LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

(Mát-thêu 3: 13-17)

 

          Sắp đặt phụng vụ cho mùa Thường niên, Giáo Hội đặt lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa vào Chúa Nhật thứ nhất để mở đầu và lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ vào Chúa Nhật sau cùng để kết thúc.  Sắp đặt như thế cho ta thấy được tổng quát sứ vụ của Chúa Giê-su sẽ diễn tiến như thế nào.  Sứ vụ ấy được thi hành do Con Một Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và nằm trong kế hoạch của Chúa Cha nhắm mục đích thiết lập nền công chính mới của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Trình bày hình ảnh Chúa Giê-su sau khi ở dưới nước lên có Chúa Thánh Thần ngự trên Người và tiếng Chúa Cha xác nhận Người là Con và là Tôi Tớ (tức là Đấng Mê-si-a), Tin Mừng Mát-thêu muốn nhắm đến một Ít-ra-en Mới sẽ khởi sự được thiết lập trong Chúa Giê-su Ki-tô và hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô.

 

a)  Dòng sông Gio-đan

 

          Cũng như mọi dòng sông khác trên mặt đất, nếu không gắn liền với một biến cố trọng đại nào, Gio-đan sẽ chẳng được ai nói tới.  Gio-đan liên hệ với lịch sử cứu độ.  Trong Cựu Ước, ông Gio-suê đã dẫn dân được tuyển chọn đi qua sông Gio-đan để đi vào đất Thiên Chúa đã hứa ban cho họ.  Dòng sông đã thay đổi số phận Ít-ra-en để sau khi qua đó họ không còn là một đám dân du mục nữa, nhưng là dân tộc phụng sự Chúa và Chúa dùng lịch sử của họ để thực hiện kế hoạch cứu độ.

          Hôm nay, Chúa Giê-su rời Na-da-rét miền Ga-li-lê để tới dòng sông này, không chỉ để ôn lại một biến cố lịch sử của dân tộc Người, nhưng là cùng với nó và tất cả nhân loại để đi vào một triều đại mới, Triều Đại Thiên Chúa.  Từ lòng sông này, con người đã ra khỏi nó để thống hối, chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Mê-si-a đến.  Còn Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a đi qua dòng sông này khi nhận phép rửa của Gio-an, sẽ dẫn đưa nhân loại vào Đất Hứa trên trời để trở về với Đấng Tạo dựng của họ.

          Triều Đại Thiên Chúa là triều đại của Tin Mừng được rao giảng, là năm hồng ân, thời gian tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa được tỏ ra cho nhân loại một cách cụ thể, tất cả đều nằm trong sứ vụ Chúa Giê-su bắt đầu từ hôm nay.  Bắt chước bài công bố Tin Mừng Phục Sinh ca tụng tội hồng phúc của A-đam, ta cũng cảm tạ dòng sông Gio-đan đã cho ta Chúa Giê-su, là Gio-suê Mới đưa ta vào vương quốc Ít-ra-en Mới của Người.

 

b)  “Bây giờ cứ thế đã.  Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”

 

          Lời nói đầu tiên của Chúa Giê-su khi Người bắt đầu cuộc đời công khai thật khó hiểu đối với chúng ta.  Nhưng với Người, những lời ấy đã nêu lên nguyên tắc căn bản để Người sống và thực hiện sứ mệnh Đấng Mê-si-a.  Ta hãy trở lại với cuộc đối thoại giữa Người và ông Gio-an để hiểu ý nghĩa những lời Người nói.  Trước hết Chúa Giê-su đến và tự ý xin ông Gio-an làm phép rửa cho Người.  Ông Gio-an từ chối và nói:  “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”  Ông Gio-an là người công chính, luôn biết chỗ đứng của mình.  Ông đâu dám so sánh mình với Chúa Giê-su.  Không thể nào có chuyện ngược đời như thế được.  Nhưng Thiên Chúa có đường lối của Người.  Người đã làm chuyện ngược đời khi sai Con Một Người đến sống giữa nhân loại!  Giờ đây, Thiên Chúa làm người lại tiếp tục làm chuyện ngược đời, chuyện “thế mà Ngài  lại đến với tôi”, hoặc chuyện “bây giờ cứ thế đã.” Vậy tại sao lại “bây giờ”?  Và tại sao lại “cứ thế đã”?  Hẳn Chúa Giê-su đã hiểu rõ “bây giờ” là “giờ” của Người, giờ thi hành sứ mệnh và cũng là “giờ” của cuộc Thương khó và vinh hiển như thánh sử Gio-an đã hiểu.  Hiểu rõ thiên ý của Chúa Cha và hoàn toàn vâng phục, đó là ý nghĩa ẩn tàng trong lời nói đầu tiên của Chúa Giê-su.  Do đó, Người cũng mời gọi ông Gio-an hãy “cứ thế đã” (cứ làm phép rửa cho Người), hãy cộng tác với Người để cùng nhau chu toàn thánh ý Chúa Cha là giúp cho đức công chính của nhân loại được thể hiện.  Đức công chính ấy sẽ được thể hiện nơi Chúa Ki-tô, để Người trở nên con người công chính trước mặt Thiên Chúa, và để trong Người, toàn thể nhân loại được nên công chính.

          Những lời nói đầu tiên của Chúa Giê-su khi Người bắt đầu xuất hiện công khai trước dân chúng thật là vô cùng quan trọng.  Chúng đã phát biểu tâm nguyện và nguyên lý hành động của Người là luôn luôn triệt để thi hành thánh ý Chúa Cha.  Sau câu truyện này, nếu đọc tiếp câu truyện Chúa Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4:1-11), ta lại càng hiểu rõ hơn tại sao Chúa Giê-su đã thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ, dù là những cám dỗ mang hình thức khác nhau, nhưng chung quy vẫn đưa tới mục đích cuối cùng là xúi giục Chúa Giê-su làm theo ý mình chứ đừng làm theo kế hoạch của Chúa Cha.  Đó là Người đã chiến thắng vì Người muốn “giữ trọn đức công chính”.  A-đam đã không giữ trọn đức công chính bởi không tuân phục Thiên Chúa nên ông đưa nhân loại xa Chúa, thì giờ đây, A-đam Mới là Chúa Giê-su sẽ thực hiện đức công chính để đưa con người trở về với Thiên Chúa.

 

c)  Thần Khí Thiên Chúa và tiếng từ trời

 

          Nguyên lý hành động của Chúa Giê-su để thi hành sứ mệnh được đặt dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.  Thánh Thần củng cố sứ mệnh của Chúa Giê-su qua việc xức dầu tấn phong Người làm Đấng Ki-tô (Is 11:2; 42:1).  Thánh Thần luôn “ngự trên Người” để Người giữ vững nguyên lý và trung thành với sứ mệnh.  Cũng như ngày đầu tạo dựng, Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước để tạo thành vũ trụ và muôn vật, thì giờ đây Thánh Thần bao trùm trên Chúa Ki-tô để thực hiện một cuộc tạo dựng mới.

          Cùng với Thánh Thần là tiếng phán từ trời của Chúa Cha, không chỉ là lời giới thiệu mà thôi, nhưng còn ngầm hiểu là ước vọng của Chúa Cha mong Con Một Người chắc chắn sẽ chu toàn những gì Người trao phó.

          Chúa Giê-su đã vào đời, ra đi thi hành sứ vụ với tất cả hành trang cần thiết:  một lý tưởng vững chắc, một tinh thần sáng tạo và một ý chí sắt son muốn đáp lại nguyện vọng của Chúa Cha.  Đó cũng là hình ảnh của người ra đi rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa.  “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo những tin mừng!” (Is 53:1;  Rm 10:15).

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Lời nói của ông Gio-an muốn xin Chúa Giê-su làm phép rửa cho ông có phải là một lời khích lệ tôi đến với Chúa Giê-su để xin được ơn tha thứ tội lỗi không?  Tôi đã ý thức thế nào về vai trò tuyệt đối của Chúa Giê-su đối với tình trạng tội lỗi của tôi?

          Đâu là Nguyên lý và Nền tảng cho cuộc sống của tôi?  Để phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa có đích thực là ý nghĩa cho cuộc đời tôi không?  Làm sao đời tôi nói lên ý nghĩa ấy?

          Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa dạy cho tôi điều gì trong cuộc sống Ki-tô hữu?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Cha từ ái,

          cảm tạ Cha đã ban cho chúng con

          ơn nhận biết và tin vào Đức Giê-su Con Cha,

          và được lớn lên trong lòng Giáo Hội...

 

          Cha muốn chúng con noi gương Đức Giê-su

          chu toàn thánh ý Cha trong cuộc sống.

          Xin cho chúng con mỗi ngày

          biết múc lấy ánh sáng và sức mạnh

          từ những phút giây trầm lặng bên Cha,

          gặp gỡ Đức Giê-su và nhìn lại chính mình.

          Cha đã cho chúng con trí tuệ và quả tim

          để góp phần xây dựng một thế giới

          ấm no và chan chứa tình người.

          Xin cho chúng con biết say mê học tập,

          biết đưa ánh sáng đức tin vào chuyên môn

          và biến tri thức khoa học thành lời tôn vinh Cha không ngừng.

          Cuối cùng, xin Cha nâng đỡ tình bạn giữa chúng con

          để chúng con hiệp thông với nhau

          trong mọi nỗi vui buồn của cuộc sống.

          Ước gì sau một đời yêu thương và phục vụ,

          chúng con lại được cùng sống bên Cha

          và bên nhau trong Nước Trời.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 76)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà