CHIẾC NHẪN YÊU THƯƠNG
+++
I.
SUY NIỆM LỜI CHÚA .
Chúng ta đọc : Ga 15,9-12.
“Khi
ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ :”Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến
các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ các huấn lệnh
của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ huấn
lệnh của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Ngài. Thầy đã nói với các con điều đó, để niềm vui
của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.
Đây
là huấn lệnh của Thầy : Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con”.
. Đó
là Lời Chúa.
Khi đọc Tin Mừng theo thánh Gioan,
chúng ta thấy tư tưởng nổi bật trong Tin Mừng là tình yêu, vì thánh Gioan là
một tông đồ độc thân được hân hạnh tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong bữa tiệc
ly trước khi Người đi vào cuộc tử nạn.
Trong lễ cưới hôm nay, thánh Gioan
cũng lặp lại cho chúng ta huấn lệnh Chúa Giêsu đã ra cho các môn đệ và cũng là
cho chúng ta :”Đây là huấn lệnh của Thầy
: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).
Chúa Giêsu đã yêu thương mọi người
không trừ ai, kể cả kẻ thù của Ngài. Và hơn nữa Ngài còn chịu chết để chuộc tội
cho mọi người :”Cũng như Con Người đến
không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống
làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).Do đó, chúng ta cũng phải bắt chước
Chúa mà yêu thương và phục vụ mọi người.
Hôm nay Chúa Giêsu cũng muốn nói riêng
với đôi tân hôn là các con hãy yêu thương nhau vì hôm nay các con đã trở nên
bạn trăm năm với nhau, các con hãy khăng khít keo sơn với nhau để không gì có
thể tách lìa các con ra được. Hôm nay các con đã trở nên một thân xác và không
ai có thể chia đôi thân xác ra mà vẫn
còn sống. Do đó, chúng con hãy nhớ lời Chúa Giêsu đã truyền dạy :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly” (Ga 15,6).
Theo tâm lý chung của người đang yêu
là thích cho đi, thích trao tặng cho người yêu cái gì để diễn tả tình yêu của
mình, càng yêu nhiều thì càng cho nhiều, thậm chí cho đi cả con người của mình
vì “Không có tình yêu nào cao quí cho
bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu” (Ga 5,13).
Trước mắt, hôm nay hai người diễn tả
tình yêu bằng cách trao tặng cho nhau một chiếc nhẫn vì chiếc nhẫn này nói lên
tình yêu và lòng chung thuỷ với nhau (lời hứa khi xỏ nhẫn cho nhau).
Chiếc nhẫn mà hai người xỏ vào tay
nhau là chiếc nhẫn yêu thương, đồng thời cũng là chiếc nhẫn cam kết để biến hai
người vừa trở nên con người tự do, vừa
bị ràng buộc. Chúng ta hãy cũng nhau tìm
hiểu ý nghĩa của chiếc nhẫn yêu thương ấy.
II.
CHIẾC NHẪN YÊU THƯƠNG.
1. Theo dòng thời gian.
Nhẫn cưới là biểu tượng của hôn nhân.
Biểu tượng rõ ràng này gửi tới mọi người một thông điệp không thể nhầm lẫn về tình trạng hôn nhân.
Chiếc nhẫn cưới thường là rất đơn giản với một thiết kế đẹp và không bị lỗi mốt
qua thời gian. Nó cũng có một lịch sử lâu dài, từ thời Ai cập cổ đại, khoảng
4.800 năm trước đây.
Với người Ai cập cổ đại, chiếc nhẫn được gắn với một thế lực siêu
nhiên, một vòng tròn không có điểm chấm dứt với tình yêu bất diệt. Về sau với
người Hy Lạp, khi người con gái chấp nhận chiếc nhẫn cũng có nghĩa là cô đã bị trói buộc về cả mặt tinh thần lần
pháp luật và không còn được tự do nũa.
Còn ngày nay, chúng ta chấp nhẫn như là một phần của lễ
nghi đám cưới, một sự ràng buộc mãi mãi có sự chứng kiến của hai gia đình, họ
mạc, bạn bè.
Thời gian dần trôi đi và phong tục
cũng có những thay đổi đáng kể. Ngày nay, không chỉ các cô dâu mới đeo những
chiếc nhẫn như là một biểu tượng của sự
ràng buộc mà phần lớn đàn ông cũng chọn
đeo nhẫn để xác lập tính trung thực của họ, sự khẳng định gắn bó của họ với một
người phụ nữ.
2. Nhẫn cưới của chúng ta hôm nay.
Ngày nay chúng ta thấy có mấy thứ nhẫn
: nhẫn cưới trong hôn nhân, nhẫn của Đức Giám mục, nhẫn của nữ tu khấn Dòng…
Trong mỗi trường hợp nhẫn mang một ý nghĩa khác nhau.
Khi chiếc nhẫn cưới được lồng vào tay,
nó là biểu tượng sự ràng buộc của giữa hai con người, vững vàng, lâu dài vĩnh
viễn. Phải chăng riêng điều này thực sự
đã chứng tỏ sự hợp nhất của chúng ngay
từ khoảnh khắc ra đời.
Không chỉ đơn thuần là đồ trang sức,
không chỉ mang ý nghĩa duy nhất là gắn kết hai tâm hồn đang yêu lại với nhau,
chiếc nhẫn “ngự” trên ngón tay mang lại
nhiều thông điệp hơn thế. Chiếc nhẫn không đơn thuần chỉ là một món quà tặng,
mà nó còn là một biểu hiện của tình yêu, sực ràng buộc, lòng trung thành, sự
trung thực, tin tưởng lẫn nhau và quyết tâm gắn bó.
Nghĩ đơn giản sẽ chỉ là một món đồ
trang sức không thể thiếu nó mỗi đám cưới; nhưng hiếm ai biết rằng có cả một
kho lịch sử đàng sau biểu tượng thể hiện cho sự ràng buộc của hôn nhân ấy. Ngày nay có nhiều người đo tình yêu bằng sức
nặng của kim cương, cũng có những người lại nghĩ cần gì nhẫn cưới lằng nhằng, tấm
lòng là chính, nhưng nếu chúng ta biết hết được ý nghĩa của chiếc nhẫn cưới, có
lẽ chúng ta sẽ nghĩ khác.
Biểu tượng rõ ràng này gửi tới mọi
người một thông điệp không thể nhầm lẫn về tình trạng hôn nhân.
Trong nghi thức hôn phối, trước khi
trao nhẫn cưới cho từng người, Linh mục chủ sự làm phép chiếc nhẫn và đọc :”Xin Thiên Chúa chúc phúc cho những chiếc
nhẫn này mà hai người trao cho nhau để làm bằng chứng tình yêu và trung thành”. Như vậy chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu
và lòng trung thành của hai người. Và
rồi bầu khí thật linh thiêng khi hai người xỏ nhẫn cho nhau và đọc lời đoan hứa
:”Anh (em) hãy nhận chiếc nhẫn này để làm
bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của anh (em). Nhân danh Cha và Con và
Thánh Thần.
Trong nghi lễ tấn phong, Đức Giám mục
cũng được đeo nhẫn, điều đó nói lên ý nghĩa ngài đã kết hôn với giáo phận nên
phải luôn trung thành với giáo phận đã được trao phó cho ngài.
Các nữ tu khấn trọn cũng được đeo nhẫn
để nhắc cho các chị là các chị đã được kết hôn với Chúa Giêsu, nên suốt đời
phải trung thành với Ngài, nghĩa là phải luôn trung thành với những lời đã khấn
hứa.
3. Chiếc nhẫn của thử thách.
Người đàn ông đeo nhẫn cưới hằng ngày
là họ mạnh dạn chứng minh cho mọi người biết là họ đã thuộc về một người kia,
và không ai có thể chiếm được trái tim họ. Người phụ nữ dám đeo nhẫn ấy mỗi
ngày cũng chứng tỏ cho mọi người biết họ
là gái đã có chồng, là hoa đã có chủ.
Trung tín không phải là không bao giờ
nghe thấy tiếng gọi bên bờ trúc nương dâu.
Không phải người đã đeo nhẫn là không thấy hương thơm của bông hoa bên
đường. Họ thấy nhưng là chỉ dừng lại
ngắm nhìn và đi tiếp, không với tay ngắt bông hoa ấy vì họ biết bông hoa đã có
chủ.
Có một thời người ta đeo nhẫn để chứng
tỏ mình là người tự do. Rồi có một thời
người ta đeo nhẫn để nói lên mình đã ràng buộc cam kết. Và rồi cũng có
một thời người ta tháo nhẫn vì cam kết không thành.
Thời La Mã cổ đại, những người sinh ra
trong giai cấp tự do cần phải đeo nhẫn bằng vàng để mọi người biết rằng mình là
giai cấp tự do, không thuộc tầng lớp nô lệ.
Những người nô lệ được trả tự do cũng cần phải đeo nhẫn , không phải
bằng vàng nhưng là nhẫn bằng bạc.
Nếu đeo nhẫn để là tự do một thời, thì
đeo nhẫn cũng là để cam kết một thời.
Người cam kết không thành, thì muốn tháo ràng buộc để đổi lấy tự do. Thế
nhưng tự do thì mênh mông quá. Thế nào
là hiểu tự do cho trọn nghĩa ? Tự do để phóng túng đời mình, hay tự do để quyết
định đời mình hầu thăng hoa cuộc sống
vẫn là nỗi băn khoăn dai dẳng !
Có những người tôn trọng lời cam kết
nên khắc lời thề hoặc khắc tên người yêu trên chiếc nhẫn cam kết của mình.
Người ta như muôn nói một lần đã cam kết là chẳng mong tháo gỡ bao giờ.
Ngày nay ít người khắc tên người yêu
trên nhẫn, nhưng người ta lại khắc tên của nhau trong tim. Và khắc tên của nhau trong tim, nên khi tháo
gỡ chiếc nhẫn cam kết, thì cũng có nghĩa là
muốn xoá nhoà yêu thương, tẩy xoá tên người yêu khỏi tim mình. Tên càng khắc sâu thì vết thương càng đau khi
xoá nhoà. Tim không là vàng, không là gỗ
đá, nên khi xoá tẩy là gây nên niềm đau. Có những niềm đau có thể nguôi ngoai,
có những vết thương mong có ngày lành lại, nhưng có những vết thương phải xót
xa một đời.
Tuy thế, nếu có những cuộc chia ly thì
cũng có những mẫu gương tuyệt vời nói lên lòng gắn bó keo sơn đối với nhau.
Truyện
: Trao lại cho nhau chiếc nhẫn cưới.
Sau khi đất nước được hoàn toàn giải
phóng. Có rất nhiều sĩ quan trong chế độ cũ phải đi học tập cải tạo. Có một câu chuyện nói lên mối tình đẹp về lòng
chung thuỷ của cặp vợ chồng một cựu sĩ quan Việt nam trong trại cải tạo sau năm
1975.
Khi biết bao người trong tù thời đó đã
gạt lệ đắng cay khi nghe vợ mình xin phép chồng để chọn niềm yêu thương khác,
hoặc nghe tin vợ mình âm thầm “lái đò qua sông” không lời từ biệt. Thì cặp vợ
chồng sĩ quan này đã chọn cho mình một lời cam kết tuyệt diệu, đáng khâm phục.
Khi người vợ đến thăm nuôi, họ chỉ có
thể gặp nhau trong khoảnh khắc ngắn ngủi sau hàng rào thép gai đan kín. Nhưng
trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, họ đã nghĩ ra cách tái cam kết tuyệt
vời bằng cách đổi chiếc nhẫn cưới cho
nhau. Người chồng tháo chiếc nhẫn mà người vợ trao cho mình hôm nào, rồi đeo
vào tay của vợ mình. Và người vợ cũng tháo chiếc nhẫn mà chồng trao cho mình
năm xưa, rồi đeo vào tay của chồng như thêm một lời cam kết sẽ chung thuỷ bên
nhau cho dù tù đầy ngăn cách. Vì chiếc nhẫn của chồng lớn hơn ngón tay của vợ, nên chị đã đeo nhẫn
của chồng vào ngón tay cái của mình. Còn
chiếc nhẫn của vợ quá nhỏ, nên anh chồng đã đeo nhẫn của vợ vào ngón tay út của anh.
Họ đã đeo nhẫn “ngược đời” như thế
không những cho đến ngày gia đình đoàn tụ, nhưng còn đeo nhẫn kiểu đó cho đến
ngày hôm nay, khi mầu tóc đã bạc, khi ánh mắt đã nhạt nhoà. Họ vẫn còn sống và
sống hạnh phúc bên xứ Mỹ, với đôi nhẫn
đã hơn một lần trao nhau. Và có lẽ họ sẽ còn đeo nhẫn kiểu đó cho đến ngày đưa nhau về tới vĩnh cửu (Theo
Internet).
III. CHIẾC
NHẪN VÀ CHỮ NHẪN.
Trong hôn nhân hạnh phúc thường chỉ
hiện diện trong những ngày đầu của cuộc sống gia đình. Cuộc đời không êm ả như
nước mặt hồ thu mà có những sóng gió bão táp. Người ta thường nói “bá nhân bá
tính”, không ai giống ai, không thể có đồng nhất mà chỉ có hợp nhất trong đời
sống vợ chồng. Phải biết trước thế nào cũng xẩy ra cảnh “Cơm chẳng lành,
canh chẳng ngọt”, những sự trái ý, sự bất hoà, sự va chạm sẽ xẩy ra liên tiếp…
Trong những trường hợp này ta cần phải có sự NHẪN NHỤC. Nhẫn nhục là phải nhịn
nhục nhau, phải bỏ ý riêng của mình. Cho nên đã nhẫn thì phải nhục, nhưng cái
nhục ở đây là có ý thức, do tự nguyện.
Vậy NHẪN NHỤC là gì ?
Nhẫn là nhịn chịu. Nhục
là tổn thương sỉ nhục. Vậy Nhẫn nhục
là chịu nhịn những điều sỉ nhục xấu hổ,
nhục nhã, chịu đựng tổn thương trước
những cảnh, sự việc không vừa lòng, nghịch ý, trái tai gai mắt; nhẫn nhục là
nhận chịu những điều người khác làm cho mình khổ não, mà trong tâm mình không
những không tức giận mà còn không nghĩ tưởng tới việc sẽ báo oán trả thù.
Chữ NHẪN là một từ chữ Hán, được ghép bởi hai bộ, đó là bộ tâm và bộ đao. Chữ Đao (con dao) ở trên và chữ Tâm (con tim) ở dưới. Như vậy,
lưỡi đao ấy ở ngay trên tâm, và nếu như gặp chuyện mà không biết nhịn nhục thì
tránh sao khỏi đau đớn, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành
thắng, dữ thành lành…
Chữ Nhẫn đây có rất nhiều ý nghĩa, có
thể đem áp dụng vào nhiều trường hợp trong cuộc sống để thu lượm được nhiều kết
quả tốt đẹp…
Có
khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để tìm đường tiến thân.
Có khi
nhẫn để xoay vần,
Thiên thời, địa
lợi, nhân tâm hiệp hoà.
Có khi
nhẫn để vị tha,
Có khi nhẫn để
thêm ta, bớt thù.
Có khi
nhẫn tỉnh giả ngu,
Hơn hơn, thiệt
thiệt đường tu khó lường.
Có khi
nhẫn để vô thường,
Không không, sắc
sắc đoạn trường trần ai.
Có khi
nhẫn để lắng tai,
Khôn khôn, dại
dại nào ai tránh vòng.
Có khi
nhẫn để bao dung,
Ta vui người cũng
vui cùng có khi.
Có khi
nhẫn để tăng uy,
Có khi nhẫn để
kiên trì bền gan…
Ngoài ra có một số chữ Nhẫn, chúng ta
cần tìm hiểu thêm để rộng đường kiến thức và biết áp dụng vào mọi hoàn cảnh
trong đời sống.
- Nhẫn nại : công việc nhiều rắc rối
khó khăn, tiến hành chậm chạp, vẫn quyết chí làm cho được.
- Nhẫn nhục : Việt Câu Tiễn thất bại,
chịu đủ thứ hành nhục, khổ phiền, nằm gai nếm mật, chờ thời cơ phục quốc.
- Nhẫn nhịn : chờ cho đúng thời cơ,
chờ cờ đến tay, không nôn nóng. Đôi khi để cho kẻ khác giành lấy tiên cơ, ưu
thế trước.
- Nhẫn thân : phục Hổ Tang Long để kẻ
thù đang thế mạnh không tìm diệt mình. Khi lành bệnh, đủ lực sẽ xuất hiện chọc
trời khuấy nước.
- Ẩn nhẫn : trốn tránh, chịu đàm tiếu,
xúc xiểm, không còn tỏ ý ham danh đoạt lợi. Có khi trốn tránh luôn, cũng có khi
do thời chưa đến.
- Nhẫn hận : ức lắm, thù lắm, bị xử ép
nhưng không tỏ ra thái độ bất bình, oán hận.
- Nhẫn hành : thấy đã có thể hành động
được rồi, nhưng còn kiên tâm chờ thêm cho chắc.
- Nhẫn trì : khôn khéo hơn thượng cấp
rất xa, nhưng giả ngu khờ hết mức .
- Nhẫn tâm : thấy ác, thấy nạn, bỏ qua
không có thái độ bênh vực, cứu giúp.
- Tàn nhẫn : bất nhẫn, tự làm những
việc không màng tới lương tâm.
Để kết luận, chúng ta phải ý thức rằng
trong cuộc sống nào cũng thế, không thiếu gì những khó khăn, những gian nan thử
thách, nhưng chúng ta biết rằng lúc nào cũng có Chúa trong cuộc đời chúng ta,
Ngài sẽ nâng đỡ ủi an, ban sức mạnh để chúng ta thắng vượt vì qua sóng gió bão
táp thì trời lại sáng, cuộc sống lại yên vui. Chẳng có con đường nào dẫn đến
ngõ cụt. Có những đêm tối của tuyệt vọng để chúng ta biết ngóng chờ hừng đông
đến trong hy vọng. Không có đường lối nào mà không có ngưỡng vọng giải thoát.
Có khi đêm tối lại là sự chuẩn bị cho một ngày mai tươi sáng hơn.
Hãy trân trọng chiếc nhẫn yêu thương
cũng là chiếc nhẫn cam kết mà nhắc nhở mình về lòng trung thành với nhau và với
Đấng mà mình đã kết ước. Ước gì ngày giã biệt cõi thế, ta vẫn cảm thấy hạnh
phúc và mãn nguyện với chiếc nhẫn đơn sơ được trao ban ngày nào.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Giáo xứ Kim Phát
Đà
Lạt