Suy Niệm 5: "Chúng tôi đến thờ lạy Người."

 

Giờ Suy Niệm Ban Sáng
với Chủ Ðề của
Đại Hội Giới Trẻ 2005:


"Chúng tôi đến thờ lạy Người." (Mt 2,2)

 

Đức Ông Dr. Heiner Koch – TGP Köln
(được truyền thanh qua đài Radio WDR - Ðức quốc)

 

Suy Niệm 5:

Kính thưa quý thính giả,

xin gởi đến Quý Vị lời chào ban sáng!

Ba nhà thông thái (Ba Vua) từ phương đông đã can đảm cất bước lên đường dù chưa biết sẽ đi về đâu. Họ phải dò hỏi và tìm kiếm cái đích mà họ muốn đến. Họ điều chỉnh lại những lúc bị lạc lối. Họ đã kiên trì luôn tin tưởng vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Với sự bền chí và phó thác vào Thiên Chúa họ đã đến đích và vô cùng ngạc nhiên khi gặp được vị Vua Do Thái mới sinh là một HÀI NHI yếu đuối  trong một chuồng bò điêu tàn ở Bêlem. Nơi chuồng bò này, trước Hài Nhi này họ đã khám phá ra cho họ một cung cách mà qua đó họ được thoả mãn tất cả những khao khát kiếm tìm bấy lâu nay: cung cách thờ lạy - cho nhiều người thời nay là một thái độ sống đã bị chìm vào quên lãng và không còn được mấy ai chú ý.

Tại sao cung cách thờ lạy lại quan trọng cho cuộc sống của chúng ta như vậy và làm cách nào để chúng ta có được thái độ sống này? Triết gia Max Scheler đã viết: „Nguy khó dạy chung ta cầu nguyện nhưng không dạy chúng ta tâm tình thờ lạy.“ Nhưng có thật gian khó dẫn chúng ta đến việc cầu nguyện không? Chẳng phải gian khó đã dạy con người than trách nhiều hơn là cầu nguyện hay sao? Từ gian khó mà nảy sinh ra tâm tình thờ lạy thì lại càng là chuyện hiếm hoi hơn, đôi lúc những chuyện không may xảy ra làm ta „ngẹn lời“ và những chuyện không thể ngờ có thể làm chúng ta lao đao „ngã quỵ.“  Nhưng cầu nguyện và sự thờ lạy dẫn ta vượt qua được trạng thái không biết nói gì. Nó dẫn ta đến đối thoại với Chúa. Trong cầu nguyện và trong tâm tình thờ lạy con người nối lại mối tương quan với Ngài như một tương quan mật thiết. Trong cầu nguyện và trong thờ lạy con người tự nói nên: Con biết Ngài, lạy Chúa, Ngài luôn ở bên con, con đặt tin tưởng nơi Ngài, tất cả những gì con có được là nhờ Ngài ban. Trong tâm tình thờ lạy con người hạ mình cúi đầu xuống trước mặt Thiên Chúa.

Thực vậy, Thiên Chúa to lớn vô cùng và chúng ta thường phải chấp nhận là chúng ta không thể thấu hiểu Ngài - cách riêng trong những hoàn cảnh đau khổ, nguy khó. Có thể chính ngay trong những giây phút nguy khốn đó ý nghĩa của thờ lạy hiện rõ hơn: với lòng khiêm cung để Chúa lớn như chính là Ngài. Con người với tâm tình thờ lạy công nhận rằng mầu nhiệm của Thiên Chúa vượt xa vô cùng trên cả những suy nghĩ, hiểu biết và cảm nhận của con người. Nhưng đồng thời người đó xác tín rằng Thiên Chúa đấng to lớn vô cùng và thấu biết từng người, lo cho từng người và không để ai phải cô đơn trong những nước mắt của cuộc sống họ và trong cái chết. Người với tâm tình thờ lạy tin rằng chính trong những lúc nguy khó Ngài luôn ở bên ta và chia sẻ cuộc sống với ta.

Khi Ba Vua tìm thấy Thơ Nhi yếu đuối trong chuồng bò nghèo nàn, họ đã nhận ra Thiên Chúa là  Đấng toàn năng. Họ cũng nhìn ra Thiên Chúa Đấng toàn năng này có một trái tim cho chúng ta. Từ lòng yêu thương này Ngài đã sẵn sàng sống và chịu đau khổ với chúng ta, chia sẻ cuộc sống của Ngài với chúng ta, ngay cả trong những giờ phút thất vọng, chịu đau khổ và trong giờ chết. Trước đấng tối cao và nhân hậu, đấng mà họ đã gặp được nơi Thơ Nhi yếu đuối trong máng cỏ ở Bêlem, họ đã cung kính quỳ gối dâng lên Ngài của lễ và thờ lạy Ngài. Lúc này cuộc hành hương của họ đã đạt đến đích. Bây giờ họ đã gặp được vị Vua mới sinh, hài nhi trong máng cỏ, người muốn ban tặng cho cuộc sống của họ và của chúng ta niềm vui cùng sự sung mãn.

“Chúng tôi đến để thờ lạy Người“ (Mt 2,2). Những lời này của Ba Vua từ phương đông là chủ đề của Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005 tại Köln. Những ngày ở Köln trong cốt tủy của nó phải trở thành những ngày đến thờ lạy Chúa. Hàng trăm ngàn bạn trẻ từ khắp thế giới sẽ lên đường đến Köln. Mong rằng trong những ngày này họ được tiếp đón niềm nở trước hết là trên khắp nước Đức rồi đến vùng đồng bằng sông Rhein (chú thích: thành phố Köln thơ mộng nằm hai bên bờ sông Rhein).

Mong rằng họ sẽ sống những giờ phút thật vui tươi trong cộng đồng giới trẻ thế giới. Hy vọng những ngày tại Köln sẽ là những ngày đầy biến cố và nhiều kinh nghiệm phong phú cho những người khách trẻ của chúng ta. Hy vọng rằng chúng ta sẽ được sống qua những giờ phút vui tươi qua cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và giới trẻ.

Nhưng cần hơn hết những ngày của giới trẻ tại Köln phải là những ngày của việc thờ lạy Chúa. Tôi xin quý vị cùng cầu nguyện để thật nhiều người trẻ - và biết đâu qua đánh động bởi giới trẻ cả những người lớn tuổi hơn trong xã hội chúng ta - cùng bắt đầu lại cuộc lên đường đến thờ lạy Chúa. Cha Alfred Delp, người bị Đức quốc xã giết, đã viết: „Bánh mì là cần thiết, sự tự do cần hơn, nhưng điều cần thiết nhất là lòng trung kiên không hề lay chuyển và tâm tình thờ lạy không đổi thay.“ Amen.

 

(chuyển ngữ: Công Tráng)

Mục Vụ Công Giáo Việt Nam

miền Ðông Bắc Ðức

www.DHGT-2005.net

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà