HOÀ  THUẬN

____________________________________________

Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn

 

I.  LỜI CHÚA : Rm 15,1-6 ; 1Pr 3,8.

 

        Trong đời sống cộng đoàn, thánh Phaolô tông đồ đã khuyên nhủ tín hữu Roma :”Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững vàng, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (Rm 1,1) , Ngài còn cầu chúc :”Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau” {Rm 1,5).

        Đồng tâm nhất trí với nhau đòi hỏi sự hoà thuận để cùng xây dựng cộng đoàn.  Gia đình là cộng đàn căn bản của xã hội nên càng cần sự thuận hòa giữa vợ chồng.

 

II. HOÀ THUẬN.

       

        Trong ngày Chúa giáng sinh, các thiên thần  ca hát vang trời để ca tụng Chúa Hài nhi :  

                        Thượng vinh ư Thiên Chúa

                        Hạ hòa ư thiện nhân.

 

        Thiên Chúa đã đem xuống cho nhân loại chữ HÒA. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu từ  ngữ “hòa” và sự cần thiết của nó trong đời sống cộng đoàn, nhất là trong gia đình.

 

        1. Hòa thuận là gì ?

 

        Hòa là cùng ăn nhịp với nhau, là vừa phải, không thái quá không bất cập.

        Hòa là tìm sự cân bằng giữa các yếu tố, điều hòa các vị cho vừa, ví dụ người làm bếp phải pha trộn các chất theo một tỷ lệ hợp lý không ít không nhiều, cho món ăn  thêm hấp dẫn.

        Nếu áp dụng vào con người thì hòa có nghĩa là không có cạnh tranh nhau, không có kẻ thắng người thua, ví dụ trong trận bóng đá hai bên hòa 1-1.

        Do đó, ta có một số từ ngữ đi theo : hòa hợp,  hòa giải, hòa bình, hòa ước, hòa hoãn...

 

          2. Sự cần thiết.

 

        Trong đời sống gia đình, sự hòa thuận là một điều quan trọng và rất cần thiết, vì nhờ sự hòa thuận mà các phần tử được liên kết với nhau một cách chặt chẽ như các bộ phận trong một thân thể của con người.

                                Anh em nào phải người xa,

                           Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.

                                Yêu nhau như thể tay chân,

                           Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

                                           (Ca dao)

        Sự hòa thuận càng quan trọng trong đời sống vợ chồng vì đó là mối giây ràng buộc làm cho vợ chồng khăng khít với nhau không thể chia lìa được.

        Ai không biết rằng đời sống vợ chồng rất phức tạp vì có sự khác biệt nhau về sinh lý, tâm lý và môi trường xã hội, nếu không biết dung hòa những khác biệt ấy thì sẽ có sự bất hòa bùng nổ. Vì thế người ta đã quả quyết :

                        Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn.

 

                        Truyện vui : nắm tay nhau

        Con : mẹ ơi, tại sao trong đám cưới, cô dâu chú rể lại nắm tay nhau ạ ?

        Mẹ : đó là nghi thức con ạ !

        Con : mẹ nói rõ hơn đi.

        Mẹ : cũng như các võ sĩ trước khi vào trận ấy mà !

        Khi hai người gặp nhau họ thường bắt tay nhau, đấy là cử chỉ nói lên sự thân thiện.

 

        3. Những khó khăn.

 

        Lát nữa hai anh chị sẽõ cầm lấy tay nhau để nói lên sự yêu thương và trung thành với nhau suốt đời. Đo là một cử chỉ thân thiện.

        Nhưng rồi về nhà, anh chị lại có thể trở thành hai võ sĩ lên võ đài :

                        - Một là võ miệng.

                        - Hai là thượng cẳng tay, hạ cẳng chân.

        * Nếu dùng võ miệng người ta sẽ không tiếc lời chỉ trích, mắng nhiếc nhau, moi móc hết những cái xấu của nhau ra như đọc kinh cầu, làm điếc tai hàng xóm.  Đôi lúc có những cú võ miệng rất độc, sâu sắc, moi móc cả ông bà tổ tiên người ta ra như  : Tiên sư cha con đĩ mẹ mày !!!

        * Nếu dùng võ tay chân thì đập phá lung tung, sau đó có thể đánh đấm bằng cách “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, gây thương tích cho nhau.

 

        KẾT LUẬN

 

        Trong đời sống xã hội cũng như trong gia đình người ta đề cao chữ “DĨ HÒA VI QÚI”, nhịn mày tốt tao.

        Chúa Giêsu cũng dạy :”Phúc ai hiền lành vì họ sẽ được đất hứa làm cơ nghiệp” (Mt 5,4).

        Gia đình sống hòa hợp với nhau có thể biến thành thiên đàng. Dĩ nhiên điều đó không thể loại trừ sự nhịn nhục chịu đựng.

 

                                Những người đức hạnh THUẬN HÒA,

                                    Đi đâu cũng được người ta tôn sùng.

                                             (Ca dao)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà