CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(Mát-thêu 26:14 – 27:66)

         

          Suy niệm về chân tính Chúa Giê-su qua bài Tin Mừng của các Chúa Nhật mùa Chay đưa ta tới cuộc Thương khó của Người.  Suy niệm về cuộc Thương khó của Chúa Giê-su không phải là dễ.  Nếu tách rời ta ra khỏi cuộc Thương khó của Chúa, ta sẽ giống như một khán giả đứng ngoài cuộc mà xem tuồng Thương khó, không hơn không kém.  Nhưng nếu sống với Chúa trong cuộc Thương khó này, ta mới có thể cảm nghiệm được mối thao thức yêu thương và khao khát của trái tim Thiên Chúa được biểu lộ qua những khổ đau thể xác và tinh thần nơi Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, giúp ta nhận biết sứ điệp của Thiên Chúa muốn nói với ta qua cuộc Thương khó của Con Một Người.  Vậy Thiên Chúa nói gì với ta qua đau khổ và cái chết của Chúa Giê-su?

 

a)  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”

 

          Cuộc Thương khó là lời mặc khải mạnh nhất của Thiên Chúa muốn nói với ta nỗi lòng của Người:  Thiên Chúa yêu ta.  Chẳng có ai trên đời đã chọn phương thức này để bộc lộ tình yêu.  Nếu người ta có bày ra “khổ nhục kế” thì cũng chỉ vì có lợi cho mình, vì muốn chiếm được trái tim của người họ muốn.  Còn tình Thiên Chúa yêu ta là vô điều kiện, vô vị lợi và hoàn toàn vì Người muốn cho ta được điều tốt, tức là được cứu chuộc và sống hạnh phúc đời đời.  Tình yêu ấy nhận ra được qua Chúa Giê-su, nhất là trong cuộc Thương khó của Người.

          Suy niệm về cuộc Thương khó, ta thường nghĩ đến những khổ hình và chế giễu người khác làm cho Chúa Giê-su, thí dụ Giu-đa bán Chúa, ông Phê-rô chối Chúa, quân dữ bắt, đánh đập và đóng đinh Chúa, đám Pha-ri-sêu nhạo cười Chúa...  Nhưng ít khi ta nghĩ đến những tâm tình của chính Chúa Giê-su, đến tình yêu của Thiên Chúa bừng cháy trong tâm hồn Người giúp Người đối phó với bạo lực và đau đớn.

          Với sứ mệnh được sai đến trần gian để tỏ ra cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã cho ta biết bao nhiêu cơ hội để nhận biết sứ điệp tình yêu ấy.  Ta thấy Thiên Chúa yêu ta qua sự kiện Chúa Giê-su nhất quyết trung thành với kế hoạch của Chúa Cha.  Qua tất cả tư tưởng, lời nói và hành động của Chúa Giê-su, ta đọc được tình yêu của Thiên Chúa.  Thiên Chúa yêu nhân loại khi Chúa Giê-su ưu tiên chăm sóc người nghèo và yếu đau bệnh tật.  Khi Chúa Giê-su phải đối phó với giáo quyền Do-thái để bênh vực những người bị đè nặng do áp lực của những lề luật vô nghĩa.  Khi Chúa Giê-su bất chấp việc giữ ngày sa-bát để cứu chữa những người mù lòa đau ốm hoặc đã chết.  Khi Chúa Giê-su không cần giữ kẽ, nhưng cứ lui tới và để tâm tới những người tội lỗi, bị xã hội khinh chê...  Giờ đây, trong cuộc Thương khó, tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ rõ ràng:  Thiên Chúa yêu nhân loại, không chỉ “ban Con Một” mà thôi, nhưng còn vui lòng “để mất Con Một” trong cuộc Thương khó nữa.

          Hiểu như vậy, ta sẽ nhận ra khía cạnh chủ động của Thiên Chúa và lòng nhiệt thành của Chúa Giê-su trong cuộc Thương khó của Người.  Tình yêu đích thực không thụ động, nhưng luôn chủ động.  Chúa Giê-su chịu cuộc Thương khó, không phải chỉ là “bị” người ta hành hạ và giết đi, nhưng hơn thế nữa, là hành động của người tự ý “hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).

 

b)  Cuộc Thương khó biểu lộ sống động chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa

 

          Là tín hữu, khi nhớ lại những chi tiết biến cố Thương khó của Chúa Giê-su, ta có thể mang nhiều tâm tình như kinh sợ, buồn, đau đớn vì tội lỗi ta đã phạm, cảm tạ, yêu mến.  Tuy nhiên các bài đọc, đặc biệt bài Tin Mừng, cho thấy rõ ràng cuộc Thương khó không chỉ có tính cách cá nhân hoặc riêng tư, nhưng sức mạnh và hiệu quả của cuộc Thương khó còn mang chiều kích to lớn, ảnh hưởng tới toàn thể gia đình nhân loại.  Quá thu hẹp vào phạm vi cá nhân, nhiều khi ta không nhận thấy được sự bao la của cuộc Thương khó, hay nói khác đi ta không hiểu được mức độ dài rộng cao sâu của tình yêu Thiên Chúa.  Cuộc hấp hối trong Vườn Dầu và cái chết của Chúa Ki-tô không chỉ nói lên sự dấn thân tuyệt đối của một người cho chính nghĩa tôn giáo.  Nhưng như thánh Phao-lô diễn tả, Chúa Ki-tô tuy là thân phận ngang hàng với Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác phàm nhân, vâng lời và chết trên thập giá để hòa giải toàn thể nhân loại với Thiên Chúa.  Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su nói về cái chết của Người, về việc đổ máu ra để khởi đầu cho một Giao Ước mới để đem lại ơn tha thứ tội lỗi và đưa con người về lại với Thiên Chúa.  Thánh Mát-thêu hiểu rõ điều này.  Ngài mô tả sống động những gì xảy ra khi Chúa Giê-su tắt thở:  màn trong Đền Thờ xé ra làm đôi và người chết sống lại.  Nói khác đi, kể từ nay trở đi, không còn bức màn ngăn cách Thiên Chúa với con người nữa, và quyền lực của sự chết cũng không còn nữa.

          Vậy tất cả những gì xảy ra trong cuộc Thương khó không chỉ mang tính cách lịch sử, nhưng là những biểu lộ đích thực nói cho ta biết Thiên Chúa yêu ta đến mức độ nào.  Chúng cho ta biết Thiên Chúa, bằng bất cứ giá nào, không muốn con người bị hư đi, nhưng Người phải cứu vớt, dù phải hy sinh chính Con Một. 

          Tới đây, ta mới nhận ra cách sắp đặt tài tình của Phụng vụ Lời Chúa, với các bài Tin Mừng đã dẫn ta suy niệm về Chúa Giê-su qua những danh hiệu khác nhau:  Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu độ, Đấng Ki-tô, Con Người, và cuối cùng là Con Thiên Chúa.  Giáo Hội mời gọi dừng lại ở cuộc Thương khó của Con Thiên Chúa là muốn ta nhận biết tình yêu vô biên và vô điều kiện của Thiên Chúa đã ở tột đỉnh rồi.  Vì thế, ta không nên chỉ đứng ngoài như những tên lính “nhìn Đấng chúng đã đâm thâu qua”, nhưng là tìm đến tận trái tim của Chúa Giê-su, một trái tim bằng thịt của Thiên Chúa vô hình, để cảm nghiệm sâu xa được sứ điệp tình yêu của cuộc Thương khó và hết lòng đáp đền tình yêu của Đấng là Tình Yêu.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi đã có những tâm tình nào khi suy niệm cuộc Thương khó của Chúa Giê-su?

          Cuộc Thương khó là một thách đố cho mọi môn đệ Chúa Giê-su, liệu họ có dám tiếp tục gắn bó với Người khi hầu hết đã chống Người hoặc bỏ Người.  Vậy thách đố ấy có nghĩa gì đối với tôi?  Làm sao tôi ở với Chúa trong cuộc Thương khó của Người?  Nói khác đi, làm sao tôi kết hiệp đau khổ của tôi với cuộc Thương khó của Chúa?

          Cuộc Thương khó cũng là một thử thách cho sứ mệnh, của Chúa và của tôi.  Vậy sứ mệnh của tôi là gì?  Tôi có để cho cuộc Thương khó của Chúa củng cố sứ mệnh của tôi không?  giúp tôi trung thành với sứ mệnh không?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,

          xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

          Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,

          xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện

          với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

          Vì Chú bị kết án bất công,

          xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

          Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,

          xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

          Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,

          xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

          Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,

          xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

          Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,

          xin cho đất nối lại với trời,

          con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

          Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,

          xin cho chúng con biết đón lấy đời thường

          với tâm hồn thanh thản bình an.  A-men.”

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 64)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà