Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên

(25-9-2005)

Điều quan trọng là xác định được thánh ý Chúa là gì và thực hiện thánh ý Ngài

ĐỌC LỜI CHÚA

·   Ed 18,25-28: (25) Hỡi nhà Ítraen, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?

·   Pl 2,1-11: (3) Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. (4) Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.

 

·   TIN MỪNG: Mt 21,28-32

Dụ ngôn hai người con

 (28) Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: «Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho». (29) Nó đáp: «Con không muốn đâu!» Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. (30) Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: «Thưa ngài, con đây!» nhưng rồi lại không đi. (31) Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?» Họ trả lời: «Người thứ nhất». Đức Giêsu nói với họ: «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. (32) Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:


1.   Giữa người nói thật hay về Chúa, khấn hứa thật nhiều điều tốt đẹp, và người sống đúng thánh ý Ngài, ai mới là người làm đẹp lòng Ngài?

2.   Thời Đức Giêsu, có ai dám đánh giá bọn thu thuế và đĩ điếm cao hơn các tư tế, luật sĩ và Pharisêu không? Tại sao Ngài lại đánh giá ngược đời như vậy? Nếu Ngài sống ở thời đại này, Ngài đánh giá thế nào? Có khác với cách đánh giá của mọi người không? Ngài đánh giá theo tiêu chuẩn nào vậy?

3.   Qua dụ ngôn hai người con và cách đánh giá của Đức Giêsu, ta thấy tiêu chuẩn để đánh giá của Ngài là gì?

Suy tư gợi ý:

1.   Bối cảnh bài Tin Mừng

Dụ ngôn hai người con của bài Tin Mừng hôm nay là câu trả lời của Đức Giêsu cho các tư tế và kỳ mục trong dân khi họ đến hỏi Ngài: «Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?» (Mt 21,23). Sở dĩ họ hỏi Ngài như vậy vì Ngài vừa mới «đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu» (Mt 21,12). Họ hạch hỏi Ngài vì họ thấy quyền bính và quyền lợi của họ bị va chạm. Chính họ cho phép hay chấp thuận cho người ta buôn bán thú vật cúng tế trong đền thờ, vì dân càng cúng tế nhiều con vật vào đền thờ thì họ càng có lợi. Thế mà Đức Giêsu lại dám ngang nhiên dẹp bỏ, không phải chỉ kêu gọi dẹp bỏ, mà Ngài dùng bạo lực buộc những người buôn bán trong đền thờ phải dẹp bỏ. Vì thế, họ phải bảo vệ quyền bính và quyền lợi của họ. Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp câu hỏi đó, mà đưa ra dụ ngôn hai người con để cảnh tỉnh họ.

Ngài muốn ám chỉ dân chúng, cách riêng những người thu thuế và gái điếm là những người bị các tư tế và luật sĩ cho là tội lỗi, giống như người con thứ nhất: tuy nói rằng không làm vườn nho cho cha, nhưng cuối cùng lại hối hận và đi làm. Vì những người này tuy mang danh là tội lỗi, nhưng khi Gioan Tẩy Giả và Ngài đến, thì họ đã ăn năn sám hối và sống theo lời hai Ngài dạy, là lời diễn đạt thánh ý của Thiên Chúa.

Và Ngài ám chỉ chính họ giới lãnh đạo tôn giáo, giới giảng dạy đạo lý cho dân chúng – giống như người con thứ hai: tuy nói rằng sẽ đi làm vườn nho cho cha, nhưng cuối cùng lại chẳng làm gì cả. Vì họ, tuy mang danh là đạo đức, nhưng khi Gioan Tẩy Giả và Ngài là người của Thiên Chúa đến, họ đã không thèm nghe và làm theo. Trái lại họ còn mưu hại và giết cả hai Ngài nữa. Đức Giêsu còn dùng dụ ngôn các tá điền sát nhân (Mt 21,33-44) để ám chỉ họ.

Ngài nói: dù tin, nghe, rao giảng hay dạy người khác lời của Ngài, nhưng nếu không đem lời ấy ra thực hành, không sống lời của Ngài, thì chẳng lợi ích gì. Ngài đã từng nói: «Ai nghe lời Thầy nói mà chẳng đem ra thực hành, thì ví như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ tan tành» (Mt 7,26-27). Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi ý Thiên Chúa: «Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời thôi» (Mt 7,21). Vì thế, Ngài nói với họ: «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31)

2.   Điều quan trọng là sống đúng thánh ý Thiên Chúa

Qua bài dụ ngôn hai người con của Đức Giêsu, ta thấy vấn đề quan trọng không phải là nói cho hợp, cho đúng ý Thiên Chúa (như người con thứ hai nói mà không làm), mà là thực hành ý của Ngài (như người con thứ nhất không nói mà làm).

Trong cộng đồng Kitô hữu, có những người nói về Thiên Chúa và thánh ý của Ngài rất tuyệt vời, nhưng chính bản thân họ thì chẳng sống điều họ nói. Có những người khấn hứa với Thiên Chúa nhiều điều tốt đẹp một cách rất long trọng, nhưng trong thực tế họ chẳng thực hành những điều đã khấn hứa ấy. Cũng có những người mang danh theo Chúa, được cả Giáo Hội công nhận là những người chính thức theo Chúa, nhưng đời sống thực tế của họ lại chứng tỏ rằng họ chẳng theo Chúa chút nào. Họ đối xử với mọi người ngay cả với nhau thiếu tình thiếu nghĩa, cách hành xử của họ chứng tỏ lòng họ cũng đầy tham sân si như những người tội lỗi, nhưng lại được ngụy trang khéo léo bằng cái vỏ bên ngoài thật hào nhoáng… Vì cái vỏ hào nhoáng bên ngoài ấy, họ lầm tưởng họ đã là người thánh thiện, rất đẹp lòng Thiên Chúa. Họ tự xếp mình vào thành phần ưu tú trong cộng đồng. Một cách vô tình hay cố ý, họ tự dối mình, dối mọi người, và dối cả Thiên Chúa!

Trái lại, có những người chẳng có danh phận gì trong cộng đồng, chính họ cũng tự đánh giá mình thuộc thành phần thấp kém, vì họ hiểu biết rất ít, chẳng biết nói gì nhiều về Thiên Chúa, về thánh ý của Ngài. Tuy nhiên họ vẫn cố gắng sống những gì họ nghe biết về đạo lý, về Thiên Chúa. Cụ thể nhất là họ biết đùm bọc nhau, sống có tình có nghĩa với nhau, với mọi người, biết hy sinh và chấp nhận đau khổ vì người khác, không coi «cái tôi» của mình quá quan trọng.

Qua dụ ngôn về hai người con này, ta thấy giữa hai hạng người trên, Thiên Chúa vẫn đánh giá hạng người sau cao hơn, và họ là đối tượng ưu tiên của Nước Trời hơn hạng người trước. Vì thế, Đức Giêsu tiên báo về ngày sau cùng: «Kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót» (Lc 13,30). Do đó ta cần phải cảnh giác, vì cách đánh giá của Thiên Chúa rất khác với cách đánh giá của chúng ta. Người thời Đức Giêsu, có ai dám nghĩ rằng Thiên Chúa lại đánh giá những người thu thuế và gái điếm thời ấy cao hơn cả những tư tế, luật sĩ và người Pharisêu, thuộc hàng vị vọng trong tôn giáo thời ấy không? «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31)

3. Bài học cho chúng ta trong việc sống đạo

Thông thường, chúng ta có thói quen đánh giá và xếp hạng giữa mình và người khác, giữa người này với người kia. Ta tự cho mình là hơn người này, kém người kia. Tiêu chuẩn mà ta dựa vào để đánh giá hơn kém nhiều khi rất chủ quan, hoặc theo cách đánh giá thông thường của con người, hoặc dựa vào chức vụ cao thấp trong Giáo Hội. Cũng có khi ta dựa vào cách đánh giá của dư luận, của đa số: ta hay ai đó được mọi người ca tụng, lập tức ta tưởng rằng mình hay người ấy là đúng nhất, tốt nhất. Thế là ta bắt đầu tự tôn khi được mọi người ca tụng. Hoặc bắt đầu tự ty và ganh tỵ khi người khác được đánh giá cao hơn mình. Nhưng dù tự ty hay tự tôn, ta đều chỉ quy về «cái tôi» của mình. Cả hai thái độ ấy đều do tính kiêu ngạo.

Thật ra, cách đánh giá của Thiên Chúa rất khác với cách đánh giá của ta hay của trần gian. Tốt nhất là ta đừng tự đánh giá mình hay đánh giá người khác, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng xét đoán đúng theo tiêu chuẩn của Ngài mà thôi (x. Gc 4,12; Rm 14,4). Nếu cần phải xét đoán, ta nên theo lời thánh Phaolô khuyên trong bài đọc II: «Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình» (Pl 2,3).

Điều quan trọng không phải là xét đoán ai hơn ai, mà là sống làm sao cho đúng với ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, thay vì xét đoán, so sánh, ta hãy tự xét xem: mình đã coi việc sống theo ý muốn của Thiên Chúa là quan trọng nhất trong việc sống đạo chưa? Kế đến là xét xem: ta đã xác định được ý muốn của Thiên Chúa đối với mình là gì chưa? Và cuối cùng là xét xem: mình đã thật sự sống đúng theo ý của Ngài chưa? Đó là điều quan trọng nhất trong việc sống đạo, nhưng rất nhiều khi ta coi nhẹ. Ta thường sống theo truyền thống người đời (x. Mt 15,3), theo ý riêng mình mà ta tưởng là ý Chúa, theo một số thói quen mà ta vẫn tưởng là tốt lành.

Thiết tưởng người quan tâm sống theo ý của Thiên Chúa cần phải xác định được thánh ý của Thiên Chúa là gì. Thiên Chúa là tình yêu, nên thánh ý của Ngài đối với ta là làm sao để đời sống của ta phản ảnh được bản tính yêu thương của Thiên Chúa, để chính ta trở thành hiện thân của tình yêu Thiên Chúa giữa xã hội, giữa những người đang sống chung quanh ta. Tất cả những thứ khác – nghi thức, bí tích, lề luật, cầu nguyện, v.v… – đều chỉ là phương tiện giúp ta thực hiện mục đích ấy. Nếu những phương tiện ấy không giúp ta đạt được mục đích ấy thì chúng đã trở nên vô dụng đối với ta. Rất nhiều khi ta chỉ lo thực hiện những phương tiện ấy mà quên hẳn mục đích của chúng. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi ta ý thức lại vấn đề.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, trong đời sống đạo của con, nhiều khi con chưa xác định được điều cốt yếu nhất là phải thực hiện thánh ý của Cha, và cũng chẳng quan tâm tìm hiểu xem thánh ý của Cha cốt yếu nhất là gì. Vì thế, con cứ lo thực hiện những điều phụ thuộc mà con tưởng là cần thiết nhất. Còn điều cần thiết nhất là thể hiện tình yêu của Chúa đối với những người chung quanh con thì con lại cho là việc phụ thuộc. Xin giúp con ý thức và xác định lại vấn đề để sống đúng với thánh ý của Cha.       (JK)


 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà