THỀ NGUYỀN
***
I. LỜI CHÚA : Mt 5,13-37.
Hãy nghe và suy niệm Lời Chúa :”Về lời ăn tiếng nói, có thì nói có, không
thì nói không, thêm thắt đặt truyện là do lòng tà mà ra”(Mt 5,37)..
Chúa dạy ta hãy tôn trọng sự thật, có
thì nói có, không thì nói không, chẳng phải thề thốt gì cả. Nhưng con người yếu
đuối hay thay lòng đổi dạ nên phải đặt ra thề nguyền để làm bảo chứng cho lòng
trung thành như giao ước, khế ước , giao kèo, hôn ước.
Chính dân Israel đã ký giao ước với
Thiên Chúa ở núi Sinai, thế mà đã thay lòng đổi dạ, đã bao nhiêu lần bội ước :
phản bội Chúa, nhưng Chúa vẫn thương ban ơn tha thứ. Do đó, chúng ta mới có
Thánh kinh Cựu ước và Tân ước.
II. THỀ NGUYỀN TRONG ĐỜI SỐNG.
1. Trong thực tế cuộc sống.
Trong khi giao tiếp với nhau, người ta
luôn thề nguyền bằng lời nói, bằng chữ viết hay bằng cử chỉ như véo tay... để
nói lên lòng trung tín của người ta. Nếu không có lời thề nguyền như vậy, người
ta thấy không yên tâm mặc dầu biết trước lời thề nguyền ấy có thể bị hủy bỏ do
tự nguyện hay bị phản bội. Có xã hội nào mà không có thề nguyền ? Ngay trẻ con
cũng có.
2. Lý do đưa đến thề nguyền.
a) Bản tính con người.
Con người đâu có phải là thần
thánh, con người yếu đuối như cây sậy trước gió, hay sa ngã. Chính vì vậy mà
nhà đại tư tưởng Blaise Pascal đã nói :”Con
người không phải là thiên thần, cũng không phải là con vật, và ai muốn là thiên
thần lại là con vật”.
b)
Trong công việc làm ăn.
Trong công việc làm ăn buôn
bán, người ta hay thiếu chữ “tín” nên không thiếu gì những công
ty vỡ nợ, những hợp đồng bị bể tung, những con nợ ăn quịt, tình trạng “xù đẹp”
là rất phổ biến.
c)
Trong đường tình.
Người ta yêu nhau, chọn nhau
làm vợ làm chồng, người ta thề nguyền với nhau trọn nghĩa sắt cầm nhưng không
thiếu gì những cuộc tình giữa đường đứt gánh do phản bội. Họ coi lời thề nguyện
như trò chơi, chẳng có giá trị gì.
Thi sĩ Nhất Tuấn đã nói thẳng thừng không ái ngại :
Thôi đừng kể chuyện ngày xưa,
Bởi vì đoạn kết bài thơ có rồi.
Giận
hờn thì cũng đành thôi,
Dại gì giữ mãi một lời thề suông.
Trước
khi kết hôn, ai không cảm thấy lo lắng cho tương lai ? Không biết người
bạn đời của mình có chung thủy không ? Khi đã tìm được người yêu, muốn trao
thân gửi phận cho họ, cô gái dặn dò người tình của mình một cách chân tình :
Anh về em nắm cổ tay
Em dặn câu này anh chớ có quên :
Đôi
ta đã trót lời nguyền
Chớ xa xôi mặt mà quên mảng lòng.
(Ca dao)
III. CÓ NÊN
THỀ NGUYỀN KHÔNG ?
Có một cô bé gửi cho anh Bồ câu một
câu hỏi thế này :”Em có đọc một câu danh ngôn : “Những lời thề của ái tình
không đến tại Thượng Đế”. Vậy chẳng lẽ tất cả mọi lời thề thốt trong tình yêu
đều “gỉa dối” hết sao anh” ?
Anh Bồ câu đã trả lời :”Không chỉ ở
phương Tây, người Phương Đông cũng hay
chế diễu sự thề thốt. Dân gian bảo : “Lời thề cá trê chui ống” cùng với ý
nghĩa na ná như vậy.
Ở đây ta không nên xét đến những lời
thề giả dối, nghĩa là những lời thề mà người nói ra biết chắc là mình sẽ không
bao giờ thực hiện. Đó là lời thề của những hạng người ưa “nuốt lời” hay còn gọi
là “xù đẹp” ! Nhưng ngay cả những lời thề nghiêm túc và chân thành nhất cũng
chỉ có ý nghĩa nêu bật quyết tâm của người thề
trong lúc đó mà thôi.
Thề thốt thì dễ, nhưng gìn giữ và thực
hiện đúng đắn lời thề thì không phải ai cũng làm được trong đời sống, nhất là
đời sống tình cảm, không ai có thể nói trước được điều gì. Vì vậy, chúng ta
sống và chủ yếu là dựa vào niềm tin chứ không nên dựa vào sự bảo hiểm của bất
cứ một lời thề thốt hay hứa hẹn ngọt ngào nào.
(Anh Bồ Câu, Nói
chuyện... Phượng Hồng, tr 22-23)
Trong
nghi thức Hôn phối, anh chị phải nói lên quyết tâm của mình, chọn nhau làm vợ
làm chồng và còn phải thề hứa, thề một cách công khai và trịnh trọng trước mặt
vị đại diện Giáo hội, trước mặt hai người làm chứng và cộng đồng dân Chúa lời
cam kết của mình. Ví dụ :
“Tôi
Giuse Nguyễn văn Tèo nhận em Maria Nguyễn thị Tẽo làm vợ và hứa sẽ giữ lòng
chung thủy với em...”
Đây không phải là lời thề suông như
thi sĩ Nhất Tuấn đã nói mà đây là một lời thề trọng thể có ý thức và có chất
lượng. Lời thề này có tính cách vĩnh viễn mà không ai có thể tháo gỡ được như
lời Chúa Giêsu đã nói :”Sự gì Thiên Chúa
đã phối hợp loài người không được phân ly”(Mt 19.6).
KẾT
LUẬN
Xin Chúa cho chúng ta được giữ lòng
chung thủy trong đời sống hôn nhân. Người ta đã khuyên răn và cảnh cáo mọi
người về điểm nay :
Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng
như con bướm đậu rồi lại bay.
(Ca dao)
Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người
không bao giờ thất hứa, Người thực hiện tất cả những gì Người đã hứa. Theo
gương Mẹ Maria mà bước đi trong hành trình đức tin như lời bà Elizabeth đã nói
với Mẹ Maria trong lần viếng thăm người chị họ :”Phúc cho em là người đã tin rằng lời Chúa hứa sẽ được thực hiện”.
Thánh Phaolô cũng nói với các tín hữu
Côrintô về sự trung tín của Thiên Chúa :”Thiên
Chúa là Đấng trung tín, nhờ Người anh em được kết hợp cùng Con Chúa là Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1,3).
Lm Giuse
Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt