HẠNH PHÚC (1)

---

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 5,1-12.

 

          Bài Tin mừng chúng  vừa nghe là phần mở đầu một bài giảng dài của Chúa Giêsu. Bài giảng này thường được gọi là “Bài giảng trên núi” hay “Hiến chương Nước Trời”, vì hôm ấy Chúa Giêsu ngồi trên đám cỏ xanh của núi đồi, giữa đám đông dân chúng. Ngài giảng dạy cho họ biết : muốn được hạnh phúc thật của Ngài thì phải làm gì ? Ngài nói rõ cho biết có 8 đức tính, hay 8 cách, hay 8 phương thế để được hưởng hạnh phúc, cho nên, chúng ta gọi là “Tám mối phúc thật”.

          Chúng ta có thể qui tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là :”Tâm hồn khó nghèo”. Người có tâm hồn khó nghèo là người được xét cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực.

 

          * Về mặt tiêu cực : là người không màng đến hay cậy dựa vào tiền bạc, của cải, danh lợi, lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt ở đời này…

 

          * Về mặt tích cực : là người chỉ ao ước sống tốt theo thánh ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa (nói cách khác : được sống trong Nước Trời).

 

          Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo khó, nên có thể nói : hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt bỏ hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

 

          Vậy hạnh phúc là gì ? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thỏai mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như  cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.

 

II. THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC ?

 

          Thực ra, cho đến ngày nay chưa có câu định nghĩa nào thỏa đáng cho vấn đề hạnh phúc.

          Theo tự điển Đào duy Anh : hạnh phúc là vận may phúc tốt. Mọi sự được như ý.    Theo triết gia Emmanuel Kant, hạnh phúc là sự thỏa mãn của tất cả mọi thị dục hay xu hướng.

          Alphonse Karr lại có định nghĩa rất thi vị : Hạnh phúc là một ngôi nhà lợp tranh, đầy rêu phủ và có giàn hoa bao bọc chung quanh. Nhưng phải đứng bên ngòai mà nhìn vào, đi vào bên trong sẽ không thấy gì nữa.

          Còn nhà đạo diễn Roger Vadim, chồng của Brigitte Bardot, lại định nghĩa một cách rất dí dỏm : Hạnh phúc là một vật không có. Tuy nhiên, một ngày kia nó cũng thôi không có nữa.

          Còn chúng ta coi hạnh phúc là trạng thái hòan tòan mãn nguyện trong tâm hồn.  Sở dĩ chúng ta nói đến sự thỏa mãn trong tâm hồn vì hạnh phúc có hai lọai :

 

          * Hạnh phúc khả giác : là tất cả những gì ta có thể nếm thử, sờ mó, nhìn xem, rung động hay khóai cảm… Phần đông khi nói đến hạnh phúc đều hình dung và quan niệm nó dưới góc cạnh này.

          * Hạnh phúc tinh thần hay luân lý : những ai làm việc thiện hay có khả năng  thắng vượt những khó khăn và chịu đựng hòan cảnh. Quả vậy, mỗi khi làm xong một việc thiện, thường tự nhiên ta cảm thấy vui vui. Đó là hạnh phúc của hiền nhân quân tử, có thể chấp nhận cái nghèo mà vẫn lấy làm vui…

 

          Hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên và chính đáng của con người. Tuy nhiên, mỗi người quan niệm và đi tìm nó một khác: giữõa hạnh phúc khả giác và tinh thần, đối tượng và mức độ khác nhau. Đi xa hơn, hạnh phúc và tinh thần của Tám mối phúc thật lại còn khác nhau hơn nữa, trong cả nội dung lẫn hình thức.

 

          Hạnh phúc phần đông lòai người là theo đuổi hạnh phúc khả giác. Hạnh phúc này không phải hòan tòan xấu và bị cấm đóan, vì đó là những niềm vui tự nhiên thông thường của con người. Chính Chúa Cứu thế cũng đã chia sẻ thứ hạnh phúc này với người trần thế khi dự tiệc cưới tại Cana, và trả lại sự sống cho người góa phụ thành Naim.

 

          Nhưng cũng lại chính Ngài đã mở cho ta con đường đi vào hạnh phúc trường cửu, phổ quát. Đó là con đường Tám mối phúc thật, dành cho mọi người thành tâm thiện chí không một hạn định, với một điều kiện duy nhất là chấp nhận lời mời  sống theo Hiến chương Nước Trời đã được ban hành sau bài giảng trên núi.

 

III. HẠNH PHÚC CỦA CHÚNG TA.

 

          Ngày nay vì tinh thần cá nhân ích kỷ, người ta quan niệm hạnh phúc một cách lệch lạc. Họ coi hạnh phúc chỉ là thỏa mãn các nhu cầu vật chất như tiền của, danh vọng, sắc dục.  Chúng ta phải nhận rằng  những thứ đó có thể góp phần vào trong việc tạo dựng hạnh phúc cho chúng ta, nhưng như thế chưa đủ. Nói cách khác,  chỉ những cái đó có thể tạo cho con người được hạnh phúc tròn đầy chưa ?

 

          Theo giáo sư Robert trường đại học Jale, thì tiền bạc không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người.

 

          Trong một bài viết đăng trên báo, giáo sư Robert trích dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu được thực hiện trên tòan quốc Hoa kỳ hồi năm 1993. Cuộc thí nghiệm này cho thấy rằng hạnh phúc gia tăng theo tỉ lệ nghịch với lợi nhuận, những người có lợi nhuận thấp nhận thấy hạnh phúc hơn là những người có lợi nhuận gia tăng.

 

          Tại các nước tiên tiến, người giầu càng cảm thấy ít hạnh phúc, dĩ nhiên tiền là phương tiện cần thiết để mang lại cho con người cuộc sống xứng với phẩm giá con nguời.  Nhưng ngòai tiền của ra còn có những yếu tố khác quan trọng hơn để mang lại hạnh phúc cho con người.

 

          Theo giáo sư Robert, các mối qun hệ tốt của con người với người khác mới  là chìa khóa mang lại hạnh phúc đích thực. Thật thế, con số bạn hữu của một người chỉ là chỉ số cho thấy  sự hài lòng của con người  hơn là của cải vật chất. Ngòai giờ bỏ ra  để trau dồi tình bạn bè sẽ cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống  hơn là người  chỉ biết suốt ngày lo làm giầu.

 

          Tình bạn là nhu cầu tự nhiên của con người và ngay cả với thú vật. Những con khỉ bị cách ly thà hy sinh thức ăn hơn là cái nhìn của một con khỉ khác. Chối bỏ nhu cầu về sự hiện diện của người khác, con người dễ rơi vào rối lọan tâm lý.  Một cuộc nghiên cứu mới đây cũng cho thấy rằng, tại các nước tiên tiến con số những người bị khủng hỏang tinh thần ngày càng gia tăng, con số thanh niên tự tử trong các thập niên vừa qua gia tăng tại hầu hết các nước tiên tiến.

 

          Vì thế giáo sư Robert khẳng định : Tình bạn và các mối quan hệ hài hòa giữa con người với người khác là yếu tố quan trọng nhất mang lại hạnh phúc cho con người.

 

          Chắc chúng ta đồng ý với khẳng định của giáo sư Robert ! Tình bạn và các mối quan hệ với người khác là rất quan trọng. Không lạ gì người ta gọi vợ chồng là “bạn trăm năm” hay “bạn đường” hay có thể gọi một cách thân mật là “bạn nối khố” nữa. Vợ chồng có quan hệ tốt với nhau thì đời sống tâm lý trở nên quân bình và đem lại hạnh phúc cho nhau. Tình nghĩa vợ chồng không phải chỉ keo sơn như tình bạn giữa Lưu Bình và Dương Lễ mà còn phải gắn bó bền chặt với nhau đến nỗi không thể chia lìa được vì cả hai đã trở thành một xương một thịt rồi.

 

          Cầu chúc anh chị luôn thương yêu nhau, gắn bó với nhau và coi nhau như một tặng phẩm quí giá mà Chúa ban cho anh chị, để anh chị có thể có cái cảm nghiệm của thi sĩ Hàn mạc Tử :

 

                                      Người đi, một nửa hồn tôi mất,

                                      Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

 

          Anh chị hãy luôn ở bên nhau, cố gắng bảo về bằng bất cứ giá nào tặng phẩm mà Chúa đã ban cho anh chị để cùng nhau tận hưởng hạnh phúc lứa đôi.

 

                                      Truyện vui : Cái gì quí nhất ?

          Ngày xưa, ở vương quốc nọ, có vị vua đánh chiếm được một thành phố. Trước khi tiến vào cai trị, nhà vua đưa ra một mệnh lệnh : Tha chết cho tất cả đàn bà trong thành, hẹn ngày mai, trước khi trời sáng, mỗi người có thể đem theo một vật gì quí giá nhất của mình để rời khỏi thành phố.

 

          Rạng sáng hôm sau, nhà vua nhìn thấy tất cả đàn bà trong thành đều vác trên vai một bao vải thật to, thật nặng, nặng đến nỗi họ không thể đi được mà chỉ lê từng bước mệt nhọc.  Vị vua quí trọng phụ nữ này tò mò, sai lính ra tìm hiểu vật họ vác là gì. Thì ra đó là qúi… ông chồng của họ.

 

                                                         

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo Xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục