TỰ ÁI

---

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA 

 

          Chúng ta đọc : Mt 22,34-40;  Mc 12,28-31; Lc 14,16-24.

 

          Qua cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và người luật sĩ về giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu đã xác nhận tình yêu là căn bản cho mọi cuộc sống tôn giáo.

 

          Nói tới giới răn thì chúng ta phải hiểu là  toàn thể các giới răn Cựu ước.  Nguyên luật Do thái có 613 điều luật, chia ra 248 điều tích cực và 365 điều tiêu cực.  Xét về sự quan trọng, người ta lại chia các điều luật đó ra  nhiều hạng : khinh giới và trọng giới, đại giới và tiểu giới.  Nhưng các người biệt phái lại không đồng ý với nhau về giới luật nào trọng nhất. Vì thế, người luật sĩ mới đến dò xem  Chúa cho biết điều luật nào là trọng nhất.

 

          Chúa Giêsu đã trả lời ngay cho luật sĩ :”Giới răn trọng nhất chính là : Hỡi Israel, hãy nghe đây : Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn. hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai : ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

 

Chúa Giêsu bảo : Hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. Nói như thế không chỉ có nghĩa là ngươi phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải xử đối với kẻ khác cùng một “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Chứng tỏ rằng yêu mến tha nhân là muốn hội nhập tha nhân vào con người của mình đến mức cả hai người chỉ còn là một đối tượng tình yêu duy nhất và một tâm hồn duy nhất (Cv 4,32).

 

Nếu Chúa Giêsu bảo : Yêu tha nhân như chính mình, điều đó chứng tỏ rằng mỗi người phải “yêu mình” trước, phải yêu mình trước đã rồi với tình yêu ấy mới yêu kẻ khác vì bác ái phải phát xuất từ mình. Như vậy, “Yêu mình” là một điều hợp lý và cần thiết, không ai cấm điều đó, nhưng vấn đề được đặt ra là yêu mình đến mức nào ?  Yêu mình thế nào mới phải phép ?  Đó là vấn đề “Tự ái” mà chúng ta sẽ đề cập dưới đây.

 

II. NÓI VỀ TÍNH TỰ ÁI.

 

1.    Thất tình trong đời sống 

 

Khi nói đến chữ “thất tình”là người ta nghĩ ngay đến khuôn mặt buồn so của một anh chàng đánh mất tình yêu, không còn được thương nữa. Anh ta trở nên chán đời không con muốn sống nữa.  Thương cho những người thất tình vì cuộc đời của họ trở nên u buồn đen tối.

 

          Thế nhưng, ngày xưa chữ “thất tình” còn có nghĩa khác nữa, đó là bảy giai điệu tình cảm luôn rung lên phừng phực  trong “trái tim” con người; hay bảy thứ tình cảm luôn chế ngự cõi lòng chúng ta. Bảy giai điệu ấy là : hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố và dục.  Có nghĩa là  : mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét và muốn. Bảy thứ tình cảm này luôn tả xung hữu đột chiếm ngự lòng chúng ta, nhiều phen làm cho chúng ta khốn đốn.

          Trong bảy thứ tình cảm đó, có lẽ yêu là hoạt động mạnh nhất và quan trọng nhất, nó chi phối toàn bộ cuộc sống của ta. Không ai là không yêu, chữ yêu lúc nào cũng bàng bạc ở mọi nơi và trong mọi lúc.

 

          Vậy người ta yêu những gì ? Thực ra, đối tượng của tình yêu thì rất rộng chẳng thiếu thứ gì. Trước hết là yêu mình, tiếp đến là yêu người, rồi tới yêu đời và những thứ lỉnh kỉnh khác nữa như yêu tiền, yêu quyền, yêu sắc, yêu thanh, yêu hình, yêu bóng v.v….

 

          Hôm nay chúng ta chỉ bàn tới phạm trù thứ nhất là yêu mình, vì tình yêu phải bắt đầu từ mình trước đã. Nếu diễn tả hành động yêu mình bằng chữ nho, thì phải dùng hai chữ… “Tự ái”.

 

2.    Vậy tự ái là gì ?   

 

Theo Hán Việt từ điển của Nguyễn quốc Hùng, thì tự ái có nghĩa là  lòng yêu chính mình, cho mình là hay là tốt. Còn theo Việt nam Từ điển của Lê văn Đức, thì tự ái có nghĩa là thương mình, quá nghĩ về mình rồi sinh hờn mát mỗi khi bị đụng chạm đến.  Trong thực tế, người bình dân thường hiểu tự ái là đùng đùng nổi giận khi bị… chạm nọc, chứ không phải chỉ hờn mát mà thôi.

 

          Nếu theo nghĩa chữ tự ái là yêu mình thì có gì là xấu đâu, ai chẳng yêu mình vì yêu mình  chính là bản năng tự nhiên mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người ta.  Nhưng có một nỗi khổ : khi đã yêu mình thì đều muốn vơ vét về cho mình những cái hay, những cái tốt, những cái lợi…  Và hễ kẻ nào đụng chạm đến, thì lập tức lòng tự ái hay thói yêu mình nổi lên đùng đùng, cùng với cơn giận phừng phực nổi dậy, kèm theo những phản ứng khó lòng mà lường nổi… Vì tự ái, vì yêu mình, nên chúng ta không thể bỏ qua một sự khinh bỉ nào của người khác. Và hơn thế nữa, khi lòng tự ái đã bị sỉ nhục, thì người ta khó có thể tha thứ.

 

3.    Tự ái trong đời sống hằng ngày

 

Lòng tự ái đi theo con người như hình với bóng, nó làm khổ chúng ta, không ai diệt được nó và nó chỉ hết hiện hữu khi chúng ta ra đi khỏi đời này. Có người còn nói bạo mồm hơn :”Tự ái còn hoạt động 15 phút sau khi con người đã nhắm mắt lìa đời”.

 

          Chúng ta hãy xem một số người đã phát biểu thế nào về tính tự ái sau khi đã có kinh nghiệm về nó :

 

          Càng thêm tuổi, các đam mê càng lụi tàn, nhưng lòng tự ái thì khác, nó sẽ chẳng bao giờ chết”.

 

          “ Người ta chỉ có thể làm tổn thương lòng tự ái, chứ không giết chết được nó”.

 

          “Lòng tự ái là một con thú kỳ dị, nó có thể ngủ yên trong cơ thể của những kẻ tàn bạo nhất, nhưng một khi đã thức tỉnh dậy, nó sẽ đả thương cho đến chết chỉ vì một trầy trụa nho nhỏ”.

 

          Có người cho rằng tự ái là biết tự trọng và bảo vệ danh dự của mình thì là điều tốt chứ sao lại xấu ? Đúng thế, nếu biết bảo vệ cái “danh dự thật” thì là điều tốt, nhưng bảo vệ cái “danh dự ảo” thì làm sao ?

 

          Trong thực tế, chúng ta thấy nhiều người chỉ vì “tự ái ảo” mà bảo vệ cái “danh dự ảo”, cái danh dự mình tưởng là có, nhưng thực sự lại chẳng có, hay vì “tự ái vặt” bởi những lý do nhỏ mọn không đâu, cũng đùng đùng nổi giận, la hét, quát tháo, đánh đập người ta… Như vậy thì tự ái tốt làm sao được ?

 

          Trong đời sống xã hội, những người có quyền, có thế dễ bị chạm tự ái vì coi mình là trên hết, nói gì cũng hay, làm gì cũng đúng, không muốn người ta góp ý  về những việc làm sai trái của mình.  Nếu ai nói đến thì họ sẽ có những phản ứng quá mạnh, làm tổn thương và gây hại cho kẻ “lỡ” xúc phạm đến họ.  Trong lịch sử đã xẩy ra rất nhiều những trường hợp như thế.

 

Truyện : Hán Vũ Đế bị chạm tự ái

 

          Hán Vũ Đế ngày kia sai đại tướng Lý Lăng đem quân đi đánh Hung Nô. Trong thời gian đầu, Lý Lăng thắng lớn, tin chiến thắng báo về triều đình, Hán Vũ Đế rất hài lòng. Các quan đại thần đua nhau ca tụng Vũ Đế là minh quân, biết chọn tướng tài, khen Lý Lăng là anh hùng.

 

          Thế rồi Lý Lăng tiến quân quá sâu vào nội địa Hung Nô, bị quân Hung Nô bao vây.  Vũ Đế sai cận thần Lý Quảng Lợi đem binh vào đất Hung Nô tiếp viện cho Lý Lăng. Nhưng Lý Quảng Lợi bất tài, khiếp nhược, bị quân Hung Nô đánh tan tành, đành phải rút về. Lý Lăng bị bao vây cho đến lúc lương tận, hết cả tên bắn, phải đầu hàng Hung Nô.

 

          Tin Lý Lăng đầu hàng Hung Nô về tới triều đình. Vũ Đế nổi giận. Các quan đại thần chê Lý Lăng bất trung, kết Lý Lăng vào tội phản quốc.  Riêng có quan thái sử Tư Mã Thiên, trước mặt Hán Vũ Đế, đã lên tiếng bênh vực Lý Lăng. Tư Mã Thiên nói :

 

          - Đại tướng Lý Lăng không bất tài, không bất trung và công bình, nhưng Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên có ý chê trách mình sai lầm trong việc dùng Lý Quảng Lợi cầm quân đi tiếp viện. Bị chạm tự ái, Vũ Đế bèn nổi giận, ghép Tư Mã Thiên vào tội khi quân, ra lệnh tống ngục và sau đó bắt Tư Mã Thiên chịu cái tội tàn tệ nhất thời đó đối với những người trí thức, đó là tội “hủ hình”, tức là bị … thiến.

 

          Năm ấy Tư Mã Thiên mới khoảng bốn mươi tuổi. Bị hoạn, ông quyết định tự tử, nhưng sau đó đã nghĩ lại :

 

          - Mình có chết đi cũng chẳng ai thương tiếc, mình chẳng là cái thớ gì hết trong xã hội này, mạng sống của mình có mất đi cũng chỉ như “chín con trâu đị mất một sợi lông” mà thôi.

 

          Rồi ông nhủ thầm :

 

          - Mình chết thực là vô ích, chi bằng cố sống những năm cuối cùng của cuộc đời mà làm một công trình để lại cho hậu thế.

 

          Nghĩ như thế, Tư Mã Thiên bỏ ý định tự vận, ông phấn phát tinh thần và dẹp hết buồn rầu, tủi hận sang một bên để chuyên tâm vào việc biên soạn bộ Sử Ký. Ông hoàn thành bộ Sử vĩ đại này trước khi chết. Bộ Sử của ông hiện nay được gọi là “Sử Ký Tư Mã Thiên”, bộ Sử vĩ đại nhất, giá trị nhất của Trung Hoa mà cho tới nay vẫn chưa có bộ Sử mới nào hơn được.

 

 

 

4.    Tự ái trong đời sống hôn nhân. 

 

Trong đời sống gia đình chỉ có vợ chồng và mấy đứa con thế mà cũng trở nên một xã hội phức tạp. Gia đình được xây dựng bởi những con người khác nhau, khác nhau về văn hóa, giáo dục, phong tục, kinh tế, nhất là khác nhau về tâm lý mà người ta đã đưa ra 5 định luật tâm lý trong đời sống hôn nhân.

 

          Vì những khác biệt đó mà những mối bất hòa, những va chạm xẩy ra như cơm bữa giữa vợ chồng với nhau. Đúng vậy, đối đầu với thực tế, người ta thấy “đời không như mơ”. Và hơn nữa, có “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, sống gần nhau người ta mới khám phá ra những nết xấu của nhau. Lúc này người ta không còn coi nàng như công chúa nữa, và chồng cũng không được coi như hoàng tử nữa, và người vợ dám thẳng thừng phát biểu mà không ngượng miệng :

 

                                      Ngày xưa em coi anh như giàn thiên lý

                                      Bây giờ em coi anh như con khỉ leo cây.

 

          Chính những khuyết điểm bị khám phá đã châm ngòi cho những mối bất hòa âm thầm, đôi khi đi đến chỗ bùng nổ.  Những mối bất hòa này có thể gây nguy hại cho sự bền vững của cuộc sống hôn nhân.  Nếu không biết kìm hãm tự ái thì sự đổ vỡ chẳng còn xa.

 

Truyện : Thách thức

 

          Trong báo “Phụ nữ chủ nhật” tác giả Ánh Ngọc có một bài viết mang tựa đề “Thách thức”. Đại khái câu chuyện như sau :

 

          Anh dẫn xe ra khỏi cửa rồi mà chị vẫn còn chạy theo níu áo : Nè, có “ngon”thì đánh tui đi ! Đánh đi ! Chớ đừng có nói rồi không dám làm ! Và thế là “bốp ! Bốp !... Chị bị hai bạt tai  in dấu trên gò má một cách … ngon ơ !  Trong khi anh đã cố nhịn bằng cách lấy xe  đi khỏi nhà để dằn cơn nóng giận trong một trận cãi vã.  Trước khi đi anh nói thòng một câu cho đỡ quê :”Cô mà nói nữa là coi chừng ăn đòn” !  Bị chạm tự ái vì câu hăm dọa ấy, chị đã chạy theo và thách thức, đẩy anh vào cái thế “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ mình.

 

          Sự thực thì nhiều ông chồng đánh vợ chỉ vì bất  đắc dĩ mà thôi, chứ họ cũng ý thức :”Mình là đàn ông, có sức khỏe, giỏi thì đánh với mấy tay ngang cơ ! Chớ còn đánh đàn ba chân yếu tay mềm thì hèn lắm… Vợ chồng nào mà chẳng có chuyện cãi nhau. Tức quá thì dọa cho bả ngán.  Ai dè mấy bả thách lại mình và còn nhấn mạnh “nói mà không làm là kẻ… tiểu nhân”! Thế là vì tự ái đầy mình, nên chồng mới quyết giữ thể diện bằng cách  chứng tỏ “quân tử nhất ngôn”. Vậy là nhiều bả bị ăn đòn lãng xẹt.

 

III. PHƯƠNG PHÁP HÃM DẸP TỰ ÁI

 

          Có nhiều cách để chữa trị tính tự ái hão, tự ái vặt, chúng ta tạm đưa ra hai cách, đó là phải tự biết mình và phải biết kìm hãm.

 

1.    Phải tự biết mình. 

 

Câu hỏi được đặt ra : Tôi là ai ? Một câu hỏi mà các triết gia xưa nay  không ngừng tự vấn bản thân mình. Nhiều triết gia cổ đại như Socrates đã khẳng định rằng biết mình chính là một  trong những cái biết làm nền tảng cho mọi sự hiểu biết. Ông đã mở đầu triết thuyết của ông bằng câu : “Connais toi, toi même” : bạn hãy biết chính minh bạn.

 

          Và trong binh pháp, Tôn Tử đã đưa ra một nguyên tắc bất hủ :”Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” : biết minh biết người, trăm trận trăm thắng.

 

          Biết mình là một điều rất khó bởi vì ai cũng nghĩ rằng  mình đang biết mình nhưng thực tế chẳng biết gì, hoặc biết lờ mờ và một điều chắc chắn là mình chỉ biết rất ít, không nắm trọn được chân lý và chỉ biết một cách phiến diện. Để nói lên sự hiểu biết phiến diện của con người, người Ấn Độ đã có một câu chuyện u mặc nói về người mù sờ voi.

 

Truyện : Những người mù rờ voi

 

          Xưa kia có một ông vua ngồi buồn, cho bắt tất cả người mù trong thành đem về hợp lại một chỗ.

          Vua cho đem ra một con voi, bảo các anh mù rờ vào, và tả lại cho nghe họ đã hình dung con voi ra sao !

          Sau khi mọi người đã rờ xong. Vua kêu hỏi từng người. Họ thưa :

-          Voi giống như cái nồi lớn (Đó là những người rờ trúng cái đầu)

-          Voi giống như cây cột tròn (Đó là những người rờ trúng cái chân)

-          Voi giống như cái chổi (Đó là những người rờ trúng cái đuôi).

… Mỗi người đều tưởng rằng mình đã hình dung rõ con voi với những bộ phận mà họ đã rờ trúng. Rồi thì không một ai  chịu nhận của ai, đều cho cái thị kiến của mình là đúng. Ban đầu còn cãi nhau, sau chửi nhau om sòm, và rốt cùng xăng tay đánh nhau tơi bời…

Nhà vua thấy vậy ôm bụng cười vang. (UDANA).

          (Nguyễn duy Cần, Cái cười của thánh nhân, tr 92).

 

          Trong đời sống vợ chồng cũng thế, không ai nắm trọn được chân lý, mỗi người chỉ biết một phần, còn phần khác thì phải dành cho người khác. Mọi người chỉ như những anh mù sờ voi, sự hiểu biết còn rất hạn chế, nên không bao giờ dám nhận là mình biết đúng hoàn toàn, còn có cái sai. Biết được như vậy vợ chồng khỏi cãi nhau vì  tự ái.

 

2.    Phải biết kìm hãm.

 

Khi bị chạm tự ái, chúng ta không thể để cho cơn giận được tự do bốc lên, rất nguy hiểm !  Chúng ta phải dùng phương pháp “án binh bất động” hoặc theo phương pháp “hoãn binh chi kế”… Nếu để cho cơn giận tự do bốc lên thì sẽ không kìm hãm được nữa.

 

          Chúng ta hãy bắt chước ông Nguyễn đình Giản ngày xưa : ở bàn làm việc, ông luôn để sẵn một cốc nước lã. Khi gặp một việc trái ý, cơn giận bốc lên, ông liền cầm cốc nước, uống từ từ từng ngụm cho đến khi hết cốc nước ông mới nói.

 

          Bên Tây phương cũng có một câu chuyện tương tự nói lên phương pháp “hoãn binh chi kế” có hiệu quả như thế nào.

 

Truyện : Thứ thuốc rất linh.

          Có một cặp vợ chồng già, thường xuyên cãi vã với nhau. Người hàng xóm thấy vậy bèn góp ý :”Vị ẩn sĩ sống trên núi chế biến được một thứ thuốc rất linh, giúp cho nhiều gia đình được êm ấm”.

 

Bà vợ nghe lời người hàng xóm, lên núi tìm vị ẩn sĩ. Sau khi nghe trình bầy, vị ẩn sĩ bèn trao cho bà một chai thuốc khá to và nói :

 

- Đây là một loại thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm. Hễ khi nào ông gây sự, bà chỉ cần uống một ngụm, ngậm trong miệng, không được nuốt và cũng chẳng được nhổ ra, cho đến khi ông không còn nói nữa, rồi mọi chuyện sẽ được ổn thỏa.

 

Bà vừa về tới nhà, thì ông liền quát tháo. Nghe vậy, bà liền hớp một ngụm thuốc, giữ trong miệng, đúng như lời căn dặn của vị ẩn sĩ. Thấy vợ không đáp lời, một lúc sau ông cũng thinh lặng. Bà vợ hết sứ vui mừng :

 

- Đúng là loại thuốc gia truyền. Linh thật…

 

Và cứ thế, cứ thế… Từ đó  hai ông bà dần dần trở lại cuộc sống êm ấm và hạnh phúc của thời còn trẻ.  Thứ thuốc gia truyền ấy, chẳng có gì khác hơn là nước lã mà thôi.

 

          KẾT LUẬN

 

          Để dẹp được tính tự ái vốn sẵn nằm trong con người, chúng ta hãy suy niệm đoạn thánh thi của thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Philipphê :”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chất trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

 

          Ngoài ra chúng ta hãy suy niệm lời Chúa Giêsu phán :”Các con hãy học cùng Thầy vì  Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”(Mt 11,29).

 

          Nếu suy niệm gương khiêm nhường và hiền lành của Chúa Giêsu chắc chắn chúng ta sẽ tránh được tính tự ái hão, tránh được sự nóng giận, nhất là chúng ta sẽ không vội vàng có những hành động trả đũa trước những lời bình phẩm có tính cách xúc phạm với ý nghĩ rằng : ai khen ta mà khen phải, ấy là bạn ta, còn ai chê ta mà chê phải, ấy là thầy ta vậy (Viết theo chuyện phiếm của Gã Siêu).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim Phát

Đà Lạt

 

         


Về trang Mục Lục