ĐÁ NÁT VÀNG PHAI

+++

 

         Người đời từ xưa đến nay đều quí trọng và ca tụng những người biết giữ lòng chung thuỷ trong đời sống xã hội, nhất là trong đời sống hôn nhân.

 

         Chính Chúa Giêsu đã phán :”Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).

 

         Nếu người đời đã biết quí trong sự chung thuỷ trong cuộc sống hằng ngày, thì người Kitô hữu càng phải trân trọng tính cách đơn nhất và vĩnh viễn trong cuộc sống hôn nhân. Vì đây không phải là ý kiến hay dư luận của người đời mà con là lệnh truyền của Chúa cho những ai thiết lập cuộc sống gia đình Kitô giáo.

 

                                   Dẫu ràng đá nát vàng phai

                           Chữ trung chữ hiếu xin người chớ quên

 

I.  CÂU CHUYỆN CHUNG THUỶ

 

         1. Chung thuỷ là gì ?

 

         Theo nghĩa chữ Hán thì “Chung” là sau cùng, cuối cùng (ví dụ : chung kết).

         Còn “Thuỷ” là trước, đầu tiên (ví dụ : nguyên thuỷ).

         Như vậy, chung thuỷ hay thuỷ chung  có thể hiểu là sống trước sau như một, không lừa dối nhau, không thay đổi.

 

         Chúng ta hãy xem một người mẹ đã giải thích cho đứa con trai xem thế nào là chung thuỷ.

 

         Thằng con trai ở cửa vào phòng, mẹ đang ngồi ngước mắt nhin con từ đầu đến chân.

         - Thằng đẹp trai của mẹ, hôm nay không đi làm sao con ?

         Con trai ngồi xuống bên cạnh mẹ… Mẹ ơi, con hỏi mẹ điều này :

         - Gì vậy con ?

         - Theo mẹ thì “Thuỷ chung “ là gì hở mẹ ?

         - Con muốn hỏi về gì ?  Về cuộc sống, bạn bè hay tình yêu ?

         - Về tất cả.

 

         - Theo mẹ thuỷ chung với bạn bè là trước sau như một, trước đối xử với nhau như thế nào thì sau như vậy, không thay đổi giữa chừng dù mình hay bạn  có giầu sang hay nghèo khó, mạnh khoẻ hay ốm đau.  Là phải nghỉ tới những khó khăn cực khổ  mình đã cùng bạn bè vượt qua, dù hiện tại có gặp chuyện gì đi nữa cũng đừng bao giờ phủi sạch  ân tình đã từng có.

 

         - Thuỷ chung với cuộc đời là có trước có sau, khi mình khổ vẫn giữ lòng trong sạch như gương, sống lương thiện không tham sang phụ khó.  Thấy người giầu không tham, thấy người khổ chẳng xem thường. Hãy chung tay giúp những mảnh đời bất hạnh hơn mình, vì cuộc đời vốn đã chẳng công bằng gì, con ạ.

 

         - Thuỷ chung với tình yêu là một lòng như nhất, khi đã yêu thì yêu hết trái tim, dành trọn tấm lòng cho người mình yêu quí, sẽ không quá nếu mẹ nói  là hy sinh cả hạnh phúc đời mình cho người mình yêu được hạnh phúc.  Là khi yêu thì chẳng thể đổi thay dù kẻ khác có uy quyền hay nhan sắc vẹn toàn hơn.  Có một điều mà ta không thể phụ nhau đó là tình nghĩa, tình nghĩa chỉ có  khi những người yêu thương nhau  dành tặng cho nhau, tiền tài, danh vọng, nhan sắc không thể mua bán, trao đổi.  Không thuỷ chung là phản bội, là ngoại tình  vì dục vọng, là đổi thay vì tiền bạc, danh vọng.  Kẻ ấy có thể giầu sang hơn nhưng nhân cách chẳng đáng một lần tôn trọng.

         Cuộc đời mẹ đã có những người bạn gọi là “nối khố” cùng nhau, thời khó khăn dựa vào nhau mà sống… thời gian qua đi, thế sự đổi thay, lòng người cũng vì vậy mà mờ dần tình nghĩa đã từng xây trên khốn khó.  Đã có những lần người ta phản bội mẹ… chỉ vì dục vọng, tiền tài… Có những người mẹ từng gặp trên đời, , từng đôi lần quí trọng… nhưng chỉ vì ham muốn riêng mình, bất tài nhưng muốn đứng trên người khác hoá ra  lại tự đào huyệt chôn mình….

         Thuỷ chung chỉ là hai từ mà khi đọc ta tưởng chừng chẳng liên quan tới cuộc đời mình, nhưng từng trải qua con sẽ thấy thuỷ chung đáng trân trọng biết bao nhiêu.  Điều đó quyết định nhân cách của một con người con ạ.  Hãy vào đời bằng sự thuỷ chung nhé con trai của mẹ !

 

                                    Truyện :  Người vợ thuỷ chung

 

         Người Ba Lan thường nhắc đến nàng Catarin Zenelonca như biểu trưng của lòng thủy chung.  Được tin chồng mình bị vua Thuỵ Điển là bào huynh tống ngục. Catarin Zenelonca xin được ngồi tù với chồng. Nàng nói về chồng mình như sau :

         “ Dù vô tội hay có tội, chàng vẫn mãi mãi là chồng của tôi”.

         Nhà vua tìm mọi cách thuyết phục nàng bỏ chồng. Nhưng Catarin Zenelonca đã rút chiếc nhẫn từ trên ngón tay mình trao cho nhà vua và xin ông đọc dòng chữa được ghi khắc trên đó.  Quả thực, nhà vua đã sửng sốt khi đọc thấy ba chữ “cho đến chết” (sola mors).  Ông đành để cho người thiếu phụ được ngồi tù với chồng. Và 17 năm sau khi vua băng hà, hai người mới được tự do.

 

         Trong tình yêu đích thực không có cân lường đo đạc.  Có tính toán hơn thiệt thì không còn tình yêu, thước đo của tình yêu là sự không đo lường.  Biết phục vụ mà không bị thương tích, biết sẵn sàng bị thua thiệt mà không cần một phần thưởng nào khác hơn là biết rằng :”Sống với đúng lòng mình” !  Đó là một tình yêu cao thượng của thế gian, có thuỷ có chung.

 

         2. Chung thuỷ trong văn chương Việt nam

 

         a) Thi sĩ Nguyễn Khuyến

 

         Nguyễn Khuyến (1835-1909), nhà thơ gốc làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, từng đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

 

         Nguyễn Khuyến là một con người, một tâm hồn Việt nam tiêu biểu. Chính vì thế, thơ của ông với thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trước kia, thơ Nguyễn Bính và một số nhà thơ khác sau này, đã tạo thành một xu hướng thi ca vô cùng độc đáo và đặc sắc, chuyên đặc tả “bản sắc Việt nam” trên hai phương diện “bản sắc quê hương đất nước Việt nam và bản sắc tâm hồn Việt nam”.

 

         Trong 88 bài thơ của Nguyễn Khuyến, chúng ta thấy có bài thơ “Mẹ Mộc” được gói ghém ý tưởng và tâm tinh của ông trong đó.

 

         “Mẹ Mốc” quê ở gần làng Yên Đổ. Cô còn trẻ, có nhan sắc, có vốn liếng, mà chồng lại đi xa.  Trong hạt có nhiều chàng chòng ghẹo toan ép liễu nài hoa.  Cô bèn giả điên, thoa tro than vào người, xé rách quần áo, chủ ý che mặt bọn kia để khỏi bị quấy nhiễu trong khi chờ chồng về.

 

         Nguyễn Khuyến sau khi cáo quan về nghỉ ở nhà, người Pháp luôn tìm cách để mời ông ra giúp.  Ông phải viện mọi lẽ để từ chối.  Nhân thấy Mẹ Mốc giả điên giả dại, ông bèn làm bài ca trù này để ký thác tâm sự của mình.

 

So danh giá ai bằng Mẹ MỐC,

Ngoài hình hài, gấm vóc chẳng thêm ra;

Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà,

Làm thế để cho qua mắt tục.

Ngoại  mạo bất cầu như mĩ ngọc,

Tâm trung thường thủ tự kiên kim.

Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,

Giữ son sắt êm đềm một tiết.

Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,

Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ.

Đắp tai ngảng mặt làm ngơ,

Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây,

Khôn kia dễ bán dại nay.

 

         b) Truyện cổ tích Việt nam

 

         Trong kho tàng văn chương Việt nam còn có những truyện cổ tích cũng nói lên lòng chung thuỷ của con người trong gian nan thử thách như truyện Thiếu phụ Nam Xương hay truyện Hòn Vong Phu, hoặc truyện Tấm Cám…

 

II. CÂU CHUYỆN “ĐÁ NÁT VÀNG PHAI”

 

         Chúng ta hay gặp 4 chữ trong tục ngữ “đá nát vàng phai”, 4 chữ này thường dùng để nói : dù sao lòng người không bao giờ thay đổi :

 

                                    Trăm năm đá nát vàng phai

                             Đá nát mặc đá, vàng phai mặc vàng.

 

         Đến đây chúng ta đặt một câu hỏi : lòng chung thuỷ và sự thuỷ chung của người xưa và nay có khác nhau không ?

 

         Thực sự, sự chung thuỷ của một người được hình thành từ nhiều yếu tố, nó cũng như tính cách của con người vậy.

 

         Thứ nhất, có lẽ là Gen. Chắc hẳn Gen có hình thành trong bản chất của con người, vì thế, cha ông ta mới có câu “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”.  Xét theo nghĩa bóng một chút thì cái ảnh hưởng đạo đức từ đời này sang đời khác của dòng họ là có thật. Tuy nhiên, yếu tố này có lẽ ảnh hưởng không nhiều lắm.

 

         Thứ hai, người đó là ai ? Nói cách khác là yếu tố tự bản thân mình. Yếu tố này chiếm khá lớn trong việc quyết định người đó có “máu” chung thuỷ hay không.

         Thứ ba, môi trường họ đang sống ở đâu ?  Người ta thường nói :”Gần mực thì đèn, gần đèn thì rạng”.  Câu nói của cha ông chúng ta  cũng đã nói lên vai trò quan trọng của môi trường tác động đến con người rồi.

 

         Chúng ta có thể nói :  xã hội ngày nay đã thay đổi nhiều. Môi trường của xã hội cũng thay đổi quá nhiều nên con người không thể thoát khỏi ảnh hưởng của môi trường hiện nay, làm cho xã hội càng ngày càng xuống cấp.

 

         Nếu người ta nói : gia đình là nên tảng của xã hội thì xã hội bị ảnh hưởng của gia đình, trong khi đó gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi con người.  Nếu ngày nay người ta coi thường sự thuỷ chung thì gia đình sẽ không đứng vững được, vì nếu nền  nhà mà bị sụp thì ngôi nhà cũng đổ.

 

         Tuy thế, ngày nay vẫn còn những tấm gương sáng chói về lòng chung thuỷ trong đời sống hôn nhân.  Ngày nay vẫn còn những người biết noi gương chung thuỷ của những người xưa mà củng cố gia đình cho bền chặt;  đồng thời nêu gương cho người đời bắt chước để củng cố xã hội đang trên đà xuống dốc.

 

                                   Truyện : Thần Penelope chung thuỷ.

 

         Có một nàng tiên tên là Penelope rất đẹp, chồng đi chinh chiến miền xa, ở nhà một mình dệt vải đợi chồng trở về, nhiều người đến tấn công. Chị ta nảy ra một kế rất hay : đợi khi nào dệt xong tấm vải thì sẽ lấy họ.  Ban ngày dệt vải, ban đêm lại tháo những sợi ấy ra, rồi hôm sau lại dệt. Như thế,  thì đến muôn đời cũng không lấy chồng được.

 

         Suy niệm lời Chúa dạy :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không bao giờ được phân ly” (Mc 10,9). Nhiều người đã biết thi hành lời Chúa đến mức triệt để, nên đã hăng hái thề nguyền với nhau :

 

                                   Dẫu rằng đá nát vàng phai

                           Trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Gợi Ý Giảng Lễ Hôn Phối