DUYÊN ƠI LÀ DUYÊN
+++
I.
SUY NIỆM LỜI CHÚA.
Những
người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Người. Họ nói :”Thưa Thầy, có được
phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không” ? Người đáp :”Các ông không đọc
thấy điều gì sao : Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ,
và Người đã phán :”Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả
hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai nhưng chỉ là một
xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân
ly”. Họ thưa với Người :”Thế sao ông Maisen lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà
rẫy vợ” ? Người bảo họ :”Vì các ông lòng
chai dạ đá, nên ông Maisen đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không
có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết : ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy
vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19, 3-9).
Đó
là Lời Chúa.
Theo bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe,
những người biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị.
Theo luật Maisen thì được phép ly dị (Đnl
24,1-4). Nhưng không xác định lý do ly dị, vì thế có sự bất đồng giữa những
người theo phái phóng khoáng, nghĩa là chỉ vì một lý do rất đơn giản… Còn phái nghiêm khắc thì khi người vợ ngoại
tình, người chồng mới được phép ly dị.
Cũng nên nhớ rằng luật pháp Do thái
thời đó chỉ nhìn nhận sáng kiến ly dị của người chồng mà thôi.
Về vấn đề ly dị thì Chúa Giêsu đã dựa
vào sách Sáng thế mà khẳng định rằng : không được ly dị (x. St 1,27 và 2,24).
Theo đó, Chúa Giêsu muốn nói với chúng
ta rằng sự liên kết hôn nhân bắt nguồn từ thánh ý của Thiên Chúa, vì thế sự
ràng buộc của hôn nhân còn vượt qua sự ràng buộc gia đình, bởi vì, kẻ kết hôn,
người ta “sẽ phải rời bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình”. Đây là sự kết hợp của hai thân xác, nghĩa là
“cả hai sẽ trở nên một xương thịt” (Mt 19,5).
Ở đây nói lên tính cách vĩnh viễn của
hôn nhân. Điều này nhắc nhủ rằng : một khi người ta đã tuân phục thánh ý Chúa
vì lòng mến Chúa, thì người ta sẽ trung tín trong đời sống hôn nhân trong mọi
hoàn cảnh.
Còn việc ly dị là một thể chế loài
người tạo ra “vì các ông lòng chai dạ đá,
nên ông Maisen cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu” (Mt
19,8). Điều này cho thấy rằng con
người vì ích kỷ, nghĩa là đặt sự thoả mãn của lòng mình trên hết, trên cả ý
muốn của Thiên Chúa nữa, nên họ đã bất trung với Chúa, và vì vậy, họ bất trung
với nhau trong đời sống hôn nhân.
Tóm lại, trong qúa khứ nếu có cho phép
ly dị thì chỉ lả chuẩn miễn thôi. Sự chuẩn miễn không huỷ bỏ được định chế hôn
nhân, nghĩa là không có ly dị.
II.
DUYÊN TÌNH, DUYÊN NỢ HAY DUYÊN PHẬN.
1. Nói về chữ Duyên.
Trong ngôn ngữ Việt nam có nhiều chữa
đa nghĩa, một chữ mà hàm chứa nhiều nghĩa, cần phải tìm hiểu trong mỗi trường
hợp.
Duyên vốn là gốc Hán có nghĩa là
nguyên nhân, duyên do, duyên cớ phát sinh
ra sự việc.
Có người cho Duyên là phần trời định
cho mỗi người, về khả năng có quan hệ tình cảm (thường là quan hệ tình cảm nam
nữ, vợ chồng) hoà hợp, gắn bó vào đó trong cuộc đời. Ví dụ :
Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên (tục ngữ).
Có người cho duyên là sự hài hoà của
một số nét tế nhị đáng yêu ở con người, tạo nên vẻ hấp dẫn tự nhiên. Thành nghữ
“Có Duyên” có nghĩa là có những nét hấp dẫn tự nhiên trong hình dáng, hành động
, ví dụ :
Không đẹp nhưng có Duyên.
Ăn nói có Duyên.
Duyên thầm
Nụ
cười có Duyên.
2. Nói về duyên tình.
Người ta ai cũng có một cái duyên để
đến được với nhau, gặp gỡ, trao đổi với nhau, yêu thương nhau và có thể đi đến
chỗ kết hợp với nhau. Chúng ta có thể coi đó là Duyên tình
Người Á Đông thường cho rằng sự gặp
gỡ, kết hợp tốt lành giữa con người, sự kiện trong cuộc đời này là có nguyên
nhân như một yếu tố vô hình sâu xa ràng
buộc.
Triết lý này được thể hiện rõ ràng
trong duyên nghĩa trầu cau. Phải chăng đó là cái duyên của sự chuyển hoá, của
sự biến điệu. Trầu, cau, vôi, vỏ… tất cả nếu đứng riêng rẽ thì mỗi thứ chỉ là
cây, là đá, là lá… Nhưng khi chúng hợp lại, hoà quyện, được ủ trong môi miệng của
con người, thì tất cả đều biến đổi. Trở nên đằm thắm, trở nên rực rỡ.
Có duyên thì sẽ gặp được nhau. Nhờ chữ Duyên mà người ta gặp nhau và yêu nhau kể cả trong những hoàn cảnh bất
ngờ nhất : gặp nhau trong cùng một chuyến xe, do giới thiệu, mối lái… Hiểu một
cách khái quát nhất thì Duyên chỉ sự tương hợp tình thân tình cảm bên trong
giữa người và người . Chúng ta có một câu thành ngữ quen thuộc :
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô
duyên đối diện bất tương phùng.
Nghĩa là có duyên thì xa vạn dặm cũng
có thể gặp gỡ; vô duyên thì đối mặt nhau cũng không thể tới sự tương thân hài
hoà.
Để mô tả sự hợp duyên “gắn bó keo sơn”
và lỗi duyên không ăn khớp với nhau trong quan hệ vợ chồng, người ta mô tả bằng
hình ảnh cụ thể :
Phải duyên thì gắn như keo,
Trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục
vênh.
2. Nói về duyên nợ
Khi thấy vợ chồng nào chia tay “đường
ai nấy đi”, chấm dứt một đoạn đường mà họ đã vai kề vai sánh bước bên nhau sau
những năm chồng vợ, người đời thường nói : họ đã “duyên nợ đã hết” ! Và người trong cuộc thì ai cũng dựa vào định kiến “duyên nợ” ấy để an
ủi mình, hoặc đã tự bào chữa cho mình sau những đổ vỡ ấy.
Nhưng thực tế, khi hai người sau một
thời gian tìm hiểu nhau, yêu nhau tha thiết, và kết hôn với nhau, đã sinh con
đẻ cái, rồi vì một lý do nào đó bỏ nhau, chia tay nhau, coi như kẻ thù thì đâu
là “Duyên”, đâu là “Tình” và đâu là “Nợ”
?
Chúng ta có thể đưa ra một ví dụ như
thiếu nữ kia đã cưu mang một chàng trai nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn. Giúp cho học hành, chung sức xây dựng một gia
đình hạnh phúc; nhưng sau khi đã thành danh thì phản bội vợ bằng những cuộc
tình khác thì thiếu nữ này “nợ” người
chồng phản bội kia cái gì ?
Kết luận sau cùng thường cho rằng :
những món nợ ấy bắt nguồn từ kiếp trước.
Những suy nghĩ như vậy dựa vào triết lý của nhà Phật vì tin rằng cái
duyên, ngay cả cái duyên chồng vợ là “một ràng buộc đã định sẵn trong đời
người” (Từ điển tiếng Việt, nhà xuất bản Hồng Đức, 2009).
Chúng ta không chấp nhận chủ trương
coi hôn nhân như một món nợ (duyên nợ) mà hai người nợ nhau dù ở kiếp này hay
kiếp trước phải trả.
Chúng ta phải có tư tưởng như thế nào
trước những đổ vỡ ngày càng nhiều của
đời sống hôn nhân ?
Chúng ta có cần đề cập tới thời gian
tìm hiểu, lý do bước vào hôn nhân, nhất là mình đã suy nghĩ, đã sống, đã hành
động như thế nào trong hôn nhân không ?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có nhận
xét rất đúng :
Tình yêu như trái phá,
Con
tim mù loà.
Cộng thêm quan niệm “yêu cuồng, sống
vội”, nhiều bạn trẻ đã lao vào tình yêu một cách mãnh liệt, mù quáng như con
thiêu thân trước ánh đèn. Họ tỏ ra thiếu trưởng thành, ngay cả thiếu suy nghĩ
chín chắn trong yêu thương.
Những mối tình này nếu có dẫn đến đổ
vỡ sau kết hôn mà đổ tại duyên số thì là một lối cắt nghĩa gượng gạo, tội
nghiệp cho chữ nghĩa.
III.
CÓ DUYÊN SỐ HAY DUYÊN PHẬN KHÔNG ?
Có người cho rằng gặp gỡ nhờ DUYÊN,
yêu nhau bởi NỢ và chia ly do PHẬN… Nếu
đã là Duyên, thì có xa cách thế nào cũng tìm được đường gặp lại. Nếu đã Nợ, thì
dù có trốn tránh tới đâu cũng không thể thoát được. Và khi đã là Phận, thì đơn
giản, là không thể chống lại.
Trong tình yêu hình như đâu đâu cũng
đã được ông trời định duyên. Duyên đến, duyên ở hay duyên đi dường như cũng đều
do “Số phận” sắp đặt. Có những lương
duyên khi bắt đầu (dù rất nhanh) đã chắc chắn như “ván đã đóng thuyền”; có
những duyên phận khi bắt đầu (dù dài
hơi) đã định trước là sẽ phải ra đi. Có những duyên phận chẳng bao giờ có kết
quả tốt.
Người ta nói rằng gặp được nhau giữa
thế giới 7 tỷ người này là một cái duyên
nhưng đến được với nhau thì cần cái phận. Phải rồi, người ta luôn vin vào hai
chữ Duyên phận để cân đong, đo đếm độ dài và độ sâu của tình yêu. Và đáng buồn thay, số người tin vào duyên
phận lại chiếm số khá đông.
Bản thân tôi luôn tin rằng trên đời
này tồn tại chữ Duyên, phải có duyên thì hai người xa lạ mới có thể gặp nhau rồi
yêu. Nhưng “Duyên phận” thì tuyệt đối không.
Ông Tơ bà Nguyệt xe duyên xong xuôi rồi việc còn lại thì do người trong
cuộc tự xây dựng và định đoạt. Nếu cứ đi
cùng đường, đến khi yêu thương nhạt nhoà, hạnh phúc “hết đát” thì lại chép
miệng “âu cũng là duyên phận” . Đã hết
yêu nhau rồi hà cớ gì phải đổ cho duyên mỏng phận bạc, thật là bất công !
Khi yêu nào có ai biết trước được ngày
sau ra sao nên nhiều người cứ nói với nhau rằng thôi cứ để tự nhiên đi, cứ yêu
đi tới đâu thì tới, duyên phận sắp đặt sẵn hết rồi. Thật là buồn cười ! Yêu thì phải cố gắng mà vun đắp chứ sao lại cứ tới đâu thì tới, thế chẳng
phải đang lãng phí cái duyên trời cho hay sao ?
Cứ hời hợt với tình yêu đi đến khi nó chết yểu rồi lại trách than duyên
phận.
Và sau mỗi một chuyện tình kết thúc,
vì chữ duyên mà người ta đến bên một người khác, rồi lại nói không có phận mà
dứt tình với nhau. Cứ như thế xoay vòng, yêu – chia tay – yêu. Cuộc đời lắm nỗi
lâm ly cũng chỉ vì thế.
Trong thực tế, có những người đi cùng
nhau tới cuối con đường thì nói chúng ta
có duyên phận, thậm chí là duyên nợ nên đã buộc cả hai vào với nhau ; số
còn lại nói có duyên mà không có phận thì sao mà đi tiếp được.
Xin nhớ cho rằng tiếp tục đồng hành
cùng nhau hay không cũng là do mình mà ra, chẳng có chứ “Phận” nào quyết định
giùm người ta cả. Vì thế, nếu đã yêu thì yêu hết mình đi. Và nếu yêu thương đủ
sâu đủ dài thì dù duyên phận có chặn lối
đi chăng nữa, chắc chắn người ta sẽ tìm
được lối rẽ cho tình yêu của mình. Hạnh phúc chỉ đến với những người biết cố
gắng và trân trọng tình yêu thôi.
Nếu hỏi các bạn trẻ , những đôi vợ
chồng trẻ ngày nay khi hai vợ chồng chia tay nhau thì các bạn ấy gọi hành động
này là gì ? Câu trả lời sẽ là : ly dị. Bởi vì ly dị theo định nghĩa là một kết thúc
đời hôn nhân một cách hợp pháp, được
luật pháp công nhận.
Nếu coi hôn nhân là một định chế của
xã hội, thì việc chấm dứt hôn nhân một cách hợp pháp theo định chế ấy là đúng,
nhưng hôn nhân không chỉ là một khế ước, một lời hứa trước mặt quan toà hay
người chứng giám.
Hôn nhân còn mang một ý nghĩa cao hơn
tiềm ẩn trong tâm linh, trong định luật tự nhiên mà Thượng Đế đã ghi tạc vào
lòng mỗi người. Mọi nền văn hoá, và qua
mọi thời đại việc cử hành hôn nhân luôn pha lẫn giữa những truyền thống xã hội
và các nghi lễ tâm linh. Hơn hai nghìn
năm trước, khi trả lời về vấn đề ly dị, Đức Kitô đã nói với những người chủ
trương ly dị những lời này :
“Các ông hẳn chưa đọc rằng
Ngài đã tạo dựng họ từ ban đầu có nam và nữ và phán :”Bởi thế, người đàn
ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương
một thịt”. Vì thế, họ không còn là hai, nhưng một xương thịt.Sự gì Thiên Chúa
đã liên kết, con người không được phân ly” (Mt 19,4-6).
Qua câu trả lời của Đức Giêsu, chúng
ta cũng cần hiểu rằng Thượng Đế không
buộc hai người lại với nhau, rồi bắt người này phải trả món nợ tiền kiếp của
người kia. Duyên tình hay duyện phận ở đây là những hoàn cảnh, những điều kiện
thuận lợi sẵn có mà hai người có thể đến
với nhau, tìm hiểu, yêu thương và kết hôn với nhau.
Cốt
lõi của cái “duyên” – sự liên kết mà Thượng Đế muốn có nơi hai người là “Tình yêu chung thuỷ”. Vì thế, sự chọn
lựa ấy của hai người được gọi là sự ràng buộc mang tính vĩnh viễn, dựa trên nền
tảng vững bền là tình yêu. Nó cũng nói lên sự quyết định rõ ràng, mạnh mẽ, và
trưởng thành của hai người khi tiến tới hôn nhân.
Các bạn trẻ khi chuẩn bị kết hôn, cần
phải nhớ lại hai đặc tính của hôn nhân Công giáo là đơn hôn và vĩnh viễn.
Chúng ta nên đọc lại giáo huấn của
công đồng Vatican II về vần đề này :
“Bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ không còn là hai
nhưng là một xương một thịt (Mt 19,6) phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết
hợp mật thiết trong con người và trong hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu
được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày một đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của
hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn
toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly” (MV số 48).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt