CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG, NĂM A
Is 35,1-6a; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11
Thầy có thật là Đấng phải đến không?
Nhiều
gia đình đã phải trả một giá rất đắt để cho con cái đi ra nước ngoài. Thậm chí
cho đến nay, nhiều cha mẹ sẵn sàng gả con cho Việt kiều, một người mà lai lịch
ra sao cũng không biết rõ! Lý do nào thúc đẩy họ làm như vậy?
Khi
tạo cơ hội cho con cái đi ngoại quốc, chắc chắn ai cũng đặt kỳ vọng nơi con
mình, ai cũng mong chúng nên giống nên má, có một tương lai sáng lạng hơn; bên
cạnh đó cũng hy vọng rằng, sinh hoạt kinh tế trong gia đình có phần tốt đẹp
hơn. Đó là một chuyện thường tình, bởi vì có ai dại gì bỏ vốn để đầu tư vào một
việc không đâu, không mong có ngày sinh lợi! Nhưng ″mưu sự tại nhân, thành sự
tại thiên″. Tính toán kỹ càng như thế, nhưng sự thể nhiều khi xảy ra không
giống như dự tính. Nếu như sau một thời gian bặt vô âm tín, không có tin tức
gì, thư từ không thấy, quà cáp cũng không. Thử hỏi có cha mẹ nào không phập
phồng lo lắng! Quả thật đôi khi đúng như câu: trèo cao thì té đau! Hy vọng càng
nhiều thì thất vọng càng sâu! …
Đọc
Tin mừng ngày hôm nay chúng ta sẽ thấy, hoàn cảnh của thánh Gioan Tẩy giả cũng
tương tự như thế: Khi còn trong bụng mẹ, ai ai cũng thắc mắc, không biết rồi
đấy tương lai con trẻ sẽ ra sao! Bởi vì ai cũng cảm thấy, số phận của ông có
bàn tay của Thiên Chúa can thiệp vào. Khi đến tuổi trưởng thành, ông sống trong
hoang địa để cảm nhận sự hiện hiện gần kề của Thiên Chúa. Ông đã đón nhận sứ
mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông đã trút hết tâm lực để chu toàn. Ông không
ngừng rao giảng, mời gọi mọi người thống hối ăn năn, lãnh nhận phép Rửa. Ông hoàn
toàn thâm tín rằng, Đức Giêsu chính là Đấng được sai đến.
Giờ
đây ông đang phải sống trong tù đầy, chỉ còn cách duy nhất là đợi chờ! Nhưng
tất cả đều im hơi lặng tiếng! Thời gian lặng lẽ trôi qua, dường như chẳng có gì
đặc biệt xảy ra. Cũng chẳng thấy ai đến cứu mình! Nước Thiên Chúa vẫn mãi chưa
rõ hình dạng. Trong tù ông có nhiều thời giờ để nghiền ngẫm, đặt vấn đề, rốt
cuộc đâm ra hoài nghi về sứ mạng của mình. Ai mà chẳng thông cảm cho sự nghi
ngờ của ông: Lời rao giảng của tôi có ý nghĩa gì không? Tại sao Thiên Chúa
không đến cứu tôi là một kẻ hoàn toàn đặt tin tưởng nơi Người? Tại sao Người
không xuất hiện tiêu diệt những kẻ cản trở sự phát triển của Nước Chúa? Và còn
muôn vàn câu hỏi khác, chẳng hạn như: Tại sao con người cứ đứng lỳ trên nẻo đường
bất hảo, không chịu hoán cải khi nghe giảng Lời Chúa? Tại sao con người luôn
phải bắt đầu với sự hoán cải, với niềm hy vợng và với lòng tin của mình?
Gioan
đã tin vào một cuộc cách mạng vĩ đại của Thiên Chúa, tin vào sự thay đổi toàn
diện bộ mặt của thế giới khi Đấng Cứu Thế xuất hiện. Nhưng sự thật trước mắt
thì ông đang ngồi tù, giống như kẻ đi tới đường cùng. Không những quyền tự do
đi lại bị hạn chế, mà bản thân còn giống như bị ai đó tát vào má! Suốt ngày
phải đối diện với chính mình. Trước đây ông tin tưởng bao nhiêu thì giờ đây
lòng tin của ông bị lay động bấy nhiêu. Tôi đã suốt đời chiến đấu tận trung,
chẳng lẽ tôi đã làm gì sai trái nên bị rơi vào hoàn cảnh như thế này hay sao?
Trong
cuộc sống làm người, chắc chắn chúng ta đã từng quen biết không ít những hoàn
cảnh tương tự như thánh Gioan Tẩy giả. Chúng ta nhẹ dạ, đặt quá nhiều tin tưởng
vào ai đó. Kết quả thì tình vỡ mộng tan. Chúng ta cảm thấy mình lầm lẫn, bị lật
lọng! Chúng ta cảm thấy thất vọng về người bạn đường, về con cái, về bạn bè cũng
như xóm giềng, … Lẽ dĩ nhiên không ai có thể sống nếu như không mang trong lòng
một chút hy vọng. Là con người không ai lại không có hoài bão, mộng đẹp! Gioan
không nhận được một câu trả lời thoả đáng từ nơi Đức Giêsu, bởi vì Người mời
gọi ông bước ra khỏi vỏ ốc của mình, mời gọi ông mở rộng tầm con mắt, biết nhìn
xa thấy rộng: Ông không phải là thước đo mọi chuyện. Chỉ duy một mình Thiên
Chúa mới có khả năng làm nguôi ngoai những khát vọng thầm kín của con người.
Thánh Augustinô đã khám phá ra chân lý này khi nói: ″Trái tim con mãi băn khoăn
cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa″.
Lm. Phêrô Trần Minh Đức