Chúa Nhật thứ 11 Thường Niên

 (12-6-2005)

Lý tưởng tông đồ trong Giáo Hội

ĐỌC LỜI CHÚA

·   Xh 19, 2-6a: (5) Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa các dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. (6) Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.

·   Rm 5, 6-11: (7) Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. (8) Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

 

·   TIN MỪNG: Mt 9, 36–10, 8

Đức Giêsu sai mười hai Tông Đồ đi giảng

(36) Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. (37) Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: «Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. (38) Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về».

(1) Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (2) Sau đây tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu ông Simôn, cũng gọi Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó ông Giacôbê con ông Dêbêđê ông Gioan, em của ông; (3) ông Philípphê ông Batôlômêô; ông Tôma ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê ông Tađêô; (4) ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, ông Giuđa Ítcariốt, chính kẻ nộp Người. (5) Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi chỉ thị rằng:

«Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. (6) Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. (7) Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. (8) Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy».

CHIA SẺ


Câu hỏi gợi ý:

1.   Tông đồ là gì? Trong Giáo Hội, ai là tông đồ của Chúa: chỉ có các linh mục? hay cả giáo dân nữa? Mọi giáo dân, mọi linh mục đều là tông đồ cả sao? Nếu thế thì Giáo Hội đâu có thiếu tông đồ? Vậy tông đồ là những ai?

2.   Trong Giáo Hội, có mấy con đường để thực hiện lý tưởng tông đồ? Con đường nào hữu hiệu nhất? Những con đường khác thì sao?

3.   Điều cốt yếu để là một tông đồ đích thực của Đức Giêsu là gì? là chức thánh? là phép rửa? là lý tưởng tông đồ và lòng nhiệt thành với lý tưởng ấy?

Suy tư gợi ý:

1.   Tông đồ là gì?

Các môn đệ của Đức Giêsu là những người được Ngài tuyển chọn và mời gọi theo Ngài. Và khi các ông vâng lệnh Ngài đi loan báo Tin Mừng về Nước Trời cho muôn dân, thì các ông trở thành những tông đồ của Ngài. Vậy, tông đồ là những người được Đức Giêsu mời gọi theo Ngài để tiếp nối việc loan báo Tin Mừng và công trình cứu rỗi của Ngài. Hiện nay, Đức Giêsu không còn ở trần gian một cách hữu hình để kêu gọi ai làm môn đệ Ngài như xưa. Nhưng Ngài vẫn tiếp tục tuyển chọn nhiều người làm môn đệ Ngài và mời gọi họ bằng tiếng nói từ trong tâm hồn họ.

Những người nghe được lời của Ngài từ bên trong mời gọi họ làm tông đồ của Ngài, là những người đã thật sự cảm thấy hạnh phúc và được tràn đầy sức mạnh của Thiên Chúa vì biết được Tin Mừng của Ngài và sống theo Tin Mừng ấy. Thấy mình thật hạnh phúc trong khi biết bao người chung quanh mình đang sống cảnh «lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt» thì «chạnh lòng thương». Tình thương đòi buộc họ phải làm một cái gì cho họ, phải làm sao để họ cũng được hạnh phúc như mình. Mình được hạnh phúc vì biết Thiên Chúa và vì đã sống theo lời Ngài, nên mình cũng phải làm sao để họ biết Thiên Chúa và sống theo lời Ngài như mình, để họ cũng được hạnh phúc. Khi họ nghĩ được như vậy, thì lập tức họ cảm thấy tiếng Chúa thối thúc từ bên trong, mời gọi họ làm tông đồ cho Ngài. Thật buồn cười nếu có ai chưa hề cảm thấy hạnh phúc và nhận được sức mạnh từ Tin Mừng mà lại muốn làm cho người khác cảm nghiệm được hạnh phúc và sức mạnh đó.

Làm tông đồ là ơn gọi và là bổn phận của tất cả mọi Kitô hữu chứ không phải là ơn gọi của riêng ai (x. GLCG, 863, 900). Và để thực hiện ơn gọi hay lý tưởng tông đồ ấy, mỗi Kitô hữu có thể chọn một trong ba con đường – thường gọi là ba bậc sống – trong Giáo Hội:

– vẫn tiếp tục làm một Kitô hữu bình thường, thường được gọi là giáo dân: đây là con đường của hầu hết các Kitô hữu trong Giáo Hội.

– làm tu sĩ: đây là con đường của những người muốn hiến cả cuộc đời cho Thiên Chúa để phụng sự Ngài theo một linh đạo đặc biệt trong Giáo Hội (mỗi dòng tu có một đường hướng nên thánh và phương cách làm tông đồ riêng biệt).

– làm giáo sĩ: đây là con đường của những người muốn làm tông đồ chuyên nghiệp và chính thức trong Giáo Hội, được Giáo Hội nâng đỡ và tạo những điều kiện đặc biệt để làm tông đồ. Trong Giáo Hội,  giáo sĩ gồm những người có chức thánh như phó tế, linh mục, giám mục.

Đó là ba con đường mà một Kitô hữu có thể chọn để thực hiện lý tưởng tông đồ của mình. Điều tiên quyết và quan trọng nhất là có lý tưởng tông đồ hay không, rồi mới tới việc chọn con đường nào thích hợp nhất với mình để thực hiện lý tưởng ấy. Ba con đường ấy chỉ là những phương tiện để thực hiện lý tưởng tông đồ mà thôi, và người ta vẫn có thể dùng những phương tiện ấy vào những mục đích khác chứ không chỉ để làm tông đồ. Vì thế, nếu không có lý tưởng tông đồ thì dù có làm tu sĩ hay giáo sĩ, cũng chẳng phải là tông đồ đích thực. Do đó có những giáo dân, có những tu sĩ hay linh mục không phải là tông đồ vì không có lý tưởng tông đồ.

2. Làm linh mục hay tu sĩ là một phương tiện rất tốt để thực hiện lý tưởng tông đồ

Trong ba con đường kể trên, thì con đường giáo sĩ và tu sĩ là những con đường hữu hiệu nhất để thực hiện lý tưởng tông đồ. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu quan niệm những con đường hay phương tiện này như những lý tưởng trong cuộc đời. Chẳng hạn, trong các chủng viện hiện nay, nhiều chủng sinh vẫn coi linh mục như là lý tưởng cuộc đời họ: «lý tưởng linh mục». Còn làm tông đồ chỉ là một trong những bổn phận hay chức năng chính yếu nhất của lý tưởng này. Vì thế, khi một chủng sinh không còn theo đuổi «lý tưởng linh mục» nữa, thì tất nhiên họ không còn quan tâm gì tới việc làm tông đồ nữa. Quan niệm này quả là «đặt cái cày trước con trâu».

Đúng ra, nên hiểu rằng: vì muốn làm tông đồ, nên mới làm linh mục. Chứ không phải là: vì làm linh mục nên có bổn phận làm tông đồ. Từ quan niệm «đặt cày trước trâu» ấy dẫn đến quan niệm: nếu không làm linh mục thì không có bổn phận làm tông đồ. Điều này trái với giáo lý của Hội Thánh: tất cả mọi Kitô hữu đều có ơn gọi và bổn phận làm tông đồ: «Tất cả các phần tử của Hội Thánh mỗi người một cách đều được sai đi. “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm “làm cho Nước Đức Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu” được gọi là “việc tông đồ”» (GLCG, 863); «Mọi tín hữu được Thiên Chúa trao nhiệm vụ tông đồ qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức» (GLCG, 900).

Vì thế, thiết tưởng các chủng viện cần phải chủ yếu đào tạo nên các tông đồ chứ không phải chỉ đào tạo nên các linh mục. Một chủng sinh nếu thật sự có lý tưởng tông đồ, thì khi không còn theo con đường linh mục nữa, sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng tông đồ trong một con đường khác. Lý tưởng tông đồ phải là một lý tưởng mà người Kitô hữu theo đuổi suốt cả cuộc đời, chứ không chỉ theo khi làm linh mục. Nhiều chủng sinh hoặc linh mục khi xuất tu đã trở nên lãnh đạm hoàn toàn với công việc tông đồ. Điều đó cho thấy: có nhiều chủng sinh khi nhập chủng viện đã không hề có lý tưởng tông đồ (nghĩa là họ vào chủng viện vì một động lực khác). Và nền giáo dục chủng viện đã không khơi dậy được lý tưởng tông đồ trong lòng họ suốt thời gian họ được đào tạo. Những người này mà làm linh mục thì không thể là những tông đồ đích thực được. Việc tông đồ khi ấy chỉ là một chức năng hay bổn phận của họ, chứ không phải là lý tưởng cuộc đời họ. Một số chủng viện hiện nay dường như chỉ chú trọng giúp các chủng sinh có những kiến thức, những khả năng hay đức tính cần thiết để thi hành chức năng của linh mục, hơn là đào tạo và củng cố lý tưởng hay tinh thần tông đồ. Như vậy là chỉ chăm lo cái ngọn hơn là cái gốc.

3.   Tông đồ đích thực của Đức Giêsu

Thánh Phaolô viết: «Người Do Thái chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài. Nhưng người Do Thái chính hiệu là người Do Thái tận đáy lòng» (Rm 2,28-29). Cũng vậy, người tông đồ chính hiệu không căn cứ trên những gì thấy được ở bên ngoài, mà là tông đồ từ trong đáy lòng. Chính lý tưởng tông đồ mà các Kitô hữu theo đuổi suốt cuộc đời mình và lòng nhiệt thành với lý tưởng ấy mới là lời đáp trả đích thực cho ơn gọi tông đồ mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và thêm sức. Chính lý tưởng và lòng nhiệt thành ấy mới làm cho họ thành những tông đồ đích thực của Đức Giêsu, cho dù họ là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Thiếu lý tưởng và lòng nhiệt thành này thì không thể là tông đồ đích thực được. Chính lý tưởng và lòng nhiệt thành này nơi các tông đồ sẽ hấp dẫn mọi người, mọi dân tộc sống tinh thần Tin Mừng, nhờ đó Nước Thiên Chúa mới được thực hiện trên trần gian. Câu «Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về» (Mt 9,37-38) của Đức Giêsu là một lời mời gọi giúp ta ý thức được sự cần thiết của những tông đồ đích thực và cho thấy tình trạng thiếu tông đồ ở trần gian hiện nay. Là Kitô hữu đích thực, chúng ta không thể vô tình hay lãnh đạm với lời mời gọi cũng là nhu cầu khẩn thiết ấy.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, trước một nhân loại đầy những con người đau khổ vì sống thiếu tình thương, lời Đức Giêsu quả rất đúng: «Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về». Cha chính là «chủ mùa gặt», xin Cha hãy sai phái những sứ giả đích thật của tình thương đến với nhân loại, để tiếp nối công việc của Đức Giêsu. Hầu biến từng tâm hồn, từng gia đình, từng họ đạo, từng khu phố… và cả Giáo Hội, cả thế giới thành những môi trường chan hòa tình thương, đầy tinh thần công bằng và lòng chân thật, nghĩa là thành Nước Trời ở trần gian. Amen.

 

Joan Nguyễn Chính Kết

 


 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà