NGỤC TÙ

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Lc 22, 33 ; Ep 4,1.

 

          Phêrô là một Tông đồ rất nhiệt thành, hăng say và bộc trực. Ông hay nói hay làm. Vì là con người bộc trực ít suy nghĩ, có sao nói vậy, nên ông hay lỡ lời. Vì thế, nhiều lúc Chúa khen ngợi ông vì ông nói hay, nói đúng, có lúc Chúa quở trách ông vì nói dở. Nhưng dù sao lời nói và thái độ của ông cũng biểu lộ tính ngay thẳng, lòng nhiệt thành và yêu mến Chúa hết tình.

 

          Trong tình Thầy trò, Chúa Giêsu đã tiên báo cho ông biết trước : ông bị ma qủi thử thách nặng nề và ông sẽ bị sa ngã đấy. Nhưng Phêrô thẳng thắn thưa với Ngài với tất cả sự can đảm:”Thưa Thầy, dầu có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa con cũng sẵn sàng”(Lc 22,33).  Ông đã cương quyết thề với Chúa như vậy đó !  Nhưng Phêrô có là tảng đá đi nữa thì cũng có thể bị tan vỡ. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Tuy thế, với tình thương yêu đối với người môn đệ nhiệt tình như thế, Ngài đã hàn gắn lại cho nguyên vẹn.

 

          Thực sự, Phêrô là con người cương trực, theo suy nghĩ của ông, ông dám “ngồi tù” vì Thầy. Suy nghĩ đó chứng tỏ ông rất yêu Chúa.  Lòng yêu mến còn được chứng minh khi ông thưa với Chúa ba lần:”Thưa Thầy, Thầy biết con mến Thầy”(x. Ga 21,15-19).

 

          Thánh Phaolô cũng là con người rất yêu Chúa. Ngài đã phải vào tù ra khám biết bao nhiêu lần nhưng vì tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy nên ngài đã coi thường tất cả. Ngài đã phải nói :”Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mên Đức Kitô”. Chính vì vậy, khi viết thư cho tín hữu Ephêsô, ngài đã không ngần ngại tự giới thiệu :”Tôi là tù nhân của Đức Kitô”(Ep 4,1).

         

II. TẢN MẠN VỀ NGỤC TÙ

 

          1. Ngục tù là gì ?

 

          nghĩa là bắt người có tội hay nghi là có tội mà giam lại. Chữ gồm có hai bộ là bộ “vi” và bộ “nhân”. Bộ nhân nằm trong bộ vi có nghĩa là  một người bị giam cầm trong vòng vây. Do đó ta có chữ “tù nhân”.  Tù chung thân  là người tù bị án mãn đời chỉ có cuộc đại xá mới được ra.  Còn “tù ngục” hay “ngục tù” là nơi giam hãm người có tội hay nghi là có tội.

 

          2. Hôn nhân và ngục tù.

 

          Bất kỳ ai khi lập gia đình cũng muốn tìm đến hạnh phúc, cho nên ai cũng chúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc, chứ đâu lại chúc cho gặp bất hạnh ? Nhưng cuộc đời có nhiều phức tạp, không phải cứ lập gia đình là có hạnh phúc ngay, mà hạnh phúc chỉ có được bằng sự nỗ lực tạo nên nó, bởi vì hạnh phúc không phải là một thứ tiền chế có sẵn mà người ta có thể cho người khác hay là người ta có thể mua được.

 

          Khi lập gia đình thì mọi người đều phải chấp nhận hai đặc tính của hôn nhân : đơn nhấtvĩnh viễn , nghĩa là hôn nhân phải ở trong khuôn khổ nhất phu nhất phụ và không được ly dị. Dĩ nhiên, khi lập gia đình thì chỉ còn có một mối tình phu thê. Ngoài ra khi hôn nhân đã thành sự và hợp pháp trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội thì hôn nhân trở nên vĩnh viễn :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,6).

 

          Nếu trong đời sống hôn nhân vợ chồng biết hòa thuận thương yêu nhau thì gia đình có hạnh phúc, còn nếu vợ chồng luôn bất hòa với nhau, cãi lộn nhau, đánh đập nhau thì gia đình trở nên bất hạnh, và lúc đó gia đình trở nên “ngục tù”. Chính vì vậy, nhà văn hào Honoré de Balzac đã nói:”Hôn nhân là con đường đưa ta tới thiên đàng hay địa ngục”. Cái đó chờ đợi câu trả lời của từng người : hôn nhân có thể là thiên đàng, cũng có thể là hỏa ngục.

 

          3. Hôn nhân và địa ngục.

 

          Người ta thường nói:”Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” : một ngày sống trong tù lâu  bằng ngàn năm sống ở ngoài.  Đây là một nhận xét thực tế của những người bị giam hãm tù tội. Đây không phải là thời gian vật lý mà là thời gian tâm lý.

 

          Chúng ta nghe người ta hát những bài tình ca với những từ ngữ “trái tim ngục tù, trái tim mùa đông”. Không biết trái tim ngục tù này là của người độc thân hay của người lập gia đình. Ngục tù này có thể đến với bất cứ ai, độc thân hay có gia đình vì ngục tù này không phải là một không gian hữu hình mà là ngục tù của tâm hồn.

 

          Trong gia đình mà vợ chồng không thương yêu nhau thì gia đình ấy có thể trở nên ngục tù và những người ở trong nhà ấy trở nên “tù nhân” và còn trở thành  “tù chung thân”, nghĩa là người tù bị án mãn đời, chỉ có cuộc đại xá mới được ra.  Một gia đình sung túc đến đâu mà trong đó không có tình thương thì cũng như một nghĩa địa. Một xã hội văn minh kỹ thuật mà không có tình thương thì chỉ là một bãi sa mạc. Một gia đình mà không có tình thương thì chỉ là địa ngục.

 

                                      Truyện vui

          Một cô gái là người có đạo, hỏi mẹ :

          - Mẹ ơi, người yêu của con không tin có thiên đàng hay địa ngục, vậy con có nên lấy anh ấy không ?

          Mẹ trả lời ngay :

          - Cứ việc lấy, rồi nó sẽ thấy.

 

          4. Hôn nhân và thiên đàng.

 

          Theo giáo lý Công giáo thì Thiên đàng là nơi con người được hưởng kiến thánh nhan Chúa, là nơi được hạnh phúc tuyệt đối và vĩnh viễn. Vậy nếu ông De Balzac nói :”Hôn nhân là con đường đưa ta tới Thiên đàng hay địa ngục” thì câu nói ấy có đúng không, vì có bao giờ người đời được hưởng hạnh phúc tuyệt đối và bất diệt đâu ?  Thiên đàng đây chỉ có tính cách tương đối theo quan niệm nhân gian, nghĩa là sống đời sống thoải mái, đầy đủ trong cảnh gia đình được  thuận buồm xuôi gió, không gặp trắc trở, không gặp những gian nan thử thách, những sự khó khăn lớn lao.

 

          Thiên đàng trần gian không phải là một điều không tưởng. Đã có nhiều người muốn xây dựng thiên đàng trên trần gian. Họ là những người có thiện chí. Nhưng, nói như một văn sĩ nào đó, con đường xuống hoả ngục được lát đầy bằng những thiện chí. Họ có thiện chí, nhưng những phương tiện mà họ đề ra để xây dựng thiên đàng trần gian ấy lại chỉ là hận thù, chém giết. Thay cho thiên đàng mà họ mơ ước, họ chỉ tạo ra địa ngục đầy đoạ con người mà thôi.

 

          Thiên đàng là điều con người có thể xây dựng và thụ hưởng ngay từ trần gian này. Thiên đàng là khi con người có được an bình nội tâm và hài hoà với tha nhân. Thiên đàng là mỗi khi con người làm một nghĩa cử cảm thông, tha thứ, phục vụ, hy sinh, quên mình. Thiên đàng là khi con người biết ngoi lên từ những đổ vỡ, thất bại để tiếp tục tin tưởng và yêu thương.

 

III. BIẾN ĐỊA NGỤC THÀNH THIÊN ĐÀNG.

 

          Có nhiều cách làm cho gia đình được hạnh phúc, làm cho gia đình thành thiên đàng trần gian theo quan niệm bình dân. Ở đây chúng tôi xin đưa ra hai phương pháp mà mọi người có thể thực hiện được :

 

          1. Tạo nên sự hoà hợp gia đình.

 

          Trong trời đất cũng có lúc mưa lúc nắng, trong gia đình cũng có lúc vui lúc buồn, lúc êm đềm lúc sóng gió. Không bao giờ trong gia đình có thể tránh được sự bất hoà hoặc lớn hoặc nhỏ vì như người ta thường nói:”Bá nhân bá tính” mà ! Những sự bất hoà đó có thể là những bất hoà ngấm ngầm hoặc bùng nổ, cần phải có sự cố gắng để đi đến hoà hợp.

 

          Theo nhà tâm lý học Nguyễn đình Xuân, ta cần phân biệt “hợp nhau” với “hoà hợp nhau”. Đó là hai khái niệm riêng biệt. Hợp nhau là thích nhau (ví dụ : người hiền lành thì thích và hợp với người hiền lành). Trong khi đó hoà hợp nhau là chấp nhận nhau để hoà nhập với nhau, bù trừ cho nhau, nên có thể người hiền lành lại chấp nhận cưới một người có tính nóng nảy. Hai người sống với nhau ít khi nổi xung, bởi vì người hay nóng luôn luôn được tính hiền lành của người kia làm nguội lạnh đi các cơn thịnh nộ vô lý...

                   (Nguyễn đình Xuân, Tâm lý học Tình yêu gia đình, 1993, tr 112-113)

 

          Khi hai người không hoà hợp nhau thì sẽ đẩy nhau như hai cực dương hay hai cực âm của pin gặp nhau. Ngược lại, nếu hoà hợp nhau thì hai cực âm dương sẽ thu hút nhau và sẽ phát ra điện.  Tuy thế,  ta cần nhớ câu nói của Đức Khổng Tử :”Hoà nhi bất đồng”. Như ở trên đã nói Hoà đây có nghĩa là dung hoà những khác biệt của nhau để làm nên một cái gì hợp nhất mà không cái nào bị loại trừ như sự hoà hợp của một ly nước chanh đường, trong đó vẫn còn nguyên nước,ø chanh vàđường. Còn Đồng không có nghĩa là đồng nhất, bắt mọi cái phải bị loại trừ để chỉ còn lại một cái duy nhất, ví dụ : vợ phải hoàn toàn giống như chồng hoặc chồng phải hoàn toàn giống như vợ.

 

          2. Sự bao dung và nhẫn nhục trong gia đình.

 

          Người ta thường nói :”Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật”. Vợ chồng cũng thế, mỗi người một tính, mỗi người một nết, không ai giống ai. Cho  nên, nhịn nhục, bao dung là rất cần thiết, như lời tiền nhân đã dạy :

 

                                      Vợ chồng là nghĩa già đời

                                  Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn.

 

          Sống chung là một cuộc chiến đấu liên lỉ. “Chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng”. Sống với nhau lâu ngày, tránh sao những lúc “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”:

 

                                      Ngọc nhìn lâu sẽ tìm thấy vết

                                      Hoa để gần sẽ hết mùi hương.

 

          Gia đình cần phải có sự bao dung. Bao dung là “Tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người với người trong mọi chiều kích”. Vì thế, những cặp vợ chồng bao dung sẽ dễ dàng xích lại gần nhau, dễ dàng cần đến nhau, dễ dàng bổ túc cho nhau, nhờ đó họ luôn kiện toàn sự hiệp nhất yêu thương. Léon Tolstoi đã nói:”Yêu là yêu trọn vẹn con người đó y như trong thực tế, chứ không phải như trong giấc mơ của ta”.

 

          Thực vậy, trong Tông huấn về gia đình Familiaris consssortio, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II có viết:’Sự hiệp thông trong gia đình đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở rộng lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ và hoà giải với nhau” (số 21).

 

          Nếu không có tinh thần bao dung, không biết nhường nhịn nhau thì gia đình sẽ lộn xộn và sẽ trở thành địa ngục. Người ở trong ngục thì không ra được trừ khi nào có người thả ra. Những người sống trong hôn nhân thành sự và hợp pháp không ai thả ra được, nghĩa là không ai có quyền tháo gỡ dây hôn phối, vì Chúa đã phán:”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mc 10,9).

 

          Trong hôn nhân chẳng có kẻ thắng người bại, mà chỉ có hai người cùng thắng hoặc hai người cùng bại. Nhẫn nhục chịu đựng, nhường nhịn nhau thì chắc chắn hai người cùng thắng theo nguyên tắc :

                                      Tránh voi chẳng xấu mặt nào.

 

          Trong thực tế, không có gia đình nào mà được hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió”. Không gia đình nào tránh được mọi gian nan khốn khó, không ít thì nhiều.  Không có gia đình nào mà vợ chồng hoàn toàn tâm đầu ý hợp trong mọi khía cạnh của cuộc sống . Nếu biết sống hoà hợp thì hôn nhân sẽ dẫn tới thiên đàng, ngược lại sẽ dẫn tới địa ngục.

 

                                      Truyện vui

          Một người đàn ông đang giận dữ ở cổng thiên đàng :

          - Tại sao tôi không được vào ?

          - Xin lỗi, ông phải được xác nhận phải trải qua địa ngục thử sức ba tháng mới được vào.

          - Gì mà ba tháng, tôi đã ở địa ngục 40 năm rồi đây. Có vợ tôi xác nhận.

 

          Do sự phức tạp khó khăn của trách nhiệm đời sống gia đình không phải là mộng, nhưng bù lại, nó được thụ hưởng niềm hạnh phúc thực sự mà chỉ hôn nhân mới có.  Tình yêu nam nữ không chỉ mang lại niềm sung sướng và hạnh phúc nhưng nhiều khi nó cũng đưa đến những đau khổ lớn lao.  Tình trạng mâu thuẫn này chịu ảnh hưởng và có gốc rễ trong những mâu thuẫn chung của bước phát triển xã hội mà quá trình lịch sử luôn sản sinh ra. Do đó, thực tại hôn nhân vẫn chịu hoàn cảnh vừa hạnh phúc vừa gian nan như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:”Tình cảnh cụ thể trong đó các gia đình đang sống quả là sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối” (Familiaris Consortio, số 6).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục