XÂY DỰNG GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO

(Giảng lễ Hôn phối)

Lm Trần Đình

 

I. Một vài hình ảnh về hôn nhân

a/ Hôn nhân như chuyến tàu lửa : người xuống ga này, kẻ xuống ga kia, có người hăm hở bước lên và cũng vội vã bước xuống.

b/ Hôn nhân cũng giống như cuộc chinh phục đỉnh núi : Có những người leo được tới đỉnh. Cũng không thiếu những kẻ bỏ cuộc, cho dầu ban đầu hăm hở lắm.

c/ Hôn nhân cũng như trận golf : Có những cầu thủ chiến thắng oanh liệt. Cũng có những kẻ mới thua một hiệp đã nản chí đầu hàng.

d/ Hôn nhân như con ngọc trai, động vật có hai mảnh vỏ gắn liền nhau. Có những cuộc tình thành đạt như ngọc trai hai mảnh. Và cũng có những cuộc tình dang dở, như vỏ ngọc phơi trên bãi biển.

Nghĩa là hôn nhân dễ mang dáng dấp của sự mong manh. Vì thế, ta cần phải biết xây dựng nó.

 

II. Xây dựng một gia đình kitô giáo phải tựa trên những gì ?

1. Hạnh phúc

Trong hôn nhân, người ta thường cầu chúc cho nhau “trăm năm hạnh phúc”. Lời cầu nguyện cho đôi tân hôn trong nghi thức hôn phối là : “Ước chi họ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi”.

Mà hạnh phúc là cái phải xây dựng mỗi ngày : “Hạnh phúc như ngọc trong đá, không đến với ai đi qua hững hờ. Hạnh phúc như mật trong hoa, không có cho ai không nhọc nhằn tìm kiếm”. (Phim “ngọc trong đá”).

2. Chung thuỷ

Chung là cuối, thuỷ là đầu. Chung thuỷ là biết ăn ở có trước có sau, tiền hậu bất nhất. Nếu khác đi, ta gọi là tráo trở.

Sự chung thuỷ được thể hiện cách cụ thể là : “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ”. Không vì hoàn cảnh đổi thay mà lòng ta thay đổi.

3. Yêu thương và kính trọng

“Sông Thương, sông Cả, sông Đào,

Ba con sông ấy đổ vào sông Thương”.

Nước ba con sông được hợp lại nơi “sông Thương”. Tình yêu thì chụm lại, đồng qui ở một điểm. Không có tình yêu như hai đường thẳng song song. Tình yêu là “giây liên kết mọi sự toàn thiện”. Thánh Phaolô dạy như thế.

“Yêu thương và kính trọng” phải luôn đi liền với nhau. Thiếu sự kính trọng, không thể nói đến yêu thương được. Người xưa dạy vợ chồng phải biết “tương kính như tân”, kính trọng nhau như khách. Không nên, vì đã quá quen thuộc, gần gũi nhau mà vợ chồng thôi đối xử với nhau thiếu kính trọng.

4. Nhẫn nhục

Đi vào đời hôn nhân, người ta phải mang ba chiếc nhẫn : nhẫn đính hôn, nhẫn kết hôn và nhẫn nhục. Là bởi vì “nhân vô thập toàn”. Con người là sai lầm.

5. Sống đạo hạnh

   Thông thường, người ta xây dựng hôn nhân dựa trên 7 chữ “đ” : đẹp, đô (đô la), dream, đôm (tiếng Nga có nghĩa là nhà ở mặt tiền), động (điện thoại di động), đỏ (cán bộ), đại (đại học). Nếu chỉ có thế thì sẽ dẫn đến chữ “đ” thứ 8 là “đổ”.

Phải xây dựng gia đình kitô giáo tựa trên hai chữ “đ” khác là “đạo đức”. Hai chữ “đ” này là điều mà người ta ta có khuynh hướng khinh thường hoặc thiếu quan tâm. Nhất là đối với đời sống đạo.

Kẻ xây dựng gia đình tựa trên đạo đức, được Chúa gọi là “xây nhà trên đá”, khác đi sẽ là “xây nhà trên cát”, nghĩa là xây trên những gì mong manh, tuy chúng cũng có giá trị nào đó.

Mấy lời vắn tắt tôi xin thưa với Quý Ông Bà anh chị em, đặc biệt muốn gởi lại cho hai anh chị trong ngày trọng đại này.

                                      

                                      


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà