VỊ
KHÁCH KHÔNG ĐƯỢC MỜI
*****
Cưới vợ gả chồng là một điều rất tự
nhiên và bình thường, chính Thiên Chúa đã tác hợp cho đôi hôn phối đầu tiên là
Ađam và Evà để họ sinh sản con cái ra đầy mặt đất. Thiên Chúa chúc phúc cho việc
kết hôn này. Ngày này người ta vẫn tiếp
tục cưới vợ gả chồng theo khuôn mẫu của cuộc hôn nhân đầu tiên ấy. Hôn nhân là một việc cần thiết đối với mọi người,
trừ một số người có ơn gọi đặc biệt sống
độc thân. Kết hôn thì dễ, nhưng làm thế nào cho hôn nhân được hạnh phúc là một
truyện khó ! Muốn cho hôn nhân được hạnh phúc, đối với Kitô hữu, chúng ta hãy mời
Chúa Giêsu ngự vào nhà mình. Ngài là vị khách quan trọng hay bị bỏ quên.
I. QUAN NIỆM VỀ HÔN NHÂN.
Người ta nghĩ thế nào về hôn nhân ? Người
ta có cái nhìn lạc quan hay bi quan về hôn nhân ? Phải chăng người ta có cái
nhìn bi quan về hôn nhân khi nhìn vào hiện trạng các gia đình trên thế giới với
những cuộc ly dị tràn lan...
* Có những người nói một cách bi quan
:
“Hôn
nhân là một cuộc xổ số (Ben Jonson).
“ Hôn nhân là một cái bao, trong
đó có 99 con rắn và một con lươn, ai có thể thọc tay vào đó” (tục ngữ Ả rập).
* Có người nói trung dung hơn :
“Hôn nhân là con đường đưa ta
vào địa ngục hay dắt ta vào cõi thiên đàng” (de Balzac).
Nếu hỏi những người nhiều kinh nghiệm,
chắc hẳn họ sẽ mỉm cười. Với dáng bộ bí mật họ sẽ nói :”Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Nguyễn Du). Cũng như ông Socrate nói, chúng ta cũng phải nói
rằng :”Hôn nhân là một tai họa nhưng là một
tai hoạ cần thiết” (Ménandre).
Có người bảo :”Hôn nhân là mồ chôn tình yêu” (Chamfort), nhưng tôi nghĩ nó chỉ là
một tình trạng mới của tình yêu, nó sẽ làm cho tình yêu bớt đi cái chất mơ mộng
viển vông, mà gia tăng tính cách trưởng thành bằng cách lãnh nhận và chu toàn bổn
phận của mình.
II. LÀM SAO CHO HÔN NHÂN HẠNH PHÚC ?
Phải nhận rằng gia đình là tế bào của
xã hội, chính là con tim của nhân loại, nhưng con đường tình yêu có lắm chông
gai và cuộc sống hôn nhân có nhiều sỏi đá, thì chúng ta cũng cần phải bước vào
với tình trạng không thể trốn tránh được.
Điều quan trọng là chúng ta phải có những
phương pháp, phải có những cách thức biến gai nhọn thành bông hồng, biến sỏi đá
thành mầu mỡ, biến đau khổ thành hạnh phúc. Hôm nay tôi chỉ nói tới một hình thức
làm cho hôn nhân hạnh phúc : TINH THẦN ĐẠO ĐỨC.
Truyện : Của hồi môn.
Có một ông bố vợ, trong ngày cưới, đã
gặp chàng rể. Ông ta trao cho anh một phong bì và nói :”Đây là tiền hồi môn của
con gái tôi”.
Chàng rể về nhà mở bao thư, trong đó có
một tờ giấy ghi những hàng chữ như thế này :
- Chịu khó làm việc trị giá 100.000đ.
- Làm bếp giỏi trị giá 100.000đ.
- Không ăn quà vặt và không chạy theo
thời trang trị giá 100.000đ.
- Dịu hiền và không hay bép xép trị giá
100.000đ.
- Tinh thần đạo đức trị giá 400.000đ.
- Và một số tiền mặt là 200.000đ.
Cộng chung tất cả là một triệu đồng.
(Tình yêu trong đời thường,
tr 35)
Sau này, chàng rể thấy, quả thật người
vợ của mình có những đức tính ấy, còn mình thì hạnh phúc và sung sướng hơn một triệu phú. Ông bố vợ đã có một cái nhìn rất sâu sắc và đánh
giá đúng mức khi cho rằng tinh thần đạo đức
là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
III. TINH THẦN ĐẠO ĐỨC NHƯ THẾ NÀO ?
“Hãy đưa Chúa vào nhà mình”.
Chúa Giêsu vào dự tiệc cưới Cana không
những làm phép lạ biến nước thành rượu cho chủ nhà khỏi bị bẽ mặt mà còn chúc
phúc cho đôi tân hôn.
*
Anh chị có dọn mình để cử hành bí tích Hôn phối không hay chỉ nghĩ đến
thiệp cưới, quần áo, cỗ bàn ?
* Anh chị có biết cầu nguyện không ? Cầu
nguyện là việc rất quan trọng như một danh nhân đã nói :”Nếu bạn lên đường, hãy cầu nguyện một lần, nếu bạn ra khơi, hãy cầu
nguyện hai lần, và nếu bạn kết hôn, hãy cầu nguyện ba lần”
Họ đi mời họ hàng thân thích bạn bè đến
dự tiệc cưới mà lại bỏ quên một nhân vật quan trọng có thể làm cho họ được hạnh
phúc hơn : đó là Đức Giêsu. Hôm nay anh chị có để ý đến Ngài không, hay đã
bỏ quên Ngài ?
Nếu cuộc hôn nhân vắng bóng Đức Kitô
thì đối với họ, hôn nhân chỉ là cơ hội để hưởng thụ lẫn nhau. Hôn nhân chỉ là là một cuộc buôn bán đổi chác.
Hôn nhân chỉ là bước đầu đi đến ly dị. Một cuộc hôn nhân không có Đức Kitô như
thế, chắc chắn sẽ đi đến đổ vỡ, sẽ đem lại những đau thương.
Phúc âm đã viết :”Khi Đức Kitô trút hơi
thở cuối cùng trên thập giá, thì mặt đất bỗng rung chuyển và bầu trời trở nên tối
tăm”. Cũng vậy, khi Đức Kitô bị loại trừ ra khỏi bầu khí của gia đình, thì ở đó
chỉ còn những cãi vã, những đay nghiến nhau từng ngày.
Truyện : Một cái gì bảo đảm chứ ?
Một cô gái quyết định kết hôn với chàng
thanh niên nhà giầu, nhưng anh này lại là một kẻ nghiện rượu, cờ bạc và khô
khan.
Thấy vậy, cha sở khuyên cô nên nghĩ lại,
nhưng cô đã choáng váng trước căn nhà đồ sộ với chiếc xe hơi bóng loáng. Cô trả
lời với cha sở :
- Ít ra mắt con phải thấy được một cái
gì bảo đảm chứ !
Đám cưới của họ được tổ chức linh đình
và rềnh rang. Nhưng chỉ sau đó một tuần
lễ thì cô ta đã đến gặp cha sở với khuôn mặt bầm tím vì bị chồng đánh đập trong
một cơn say.
Lúc đó cha sở mới bảo :
- Bây giờ thì con đã thấy được một cái
gì bảo đảm rồi chứ ?
(Tình yêu trong đời
thường, tr 37)
Trong đời sống hôn nhân, tinh thần đạo
đức sẽ tạo nên hạnh phúc gia đình.
Thánh Clêmentê đã đưa ra một ý nghĩ khôi
hài như sau :”Nếu ở trong một môi trường
đạo đức, tôi sẽ có được cái mũi người công
giáo”, có nghĩa là tôi sẽ ngửi được hương thơm thánh thiện.
Bước vào nhiều gia đình hiện nay, chúng
ta thấy thiếu vắng hương thơm thánh thiện này, đó là hương thơm của những câu
kinh, của những lời cầu nguyện. Gia đình phải được trở nên một gian cung thánh,
ở đó vợ chồng và con cái dâng lên Chúa những lễ vật xuất phát từ lòng cuộc sống,
đó là những lao công vất vả của cuộc sống.
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt