THỦY  CHUNG

 

          Sách Nho có chữ :”Tào khang chi thê bất khả hạ đường” : Người vợ tấm mắn chẳng nên hất hủi xuống bậc hèn” (Tống Hoằng).  Thủy chung” có nghĩa là  đầu và cuối. Việc gì cũng phải có đầu và cuối : hễ đầu xuôi thì đuôi lọt. Khởi đầu, Thiên Chúa tạo dựng nên con người, cho họ kết hợp với nhau thành một xương một thịt và dặn họ :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,8). Nếu “Thủy” nơi Thiên Chúa là như vậy, còn “Chung” nơi loài người thì làm sao ?

 

I. TRÍCH DẪN LỜI CHÚA.

 

          1. Bài sách Sáng thế : 2,21-24.

 

          Bộ Kinh  thánh bắt đầu bằng cuốn Sáng thế ký, và sách Sáng thế lại mở đầu bằng trình thuật tạo dựng vũ trụ vật chất và con người. Hai trường hợp sáng tạo được kể, có những chi tiết khác nhau. Tuy chẳng mấy ai tin theo nghĩa đen những chi tiết này, nhưng sự khác biệt chắc chắn có ý nghĩa.

 

          Khi tạo dựng vũ trụ vật chất, Thiên Chúa chỉ phán :”Hãy có...” thì liền có ; và muốn nó tiếp tục sinh ra nhiều thì phán :”Hãy sinh sôi nảy nở...” Sinh sôi nảy nở thế nào không được diễn tả rõ ràng, nhưng khi tạo dựng con người, Thiên Chúa tỏ ra thận trọng hơn :”Nào Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta”(St 1,26).  Còn để bảo tồn và phát triển, Thiên Chúa không chỉ phán :”Hãy sinh sôi...” mà còn “đạo diễn” một màn đầy ấn tượng : Ngài đã lấy xương sườn Ađam đang ngủ làm nên người nư õ(Evà), để rồi khi thức dậy, Ađam hớn hở reo lên :”Đây chính là thịt và xương tôi !... Bởi đó, người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khăng khít với vợ mình, và cả hai sẽ nên một xương một thịt”(St 2,21-24).

 

          2. Bài Tin mừng : Mc 10,6-9 ; Mt 5,27-32.

 

          Ai cũng biết, Đức Giêsu đến không phải để phá bỏ lề luật Cựu ước, mà là để kiện toàn. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe thuật truyện Chúa Giêsu trình bầy quan điểm của Ngài về luật ly dị và đa thê của thời Môsê. Ngài cho rằng Môsê đã cho phép điều đó vì “sự cứng lòng của người Do thái” (Mt 19,8), nên cần phải loại bỏ. Bởi chính lúc khời đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam, có nữ, vì thế người đàn ông đã lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mc 10,6-9 ; St 2,24).

 

II.VỢ CHỒNG PHẢI TRUNG THÀNH.

 

          Người đàn bà trong lễ giáo Khổng Mạnh phải tuyệt đối chung thủy, phải tuyệt đối trung thành với chồng mình. Họ phải giữ cái đạo “Tam tòng” :

                                      Tại gia tòng phụ,

                                      Xuất giá tòng phu,

                                      Phu tử tòng tử.

          Nghĩa là : người con gái ở nhà thì theo cha, đi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con.

          Chữ “chung thủy” của người xưa thật đáng ca tụng, nhưng tôi thấy nó rất thiên lệch và không công bằng. Lễ giáo của Khổng Mạnh đã áp đặt chặt chẽ trên người đàn bà, trong khi đó thì người đàn ông lại được thả lỏng :

                                      Trai thì năm thê bảy thiếp,

                   trong khi đó thì :

                                      Gái chính chuyên chỉ có một chồng.

                   và nếu có một vợ một chồng thì theo sự diễn tả một cách châm biếm, đó là :

                                      Nhất phu nhất phụ,

                                      Mỗi mụ mỗi nơi.

                   Còn thời nay thì sao ?

                  

          Đối với xã hội Tây phương thì chữ “chung thủy” thời nay đã biến mất. Người ta thay vợ đổi chồng như thay áo.  Có nơi số đôi hôn phối ly dị đến 50%, thậm chí có nơi đến gần 70%. Cái hôn ước không còn giá trị nữa. Chính vì thế mà gia đình bị lung lay tận nền tảng , tận gốc rễ để rồi đi đến chỗ đổ vỡ chỉ vì những lý do không đâu.  Còn ở Việt nam thì sao ?

 

                                      Truyện : trên chuyến xe đò.

          Có một lần trên chuyến xe đò đi Sàigòn, tôi được nghe mẩu tâm sự vụn giữa mấy bà mấy cô với nhau. Bà thì than rằng ông chồng của mình bê bối. Bà thì bực tức thấy ông nhà đèo bòng mà chẳng làm gì được. Nói ra thì xấu thiếp hổ chàng, còn để vậy thì ấm ức trong lòng. Sau cùng, có một bà kết luận : chỉ có mấy bà Công giáo là sướng. Đạo của họ cấm chỉ việc lang bang. Dù sao chăng nữa, thì họ cũng vẫn một lòng một dạ với nhau.

 

          Nghe mẩu tâm sự ấy, tôi cũng thấy mừng vì từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay, sự chung thủy, một vợ một chồng vốn dĩ đã là nét son của hôn nhân Công giáo.

 

          Ai cũng biết hôn nhân Công giáo là một khế ước song phương được ký kết giữa hai người. Hôn ước của đạo Công giáo có hai đặc tính là đơn nhấtvĩnh viễn. Không ai có thể hủy bỏ hôn ước khi cả hai người còn sống.

 

          Nếu chúng ta đòi buộc người bạn đời phải tuyệt đối trung thành với mình, thì chúng ta cũng phải có bổn phận phải tuyệt đối trung thành với người bạn đời như thế.  Chúng ta không thể nào chấp nhận những chia sẻ vụng trộm của người bạn đời thì chúng ta cũng không được chia sẻ tình yêu một cách thầm lén cho kẻ khác không phải là người bạn đời của mình. Nếu như hành vi thầm lén vụng trộm của chúng ta bị đổ bể, bởi vì “đi đêm có ngày gặp ma”... thì lúc bấy giờ chắc chắn dư luận sẽ không buông tha chúng ta và gia đình ta chắc chắn sẽ gặp nhiều sóng gió.

 

          Tuy nhiên, xưa cũng như nay không thiếu gì những gương cao đẹp về sự trung thành của vợ chồng trong những gian nan thử thách.

 

                                      Truyện :  gương sáng của Án Tử.

          Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để mình ăn học. Đỗ đạt làm quan, Án Tử không bao giờ quên được ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một lòng trung thành với vợ.

 

          Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử :

          - Ôi, vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao ?

          Án Tử trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự :

          - Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp.  Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc tuổi già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng ăn ở bội bạc với nội tử tôi.

          Nói xong, Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.

                                      (Lẽ sống, tr 302).

 

          KẾT LUẬN

 

          Sau  hết, anh chị hãy hiểu và ý thức lời hứa hôn mà anh chị sắp đọc lên cũng như lúc xỏ nhẫn để anh chị phải trung thành với nhau qua mọi cảnh huống của cuộc sống : khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như khi thất bại, khi mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau, để yêu thương, để nâng đỡ và để cùng dìu nhau bước đi trong cuộc sống : “Hãy nhận lấy chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của nhau”:

 

                                      Nói lời hãy giữ lấy lời,

                             Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

                                              (Ca dao)

 

          Anh hãy suy nghĩ và cố thực hiện được câu nói đầy ý nghĩa của Tốâng Hoằng :

                             Tào  khang chi thê bất khả hạ đường”.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Về trang Mục Lục