CHẤP NHẬN NHỮNG KHÁC BIỆT
+++
I.
SUY NIỆM LỜI CHÚA.
Khi
ấy, có mấy người Pharisêu đến gần Đức
Giêsu để thử Người. Họ nói :”Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý
do nào không” ?
Người
đáp :”Các ông không đọc thấy lời này sao :”Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra
con người có nam có nữ và Người phán : “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà
gắn bó với vợ minh, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Như vậy, họ không
còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.
Vậy,
sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,3-6).
Đó là Lời Chúa.
Những người biệt phái chất vấn Chúa
Giêsu về vấn đề ly dị. Vì theo luật Maisen thì được phép ly dị (Đnl 24,1-4). Nhưng
không xác định lý do ly dị nên có sự bất đồng giữa những người theo phái phóng
khoáng và phái nghiêm khắc.
Khi đó có hai phái hai lập trường :
lập trường của phái Hillel thì rộng rãi, phóng khoáng, cho ly dị một cách dễ
dàng, nghĩa là chỉ vì một lý do rất đơn giản như khi người vợ nấu một món ăn
không ngon, cũng đủ để ly dị. Còn lập trường của phái Shammai thì khắt khe hơn,
chỉ chấp nhận ly dị trong rất ít trường
hợp.
Biệt phái biết vấn đề này gay go nên
đem ra gài bẫy Chúa Giêsu. Theo họ nghĩ Ngài
trả lời cách nào cũng có thể bị kết án :
hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích hai đoạn trong sách Sáng
thế (St 1,27; 2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh
hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly
dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã thiết lập,
loài người không được phân ly”(Mt 19,6).
Người ta thường nói :”Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch
cũng kê cho bằng” (ca dao). Đó là
kinh nghiệm phổ biến của dân gian và cũng là cảm nghiệm rất thực của tất cả những ai đã yêu và đang yêu. Quả vậy, tình yêu trong hôn nhân sẽ có khả
năng kết hợp hài hoà hai người nam - nữ lại với nhau, thành một cặp vợ chồng
“tâm đầu ý hợp”. Tình yêu ấy cũng có phép mầu giúp hai người vượt qua những
khác biệt của nhau, nhờ đó họ sẵn sàng chia vui sẻ buồn, sẵn sàng đồng cam cộng
khổ với nhau trong suốt cuộc hành trình “đồng hội đồng thuyền” duyên kiếp này…
Nhưng tại sao trong xã hội ngày nay
người ta ly dị dễ dàng và quá nhiều như vậy ?
Câu trả lời là : người ta chưa chấp nhận những khác biệt của nhau.
II.
NHỮNG KHÁC BIỆT TRONG ĐỜI SÔNG HÔN NHÂN.
Truyện
: Một đầu hai mặt
Truyền thuyết của Hy Lạp về vợ chồng
như sau : Trước kia người nam và người nữ chỉ là một con người duy nhật, và
trong con người ấy có sẵn hai yếu tố,
hai bản chất nam nữ. Như thế con người nguyên thuỷ chỉ có một thân thể, nhưng
lại có hai cái “mặt” trên một cái đầu và mỗi
mặt nhìn về một hướng.
Bởi đó, mặt này nhìn thấy nhưng sự vật
khác với mặt kia, nảy sinh ra những dự tính khác nhau với cái nhìn của mặt kia.
Nên có lúc trong con người đó nảy sinh ra những xung đột bên trong, chẳng hạn nửa
thân người này muốn thực hiện một việc, muốn đi về một phía, trong khi đó nửa
kia lại muốn làm việc khác, đi về hướng khác, rồi cuối cùng chẳng biết làm sao.
Con người ấy bèn xin với Thượng Đế cho
tách mình làm hai, mỗi mặt đi với một nửa cơ thể, và từ đó có một cuộc sống
riêng. Sau thời gian “hai nửa thân thể”
sống riêng, lại cảm thấy thiếu thốn nhớ nhung, bèn đi tìm nhau để kết lại một,
đó là sự lấy vợ lấy chồng. Hai nửa thân
mình tìm thấy nhau rồi kết hợp lại làm một (vì vốn chỉ là một).
Triết thuyết của Đông và Tây, cũng như
hướng dẫn của tôn giáo (qua truyện Adong-Evà) đều mặc nhiên công nhận sự bất
đồng rất tự nhiên, đương nhiên của nam và nữ, âm và dương. Nhưng chúng đòi hỏi
phải có cả hai như “hai nửa thân thể của một người”, không thể tách ra, không loại bỏ nhau lại đòi
hỏi phải có nhau, giống như hai mặt khác nhau của một đồng tiền thì mới có thể
hiện hữu, mới có giá trị.
Những khác biệt trong đời sống vợ
chồng có nhiều lý do dẫn đến những khó khăn trong cuộc sống :
1.
Tội tổ tông : Sau khi phạm tội ăn
quả cấm, Adong- Evà bắt đầu chia rẽ nhau :
ông đổ mọi trách nhiệm trên đầu bà. Tội lỗi đã hiện hữu và đã gây nên sự
bất hoà, mất hạnh phúc ngay từ khởi điểm
có hai con người. Đã có hai người thì đương nhiện phải có sự dị biệt.
2.
Vấn đề kinh tế - tài chính : đây là loại nguyên nhân chính yếu và thực tế
nhất vì nó gắn liền với đời sống : vấn đề tiền bạc. Nó không vắng bóng trong
bất cứ một gia đình nào, kể cả giầu lẫn nghèo, thậm chí có người nói : Không có tiền thì chết đói, Có tiền thì chết đâm.
Nghèo thì khổ đã vậy, còn khi quá dư
thừa tiền của thì đâm ra “No cơm ấm cật,
dâm dật mọi bề” (tục ngữ).
3.
Vấn đễ xã hội : vấn đề này cũng gây rất nhiều khó khăn cho vợ chồng và dễ
đi đến bất hoà. Không có đời sống tự lập về tài chính, về nơi ăn chốn ở : sẽ có
va chạm với bố mẹ, với anh chị em. Hoặc
cuộc sống chung chạ với cha mẹ, anh em gây ra nhiều va chạm :
Yêu nhau chị em gái,
Rái
nhau chị em dâu,
Đánh
nhau vỡ đầu là anh em rể.
4.
Vấn đề tâm lý : Như trên đã nói, có sự khác biệt tâm sinh lý giữa nam và nữ
nên dễ gây ra sự bất hoà. Ngoài ra, ta cũng phải công nhận rằng mỗi người có
một tính tình, không ai giống ai : bá nhân bá tính. Vì vậy người ta mới nói :
Sống mỗi người một nết,
Chết
mỗi người mật tật,
Bệnh
mỗi người một chứng,
Thuốc
mỗi người một thang.
Chính vì thế, ta phải tìm hiểu một số
định luật tâm lý về sự khác biệt giữa nam và nữ mà ta đã học trong các lớp giao
lý hôn nhân, để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc, và từ đó, có thể tìm ra biện pháp
đem đến sự hoà hợp và bổ túc.
Nhưng định luật tâm lý (đã có trong
các sách về hôn nhận) :
- Định luật ưu
tiên.
- Định luật phân
cách.
- Định luật chi
tiết.
- Định luật bất
đồng cảm.
- Đinh luật thính
giác.
Đến một lúc nào đó, sóng gió sẽ ào
đến, bão tố sẽ ụp đến đe doạ niềm hạnh phúc và sự vững bền “con thuyền lứa đôi”. Sức mạnh như gió bão, như sống ngầm của những
mối bất hoà bất đồng, những mâu thuẫn trái ý, những xung khắc xung đột – chủ
yếu nảy sinh từ những khác biệt giữa hai
người – sẽ có nguy cơ làm tiêu tan sự nghiệp “hai nên một” của đôi bạn. Tình trạng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt sẽ
xẩy ra như cơm bữa và hiện tượng “Ông nói
gà bà nói vịt” sẽ diễn ra thường xuyên, đến nỗi, những người ở trong cuộc
sẽ phải ngao ngán mà than thở rằng: “Ôi,
tình chỉ đẹp khi còn dang dở !!!”.
Các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia
đình đã đưa ra những số liệu chứng cứ sau đây, như một lời cảnh báo :
“Theo qui luật phổ biến trên thế giới
thì ly hôn ở độ tuổi dưới 30 bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Tức là họ chia tay nhau chỉ sau vài năm chung
sống. Chẳng hạn ở các nước phương Tây
hiện nay. Hơn 65% các cặp ly hôn rơi vào nhóm tuổi dưới 35. Điều đó phản ảnh một thực tế là những năm đầu
tiên chung sống của các đôi vợ chồng trẻ là những năm thử thách gay go nhất, đó
là giai đoạn ráp nối của hai cá nhân hoàn toàn khác biệt nhau về tính cách, sở
thích, tâm sinh lý, học vấn, lối sống, giới tính… cho nên rất nhiều cặp đã
không vượt qua được giai đoạn cam go này
và phải bỏ cuộc.
Đây là giai đoạn mỗi người phải bộc lộ
hết cái tốt và cái xấu thật của mình ra
trong đời thường mà trước đó họ
không muốn phô bầy ra trong khi đang
chinh phục lẫn nhau. Chính vì thế
mà hầu như sau ngày cưới ai cũng “sốc”
hoặc nhẹ hoặc nặng. Một số người đã vượt
qua được cú sốc đó, còn một số người thì
không chịu đựng nổi và tự nguyện rời bỏ cuộc tình một thời lãng mạn đó” (Ts
Nguyễn Minh Hoà, Hôn nhân gia đình trong
xã hội hiện đại – NXB Trẻ năm 2000, tr 85-86).
Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng
hôn nhân không phải là một luống hoa hồng mà là một bãi chiến trường trong đó
hai bạn nam nữ là những chiến binh cực kỳ dũng cảm. Cuộc sống sau đám cưới là những chuỗi ngày
phải đấu tranh gian khổ để duy trì hạnh phúc, bình an trong gia đình. Sớm muộn người
ta sẽ phải trải qua những lúc “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt hay những tình
huống dở khóc dở cười “ông nói gà bà nói
vịt” hoặc “trống đánh xuôi kèn thổi
ngược (tục ngữ).
Tác giả Dale Carnegie trong quyển “Tâm
lý vợ chồng” khi đề cập đến những va chạm hằng ngày xẩy ra trong cuộc sống lứa đôi đã viết như sau
:”Cuộc sống vợ chồng là cuộc sống tế nhị, con người khi lập gia đình phải hiểu
được những khó khăn, phiền phức trong đời sống lứa đôi đó, mới có thể mang lại
cho nhau nguồn hạnh phúc chân thật đúng như lòng mình mong muốn. Yêu tức là thừa nhận, yêu là tha thứ, đó là
một chuyện đương nhiên không ai không biết, nhưng không phải vì thế mà câu
chuyện vợ chồng trở thành đơn giản, mọi người đều thừa biết là thế, song cuộc
sống vợ chồng vẫn là một cuộc sống phiền toái luôn luôn phức tạp”.
III.
GIẢI PHÁP CHO NHỮNG KHÁC BIỆT
Những khác biệt luôn tồn tại trong đời
sống gia đình, không thể nào triệt tiêu những nhược điểm ấy được. Đức Khổng Tử thử đề nghị với chúng ta một
giải pháp :”Hoà nhi bất đồng”.
Chúng ta phải sống hoà hợp với nhau
trong đời sống gia đình để làm nên một gia đình êm ấm thuận hoà, nhưng nói như thế không có nghĩa là ta phải
bỏ cả cá tính đặc thù của mình, không phải chúng ta phải đồng hoá với mọi người
để chúng ta không còn là mình nữa mà đã bị tha hoá.
Thực vậy, hôn nhân là một cam kết sống
chung đến hết đời và là một cuộc đồng hành dài hơi, nên những khó khăn, phức
tạp, va chạm là điều dễ xẩy ra. Đúng như
một danh nhân đã nhận xét :”Hôn nhân là
gặp nhau, lấy nhau và sau đó là cãi nhau”.
Những cuộc cãi vã, hờn dỗi do mâu
thuẫn, bất đồng, bất hoà từ những chuyện vụn vặt thường ngày giữa hai vợ chồng có thể kéo dài từ ngày này
qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, và cuối cùng có thể dẫn đến sự đổ vỡ không thể hàn gắn được.
Tuy nhiên, chúng ta tin rằng tình yêu
sẽ chiến thắng tất cả vì tình yêu có sức mạnh hoá giải mọi khác biệt, mọi bất
đồng, mọi mâu thuẫn. Tục ngữ Viêt nam có
câu :”Thương nhau chín bỏ làm mười”. Điều đó có nghĩa là khi yêu nhau thực tình,
đôi bạn sẽ vượt qua mọi phiền toái, khó khăn trong cuộc sống chung, để cùng xây
dựng một mái ấm hạnh phúc, bình an.
Các chuyên viên tư vấn về tình yêu –
hôn nhân – gia đình, khi phải đưa ra những lời khuyên cho vấn đề giữ gìn hôn nhân bền vững đã thường nêu ra
một nguyên tắc ưu tiên hàng đầu, đó là “HÃY TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI VỢ
CHỒNG”. Bởi theo họ, vợ chồng thường không chỉ khác
biệt nhau về tuổi tác, trình độ học vấn, sức khoẻ, kiến thức, kỹ năng… mà còn
chênh lệch và khác biệt nhau về những phương diện sâu xa và tế nhị khác thuộc
lãnh vực tinh thần, tâm hồn, tâm lý, lòng đạo v.v… Vì thế trong quá trình chung
sống với nhau, nếu muốn đạt hạnh phúc lâu dài, bền vững, họ cần tìm được tiếng
nói chung để sống hoà hợp, để chấp nhận những khác biệt, để tôn trọng cái riêng tư độc đáo của nhau.
Ta hãy nghe D. Wahrheit, tác giả cuốn “Cẩm
nang hạnh phúc gia đình Kitô” đã phân tích và nhận định như sau :”Đời sống hôn nhân là khởi đầu của một cuộc
khám phá. Yêu nhau, nên một với nhau, không có nghĩa là xoá bỏ mọi khác biệt,
cũng không có nghĩa là bắt người khác
phải nên giống mình. Sự hoà hợp chỉ có,
khi hai bên biết tôn trọng những khác biệt của nhau. Mãi mãi người phối ngẫu vẫn là một mầu nhiệm
để chiêm ngưỡng” (x. D. Wahrheit, Cẩm nang hạnh phúc gia đình Kitô, Tp Hồ Ch1
Minh, 1993, tr 13).
Thực
tế luôn có sự bất đồng trong đời sống vợ chồng. Chén bát còn có khi xô xát, vợ
chồng sống chung lâu ngày, tránh sao khỏi những lúc va chạm :”Ngọc nhìn lâu sẽ
tìm thấy vết. Hoa để gần sẽ hết mùi hương”. Thực tế còn cho thấy cuộc sống
chung không phải lúc nào cũng bình ổn, đôi lúc sóng gió nổi lên làm xáo trộn cả
gia đình.
Giải pháp cho những xáo trộn này là sự
“nhẫn
nhịn”. Khi nói về tình yêu vợ
chồng người ta thường nói như thi sĩ Hồ Dzếnh
:”Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Thực vậy,
lúc mới yêu nhau thì “anh nói em nghe, em nói anh nghe”. Sau một thời gian
chung sống, khi đối diện với vấn đề thực tế hằng ngày như “cơm áo gạo tiền”
khiến tình yêu suy giảm nên hai vợ chồng không còn nghe nhau :”Anh nói anh
nghe, em nói em nghe”. Sau cùng khi tình yêu đang chắp cánh xa bay thì hai vợ
chồng không còn nể nhau nữa và lúc đó “cả hai cùng nói to khiến hàng xóm phải
nghe”.
Để khắc phục tình trạng này, vợ chồng
cần phải ghi nhớ câu châm ngôn sau :”Một
sự nhịn chín sự lành”.
Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu
Colossê :”Anh em hãy có lòng thương cảm,
nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong
anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh
em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”(Cl 3,12-13).
Có một điều đặc biệt khá quan trọng mà
các đôi vợ chồng chúng ta nên quan tâm, đó là muốn nên một trong cuộc sống hôn
nhân gia đình, chúng ta cần có một tấm lòng thật sự bao dung. Ai cũng biết rằng,
lòng bao dung (tolérence) khác với lòng khoan dung (indulgence). Bao
dung là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người với
người trong đủ mọi chiều kích. Trong khi đó, khoan dung là dễ dàng chấp nhận và tha thứ những lỗi lầm hay khiếm khuyết của người
khác. Trên thực tế, có người từng khoan
dung, nhưng chưa hẳn đã từng bao dung. Họ có thể tha thứ, thông cảm những sai
lỗi của người khác, nhưng không chấp nhận người khác suy nghĩ, hạnh động khác
mình.
Với nhận thức “Bao dung là chấp nhận
và tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của con người” thì vợ chồng sẽ dễ dàng xích
lại gần nhau, dễ dàng bổ túc cho nhau, dễ dàng giúp đỡ nương tựa nhau, dễ dàng
cần đến nhau, nhờ đó họ kiện toàn sự hiệp nhất yêu thương nhau. Một danh nhân
đã nói :”Yêu ai là yêu trọn vẹn con người
đó y nguyên như trong thực tế, chứ không phải như trong ước muốn của ta” (Leon
Tolstoi).
Truyện
: Ngọc trai
Ngọc là một đồ trang sức cực kỳ quí giá, chỉ những người giầu có mới dùng nó
để trang sức. Nhưng chúng ta biết rằng
muốn có thứ ngọc trai đó thì phải có cả một quá trình gian nan, chịu đựng. Bạn có biết con trai không ?
Con trai thường ở trong ao, trong hồ.
Người ta hay nấu cháo trai, một món ăn bình dân, ăn rất ngon. Con trai đã phải
chịu đựng đau đớn biết bao nhiêu khi có những hạt cát rơi vào. Nhưng rồi mặc
cho nỗi đau đớn dày vò, con trai vẫn can trường bọc lấy những hạt cát để từng
ngày tạo nên những viên ngọc trai tuyệt vời.
Con trai là loài động vật có hai mảnh
vỏ. Một đôi vợ chồng cũng như con trai vậy.
Người vợ và người chồng như hai mảnh vỏ ngọc trai gắn kết với nhau để
rồi một ngày tạo ra viên ngọc trai quí.
Khi có vật lạ rơi vào bên trong, nếu
hai mảnh vỏ trai chỉ làm điều đơn giản là đẩy nó ra bên ngoài, hoặc tách rời nhau
và không phối hợp với nhau sẽ không bao giờ có những viên ngọc trai quí báu.
Đầu tiên, chúng ta phải biết chấp nhận
những điều khó chịu như những hạt cát, và rồi tận dụng những hạt cát đó để tạo
ra một cái gì đó tuyệt vời hơn.
Cuộc sống hôn nhân cũng thế.
(Theo Như Nguyễn, báo Tuổi trẻ cười,
số 39/2002).
Tóm lại, chúng ta tán thành ý kiến sau
đây của tác giả D. Wahrheit :”Hôn nhân là công trình xây dựng của hai vợ chồng.
Hai tâm lý khác nhau, hai lối suy nghĩ khác nhau, hai sở thích khác nhau… Đó là
kho tàng quí giá nhất của đời sống vợ chồng.
Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách hai người mà trái lại, bổ túc
cho nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn” (D. Wahrheit, Sđd, trang 33).
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt