MIẾNG TRẦU

***

I. TRUYỆN TRẦU CAU.

 

          Trong dân gian Việt nam có một câu truyện rất bình dân và rất phổ biến mà ai cũng biết, nó nói lên tình nghĩa vợ chồng anh em, tạo nên hạnh phúc gia đình. Câu truyện ấy như sau :

         

          Có hai anh em họ Cao, diện mạo, thân hình cùng tác phong giống hệt nhau. Họ thương yêu nhau và gắn bó với nhau đến nỗi không thể rời xa nhau được.

          Người anh tên là Tân kết hôn với nàng Lưu-sương-Phù. Còn em tên là Lang, tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn không muốn kết bạn để khỏi phải rời xa anh chị.

          Một hôm hai anh em đi săn, người em cảm thấy mệt nên bỏ rừng về nhà trước. Nàng Lưu sương Phù tưởng lầm đó là chồng mình, nên chạy ra cổng chào đón với tất cả tình âu yếm. Người em cảm thấy e thẹn. Và để khỏi tái diễn cảnh ngượng ngùng đó nữa, chàng đã quyết định bỏ nhà ra đi.

          Chàng lang thang mãi cho tới khi đến bên bờ một con sông lớn. Không một con đò, cũng không một nhịp cầu, nên chàng phải dừng chân bên bờ sông. Vừa đói, vừa mệt lả, chàng chết dần, hoá thành tảng đá lớn.

          Người anh biết sự việc nên bỏ nhà ra đi tìm em để trọn tình ruột thịt. Anh lần mò theo cùng con đường em đã đi. Đến bờ sông, anh vừa đói vừa mệt nên ngồi nghỉ trên tảng đá lớn rồi chết là hóa thành cây cau cao vút trời xanh.

          Nàng Lưu sương Phù ngày ngày mong chồng chờ em trở về, nhưng vẫn biền biệt, nên nàng cũng bỏ nhà ra đi cho trọn tình nghĩa vợ chồng. Nàng cũng đi theo con đường mòn mà chồng và em đã đi qua. Tới bờ sông, nàng ngồi nghỉ trên tảng đá, dựa lưng vào thân cây cau rồi cũng chết đi hoá thành dây trầu cuốn quanh cây cau.

 

          1. Ý nghĩa câu truyện :

 

 Mỗi câu truyện cổ tích đều có hậu, đều đem đến một bài học luân lý. Câu truyện trầu cau nói lên tình nghĩa gia đình và tình nghĩa anh em. Chính tình yêu này đã tạo nên hạnh phúc gia đình.  Sự phối hợp trầu cau và vôi lấy từ đá luôn tạo thành mầu đỏ thắm, được dùng để diễn tả tình nghĩa sâu đậm và mặn mà giữa vợ chồng, với anh em trong gia đình đầm ấm yêu thương.  Chính vì thế, trầu cau được dùng trong việc cưới hỏi, để cầu chúc đôi tân hôn xây dựng tổ ấm gia đình trong tình nghĩa thân thương.

 

 2. Tục lệ trầu cau trong nền văn hoá Việt nam.

 

          * Trong xã giao hằng ngày.

 

          Người ta nói :”Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Theo thói quen  của phong tục ngày xưa, người ta mời chào nhau bằng miếng trầu trong nơi bình dân cũng như nơi quyền quí. Gặp nhau trên đường hay ở một hàng quán cũng mời nhau trầu, nhất là khi khách đến nhà.  Trong bài thơ “Khách đến chơi nhà” thi sĩ Nguyễn Khuyến đã xin lỗi bạn vì không có trầu để chào mời :                                     

                                      Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

                                      Bác đến chơi đây, ta với ta.

 

          * Trong cách trao đổi giữa trai gái.

 

          Các bạn trẻ tuổi lứa đôi, khi gặp nhau cũng đưa mời trầu để làm quen và cũng có thể là dịp để ướm hỏi thử lòng :

                                      Gặp nhau ăn một miếng trầu

                                      Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào.

 

          Nhiều khi bạn trẻ mời nhau miếng trầu là gói ghém tất cả những gì hứa hẹn gắn bó :

 

                                      Trầu này trầu quế trầu hồi,

                                      Trầu loan trầu phượng trầu tôi trầu mình.

                                      Trầu này trầu tính trầu tình,

                                      Trầu nhân trầu nghĩa, trầu mình với ta.

 

          * Trong việc cưới hỏi.

 

          Không biết đã có từ lúc nào trầu cau là hai thứ đã chiếm giữ một vai trò quan trọng không thể vắng thiếu trong các lễ vật ở buổi hôn lễ của dân tộc Việt nam.

          Ngoài ra, trầu cau cũng đi đầu trong mọi sinh hoạt giao tế, ăn nói thời xưa, nay còn truyền lại ở mọi nơi, nhất là ở nông thôn vườn ruộng. Ở thành thị “miếng trầu vẫn là đầu câu chuyện” cho nên mỗi khi cưới hỏi, dầu cho khó khăn trong việc tìm mua, cho dù khan hiếm vào lúc không phải mùa như thế nào và cho dẫu thời nay, ít có bà con ăn trầu, người ta cũng phải tìm mua cho bằng được hai thứ này, không nhiều thì ít để giữ lễ. Nói khác hơn là để thủ lễ và chứng tỏ khả năng căn bản về kiến thức của văn lễ gia đình, tộc họ mình. Sự thiếu sót quả là điều đáng tiếc.

          Tục lệ ăn trầu thì có ở nhiều nơi trên thế giới,  nhưng dường như ở Việt nam mới đưa lên hàng quan trọng có sắc nét cá biệt trong mọi nghi lễ, hơn vậy còn có tính cách trang nghiêm chỉ một lần trong đời người mà thôi.

                             (Phạm côn Sơn, Hôn lễ và nghi thức, tr 39-40)

 

          3. Tính cách triết lý của truyện Trầu cau.

 

          Sau khi Cao Lang bỏ nhà ra đi, người anh là Cao Tân đi tìm kiếm và nhận lãnh cái chết để đền trả sự sai lầm của mình trong cách đối xử với người em là một ý thức đề cao tình anh em huyết nhục không thể ly tán. Anh em phải sống chết có nhau và không thể vì riêng tư mà bỏ nhau.

          Xuân Phù đi tìm chồng và chết theo chồng là sự kiện đề cao tình chồng vợ chung thủy.

          Cái chung cuộc với hình trạng cây cau không cành vươn lên cạnh hòn đá và dây trầu quấn quít theo cây cau là biểu trưng sự xum họp hạnh phúc chồng vợ gia đình.

          Có lẽ từ ngàn xưa đã có ai đó nhìn thấy được một hình trạng của thiên nhiên thảo mộc mà nghĩ ra chuyện này rồi săp xếp thành câu chuyện có mạch lạc, ý nghĩa để truyền bá, giáo dục trong đại chúng. Đây là cách giáo dục quần chúng có ý nghĩa và đơn giản vào thời xa xưa , nhưng có tác dụng lâu dài cho tới ngày nay.  Dầu sao, chuyện tích Trầu cau vẫn mang tính chất triết lý về sự giáo dục cộng đồng và triết lý đó đã biến thành thực dụng khá đơn giản trải qua bao thế kỷ và tồn tại tới ngày nay qua tục ăn trầu,  cùng vấn đề Trầu Cau biến thành vật lễ trong việc cưới hỏi luôn gây ấn tượng về hạnh phúc gia đình và vợ chồng.

                             (Cf  Phạm côn Sơn, Cau trầu đầu chuyện, tr 90-91)

 

II. MIẾNG TRẦU VÀ TÍNH CÁCH HOÀ HỢP.

 

          Theo câu truyện Trầu cau, về sau, vua Hùng Vương nhân đi tuần thú qua xứ ấy, thấy trong đền có cây xanh lá tốt, mọc trên một đống đá. Vua ngồi nghỉ mát, gọi người bản thổ hỏi chuyện, rồi ngài sai lấy quả cau ấy bổ ra, và lấy hòn đá nung lên thành vôi tôi với nước, rồi lấy vôi quệt vào lá trầu mà ăn lẫn với miếng cau thì thấy mùi mẽ thơm tho, nhổ ra hòn đá thì thấy đỏ ối. Ngài mới truyền cho thiên hạ lấy giống mà trồng để dùng vào việc cưới xin và mọi việc.

                             (Phan kế Bính, Việt nam phong tục,  tr 350)

 

          Khi ăn một miếng trầu có cau và vôi, người ta cảm thấy có mùi thơm tho và ngon miệng. Miếng trầu làm cho má cô nàng hồng lên trông hấp dẫn. Miếng trầu cũng làm cho lòng người ấm lên cả trong lẫn ngoài, nhất là những lúc trời lạnh.  Miếng trầu tượng trưng  cho duyên tình của đôi lứa :

                                      Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng :

                                      Cau xanh ăn với trầu vàng xứng không ?

                                      - Trầu vàng nhá với cau xanh,

                                      Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.

 

          Muốn có một miếng trầu ngon, người ta luôn phải trộn lẫn ba thứ  đó vào làm một “3 in 1” : trầu, cau và vôi. Mỗi thứ có một mùi vị riêng : trầu cay, cau đáng, vôi nồng. Nếu chỉ dùng một thứ thì không chịu nổi : nếu chỉ ăn lá trầu thì cay quá, cau lại chát, ăn vôi thì bỏng miệng.

 

          Miếng trầu nói lên ba đặc tính không thể tách rời nhau : cay, đắng, nồng. Đôi khi người ta ăn trầu với thuốc lào hay vỏ chay, lúc đó miếng trầu trở nên “5 in 1”. Do đó, miếng trầu nói lên sự hoà hợp giữa vợ chồng và con cái.  Tuy mỗi người có một tính tình riêng nhưng mỗi phần tử trong gia đình phải bỏ ý riêng để tìm đến một hoà hợp chung : mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có sự hòa hợp như thế, gia đình mới có đời sống ấm êm :

 

                                      Trầu xanh, cau đắng, chay hồng,

                                      Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên.

 

III. MIẾNG TRẦU VÀ TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG.

 

          Giới răn Thiên Chúa đòi buộc mọi người phải yêu thương nhau như chính mình, không phân biệt. Tình yêu vợ chồng lại càng phải được kiện toàn với tình yêu hy sinh vô vị lợi và bằng một sự hoà hợp thắm thiết.  Càng hy sinh, tình yêu càng mặn nồng và làm cho gia đình  càng hạnh phúc. Hy sinh tỷ lệ thuận với hạnh phúc :”Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”(Ga 15,13).

 

          Truyện trầu cau và phong tục ăn trầu mãi mãi là một gia tài của cha ông truyền lại cho con cháu, nó mang một ý nghĩa rất thâm thúy : càng bị nghiền nhai ra thì càng trở nên mầu đỏ thắm tình yêu :

                                      Con đường nghiền nát trầu cau

                                      Nên mầu đỏ thắm nên mầu sắt son.

 

          Trong Tông huấn về Gia đình, Đức Gioan Phaolô II viết:”Sự  hiệp thông trong gia đình đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn  mở rộng lòng mình ra để thông cảm, bao dung, tha thứ và hoà giải với nhau”(FC 21).

 

  Chúng ta chú trọng đến hai chữ “Bao dung”, hãy mở rộng lòng ra để đón nhận nhau trong tinh thần bao dung.  Bao dung là “Tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người và người trong mọi chiều kích”. Vì thế, những cặp vợ chồng bao dung sẽ dễ dàng xích lại gần nhau, dễ dàng bổ túc cho nhau, nhờ đó họ kiện toàn sự hiệp nhất yêu thương.  Léon Tolstoi đã nói:”Yêu ai là yêu trọn vẹn con người đó y như trong thực tế, chứ không phải như trong ước muốn của ta”.

 

          Sự hiệp nhất bền vững trong đời sống vợ chồng không chỉ là bảo chứng  cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và đẹp lòng Chúa, mà còn là một chứng từ có sức thuyết phục đối với những gia đình đang chìm trong bất hoà, chia rẽ và đổ vỡ.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

                  


Về trang Mục Lục