Đ Ô I     Đ Ũ A

________________________________________

Đũa đã thành đôi (tục ngữ)

 

I. LỜI CHÚA.

 

St 1,27 :  Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình.

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.

 

St  2,24 : Bởi thế,  người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

 

Mc 10,6-9 : Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.

 

II.  HÔN NHÂN VÀ BỮA ĂN.

 

        Khi người nam và người nữ kết hợp với nhau bằng giao ước hôn nhân, họ chính thức tạo lập một gia đình.  Đây là ngày vui và đáng ghi nhớ nhất trong đời họ. Người ta tổ chức tiệc cưới mừng cho đôi tân hôn. Bữa ăn được tổ chức khác nhau tùy theo phong tục từng dân tộc, từng địa phương. Trong bữa ăn, người ta dùng phương tiện nào để ăn cơm ?

        * người Tây phương dùng xiên muỗm.

        * Người Ấn độ hay dùng tay để bốc cơm cà ri.

        * Người Á đông, nhất là Việt nam, người ta dùng đôi đũa để ăn cơm.

 

        Đây là kiểu ăn đặc thù của người Việt.  Dùng đũa thì bao giờ cũng dùng đôi, không bao giờ dùng một chiếc. Dùng đũa là cả một nghệ thuật : cách cầm đũa phải nhẹ nhàng, khoan thai, dẻo dai . Khi gắp món ăn cũng như lúc và cơm, đôi đũa hoạt động nhịp nhàng, cả hai cùng giúp nhau để gắp thức ăn cũng như và cơm.  Việc đôi đũa hoạt động hỗ tương nhau làm cho tôi liên tưởng đến sinh hoạt của vợ chồng.. Đũa bao giờ cũng có đôi, một chiếc đũa không thể gắp, không thể và cơm được, chỉ còn cách là chọc món ăn thôi.

 

III. TẢN MẠN VỀ ĐÔI ĐŨA.

 

        Khi người thanh niên đến tuổi yêu đương, bao giờ cũng chọn cho mình một người yêu. Sau khi đã tìm hiểu nhau, ưng ý nhau và hứa hẹn lấy nhau, thời gian này người ta dùng một từ ngữ bóng bảy là “đũa đã thành đôi” (tục ngữ).

 

        Tìm hiểu câu tục ngữ “đũa đã thành đôi” trên, chúng ta có một số ý nghĩ về mối tương quan giữa “đôi đũa và vợ chồng”.

 

        1. Đũa phải có đôi.

 

        Câu tục ngữ trên đã nói lên tư tưởng này : dùng đũa thì bao giờ cũng phải dùng đôi, không thể dùng một chiếc để gắp thức ăn cũng như và cơm. Nếu chỉ dùng một chiếc đũa thì chỉ có thể chọc được thức ăn chứ không thể gắp được cái gì.  Khi bà mẹ chồng quá khắc nghiệt với con dâu, nàng dâu phải nói lên lập trường của mình một cách quyết liệt :

 

                        Chồng thương chẳng nệ chi ai,

                        Đũa bếp cho dài, gắp cổ mụ gia.

                                (ca dao)

 

        2. Hai chiếc đều nhau, không so le.

 

        Đũa có thể to nhỏ, dài ngắn nhưng luôn luôn phải bằng nhau. Nếu một chiếc to, một chiếc nhỏ, chiếc dài chiếc ngắn thì rất khó gắp.  Điều này có ý nói : vợ chồng là bạn đường, ngang hàng, cùng đồng hưởng ơn ban sự sống. Tránh cái quan niệm lệch lạc xa xưa như “chồng chúa vợ tôi” hoặc như quan niệm của Nho gia ngày xưa “phu xướng phụ tùy”, chồng nói thì vợ phải làm theo, không được có ý riêng. Người ta coi người phụ nữ là thứ yêu, chỉ như một người tôi tớ được mẹ cha mua về :

                        Con gái là của người ta,

                        Con dâu mới thực mẹ cha mua về.

                                (ca dao)

 

        Chính vì thế, trong cảnh sống” chồng chúa vợ tôi” người phụ nữ chỉ còn than thân trách phận hay trách cha mẹ đã gả bán cho người ta mà không nghĩ đến số phận con gái :

 

                        Mẹ tôi tham thúng xôi dền,

                        tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

                        Tôi đã bảo mẹ rằng đừmg,

                        mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

                        Bây giờ kẻ thấp người cao,

                        như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

                                (ca dao)

 

        3. Hai chiếc đũa phải xuôi chiều.

 

        Chiếc đũa có hai đầu, đầu lớn và đầu nhỏ. Người ta gắp bằng đầu nhỏ. Nếu gắp bằng một đầu lớn và một đầu nhỏ thì rất khó. dễ để rơi thức ăn. Đây là trường hợp của đôi vợ chồng sống trong cảnh “ông nói gà bà nói vịt”, mỗi người một ý, không ăn khớp với nhau, gây lộn xộn trong gia đình :

                        Sống mỗi người một nết,

                        Chết mỗi người một tật.

 

        4. Hai chiếc phải thẳng và đều.

 

        Đôi khi có thể xẩy ra, một chiếc đũa thẳng, một chiếc đũa cong làm cho việc gắp thức ăn không chuẩn.  Đây là trường hợp của đôi vợ chồng không trung thực với nhau, người ta lén lút đi ngang về tắt, người ta xé rào, người ta có những mối tình trộm vụng bất chính. Nên người ta nói :

                        Chồng ăn chả, vợ ăn nem,

                        Đứa ở có thèm mua thịt mà ăn.

                                (ca dao)

 

        5. Giữ cho đũa khỏi mốc.

 

        Ăn xong ngày nào cũng phải rửa, phải phơi khô, nếu không đũa sẽ bị mốc.  Đó là khi vợ chồng không để ý đến nhau, mỗi người nhìn một hướng, không biết lo cho hạnh phúc của nhau, họï sống ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân mình.  Hoặc họ chỉ biết sống cô độc như anh chàng Narcisse trong thần thoại Hy lạp.  Vì thế người ta khuyên vợ chồng :

 

                        “Hãy rửa tội cho tình yêu mỗi buổi sáng

                         và hãy cưới lại nhau mỗi ngày”.

 

          6. Giữ cho đũa khỏi mọt.

 

        Phải giữ đũa trong tình trạng tốt, đừng để bị mọt. Trong gia đình không thể tránh được cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, có thể xẩy ra những sự bất hoà bùng nổ hay ngấm ngầm.  Sự bất hòa ngấm ngầm rất nguy hiểm, nó cứ âm thầm gậm nhấm tình yêu vợ chồng, mỗi ngày cứ lạnh nhạt dần và có thể trở nên một cuộc chiến tranh lạnh :

 

                        Lạnh lùng thay láng giềng ơi,

                        Láng giềng lạnh  ít, sao tôi lạnh nhiều.

                                (ca dao)

 

        7. Giữ cho đũa khỏi bị gẫy.

 

        Đôi lúc khách đang gắp thức ăn mà đũa bị gẫy thì cảm thấy hơi bị quê, vì đũa làm bằng nhựa rất dòn.  Trường hợp này đã từng xẩy ra.   Ngày nay ta thấy các gia đình lỏng lẻo rất nhiều. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói :”Gia đình là nền tảng của xã hội”.  Nếu nền tảng đã lung lay thì xã hội làm sao đứng vững được. Nhiều nơi có tới 50% hay có nơi tơi 70% các đôi hôn nhân ly dị.  Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì tương lai nhân loại sẽ ra sao ?  Người ta cứ thản nhiên nói :

 

                        Đồng tiền chiếc đũa chia ly,

                        Thiếp đi theo thiếp, chàng đi đường chàng.

                                      (ca dao)

 

KẾT LUẬN

 

        Chúng ta vừa cùng nhau bàn về đôi đũa với một số suy nghĩ về cuộc sống vợ chồng.  Hôm nay hai anh chị có thể nói là

 

                        Đôi ta làm bạn thong dong,

                        Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng.

                                       (ca dao)

       

        Hãy cố sao giữ cho đôi đũa ấy luôn nguyên vẹn để làm cho bữa ăn trong gia đình được ngon miệng, thêm sức khỏe để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Và chúng ta hãy cầu nguyện :

 

        Lạy Chúa, khi tạo dựng loài người có nam có nữ, Chúa đã muốn cho cả hai nên một. Hôm nay là ngày lễ thành hôn của anh... và chị...   Xin cho họ được trọn tình vẹn nghĩa với nhau và biết mở rộng lòng yêu thương mọi người để làm chứng cho tình yêu vô biên của Chúa.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Tháng 12 / 2003

 


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà