VUÔNG   TRÒN

_____________________________________

Trăm năm tính chuyện vuông tròn

 

I. LỜI CHÚA.

 

        Thánh Phaolô khuyên tín hữu Philipphê cần có lòng thương cảm, một ý hướng và đồng tâm nhất trí với nhau trong mọi công việc. Nếu mọi người biết bỏ ý riêng, bỏ tư lợi mà nhắm lợi ích cho người khác thì cuộc sống của cộng đàn sẽ trôi chảy và thu được nhiều lợi ích.  Chúng ta hãy nghe lời ngài khuyên dạy :

 

“Anh em hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,2b-4).

 

II. TÍNH CHUYỆN VUÔNG TRÒN.

 

        1. Câu chuyện vuông tròn.

 

        Người Việt nam quan niệm trời tròn đất vuông. Vuông tròn hòa hợp thì mọi sự sẽ trôi chảy. Vì thế, từ thời vua Hùng Vương người ta đã làm bánh dầy theo hình tròn và bánh chưng theo hình vuông. Trong các lễ hội, cưới xin hay Tết nhất, người ta thường dùng bánh dầy và bánh chưng, có lẽ tượng trưng cho sự hoà hợp giữa trời và đất, giữa âm với dương hầu đem lại hạnh phúc cho con người.

        Trong việc kiến thiết các ngôi nhà, nhất là đình chùa, ta thấy có mái cong. Tại sao lại có đường cong ?  Đường cong là sự kết hợp hài hòa giữa đường thẳng và vòng tròn. Vì thế, đường cong diễn tả tâm hồn người Việt nam rất uyển chuyển, nhịp nhàng và hài hòa.

 

        Mái cong không phải là nét đặc trưng của Trung quốc như nhiều người tưởng mà là nét riêng của Việt nam vì mái cong có lẽ đã xuất hiện từ thời Hùng Vương cách đây bốn ngàn năm, còn mái cong ở Trung quốc mới xuất hiện từ đời Đường vào thế kỷ thứ bảy sau công nguyên.

 

        2. Vợ chồng hòa hợp.

 

        Không phải vô tình mà người Việt nam gọi việc cưới xin là chuyện vuông tròn, vì việc kết hợp hài hòa giữa vuông và tròn nói lên sự kết hợp giữa âm và dương, giữa nam và nữ để cho họ “không còn là hai nữa mà đã trở nên một xương một thịt” (Mt 19,6 ; Mc 10,8).

 

        Chúng ta tạm coi vợ là tròn, chồng là vuông. Vuông và tròn là hai hình thể khác biệt nhau, nhưng nếu cho hình tròn vào trong hình vuông, hoặc hình vuông vào trong hình trò thì lại trở nên một hình vuông tròn hay tròn vuông rất hài hòa. không có gì đối chọi nhau.

 

        Cũng thế, vợ chồng là hai cá thể khác biệt nhau về sinh lý và tâm lý như âm với dương, nhưng nếu âm dương kết hợp với nhau thì rất hài hòa, bổ túc cho nhau. Trong cuộc sống hằng ngày vợ chồng có đời sống tâm lý rất khác nhau, có khi là đối chọi nhau như trong khóa giáo lý hôn nhân chúng tôi đã đưa ra năm định luật về sự khác biệt tâm lý như luật ưu tiên, luật phân cách, luật chi tiết, luật bất đồng cảm, luật thính giác.

 

        Vậy trước sự khác biệt tâm lý của nhau, vợ chồng phải xử trí ra sao ?  Ta hãy dùng lời khuyên của Đức Khổng Tử :”Hòa nhi bất đồng”, nghĩa là vợ chồng chỉ có thể hòa hợp lại với nhau, trong khi đó vợ vẫn giữ được đặc tính của vợ, chồng vẫn giữ được đặc tính của chồng, không bao giờ vợ chồng có thể trở nên đồng nhất đuợc. Biết trước được như vậy, anh chị em thanh niên cần phải tìm hiểu nhau trước khi đi đến quyết định kết hôn :

                                Trăm năm tính chuyện vuông tròn,

                                Phải dò cho hết ngọn ngành lạch sông.

                                              (Ca dao)

 

        Hãy nhớ lời thánh Phaolô khuyên bảo :”Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì trách móc người kia” (Cl 3,12-13).

 

        Chịu đựng và tha thứ cho nhau là chìa khóa của sự  thành công trong đời sống gia đình. Người phụ nữ Việt nam có đặc tính ấy khi có sự căng thẳng giữa vợ chồng :

                                Chồng giận thì vợ làm lành,

                           Miệng cười hớn hở rằng : Anh giận gì ?

                                        (Ca dao)

 

        Trong cuộc sống gia đình không thể nào tránh được  cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, bởi vì trời có lúc mưa lúc nắng, mặt hồ thu phẳng lặng đôi lúc cũng gợn sóng. Thỉnh thoảng vợ chồng lại có sự va chạm nhưng phải chịu đựng để rồi mọi sự sẽ qua đi vì sau cơn mưa thì trời lại sáng, có đâu âm u mãi ! Truyện mưa nắng trong gia đình luôn luôn xẩy ra nhưng không sao, đó chỉ là gian đoạn đổi bầu khi gia đình thôi, nó cũng có cái hay của nó như người Việt nam ta thường nói về thời tiết :”Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa”.

 

                        Truyện vui

        Một người diễn thuyết rất hùng biện, giọng nói của diễn giả rất cao, ở điểm cao nhất của bài diễn thuyết, ông ta nói :

        - Người mà nhượng bộ khi họ thấy mình sai là một kẻ khôn ngoan. Trái lại, kẻ nhượng bộ khi họ có lý là...

        - Người đã có vợ.  Một thính già hay pha trò ngắt lời ông ta.

 

          KẾT LUẬN

        Hãy thực hiện lời Chúa dạy :”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường  trong lòng”. Nếu biết thực hành lời Chúa trong gia đình thì chắc chắn vợ chồng sẽ tránh được những sự va chạm đáng tiếc, bất cứ cái gì gai góc vợ chồng cũng cố gắng vo cho tròn, gia đình đó đã trở nên thiên đàng rồi.                                                             

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà