QÙA TẶNG

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Ga 3.16-17.

          Chúng ta vừa mừng lễ Giáng Sinh, và nhìn vào hang đá, chúng ta thấy một em bé đang nằm giữa thánh Giuse và Đức Maria , cùng mấy con bò lừa. Nếu hỏi em bé đó là ai thì các mucï đồng sẽ trả lời cho chúng ta là Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta theo lời Thiên thần đã báo cho họ biết.

 

          Thực vậy, Thánh Gioan Tông đồ đã cho chúng ta biết :”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai con của người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3.16-17).

 

          Theo thánh Gioan, Thiên Chúa vì yêu thương thế gian đã ban cho thế gian một Người Con yêu quí để cứu chuộc nhân loại. Người Con ấy là Đức Giêsu mà Ngài đang nằm trong hang đá kia. Ngài là quà tặng của Thiên Chúa ban cho loài người. Đây là một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa ban cho loài người một cách  nhưng không. Chúng ta phải trân trọng món quà này và phải cảm tạ Chúa Cha về hồng ân ấy.

 

II. NÓI VỀ QUÀ TẶNG.

 

1. Nguyên nhân của quà tặng.

 

Theo tâm lý chung, những người yêu nhau thì muốn sống bên nhau. Nếu vì hoàn cảnh không thể sống gần nhau thì họ nói :”Tuy cách mặt mặt nhưng gần lòng”(Tục ngữ).  Người ta còn tặng nhau những món quà, để qua món quà tặng đó, người ta có thể nhớ đến nhau, coi như người yêu đang hiện diện bên cạnh.  Người ta có thể tặng nhau món quà có vẻ lãng mạn như bông hoa “păng xê” ép trong quyển sách, hoặc cụ thể như một chiếc khăn tay thêu đẹp, hay một chiếc bút.

 

Như vậy, món quà luôn diễn tả và gửi gắm tình yêu của người cho vào trong đó. Còn biếu xén thì thường không là quà tặng mà coi như  món nợ phải trả, có đi thì phải có lại bằng một cách nào đó.

 

2. Giá trị của quà tặng.

 

Giá trị của quà tặng thường không nằm ở trong quà tặng mà nó nằm ở trong tim của người tặng. Càng yêu nhau, món quà càng có giá trị. Chính vì thế, bà Marguerite nói rất có lý :”Tôi không nhìn cái giá trị của tặng vật mà tấm lòng của người tặng”.

          Ca dao tục ngữ Việt nam cũng nói lên điều đó :

 

                   Vật khinh nhưng hình trọng”

          Hoặc :

                   Của một đồng công một nén”.

                             (Tục ngữ)

 

          Như thế, thái độ của người cho mới là quan trọng : cho đi với tất cả lòng thương mến, không đòi hỏi thì quà tặng đó mới có giá trị :”Hai lần thích thú, nếu đồ vật trao tặng không cần phải đòi hỏi” (Publilius Syrus).  Ngược lại, của cho đi vì lòng thương hại hay cho đi vì bất đắc dĩ thì món quà ấy  chỉ có giá trị rất nhỏ, vì đó chỉ là của bố thí.

 

          3. Số phận của quà tặng.

 

          Quà tặng nằm trong tay người được trao tặng, dưới quyền xử dụng của họ. Họ muốn dùng thế nào cũng được. Họ có thể trân trọng, nâng niu bao bọc quà tặng, hoặc bỏ bê hoặc liệng đi cũng được.

 

          Cho nên, thái độ của người nhận cũng rất quan trọng. Họ có thể nhận với tấm lòng biết ơn hay vô ơn. Nếu nhận với tấm lòng biết ơn sẽ làm hài lòng người cho; ngược lại, nhận với sự hững hờ càng làm buồn lòng người ban tặng.

 

III. ĐỨC GIÊSU LÀ QUÀ TẶNG CỦA CHÚA CHA.

 

          Như  ở trên , thánh Tông đồ Gioan đã nói :”Thiên Chúa vì yêu thương đã ban Con Một của Người cho thế gian”. Nói đến chữ “Ban” là đã nói lên một món quà tặng của người trên dành cho người dưới một cách nhưng không . Loài người không có quyền đòi hỏi mà chỉ biết nhận do lòng thương yêu của Thiên Chúa. Đức Giêsulà món quà tặng của Chúa Cha cho loài người và mọi người chỉ biết cúi đầu trân trọng đón nhận với lòng biết ơn .

 

 Ông Ovide đã nói rất đúng :”Cấp bậc của kẻ cho đánh giá trị của tặng vật” (Ovide).

 

          Tuy thế, có nhiều người không thèm đón nhận, họ có thái độ dửng dưng hay từ chối. Những người Do thái, đặc biệt là các thượng tế, luật sĩ và biệt phái, đã không thiếp nhận, họ đã chống đối và tìm cách giết đi. Trước tòa án Philatô họ đã hô to :”Giết đi, giết đi, đóng đinh nó vào thập giá”. Họ đã từ chối quà tặng vô điều kiện của Thiên Chúa, từ chối Đấng Cứu  Thế đến để chuộc tội cho họ. Và như vậy, Thiên Chúa sẽ phải xứ đối với họ như thế nào ?

 

          Ngày nay, sau 2000 năm rao giảng Tin Mừng, vẫn còn rất nhiều người từ chối Đức Giêsu, không những là những người vô thần mà ngay cả các Kitô hữu, những người đã được rửa tội, đã có đức tin, đã được giá máu Chúa cứu chuộc.  Tuy họ không tuyên bố là họ từ chối Chúa Giêsu, nhưng cách sống của họ biểu lộ sự chống đối đó.

 

IV. VỢ CHỒNG LÀ QUÀ TẶNG CỦA  THIÊN CHÚA.

 

          Anh A là quà tặng của Thiên Chúa. Anh có nhận thấy như vậy không ? Thiên Chúa đã ban cho anh một tình yêu để cho anh yêu và anh thấy chị B hợp với anh, chị đã trở nên đối tượng tình yêu của anh, và anh đã tìm được đối tượng của tình yêu. Như vậy, chị B là quà tặng của Thiên Chúa ban cho anh.

 

          Ngược lại,  anh A cũng là quà tặng của Thiên Chúa cho chị B. Chị đã tìm được đối tượng của tình yêu. Hai người nhận được hai quà tặng và quà tặng sẽ tùy thuộc vào người nhận.

 

          Món quà tượng trưng tình yêu của anh chị hôm nay là chiếc nhẫn mà hai anh chị xỏ vào tay nhau, vừa xỏ vào vừa đọc :”Hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của nhau”.  Chiếc nhẫn chỉ là một vật bằng kim khí, tuy nó quí thật, nhưng tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng hôm nay nó lại có ý nghĩa khi hai người nói  lên : Nó là bằng chứng của tình  yêu và lòng trung thành.

 

          Hôm nay lễ thành hôn, hai anh chị vinh dự được lãnh nhận quà tặng của Thiên Chúa. Đây là một hồng ân Chúa ban cho anh chị. Vậy anh chị phải tỏ lòng biết ơn Chúa và phải trân trọng giữõ lấy quà tặng kẻo Chúa buồn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, quà tặng này phải đựa bảo vệ với bất cứ giá nào, có khi phải hy sinh tính mạng.

 

Truyện : Trung thành giữ quà tặng.

 

          Lư phu nhân, vợ ông Phòng  Huyền Linh, là người tuyệt đẹp và có đức hạnh.

          Ông lúc tuổi trẻ hàn vi lắm. Một khi bệnh nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lư Thị đến bảo rằng :

          - Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi  còn trẻ, không nên ở vậy, liệu mà ăn ở tử tế với người chồng sau.

          Tư Thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng không chí lấy ai nữa.

          Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh.

          Sau ông thi đỗ, làm quan đến chứa Tể tướng. Ôâng một niềm yêu mến, kính trọng Lư Thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.

          Người ngoài cho thế là  tại ông sợ Lư Thị có tính hay ghen.

          Chính vua Đường Thái Tôn, muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi vào bảo :

          - Theo phép thường các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một mỹ nhân.

          Lư Thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận, mắng rằng :

          - Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.

          Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng :

          - Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này.

          Lư Thị không ngần ngại chút nào, uống hết ngay.

          Vua thấy thế, nói :

          - Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh.

                             (Nguyễn văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 2, tr 36-37)

 

          Thiên Chúa đã phán :”Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19.6). Đó là lệnh truyền, không phải là lời khuyên. Khi Thiên Chúa yêu, Ngài yêu cho đến cùng (Ga 13.1). Bởi đó, yêu thương là bài học không có ngày ra trường, nó theo ta suốt cả đời. Bài học này không có chứng chỉ xác nhận, vì có ai chỉ yêu thương một lần là xong ?

 

          Ôâng Poppée nhận định :”Khi yêu đương thì người ta tràn đầy mơ mộng, nhưng khi lấy nhau người ta sẽ thức tỉnh”. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Vì thế, sự chung thủy vợ chồng là hết sức cần thiết, nó giúp nhau vượt qua sóng gió cuộc đời.

 

          Muốn giữ được lòng chung thủy, chúng ta cần có lòng trung tín với Chúa và với nhau. Hãy cầu xin Chúa là nguồn tình yêu, sẽ gìn giữ anh chị thủy chung trong tình yêu vợ chồng, hôm nay và mãi mãi :

                                      Mong sao nghĩa thủy tình chung

                             Cho thuyền cập bến, gương trong ngàn đời.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Về trang Mục Lục