DUYÊN

-----

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Trích sách Tobia 7, 9c-1o. 11c-17.

          Chúng ta vừa được nghe đoạn sách trích trong sách Tôbia nói về việc kết hôn giữa Tôbia và Sara.  Tôbia từ xa đã đến xin người chú là ông Ra-gu-ên cho được cưới Sara làm vợ. Ra-gu-ên còn luỡng lự chưa biết quyết định ra sao thì thiên sứ hiện đến nói với ông :

Ông đừng ngại gả con gái cho cậu này, vì cô ấy phải làm vợ cậu này, là người kính sợ Thiên Chúa; chính vì thế mà người khác không lấy được cô ấy” (Tb 7,10).

 

          Hiểu được ý của Thiên Chúa, ông cầm lấy tay phải của con gái, đặt vào tay phải cậu Tôbia và nói :”Xin Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Gia-cóp ở với các con. Xin Người phối hợp các con, và đổ tràn đầy phúc lành của Người xuống trên các con” (Tb 7,15).

          Sara có duyên vì được cùng với Tôbia nên duyên vợ chồng trong khi không bao giờ Sara dám nghĩ tới điều đó. Theo người ta nói : đó là duyên phận đã được Trời xếp đặt.

 

          Duyên phận đã trở nên duyên thắm chỉ hồng do việc hai người cùng sốt sắng cầu nguyện trước giờ hợp cẩn .

“Tối hôm cưới, cậu Tobia nói với cô Sara :”Chúng ta là con cháu các thánh và chúng ta không thể kết hôn với nhau như những người dân ngoại không biết Thiên Chúa”. Vậy cả hai người đứng dậy, cùng nhau khẩn khoản cầu xin cho được an lành” (Tb 8,5).

 

II. CẦN CÓ DUYÊN.

 

          1. Duyên cần thiết.

                   Ai cũng muốn mình có duyên. Ai cũng muốn được khen ngợi là có duyên và biết bao người, nhất là các cô gái, đau khổ vì thấy mình không có duyên :

                                 Một thương tóc bỏ đuôi gà,

                          Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

                                      (Ca dao)

          Đối với người nữ, duyên là cái gì rất quan trọng, nó liên can đến cả cuộc sống, nó có thể chi phối cả cuộc đời mình, bởi vì :

                              Còn duyên kẻ đón người đưa,

                          Hết duyên đi sớm về trưa một mình.

                                      (Ca dao).

          2. Duyên là gì ?

                   Theo Hoàng Phê trong cuốn tự điển Tiếng Việt thì chữ duyên có nhiều nghĩa :

          - Phần cho là Trời định dành cho mỗi người về khả năng quan hệ tình cảm hòa hợp, gắn bó nào đó trong cuộc đời.

          - “Duyên” còn có nghĩa là sự hài hòa của một số nét tế nhị đáng yêu ở con người, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn tự nhiên.

 

III. TẬP LÀM DUYÊN.

         

          1. Có thể luyện tập được.

 

          Nếu duyên có nghĩa là duyên phận, duyên số do Trời định thì khỏi cần bàn vì Trời đã định cả, khó thay dđổi :

                                      Rõ ràng giấy trắng mực đen,

                                  Duyên ai phận nấy chớ ghen mà gầy.

                                                (Ca dao)

          Còn Duyên theo nghĩa thứ hai thì rõ ràng chúng ta có thể đạt được, nếu muốn.  Chúng ta có thể tạo ra sự hài hòa, những nét tế nhị, đáng yêu cho... chính mình, bằng cách rèn luyện để có thể hấp dẫn một cách tự nhiên.

 

          Tại sao các cô bán hàng phải tập cười cho thật tươi ? Các cô xướng ngôn trên Tivi cũng cười thật tươi, thật duyên ? Tại sao các cô gái nhà giầu phải tập đi lại cho uyển chuyển dịu dàng ? Tại sao người ta phải tập sống cho thanh lịch ?  Đó là vì người ta muốn có cái duyên để hấp dẫn người khác.

          Nếu Trời không cho mình được cái sắc diện chim sa cá lặn hoặc không được dễ coi mấy thì đừng lo, cái duyên có thể có nơi mọi nguời, kể cả trong những người có vẻ xấu xí, duyên đó là duyên thầm :

                                      Người xấu duyên lặn vào trong,

                               Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài.

                                                   (Ca dao)

 

          Sau các cuộc điều tra, nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà tâm lý học đã nêu ra những phương cách để rèn luyện trở thành người “ăn nói mặn mà có duyên” :

          a) Bạn hãy ít nói :

                             Chim khôn hót tiếng rảnh rang,

                       Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

          b) Hãy đôn đốc người khác nói.

          c) Tránh cãi cọ.

          d) Tốt hơn hết hãy nói về những điều  mà người đối diện thích.

          e) Hãy làm cho cuộc gặp gỡ trở nên vui vẻ bằng cách khôi hài hóa câu chuyện.

          g) Hãy... rút lui.

                             (Đỗ Quyên, Kiến thức gia đình, số 173, tr 62)

 

          Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, ngoài cái duyên trời phú cho, chúng ta có thể tạo ra cái duyên do chính sự luyện tập công phu, mỗi ngày một ít, làm thế nào để có thể trở nên con người khả ái, dễ thương.

          Cái duyên này không phải chỉ dành cho phụ nữ mà cần cho cả phái nam, bởi vì ai là người không muốn cho mình trở nên con người hấp dẫn ?

          Không phải chỉ tập luyện và giữ cái Duyên cho đến khi cưới mà sau khi thành hôn vẫn còn cần thiết. Phải luôn tập cho mình có cái duyên để làm đẹp lòng mọi người, nhất là cho người chồng.  Nếu người vợ trở nên vô duyên thì rất nguy hiểm cho đời sống lức đôi :

 

                                      Còn duyên anh cưới ba heo,

                                 Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi.

                                                (Ca dao)

 

          2. Nét duyên thầm kín.

 

                   Khi đến gần một người thánh thiện, ta thấy từ nơi họ toát ra một cái gì hấp dẫn, đạo đức, cao quí làm ta phải mến phục.  Cái gì đó là sự thánh thiện toát ra từ con người họ, làm cho mọi người phải mến phục. Và nếu nói theo kiểu bình dân thì gọi đó là cái “Duyên ngầm” hay Duyên thánh.

 

                             Truyện : trước vậy,  sau khác

          Thời trước giải phóng có một sư huynh La san rất giỏi môn địa dư, dạy học rất hấp dẫn.  Có một nữ sinh viên thầm yêu và cám dỗ thầy xuất tu để xin cưới.  Thầy đồng ý xuất tu.  Nhưng khi đến hỏi cưới, cô ấy từ chối.  Sư huynh hỏi cho biết lý do.Cô cho biết :

          - Khi thầy còn mặc áo dòng, em thấy thầy hấp dẫn lắm, em yêu. Bầy giờ thầy cởi áo dòng ra, mặc áo đời, em thấy không hấp dẫn nữa.

 

          Cô sinh viên nói như thế là có ý nói : lúc này thầy đã đánh mất cái duyên thầm, hay cái duyên thánh thiêng rồi, do đó không còn hấp dẫn nữa.

 

          Vợ chồng cũng thế, khi cố gắng sống cuộc đời lành thánh thì tự nhiên trong người  toát ra một cái gì đó cao qúi làm cho người kia phải mến phục và muốn sống khăng khít với nhau.  Muốn được như thế, anh chị hãy thực hiện lời thánh Phaolô tông đồ :

 

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu dđựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia” (Cl 3,12-13).

 

          Và thánh Phêrô tông đồ cũng khuyên :

 

Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa ; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền hòa : đó chính là điều qúi giá trước mặt Thiên Chúa “ (1Pr 3,3-4).

 

KẾT LUẬN

 

          Thiên Chúa không bao giờ từ chối những cố gắng của con người. Tục ngữ Pháp nói :”Aide-toi, le ciel t’aidera” : Anh hãy tự giúp mình đi rồi Trời sẽ giúp cho.  Trong mọi công việc Chúa đòi sự cộng tác của ta. Hãy cố gắng tập cho có cái Duyên thánh thiêng.  Chính mình phải cố gắng và Chúa sẽ bổ túc cho qua lời cầu nguyện của ta :”Hày xin thì sẽ được”:..  Xin mọi người cùng sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ để cầu cho đôi bạn trẻ hôm nay thực hiện được giấc mơ hằng mong đợi :

                                      Ước ao duyên thắm chỉ hồng,

                                  Để cho thục nữ sánh cùng trượng phu.

                                                (Ca dao)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục