CÔ ĐƠN

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : St 2,18-24

 

          Nơi những trang đầu của Sách Thánh, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa đã tạo dựng người nam giống hình ảnh Ngài.  Ngài cho người nam sống trong địa đàng, đầy cây trái thơm ngon, đầy mọi giống vật béo tốt, đầy đủ mọi sự. Thế nhưng, người nam cảm thấy cô đơn, không hạnh phúc vì không tìm được cho mình một người bạn đồng hành.

 

          Thiên Chúa đã cho người nam ngủ li bì, rồi rút một cái xương sườn của ông ra, lắp thịt vào. Thiên Chúa đã làm nên một người nữ từ cái xương sườn của người nam và dẫn đến với ông.  Người nam vui sướng đón nhận người nữ làm trợ tá của mình. Đây là một đôi vợ chồng đầu tiên của nhân loại : ông Adong và bà Evà.

 

          Rồi sách Thánh nói tiếp :”Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

 

          Như vây, vợ chồng như đũa có đôi, không còn bị lẻ loi, không còn cô đơn nữa. Vì thế vợ chồng phải luôn khăng khít với nhau, đùm bọc lẫn nhau làm thành một tổ ấm , tránh được sự cô đơn. Đồng thời, muốn tránh sự cô đơn, vợ chồng phải có sự đối thoại trong cuộc sống hằng ngày.

 

II. NÓI VỀ SỰ CÔ ĐƠN.

 

          1. Cô đơn là gì ?

         

          có nghĩa là lẻ loi

          Đơn có nghĩa là một mình.

          Như vậy, cô đơn là trạng thái của một người, không có ai thân, không nơi nương tựa.

 

          Một tác giả đã viết về sự cô đơn như sau :”Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà không có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sống nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng xa cách bởi giòng sông, nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt.  Không  phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng.

 

          Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn bên cha mẹ. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn.  Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những người khác (Lẽ sống, tr 38).

 

          Gới trẻ hay thấy mình cô đơn vì chưa tìm được đối tượng của tình yêu. Thực ra, sự cô đơn đây chỉ là nỗi buồn vu vơ, nhẹ nhàng và lãng mạn vì chưa tìm được một người để chia sẻ tâm tình. Vì thế, họ thích đọc những bài thơ , hay hát những bài có vẻ sướt mướt như một nhạc sĩ nào đó đã viết :”Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”.  Họ phóng chiếu tâm tình của mình lên người khác và tưởng ai cũng cô đơn giống như mình :

                                      Hai người sống giữa cô đơn

                                 Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

 

          2. Cô đơn là điều đáng sợ. 

 

          Khi chúng ta hỏi nhau :”Điều gì đáng sợ nhất” ? Dường như chúng ta đều không tránh khỏi lúng túng. Chúng ta cảm thấy có biết bao điều đáng sợ trên đời này,

 

          Chúng ta còn nhớ đến những tác phẩm văn học đã đọc ?  Tôi rất nhớ truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, trong đó có một câu tả tâm trạng Chí Phèo khi ốm lăn quay sau một trận rượu say khướt :”Cô đơn, cái này đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau”.

          Thì ra, theo Nam Cao, cô đơn là điều đáng sợ nhất.

 

          Triết gia hiện sinh người Pháp, ông Jean Paul Sartre, trong cuốn tiểu thuyết tựa đề  là “Bức tường”, đã đặt vào môi miệng của anh Pierre, con người cô đơn bệnh hoạn cảm thấy ngăn cách không hiểu được thái độ sống của người tình mình là cô Agatha những lời tâm sự đầy cay đắng như sau :

Có một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi, tôi nhìn thấy và nói chuyện hằng ngày với cô, nhưng xem ra cô đang sống bên kia bức tường. Tôi thắc mắc không biết có cái gì ngăn cách giữa tình yêu  của chúng tôi hay không” ?

 

          Trong cuốn tiểu thuyết vừa kể, Jean Paul Sartre đã mô tả một cách tài tình sự cô đơn không đối thoại được với nhau giữa người với người. Kinh nghiệm đau thương này có thể xẩy ra cho chính con người thời nay, cho chính chúng ta trong giờ phút này.  Sự thiếu thông cảm, thiếu đối thoại giữa người với người có lẽ không do nguyên nhân khác biệt văn hóa, chủng tộc cho bằng sự nghi kỵ, thái độ ích kỷ của con người.

 

          Sống trong cô đơn thiếu thông cảm, con người không thể phát triển hết tài  năng của mình, không thể sống trọn cuộc sống và chắc chắn là không thể sinh hoa trái.

 

III. CÔ ĐƠN VÀ ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG.

 

          1. Lý do của sự cô đơn. 

 

          Thiên Chúa đã dựng con người có nam có nữ cho họ được kết hợp với nhau để trở nên một xương một thịt, họ sống với nhau như đũa có đôi, như răng với lợi, tại sao vợ chồng sống bên nhau mà lại có thể cô đơn được ?

 

          Trên nguyên tắc là không có cô đơn trong đời sống vợ chồng, vì họ đã trở nên một xương một thịt, một lòng một ý,  nhưng trong thực tế, có nhiều lý do khiến vợ chồng vẫn cảm thấy cô đơn : đồng sàng nhưng dị mộng, sống gần kề nhau mà lòng vẫn nghìn trùng xa cách. Chúng ta có thể đưa ra một vài lý do :

 

          * Tình yêu đã nhạt nhòa.

 

          Khi mới quen biết nhau người ta yêu nhau say đắm, nhưng khi sống trong gia đình, va chạm vào thực tế, với biết bao khó khăn, người ta mới bừng tỉnh, tình yêu bị giảm sút không còn thắm thiết như thưở ban đầu như thi sĩ Hồ Dzếnh nói :  

                            

                                      Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

                                      Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.

 

          Ông Chamfort cũng phụ họa theo :”Hôn nhân là mồ chôn tình yêu”.  Dĩ nhiên, không phải lấy nhau rồi thì hết yêu nhau, nhưng chỉ có nghĩa là  tình yêu sẽ giảm sút đi. Vì thế mới có người nói :”Phải rửa tội cho tình yêu mỗi buổi sáng, và phải cưới nhau lại mỗi ngày”.

 

          * Có sự hiện diện của người thứ ba.

 

          Đôi lúc vợ hoặc chồng không còn trung tín với hôn ước đã ký với nhau trong lễ Hôn phối để xẩy ra cảnh  éo le :”Ông ăn chả, bà ăn nem”. Lúc ấy, tâm tinh hoặc tư tưởng của vợ hoặc chồng đã hướng về một đối tượng khác, làm cho cuộc sống vợ chồng trở thành tẻ nhạt và cô đơn.

 

          * Thiếu sự hòa hợp tâm lý.

 

          Tâm lý nam nữ đã khác nhau, kèm theo sự khác biết về văn hóa, phong tục, chủng tộc, sở thích, tôn giáo… làm cho người ta không hiểu nhau, không thông cảm với nhau, nhiều khi tình trạng trở nên căng thẳng khẩn trương. Do đó, cần có sự tìm hiểu để tránh những xích mích, những va chạm, bất hòa để tiến đến sự hòa hợp với nhau.

 

          * Thiếu tinh thần bao dung.

 

          Ai cũng có lập trường riêng, một đường hướng riêng cần phải bảo vệ. Nếu hai vợ chồng có hai đường hướng riêng khác biệt nhau, không nhường nhịn nhau, không dung hòa để đi một cái gì chung nhất thì không bao giờ đi đến chỗ hiệp nhất được, nhất là khi tự ái dâng lên cao.  Nhường nhịn là giải pháp tốt nhất.

 

                                      Truyện vui :  Ai quyết định ?

 

          Khi đến dự tiệc mừng lễ Vàng hôn phối của một đôi vợ chồng già rất hạnh phúc, một thanh niên thành thật hỏi ông cụ :

- Thưa cụ, cháu thấy gia đình cụ thật hạnh phúc. Xin cụ cho biết bí quyết nào đã giúp cho hai cụ trong suốt cuộc đời hôn nhân sống hạnh phúc như vậy ?

Cụ  già vui vẻ trả lời :

- Chả nói giấu gì cháu, bí quyết hạnh phúc của tôi là : cái gì cả vợ chồng nhất trí thì quyền quyết định là tôi. Còn cài gì hai người không nhất trí thì vợ tôi quyết định.

 

2. Giải pháp cho sự cô đơn

 

          Chúng ta tạm đưa ra hai giải pháp để giải tỏa sự cô đơn trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong đời sống vợ chồng , đó là giải pháp tự nhiên và giải pháp siêu nhiên.

 

          a) Giải pháp tự nhiên : ĐỐI THOẠI 

 

          Đối thoại là chiều kích hiện sinh không thể thiếu trong cuộc đời con người. Cái tôi luôn hướng đến người khác ngoài tôi ra, để đối thoại, để phát triển chính minh, vì :

 

                                      Người ta có miệng có môi,

                                  Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.

          Trên bình diện suy tưởng tự nhiên, chúng ta có thể áp dụng hai chia sẻ sau đây :

 

- Trước hết là tư tưởng của triết gia Ferdinand EBNER, một triết gia Kitô, như sau : Lời nói và tình thương là hai phương thế để đối thoại với người chung quanh. Lời nói và tình thương đi đôi với nhau… Tình thương giúp ta tìm ra lời nói đúng… Lời nói mà không có tình thương, là lạm dụng, dễ làm mất lòng.

 

- Thứ đến là câu cách ngôn truyền thống khôn ngoan Do thái : Đó là Thiên Chúa đã ban cho con người hai lỗ tai và một cái miệng.  Điếu này có nghĩa là để đối thoại với nhau, con người cần lắng nghe nhiều trước khi nói.

 

Tổng kết lẽ khôn ngoan con người về đối thoại, chúng ta có thể nói : cần lắng nghe trước, nói sau, nhưng trong mọi sự phải có tình thương là linh hồn cho thái độ lắng nghe cũng như thái độ nói ra. Tình thương là linh hồn cho mọi hoạt động của con người.  Và đặc biệt, đối với Kitô hữu, tình thương đó phải là tình thương bác ái, là chính Chúa Kitô, là những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô.

 

          b) Giải pháp siêu nhiên : LỜI CHÚA

 

          Thiên Chúa đã dựng nên người nam người nữ cho họ không khăng khít với nhau trong gia đình, trên nguyên tắc, gia đình phải là tổ ấm, trong đó vợ chồng, cha mẹ, con cái sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau, sống trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, nhưng trong thực tế, nhiều gia đình đã biến tổ âm thành ngục tù nơi giam hãm các thành viên, hoặc như một chiếc quán trọ trong đó người ta chỉ ở tạm thời, không chút quyến luyến.

 

                                      Truyện : Cảm nhận của Maxim Gorki.

         

          Khi văn hào Maxim Gorki của Nga viếng thăm Mỹ quốc, ông được bạn bè đưa đến một khu  giải trí nổi tiếng ở California. Họ muốn ông chứng kiến cảnh trùng trùng điệp điệp của những đám đông đến đây giải trí.

          Mỗi ngày ông được đi xem một cảnh quan.  Hôm thì cảnh từng đoàn người nhào lộn với các trò chơi trên không trung. Hôm thì cảnh đua thuyền trên mặt hồ. Hôm thì viếng thăm các bảo tàng viện nổi tiếng. Hôm thì lại đi xem các đoàn xiếc, các vũ nữ trình diễn.

          Tóm lại, những người Mỹ muốn cho ông khách  đến từ một nước xã hội chủ nghĩa thưởng thức được tất cả những trò giải trí tại một quốc gia  được xem là văn minh nhất thế giới.

          Sau một tuần lễ hướng dẫn vị thượng khách du ngoạn và giải trí, người ta hỏi cảm tưởng của ông. Thinh lặng một lúc, ông phát biểu :”Các ông phải là những người buồn bã lắm”.

 

Thế giới càng văn minh, khoảng cách giữa con người cũng được rút vắn lại. Tuy nhiên, mâu thuẫn thay, con người ngày nay càng cảm thấy cô đơn. Những phương tiện giải trí mỗi ngày một gia tăng và tối tân là để lấp đi nỗi cô đơn trong lòng người. Khi tâm hồn càng trống rỗng thì con người càng tìm mọi cách để lấp đầy nó.

 

          Sự thiếu thông cảm, thiếu đối thoại giữa người với người có lẽ không do nguyên nhân khác biệt văn hóa chủng tộc cho bằng do sự nghi kỵ, do thái độ ích kỷ của con người. Để giải thoát con người khỏi cảnh cô đơn, Đức Giêsu từ lâu đã mạc khải một bí quyết  qua dụ ngôn được kể lại nơi Tin mừng thánh Gioan đoạn 15 nói về cây nho và cành nho.

 

          Suy gẫm về dụ ngôn này, chúng ta thấy dụ ngôn cây nho và cành nho của Đức Giêsu mạc khải cho con người  bí quyết sống hiệp thông, sống yêu thương với nhau để sinh hoa trái, để sống trọn cuộc sống của mình. Bí quyết đó là sống kết hợp với Đức Kitô.

 

          Thiên Chúa là Tình yêu, là sự hiệp thông. Thiên Chúa muốn cho con người sống hiệp thông với Ngài  để có thể sống hiệp thông với nhau trong tình yêu thương.

 

          Ông Raoul Follereau, tông đồ của những kẻ nghèo hèn, nhất là những người bị bệnh cùi bị loại ra bên lề xã hội đã nhận xét như sau :”Không có Thiên Chúa hiện diện giữa con người thì con người khó mà đối thoại với nhau, nhìn nhau như là anh chị em”.

 

          Đó là bí quyết để con người thoát ra khỏi cô đơn và sống hiệp thông hiệp nhất với nhau.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

         


Về trang Mục Lục