. Xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.
THỨ TƯ
ĐAU KHỔ VÌ ĐỨC TIN
(Lc 21, 12 – 19)
Xem lại thứ Sáu tuần 14 TN
Mang trong mình thân
phận con người, với đầy đủ những giới hạn nhất định, chúng ta hẳn không thoát
ra khỏi cảnh sợ hãi khi thử thách, đau khổ và cái chết xảy đến. Những người
Công Giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mặt khác, người Công Giáo cũng
không phải là hội của những người liều lĩnh để rồi coi những đau khổ, thử thách
và bắt bớ như là một thành tích... Chắc chắn là không, và Đức Giêsu cũng không
cổ súy cho chúng ta lựa chọn với thái độ như vậy!
Tuy nhiên, có những thử
thách mang lại cho chúng ta niềm tin. Có những đau khổ mang lại cho chúng ta sự
hãnh diện. Có những cái chết sẽ trả lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu! Tại sao
thế? Thưa chính vì Chúa, vì Đạo mà chúng ta bị như thế thì thật là phúc cho
chúng ta.
Theo lẽ thường, những
người sống niềm tin của mình, thi hành cốt lõi Tin Mừng trong cuộc sống, thì sự
bắt bớ, đàn áp, đánh đập và giết chết là số phận phải trả cho những lựa chọn vì
Nước Trời.
Hậu quả này đã đến với
Đức Giêsu và tất cả những ai tin cũng như rao giảng danh Ngài thì cùng chung số
phận như vậy.
Thật thế, suốt dòng lịch
sử hơn 2000 năm, Giáo Hội Công Giáo không ngừng bị bắt bớ... hàng hàng, lớp lớp,
những con người trung kiên với đức tin đã phải đầu rơi máu đổ trên khắp mọi
nơi... Vì thế, số phận của Thầy cũng là của trò, vì: “Môn đệ không trọng hơn Thầy”.
Ở mọi thời, người ta
có thể kết án với đầy đủ mọi thứ tội. Tuy nhiên, mẫu số chung cho các bản án đó
là chết vì đức tin, vì đạo, vì danh Chúa Kitô. Như thế, cuộc đời đầy thử thách
của các ngài đã ứng nghiệm với Lời của Đức Giêsu: “Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét”.
Trong cuộc sống hôm
nay, những bách hại đó vẫn còn, nhưng có khác hơn vì nó đến từ nhiều phía, như:
tự do tôn giáo không được đảm bảo; lương tâm con người bị chà đạp, o ép, công
lý thuộc về đám đông. Số phận của những người lương thiện bị coi rẻ. Sự thật
không được tôn trọng. Công bằng, công lý bị tước đoạt... Tất cả những thứ đó
đưa người Kitô hữu vào một cuộc bách hại tận sâu thẳm từ lương tâm khi khước từ
những điều bất chính, nghịch với đạo lý Tin Mừng.
Trước thực trạng đó, sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trung thành với Lời Chúa dạy để sống
trọn vẹn giá trị của Tin Mừng. Chấp nhận thiệt thòi phần xác để được lợi phần hồn.
Đón nhận mọi đau khổ khi đứng lên đấu tranh cho công lý và công bằng. Và, nếu
có phải đánh đổi để đón nhận phần thưởng sự sống đời đời thì hãy sẵn sàng và cố
gắng, vì quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con hiểu rằng: con đường đưa đến hạnh phúc thật chính là con đường khổ
giá. Xin Chúa ban cho chúng con cam đảm, trung thành đi theo Chúa đến cùng.
Amen.
THỨ NĂM
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
(Lc 21, 20-28)
Hôm nay, thánh Luca
trình thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước thành thánh Giêrusalem sẽ bị tàn phá
nặng nề. Sự kiện bị phá hủy của đền thờ chính là hình ảnh tiên trưng cho ngày
cánh chung của chúng ta. Khi ngày đó đến, hẳn sẽ có nhiều người vui mừng, nhưng
cũng không thiếu người đau khổ và thất vọng. Ngày đó sẽ trở nên đáng sợ cho những
ai không nhận ra dấu chỉ để sám hối, canh tân. Nhưng cũng ngày đó, nhiều người
sẽ vui mừng và hãnh diện vì đã chuẩn bị sẵn sàng bằng việc tỉnh thức và cầu
nguyện không ngừng.
Như vậy, hạnh phúc hay
đau khổ là do sự lựa chọn của chúng ta ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ có sự
chuẩn bị trong tỉnh thức thì mới tránh được đau khổ mà thôi. Bởi vì ngày đó
không hẹn trước, nó đến với ta bất thình lình, chỉ có những dấu chỉ đi trước
báo hiệu. Tuy nhiên, nếu nhạy bén với các dấu chỉ thời đại thì mới nhận ra những
điềm báo trước đó, nếu không, chúng ta sẽ chịu những đau khổ, thiệt thòi như những
phụ nữ đang mang thai và người đàn bà đang cho con bú. Nếu nằm trong hoàn cảnh
này thì hẳn ngày tận thế xảy đến sẽ là ngày u ám cho cuộc đời của chúng ta vì sẽ
phải lãnh nhận một bản án khắc nghiệt cho mình vì sự cứng đầu, cố chấp trong tội,
và ngoan cố không sám hối để được ơn tha thứ.
Sứ điệp Lời Chúa mời gọi
chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng việc trung thành tuân giữ Lời Chúa
và ra sức thi hành trong lòng mến. Cần nhận ra các dấu chỉ thời đại để hiểu được
thánh ý của Chúa. Phải chuẩn bị cho hành trình tiến về với Chúa qua cái chết bằng
những hành trang, như: bác ái, từ bi, nhân hậu, hiền hòa, bao dung, vị tha. Được
như thế, thì cái chết đến với chúng ta là một niềm vui chứ không phải là hình
phạt và đau khổ...
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con được luôn yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Biết chuẩn bị cho cuộc sống
vĩnh cửu của mình bằng những việc thiện, để ngày Chúa đến với chúng con được trở
nên niềm vui mừng. Amen.
THỨ SÁU
ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG
CAO ĐẦU
(Lc 21, 29-33)
Xem CN
33 TN B
Ở miền bắc nước ta, cứ
vào độ tháng 1,2,3 âm lịch, các cây cối thường đâm trồi nẩy lộc sau một thời
gian dài ngủ yên trong khí hậu mùa đông. Hình ảnh này báo hiệu cho biết mùa
xuân ấm áp đã về để đẩy lui cái lạnh của mùa đông tiết giá.
Trong mùa xuân, người
ta thường trồng cây cối. Bởi vì ở vào mùa này, khi trồng, cây không bị chột...
Hôm nay, Đức Giêsu
dùng hình ảnh cây vả và các loài cây khác để diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Cây vả là thứ cây quen
thuộc trong Tin Mừng. Đức Giêsu đã nhắc đến nhiều lần về loại cây này, như:
Chúa đã thấy Nathanaen ngồi dưới cây vả trước khi Philipphê dẫn đến gặp Ngài,
hoặc thí dụ về cây vả trồng trong vườn nho đã ba năm mà không sinh trái. Thánh
Matthêu cũng ghi lại bài giảng trên núi có đoạn như sau: “Cứ xem quả thì biết cây, có ai hái được quả nho trong bụi gai, hay
trái vả trong khóm nho sao?”.
Hình ảnh cây vả được Đức
Giêsu dùng trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến sự xuất hiện của Nước Thiên
Chúa. Chính Đức Giêsu là mùa xuân đến để loan báo lời Chân Lý của Thiên Chúa
cho nhân loại. Những ai đón nhận Ngài cũng như Giáo Huấn của Ngài thì sẽ được
đâm trồi nẩy lộc như cây cối mùa xuân.
Ai không tin, thì sẽ bị
héo úa tàn phai. Nếu cây cối, nó luôn hướng về mặt trời như là sự khao khát cần
tiếp nhận ánh sáng để quang hợp thế nào, thì mỗi chúng ta cũng cần phải đứng thẳng
trong tư thế của người công chính, để nhạy bén tiếp nhận những lời Chân Lý của
Chúa, ngõ hầu được sự sống đời đời như vậy.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận ơn Chúa trong cuộc sống. Nhạy bén với những
dấu chỉ hiện tại. Hướng lòng về những chuyện tương lai. Hành động đón chờ phải
là hành động của kẻ đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong tư thế tỉnh thức và chờ đợi
để đón nhận ơn Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho con được yêu mến Chúa. Xin cho con được sinh hoa kết quả nhờ được gắn liền
với Chúa. Amen.
THỨ BẨY
CẦU NGUYỆN VÀ TỈNH THỨC
(Kh 22, 1-7; Lc 21,
34-36)
Nếu chúng ta chỉ còn
có một ngày cuối cùng để sống, hẳn sẽ có nhiều điều trăng trối được nhắn gửi tới
mọi người. Cũng vậy, nếu còn một ngày để làm việc, người ta sẽ làm nhiều chuyện
tốt đẹp để lại cho đời và cho người.
Hôm nay, ngày cuối
cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng muốn nhắn gửi chúng ta một thông điệp căn
bản và quan trọng khi dùng đoạn Tin Mừng theo thánh Luca để nói về sự tỉnh thức
và cầu nguyện.
Tỉnh thức và cầu nguyện
là thái độ cần thiết cho ngày Chúa đến, ngày đó là ngày cuối cùng của cuộc đời
con người và nhân loại.
Tỉnh thức và cầu nguyện
để biết phải làm gì cho xứng hợp với Nước Trời.
Cầu nguyện và tỉnh thức
để loại bỏ những thứ không cần thiết như chè chén, say sưa, mê theo khoái lạc...
Nếu còn ngày cuối cùng
thì hẳn chúng ta đừng lo lắng điều gì trần thế, mà hãy chuẩn bị cho tâm hồn thật
thanh thoát để được vào chung hưởng hạnh phúc Nước Trời: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công chính của Người,
còn tất cả những cái khác, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33).
Chiếc lưới bất thần chụp
xuống cho chúng ta thấy cái chết và số phận của mọi người: không ai thoát được
nó. Tuy nhiên, sau đó được đem đi đâu mới là điều quan trọng. Vì thế, nó sẽ trở
nên vui mừng cho những ai được đem vào nơi hạnh phúc và bình an. Ngược lại, sẽ
là điều kinh hoàng và bất hạnh cho những ai bị loại ra ngoài.
Muốn được đem vào Nước
Trời, thì hẳn phải tỉnh thức như chủ nhà canh trộm ban đêm; như đầy tớ mong ông
chủ đi ăn cưới về; như năm cô trinh nữ khôn ngoan có đèn và dầu.
Khi cầu nguyện, chúng
ta khỏi sa chước cám dỗ và có sức chiến đấu với ma quỷ; và cuối cùng, cầu nguyện
để đón nhận được ơn thánh của Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta: hãy trung tín với sứ điệp Lời Chúa. Sống bác ái yêu
thương. Không bị vướng bận quá nhiều vào của cải ở đời. Sống vô vị lợi, không
đòi hưởng thụ. Không để mình bị ngủ mê trong tội hay chạy theo các chủ trương
duy vật, hưởng thụ, mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt
của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi
ngày chúng con phải đối diện với cái chết. Xin cho chúng con biết chuẩn bị ngày
đó đến với chúng con bằng thái độ tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Amen.