Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên
(16-1-2005)
Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa
bằng cách chịu «sát tế» để cứu chuộc nhân loại
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 49,3.5-6: (6) Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm
sáng tỏ đức công chính của Ta, (7) để
ngươi mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn
ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.
· 1 Cr 1,1-3: (3) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu
Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.
· TIN MỪNG: Ga 1,29-34
Lời chứng của Gioan
(29) Hôm
sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: «Đây là
Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. (30) Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng:
Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
(31) Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra
cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước». (32) Ông Gioan còn làm chứng: «Tôi đã
thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. (33) Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi
đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên
ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. (34) Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng
Thiên Chúa tuyển chọn».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Việc sát
tế chiên trong đạo Do Thái bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì? Sự việc ấy có liên
quan gì đến danh xưng «Chiên Thiên Chúa» mà Gioan Tẩy Giả dùng để giới
thiệu Đức Giêsu?
2. Việc Đức
Giêsu làm «chiên bị sát tế» trên thập giá cho ta bài học gì? Trong lễ toàn
thiêu thập giá này, có sự liên hệ gì giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và việc
yêu thương nhân loại không? Phải chăng Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách
chết cho nhân loại?
Suy tư gợi ý:
1. Chiên bị sát tế để hy sinh
đền tội thay cho con người
Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ
phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ
thời Abel, con trai thứ của Ađam: «Aben làm nghề chăn chiên» (St 4,2),
nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, «Aben dâng những con đầu
lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng» lên Ngài (St 4,4). Đến thời dân
Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế
một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x. Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà
trên đất nước Ai cập không có máu chiên trên khung cửa, đều bị chết đứa con
trai đầu lòng (x. Xh 12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung
cửa mà không bị như thế. Từ đó việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên
chết thay người. Về sau, theo sách Xuất hành (Xh 29,38-46) thì tại đền thờ,
các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng
sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho
dân. Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì
chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con
người phải chết: «Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn
sám hối và được sống» (Ed 18,23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên
để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Ngài chấp nhận cho con người lấy
chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để hy sinh chết thay cho con người
lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.
2. Đức Giêsu là «Chiên Thiên Chúa» bị sát tế để cứu nhân
loại
Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là
xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa,
Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những
con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy
trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế, nên ông giới thiệu Đức Giêsu cho
mọi người: «Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng
xoá tội trần gian». Sách Khải Huyền cũng dùng rất nhiều lần từ «Con
Chiên» để chỉ về Đức Giêsu.
Thánh Phaolô viết: «Nếu máu các con dê, con bò còn
thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô
càng hiệu lực hơn biết mấy» (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần
chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: «Chúng ta được thánh hoá
nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ» (Dt
10,10), vì Ngài là «Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết» (1Pr 1,19), nhất
là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng.
«Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben»
(Dt 12,24). «Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình
an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời» (Cl 1,20).
3. Cách thờ phượng mới của Đức
Giêsu đối với Thiên Chúa
Lễ toàn thiêu – mà chính Đức Giêsu là của lễ, là chiên bị
sát tế, đồng thời cũng chính là chủ tế, lấy thập giá làm bàn thờ – được thực
hiện để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa. Trong lễ toàn thiêu này, Ngài đã
chịu đau khổ tột cùng và bị giết để cứu chuộc nhân loại, để nhân loại «được
sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). Tất cả chỉ vì yêu thương con người đến
tận cùng của tình yêu (x. Ga 13,1). Trong lễ toàn thiêu này, Đức Giêsu đã thờ
phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính tình yêu hoàn toàn vị tha và vô bờ bến
của Ngài đối với nhân loại, được thể hiện cụ thể bằng cái chết thê thảm của
Ngài. Đó chính là cách thờ phượng mới của Ngài.
Ngài không thờ phượng Thiên Chúa bằng những lễ toàn thiêu,
trong đó chỉ có chiên bị giết chứ chủ tế hay người dâng lễ chẳng bị thiệt hại mảy
may. Ngài không tôn vinh Thiên Chúa bằng những lời ca tụng, đề cao Thiên Chúa
đến tận mây xanh, mà người tôn vinh chẳng phải mất mát điều gì. Ngài không thờ
phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng những thể thức vắng bóng tình yêu đối với
tha nhân. Trái lại, Ngài đã bầy tỏ lòng yêu mến của Ngài đối với Thiên Chúa
bằng chính tình yêu của Ngài đối với tha nhân. Yêu Thiên Chúa được thể hiện
thành yêu tha nhân. Nơi Ngài, yêu Thiên Chúa và thương tha nhân chỉ là một tình
yêu duy nhất, không độc lập hay tách biệt nhau. Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng
cách phục vụ và chết cho tha nhân. Đó là cách yêu mến, thờ phượng và tôn vinh
Thiên Chúa của Ngài.
Còn cách yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa của
chúng ta dường như độc lập và tách biệt hẳn với việc yêu mến, hy sinh và phục
vụ tha nhân. Chúng ta có thể yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa một
cách hết sức nhiệt tình, sốt sắng mà không hề nghĩ gì đến những những người
chung quanh chúng ta đang cần đến tình yêu, sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh của
chúng ta. Ai động chạm đến quyền lợi hay tự ái của ta là ta nổi xung lên và
quyết chí ăn thua đủ. Ai vượt trội hơn ta, nổi tiếng hơn ta, được mọi người đề
cao hơn ta thì ta bực bội và muốn tìm cách chê bai, hạ nhục người ấy. Ai túng
nghèo, khổ cực, bệnh tật, bị áp bức bất công thì ta coi chuyện ấy như không
liên can gì đến ta cả. Liệu yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa như thế
có giá trị gì trước mặt Ngài không?
Thiên Chúa đã trả lời cho chúng ta qua ngôn sứ Isaia: «Ngần
ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu,
mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! (…)
Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta
không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sabát, ngày đại hội, không chịu nổi
những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét
những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành
gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện,
Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm
nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt
bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy
tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh
cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1,11-17).
Chính Đức Giêsu cũng nói: «Ta muốn lòng nhân chứ đâu
cần lễ tế» (Mt 9,13; 12,7). Ngài đặt nặng tình yêu và sự hòa thuận đối với
tha nhân hơn cả việc dâng của lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa: «Nếu khi anh sắp
dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình
với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy
đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24).
Cách đây 2700 năm, ngôn sứ Isaia đã cảnh báo về kiểu thờ
phượng Thiên Chúa độc lập với tình yêu tha nhân; và cách đây 2000 năm, chính
Đức Giêsu cũng lập lại tinh thần ấy của Isaia. Nhưng tiếc thay, cho đến nay,
sau mấy ngàn năm, rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa học được bài học của
các ngài. Thật đáng tiếc! Trách nhiệm này thuộc về ai?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Đức Giêsu đã trở nên «con
chiên bị sát tế», đã chết cách thê thảm để cứu chuộc nhân loại cũng vì tha
thiết yêu thương nhân loại. Và sự hy sinh ấy chính là cách Ngài thờ phượng và
bày tỏ tình yêu đối với Cha. Xin cho con cũng biết thờ phượng và yêu mến Cha
theo cách thức ấy. Nếu không thể hy sinh một cách lớn lao cho tha nhân chung
quanh con thì hãy giúp con quảng đại hy sinh cho tha nhân trong những chuyện
nhỏ nhặt và cụ thể của đời sống, đó là cách biểu lộ tình yêu đối với Cha mà Cha
yêu thích nhất.
Joan Nguyễn Chính Kết