CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH
(Gio-an 20: 19-31)
Bài
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay và Chúa Nhật tới vẫn tiếp tục trình bày những lần
Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ sau khi Người sống lại. Sự sống lại của Chúa Giê-su không chỉ mang
lại hoa trái là sự vinh hiển cho chính Người, nhưng chủ yếu là cho ta, cho
tương lai của nhân loại. Ta đã nghe câu
truyện Chúa hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la vào sáng sớm ngày thứ nhất trong
tuần. Bây giờ là câu truyện xảy ra vào
buổi chiều khi Chúa đến với các môn đệ.
Bài Tin Mừng gồm ba đoạn riêng biệt (Chúa hiện ra với môn đệ khi ông
Tô-ma vắng mặt; tám ngày sau, Chúa lại
hiện ra và có mặt ông Tô-ma; lời kết
sách Tin Mừng) và ta có thể suy niệm tất cả.
Nhưng để dễ cô đọng ý tưởng hơn, ta thử chọn đoạn thứ nhất (20:19-23) và
lắng nghe những lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ yêu dấu của Người, từ đó ta
sẽ nhận ra được những hoa trái đầu mùa của Phục Sinh.
a) Bình an và niềm vui là hoa trái của Phục Sinh
Cứ
mường tượng những bộ mặt đầy lo âu, sợ hãi, không biết tương lai đi về đâu của
các môn đệ Chúa bên trong căn nhà với cửa đóng then cài, ta sẽ thấy được họ cần
gì nhất trong lúc này nếu không phải là bình an và niềm vui. Chúa Giê-su nổi bật trong Tin Mừng Gio-an
qua hình ảnh vị Mục tử Nhân lành.
Đang khi
còn thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, vị Mục tử ấy đã cảm thương đám dân chúng
đói khát đi theo Người để nghe giảng nên Người đã nuôi dưỡng họ với phép lạ hóa
bánh và cá ra nhiều (Ga 6). Người chữa
bệnh tật nhiều người, như Mục tử băng bó vết thương và chữa lành chiên
mình. Người đưa những kẻ tội lỗi trở
về, như Mục tử đi tìm con chiên lạc (Ga 8:1-11). Người bênh đỡ kẻ cô thế và yếu đuối, như Mục tử bảo vệ chiên khỏi
bị sói rừng vồ xé. Những việc làm ấy
còn biểu lộ một chiều kích khác của tâm hồn vị Mục tử Nhân lành, đó là chăm sóc
cho tình trạng tinh thần và thiêng liêng của con chiên. Ưu tư của Chúa Giê-su là làm sao đem lại
bình an và niềm vui cho ta. Điều này ta
thấy rõ trong cách Chúa đối xử với môn đệ sau khi Người sống lại.
Hình ảnh
bà Ma-ri-a Mác-đa-la cũng là một hình ảnh ưu phiền lo lắng. Sau khi thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, bà
hoảng hốt. Bà chạy đi chạy về quãng
đường từ nhà đến mộ, bà khóc nức nở.
Nhưng Chúa Giê-su không bỏ mặc bà trong nỗi u sầu. Với giọng yêu thương của Mục tử Nhân lành,
Người lên tiếng gọi con chiên sầu khổ của Người. Dĩ nhiên bà nhận ra ngay tiếng của Người, vì bà thuộc về đàn
chiên của Người. Bà tìm lại được bình
an và niềm vui, tràn đầy đến nỗi bà không thể nói nên lời ngoài tâm tình đáp
trả tiếng gọi thân mến của Chúa. “Lạy
Thầy!” Bà chỉ nói lên được một lời
thôi, một lời đầy ý nghĩa và bà nói với tất cả tâm hồn, giống hệt như tám ngày
sau ông Tô-ma cũng chỉ nghẹn ngào thốt lên một lời ngắn ngủi khi Chúa trở lại
với ông: “Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!”
Khi hiện
ra với các môn đệ trong nhà cửa còn khóa kỹ, Chúa Giê-su biết họ cần điều gì
trước nhất. Lời đầu tiên của Chúa sau
khi sống lại là: “Chúc anh em được bình
an!” Sự bình an ấy như một hoa trái dây
chuyền, nghĩa là nó sẽ nảy sinh niềm vui (Ga 20:20), vì đó là sự bình an không
ai và không gì trên thế gian có thể cho ta được ngoài Chúa ra (Ga 14:27). Càng sợ hãi lo lắng thì càng cần đến bình
an. Cho nên Chúa Giê-su lập lại một lần
nữa: “Chúc anh em được bình an!”
b) “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” – Thánh Thần là hoa trái chính
của Phục Sinh
Thánh
Thần là sự sống của Thiên Chúa. Khi tạo
dựng con người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người để con người được
sống. Trong biến cố Tử nạn, từ trên
thập giá Chúa Giê-su “trao Thần Khí”. Thần Khí ấy bay lượn trên một nhân loại
đã bị mất đi hình dạng và đầy bóng tối do tội lỗi gây nên, để tạo dựng một nhân
loại mới. Chúa Giê-su Phục sinh khởi
đầu một cuộc tạo dựng mới. Như Thiên
Chúa đã thổi sinh khí vào A-đam, Chúa Giê-su cũng thổi Thần Khí vào các môn đệ
Người, để đến lượt các ông sẽ được sai đi và “làm cho muôn dân trở thành môn
đệ” (Mt 28:19).
Để
lãnh nhận sự sống mới, người ta phải tin vào Chúa Giê-su và sứ mệnh cứu thế của
Người. Chúa Giê-su đã rao giảng và bày
tỏ cho người ta biết tình yêu của Thiên Chúa.
Giờ đây, Người trao lại sứ mệnh ấy cho môn đệ. Bởi thế, lý do các môn đệ được sai đi là để tiếp nối sứ mệnh của
Người. Trước kia, Thánh Thần đã đầy
tràn trên Chúa Giê-su và hướng dẫn Người trong suốt cuộc đời dương thế. Người không làm gì mà không “được Thánh Thần
thúc đẩy.” Cho nên các môn đệ cũng phải
đi cùng một con đường của Thầy mình, nghĩa là họ cũng phải được tràn đầy Thánh
Thần và hoạt động trong Thánh Thần.
Hoạt động của họ là gây sự sống mới trong một cuộc tạo dựng mới. Họ sẽ rao giảng về Đấng là sự sống lại và là
sự sống (Ga 11:25). Họ sẽ làm phép rửa,
giúp người ta sống lại để sống đời sống mới, tựa như thi hành quyền “tháo cởi
và cầm giữ”. Đúng như lời ông Phê-rô đã
trả lời cho đám dân chúng tại Giê-ru-sa-lem ngày lễ Ngũ Tuần: “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu
phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần”
(Cv 2:38).
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Phụng
vụ Lời Chúa mời gọi tôi chiêm ngưỡng Chúa Giê-su Phục Sinh qua cách Người đối
xử với các môn đệ. Vậy tôi đã có hình
ảnh nào về Người? Người gọi tên tôi như
gọi bà Ma-ri-a Mác-đa-la hoặc chúc bình an cho tôi như chúc cho các môn đệ, thì
tôi cảm thấy thế nào?
Đâu
là bình an và niềm vui đích thực của tôi?
Đã bao giờ tôi có được chưa?
Hoặc tại sao tôi chưa tìm được?
Tôi
có để cho ân huệ của Phục Sinh là Thánh Thần được sống động trong tôi
không?
Tôi
có nhận ra sự liên tục sứ mệnh của Chúa Giê-su, nghĩa là từ Chúa Cha được trao
cho Chúa Giê-su, và từ Chúa Giê-su được trao cho các môn đệ không? Tôi có từ chối hoặc lừng khừng trong sứ mệnh
ấy không?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su phục sinh
xin
ban cho con sự sống của Chúa,
sự
sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin
ban cho con bình an của Chúa,
bình
an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin
ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm
vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin
ban cho con hy vọng của Chúa,
hy
vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin
ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh
Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 85)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi