CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 16, 13 – 23
PHÊRÔ TUYÊN TÍN và NHẬN QUYỀN LÃNH ĐẠO ( Mt 16, 13 –20 )
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, ta vẫn thấy có sự xuyên suốt từ đầu chí
cuối. Có những chuyện xem ra dí dỏm, có những chuyện nực cười và có những chuyện
thương tâm chảy nước mắt. Một Phêrô tuyên tín ra vẻ oanh liệt, nhưng lại một
Phêrô yếu mềm, chối Chúa. Tuy nhiên, Phêrô dạn dĩ, Phêrô yếu đuối, Chúa vẫn
thương Phêrô vì Ông thành thật, dân dã, biết ăn năn sám hối. Phêrô quả thực đã
được Chúa chọn làm đầu Giáo Hội tiên khởi…
LỜI TUYÊN TÍN CỦA PHÊRÔ:
Các môn đệ đã theo chân Chúa Giêsu, đã học hỏi nơi Đức Kitô, đã tìm hiểu Người.
Hôm nay, Chúa Giêsu muốn biết các đệ tử của Người nghĩ gì về Người. Bởi vì, có
rất nhiều dư luận bàn tán xôn xao về Chúa Giêsu.
Kẻ cho Người là Élia, người cho là Giêrêmia hay một ngôn sứ nào
khác…Nếu các môn đệ cũng chỉ nghĩ như dư luận đã nói về Người thì thật uổng
công Chúa Giêsu đã dậy, đã huấn luyện các môn đệ. Chúa Giêsu nhấn mạnh:” Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” ( Mt 16, 15 ).
Vẫn là con người bộc trực, nhanh nhảu và nông dân, Phêrô thay mặt các
bạn thưa với Chúa Giêsu:” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.(Mt 16,
16 ).
Phêrô đã trả lời hoàn toàn khác với các dư luận đã nghĩ về Người. Phêrô
nhận ra dưới nhân tính của Chúa Giêsu, Đấng Messia của Israen, Vua của Nước
Trời mà Cựu Ước đã loan báo. Việc tuyên tín của Phêrô khiến Chúa Giêsu nhận ra
ngay 12 môn đệ là nhóm còn lại mà các ngôn sứ đã loan báo và như thế, Người
thiết lập Giáo Hội tiên khởi mà chính Phêrô là vị Giáo Hoàng đầu tiên, cai quản
Hội Thánh hoàn vũ. Giáo Hội sơ khai, với tác động của Chúa Thánh Thần quả thực
đã nhận ra rằng họ thuộc về Giáo Hội tông truyền của Đức Kitô, họ khám phá ra
chủ đích thâm sâu của Đức Kitô và qua câu tuyên xưng của Phêrô Chúa muốn thiết
lập Giáo Hội.
GIÁO HỘI THUỘC VỀ ĐỨC KITÔ: Khi tuyên xưng công khai với
đầy lòng tin, với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, Phêrô nhận được ơn huệ của
Chúa. Lời tuyên tín của Phêrô do Chúa Cha mạc khải chứ không phải phàm nhân:”
Này anh Phêrô con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm
nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” ( Mt
16, 17 ). Chúa xây dựng Giáo Hội của Người trên nền tảng Phêrô và các môn đệ
khác. Giáo Hội do đó không phải thuộc về Phêrô mà là thuộc về Đức Kitô vì chính
Người đã qui tụ, điều khiển, xây dựng Giáo Hội. Tuy nhiên, Phêrô là nền đá tảng
và Chúa ban cho Phêrô quyền cầm buộc. Trong cuộc lữ hành trần thế, Hội Thánh
gồm những vị thánh, nhưng cũng có những con người tội lỗi. Chính Phêrô được
Chúa ủy thác sứ vụ phân biệt kẻ lành người dữ…
CON NGƯỜI KHÔNG THỂ ĐẾN VỚI CHÚA MÀ KHÔNG
NGANG QUA GIÁO HỘI: Chúa Giêsu đã chẳng nói với
Phêrô:” Thầy sẽ trao cho Anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, Anh cầm buộc điều
gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, Anh tháo cởi điều gì, trên
trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” ( Mt 16, 19 ). Rõ ràng, con người không thể tự
mình tới với Đức Kitô mà không qua Giáo Hội vì Giáo Hội vừa là một tổ chức xã
hội, vừa siêu nhiên. Chính vì thế, họ phải ngang qua Hội Thánh. Bởi vì nếu đơn
độc, trực tiếp đến với Chúa, con người dễ vẽ ra một Chúa theo kiểu của mình, dễ
tưởng tượng ra một Chúa hoàn toàn theo trí loài người chứ không phải Đức Kitô
đã tự mac khải chính mình. Giáo Hội được Chúa Giêsu xây dựng là để giúp con
người khám phá ra bộ mặt thật của Đức Kitô mạc khải, phát hiện ra những hành
động, những việc làm của chính Đức Kitô trong ta và trong thế giới con người.
Giáo Hội dù có lúc đan xen bóng tối và ánh sáng, nhưng Giáo Hội vẫn là Giáo Hội
công giáo, thánh thiện, duy nhất và tông truyền. Giáo Hội sẽ luôn vững mạnh vì
luôn có Chúa ở cùng. Do đó, Giáo Hội sẽ là con đường giúp đưa con người đạt tới
Nước Trời.
THEO GIÁO HỘI, THEO CHÚA LÀ VÁC THẬP GIÁ :
Chúa Giêsu đã loan báo cái chết và phục sinh của Ngài. Chúa mời gọi các môn đệ
hãy vác thập giá của mình mà theo Ngài. Theo Chúa Giêsu là lời mời gọi khẩn
thiết của Hội Thánh. Người Kitô hữu chỉ có thể được hạnh phúc, được tồn tại khi
họ bám chặt vào Đức Kitô, Người là Tin Mừng duy nhất của con người, Người là
nguồn mạch sự sống của con người. Thập giá luôn là thách đố cho con người.
Người ta muôn thời đã vẽ ra những mẫu thập giá theo ý của họ, nhưng chỉ có một
thập giá: thập giá của Đức Kitô nghĩa là cái chết và phục sinh của Đấng đã hoàn
toàn tự nguyện theo ý Chúa Cha để cứu rỗi con người.” Tôi sống nhưng không phải
tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, thánh Phaolô đã nói như vậy, và Ngài
đã sống như vậy. Thánh Phaolô cũng đã từng viết:” Tôi cần phải bổ khuyết những
gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”. Thánh Phaolô và thánh Phêrô
đã sống trọn vẹn ý nghĩa của cuộc nạn ấy. Các Ngài cũng đang mời gọi chúng ta
sống sự sống, cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô.
Xin Chúa ban cho chúng ta kiên vững để luôn tuyên xưng lòng tin của
chúng ta bất cứ trong trạng huống nào.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
1. Tại sao có kẻ lại nghĩ
Chúa Giêsu là Elia, là Giêrêmia hay một ngôn sứ nào khác ?
2. Tại sao Phêrô lại nói Chúa
Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống ?
3. Lời tuyên tín của Phêrô
đặt Phêrô lên tầm vóc nào ?
4. Tại sao Phêrô lại là Đá ?
5. Quyền cầm giữ chìa khóa
Nước Trời do ai ban ?
Linh mục Giuse Maria Nguyễn
Hưng Lợi DCCT