QUÁN TRỌ

---

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Ga 17,20-26.

 

          Để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng để lôi kéo nhiều người tin theo Chúa. Chúa Giêsu cũng trông thấy trước cuộc sống cộng đồng của các môn đệ, cũng như các cộng đồng khác, sẽ nảy sinh sự bất đồng đưa tới sự chia rẽ. Trước nguy cơ ấy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các ông để các ông hiệp nhất nên một như Ngài và Chúa Cha là một.

 

          Số người tin theo Chúa càng ngày càng đông, nguy cơ chia rẽ lại càng lớn; vì thế, không những Ngài cầu nguyện cho các môn đệ, mà còn cầu nguyện cho các kẻ tin vào Ngài nhờ lời rao giảng và giáo huấn của các môn đệ, nghĩa là cầu nguyện cho hết mọi thành phần trong Hội thánh. Mục đích Chúa Giêsu cầu nguyện là để mọi người tin vào Chúa Giêsu được hiệp nhất với nhau. Chính sự hiệp nhất này là sứ mạng và có tính cách thuyết phục thế gian tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế.

 

          Chúa Giêsu cầu nguyện cho Hội thánh được hiệp nhất trong tình yêu. Khi các Kitô hữu hiệp nhất với Chúa Kitô, thì được tham dự nhờ tình yêu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, và trở thành dấu hiệu tuyệt vời bầy tỏ cho thế giới thấy thời kỳ cánh chung đã điểm, và Thiên Chúa đã chính htức sai Con Một Người đến thế gian mới thực hiện được việc tốt đẹp như vậy.

 

          Qua nhận thức trên, chúng ta có thể kết luận :

          - Yêu thương nhau là dấu chỉ của sự hiệp nhất và cũng là chứng tá có tính cách thuyết phục nhất, có giá trị tông đồ.

          - Được làm con Chúa qua bí tích rửa tội, chúng ta được hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ.

          - Chúng ta càng nỗ lực thánh hóa bản thân, chúng ta càng có gía trị để thánh hóa tha nhân, và đó là cách chúng ta sống hiệp nhất huynh đệ.

 

          Chúa Giêsu cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội thánh hiệp nhất nên một trong một ngôi nhà chung. Ai cũng muốn được ở trong nhà và coi nhà là nơi ở vững chắc và vĩnh viễn cho mình chứ không phải như quán trọ. Một chàng trai và một thiếu nữ yêu nhau, họ muốn kết hợp với nhau nên một làm nên một xương một thịt và được ở trong một mái nhà ấm cúng. Ước vọng ấy đã được biểu lộ ra trong câu ca dao :

                                      Anh còn son, em cũng còn son,

                                      Ứớc gì ta được làm con một nhà.

                                                      (Ca dao)

          Từ ngữ “một nhà” gợi lên một ý tưởng là một chỗ ở có tường kín, có mái che để ngôi nhà được ấm cúng, nhưng ở thì cũng có nhiều cách ở : có người khôn ngoan biết biến ngôi nhà thành “Mái ấm”, có người dại dột biến nó thành “Quán trọ”.

 

II. MÁI ẤM GIA ĐÌNH

 

          Ai cũng muốn cho mình có một ngôi nhà để ở, không phải ở nơi đầu đường xó chợ. Có biết bao trẻ em lang thang trên hè phố mà không có một nơi để nương thân trong khi trời mưa gió, sương tuyết  lạnh lùng. Ước vọng duy nhất của chúng là có được một mái ấm gia đình. Có nhưng người tuy có nhà ở đấy, nhưng lại biến nó thành một ngôi nhà lạnh lẽo, buồn thiu, thiếu hơi ấm tình người. Người ta muốn cho mình thực sự phải có một mái ấm. Vậy mái ấm là gi ?

                                      Truyện : Mái ấm gia đình.

          Mới đây một tờ báo ở Luân đôn, thủ đô nước Anh, đã gửi câu hỏi:”Mái ấm gia đình là gì? Theo anh chị” , tới 1000 người. Có 800 người đã trả lời, tập trung vào các ý lớn sau đây :

 

          1. Mái ấm : một thế giới xung đột khép lại, một thế giới tình thương mở ra.

           2. Mái âm : nơi chuyện nhỏ là quan trọng, chuyện quan trọng là chuyện nhỏ.

          3. Mái ấm : vương quốc của cha, thế giới của mẹ và thiên đàng của con cái.

          4. Mái âm : nơi chúng ta cằn nhằn nhiều nhất nhưng được đối đãi tốt nhất.

          5. Mái ấm : trung tâm của tình thương mà mọi lời ước nguyện của con tim quyện vào đấy.

          6. Mái ấm : nơi dạ dầy chúng ta ăn 3 lần mỗi ngày và tâm hồn ăn ngàn lần mỗi ngày.

          7. Mái ấm : nơi duy nhất trên trần gian mà mọi lỗi lầm và thất bại của con người được che đậy

                            Dưới lớp áo bác ái êm dịu.

                                      (Giám mục Tone, Góp nhặt, tr 125-124)

 

          Vợ chồng đã thành lập gia đình thì phải cùng nhau đi theo một con đường dẫn tới hạnh phúc. Con đường dẫn tới hạnh phúc là con đường một chiều, không có lối rẽ, không có nẻo xuôi nẻo ngược, như Saint-Exupéry nói:”Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Nhưng trong thực tế, rất nhiều gia đình đã có con đường chia thành hai lối với hai nẻo ngược xuôi :

                             - Nẻo xuôi yêu đương.

                             - Nẻo ngượùc đau thương.

 

          Khi vợ chồng thương yêu nhau thì mọi sự  đều tốt đẹp vì “Yêu nhau chín bổ làm mười”, cuộc sống trôi chảy đều hòa, đúng là “duyên đằng thuận nẻo gió đưa” (Kiều), lúc đó con đường vợ chồng đi là con đường bằng phẳng :”Nẻo xuôi yêu đương”.

 

          Nhưng khi đã hết yêu thương thì những mối bất hòa xẩy ra như cơm bữa, ngấm ngầm hay bùng nổ. Con đường dẫn tới hạnh phúc bị bế tắc và dẫn đến nẻo ngược đau thương.  Khi thương nhau, người ta có ngàn cách tỏ lòng yêu thương, nhưng khi ghét nhau, người ta cũng có ngàn cách trách tội nhau. Chính vì có sự đi ngược chiều như vậy nên nhà văn hào Honoré de Balzac mới nói:”Hôn nhân là đường đưa ta thới thiên đường hay  đưa tói địa ngục”.  Từ đó người ta không con mái âm gia đình nữa mà đã trở thành quán trọ bên đường.

 

III. QUÁN TRỌ BÊN ĐƯỜNG.

 

          Như ông De Balzac nói, khi nào hôn nhân dẫn ta lên thiên đàng thì gia đình đúng là mái âm, còn khi hôn nhân dẫn ta tới địa ngục thì đúng là quán trọ bên đường.  Trong thực tế, không phải lúc nào hôn nhân cũng dẫn ta tới thiên đàng bởi vì người ta không còn yêu nhau nữa, những bất hòa bùng nổ, gia đình không còn là mái ấm nữa, không còn là nơi mong trở về, không còn là nơi để chia sẻ nữa, mà nó sẽ trở nên cái gì nếu không phái là cái QUÁN TRỌ, nơi mà mỗi người một góc, việc ai nấy làm, không cần để ý đến ai. Sự tan vỡ sẽ nới rộng ra từ đấy. Nhất là khi người vợ dám ngang nhiên nói :

 

                                      Lòng em như quán bên đàng

                               Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi.

                                                (Ca dao)

          Lúc gia đình đã trở thành quán trọ thì tội nghiệp cho những đứa con vô tội, chúng phải ở trọ ngay chính trong gia đình mình. Chúng bơ vơ mồ côi ngay khi cha mẹ còn sống, lạc lõng để rồi có khi buông trôi tất cả, đi tìm quên lãng.

          Ngoài ra ngày nay còn một nguyên nhân khủng khiếp khiến người ta phá vở mái âm, đó là các dạng gia đình kiểu mới.

 

          Trong cuốn “Làn sóng thứ ba” tác giả Alvin Toffler cho thấy các dạng gia đình mới trở thành  những hiện tượng quần chúng tại các nước Aâu Mỹ. Hiện tượng đó có chiều hướng tăng, và có thể nói được  đây không còn chỉ là cơn khủng hoảng và là sự tan vỡ của gia đình. Nhất là khi kiểu gia đình truyền thống đang biến hóa để trở thành “câu lạc bộ” tình yêu, gặp gỡ dễ dàng và bỏ nhau cũng dễ dàng. Hoặc trở thành những “Tổ hợp tình yêu”, ăn chia sòng phẳng, của cải chia đều.

 

          Hiện nay trên thế giới có độ 40% vụ các đôi hôn phối ly dị, có nơi tới 50 hay 60%. Người ta không còn tin vào sự vững bền của hôn nhân. Họ sống trong tình trạng lo sợ bấp bênh, không biết có nên lập gia đình hay không, và nên lập gia đình dưới dạng thức nào.

 

          Một cuộc thăm dò mới đây tại Pháp cho thấy quá nửa số thanh niên nam nữ được hỏi đã cho biết họ rất sợ hôn nhân. Họ thích yêu nhau, nhưng họ không thích đi tới hôn nhân. Bởi vì họ thấy cuộc sống hôn nhân gia đình càng ngày càng phức tạp,  số các đôi hôn nhân không được hạnh phúc càng ngày càng tăng. Vì thế đã nảy sinh ra nhiều dạng hôn nhân :

          1. Hôn nhân không giấy tờ.

          2. Hôn nhân giữa hai người cùng phái tính.

          3. Gia đình một mẹ một con.

          4. Gia đình một cha một con.

          5. Gia đình hai vợ chồng không con.

          6. Gia đình mẹ và con nuôi.

          7. Gia đình cha và con nuôi.

          8. Gia đình những con mồ côi sống chung.

                (Công giáo và dân tộc, số 955, tr 5)

 

          Khi mái ấm gia đình trở thành quán trọ thì gia đình còn ý nghĩa gì nữa ? Quán trọ chỉ dành cho khách không nhà và chỉ ở một thời gian ngắn, rồi không tha thiết gì đến nó nữa.

 

          Cái “Quán chiều” gợi lên cho ta một cảm giác mông lung, bơ vơ, lạc lõng, phảng phất một nỗi buồn man mác như Đặng đình Hồng mô tả quán chiều bằng mấy vần thơ :

 

                                      Cho xin bát nước cô hàng,

                                       Uống vào kẻo nữa dậm đàng còn xa.

                                      Thưa cô : tôi khách không nhà,

                                       Quán chiều là chốn thiết tha tôi ngồi.

 

          Ngày nay, đối với nhiều gia đình, từ ngữ “mái ấm” không còn ý nghĩa gì nữa, họ đang ở trong nhà mà luôn có cảm giác là ở trong quán trọ; mà đã là quán trọ thì không bao giờ ở vĩnh viễn; vì thế, gia đình sẽ tan vỡ và sẽ đi đến chỗ ly dị.

 

          Ly dị không những tai hại cho vợ chồng mà còn cho con cái. Trong một buổi“diễn đàn” của những trẻ em bất hạnh, các em đã thổ lộ nguyện vọng của mình :”Chúng cháu muốn được che chở, được sống trong tình yêu thương của mọi người, được học hành để trở nên người hữu ích cho xã hội. Chúng cháu muốn đừng bao giờ các bậc cha mẹ sinh thành lại bỏ rơi chúng cháu”.

 

          Những người ly dị nghĩ thế nào về câu nói của thánh Phaolô tông đồ :”Ai không săn sóc người thân, nhất là sống trong cùng một nhà thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin”(1Ti 5,8). Vậy mái ấâm hay quán trọ ?

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 

         


Về trang Mục Lục