CHÚA NHẬT 26 QUANH NĂM

(Mát-thêu 21: 28-32)

 

          Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước về dụ ngôn thợ làm vườn nho đã cho ta có dịp suy niệm về lời mời gọi “Hãy đi vào vườn nho”, tức là được gia nhập vào Giáo Hội Chúa Ki-tô và được lãnh nhận phần thưởng dành cho con cái Thiên Chúa.  Dụ ngôn hai người con trong bài Tin Mừng hôm nay dường như để tiếp tục hoặc để giải thích thêm dụ ngôn trước.  Đi vào vườn nho của Chúa đã thay đổi căn tính của ta:  ta không còn là thợ làm vườn nho nữa, nhưng được trở nên con cái của Gia chủ.  Mà nếu ta là con cái của Gia chủ thì Ngài sẽ là Cha và ta sẽ thi hành tất cả những gì Cha muốn.  Có lẽ đó là lý do tại sao Phụng vụ Lời Chúa chọn câu truyện dụ ngôn hai người con để nói lên điều ta phải làm cho xứng phận làm con.  Vậy Thiên Chúa muốn ta phải làm gì?

 

a)  Thiên Chúa sai ông Gio-an đến chỉ cho ta biết đường công chính là Chúa Giê-su

 

          Trước hết Chúa Giê-su kể một dụ ngôn, đơn thuần là một câu truyện thôi.  Một người kia có hai người con.  Khi người cha sai các con mình đi làm vườn nho, ông nói:  “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”.  Lời ấy không cho ta biết họ phải làm gì trong vườn nho.  Công việc trong vườn nho là làm cỏ, cắt tỉa, bón phân, hái nho...  Tuy nhiên những điều ấy không quan trọng.  Điểm dụ ngôn muốn nói cho ta biết không phải là công việc, nhưng là những người lãnh công việc ấy có làm hay không.

          Hai người con biểu tượng cho hai hạng người.  Người con thứ nhất tuy lúc đầu không muốn đi làm, nhưng sau đó hối hận nên đổi ý và đi làm.  Người con thứ hai lúc đầu ra vẻ ngoan ngoãn hứa đi làm, nhưng sau đó lại không đi.  Kể dụ ngôn đến đây, Chúa Giê-su muốn thính giả đi tới một kết luận trước khi Người áp dụng dụ ngôn vào hoàn cảnh sống:  người con nào đã thi hành ý muốn của người cha?  Sau khi thính giả đồng ý với Chúa Giê-su rằng người con thứ nhất đã thi hành ý muốn của người cha và người con thứ hai thì không, Chúa Giê-su mới đưa họ sang một câu truyện có thực.

          Câu truyện có thực này như sau.  Thiên Chúa đã sai ông Gio-an Tẩy giả đến để kêu gọi dân Người hãy tin vào Đức Ki-tô là đường công chính.  Sứ mệnh của Gio-an là rao giảng về Đấng Cứu Thế sẽ đến.  Ông nói:  “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối.  Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người.  Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.  Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân:  thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3:11-12).  Ý muốn của người cha, ý muốn của Thiên Chúa là ta phải tin vào Đức Ki-tô. Ông Gio-an đã rao giảng về ý muốn ấy và kêu gọi ta hãy tiếp nhận Đức Ki-tô là Đấng làm cho ta được nên công chính.

          Đáp lại lời giảng của Gio-an Tẩy giả, những người thu thuế và những gái điếm là những kẻ tuy bị liệt vào hạng tội lỗi nhưng lại biết mở lòng tin và đón nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ.  Họ giống như người con thứ nhất, biết hối hận và trở về thi hành thánh ý Thiên Chúa.  Trong khi đó, những người Pha-ri-sêu và kinh sư thì vỗ ngực xưng mình là thánh thiện, nhưng lại không muốn chấp hành thánh ý Thiên Chúa, mặc kệ những lời cảnh cáo nghiêm túc của Gio-an Tẩy giả (Mt 3:7-10).

 

b)  “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”

         

Câu truyện hai người con chưa dừng lại ở đây, nhưng đưa ta đến một điểm chủ yếu là cần phải biết hối hận.  Người con thứ nhất lúc đầu cãi lời cha, nhưng sau đó anh ta biết hối hận.  Những người Pha-ri-sêu và kinh sư dù đã được ông Gio-an chỉ đường công chính và mời gọi hãy thay đổi, nhưng “họ vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.

Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, lời đầu tiên của Chúa Giê-su là:  “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17).  Nước Trời được thể hiện hoàn toàn nơi con người Chúa Giê-su, cho nên tiếp nhận Nước Trời là tiếp nhận chính Chúa Giê-su.  Nhưng làm sao tiếp nhận Chúa Giê-su nếu người ta không thay đổi?  Chúa Giê-su đã đưa ra một hình ảnh cụ thể để nói lên điều kiện người ta có thể thuộc về Nước Trời, đó là phải trở nên như trẻ nhỏ.  Trở nên như trẻ nhỏ có nghĩa là thay đổi hoàn toàn lối sống để sẵn sàng đón nhận lối sống mới theo Tin Mừng Chúa Ki-tô.

Nhiều gương sám hối và tin vào Chúa Ki-tô đã được kể lại trong sách Tin Mừng.  Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ (Lc 7:36-50), ông Da-kêu trưởng ban thu thuế tại Giê-ri-khô (Lc 19:1-10) là những người cho ta thấy phải sám hối thế nào.  Người phụ nữ được tha thứ thì sẽ yêu mến nhiều hơn.  Ông Da-kêu thay đổi con người mình bằng một con người mới đầy lòng quảng đại.  Cả hai người đã đánh đổi những gì mình có để chiếm được Đức Ki-tô.  Cuộc thay đổi ấy dĩ nhiên không thể hoàn tất một sáng một chiều, nhưng là một tiến trình Ki-tô hóa trong suốt cuộc sống.  Mỗi ngày một chút, lối sống của ta sẽ rập theo khuôn mẫu lối sống của Chúa Ki-tô hơn.

 

c)  Tránh não trạng thờ Chúa bằng môi miệng

 

          Tác phong của người con thứ hai cũng dạy ta một bài học thực tế:  nói mà không làm.  Một khi ta đã chấp nhận tin theo Chúa Giê-su và làm môn đệ Người, ta phải là môn đệ chân chính.  Đó cũng là ý muốn của Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã một lần cho ta thấy thế nào là môn đệ chân chính.  Người nói:  “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy:  ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu!  Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21).

          Cũng như chiếc áo không làm nên thầy tu, lời nói suông không thể làm ta thành môn đệ chân chính của Chúa.  Chỉ có việc làm mới thực sự biểu lộ con người của ta như thế nào.  Việc làm của ta sẽ nói lên những đặc tính Ki-tô nếu ta thực sự thấm nhuần lối sống của Chúa Ki-tô.  Chẳng vậy mà có lần Chúa đã quả quyết:  “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).  Hành động yêu thương nhau của ta là bằng chứng cụ thể đã biểu lộ đặc nét Ki-tô nơi ta, đến độ người ngoài đều có thể nhận ra ta thuộc về Đức Ki-tô.  Biết bao Ki-tô hữu chỉ có cái nhãn hiệu thôi, chứ thực chất con người họ không có một chút gì là Ki-tô cả.  Nhận xét này ta đã gặp đi gặp lại nhiều lần rồi, nhưng có lẽ ta không muốn nhận là mình cũng ở trong số người đó.  Hình ảnh người con thứ hai trong dụ ngôn chính là hình ảnh của ta đấy.

 

e)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi thường giống như người con thứ nhất (biết hối hận) hay như người con thứ hai (nói mà không làm)?  Tôi có thể nhận xét những thái độ ấy trong những điều cụ thể nào khi sống làm Ki-tô hữu?

          Vâng lời (Chúa, Giáo Hội, người trên...) thực sự có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi gặp khó khăn nào trong việc vâng lời?

          Ý muốn của Thiên Chúa là tôi phải tin vào Chúa Giê-su và làm môn đệ Người.  Vậy hành trình làm môn đệ của tôi như thế nào?  Tôi có để cho Tin Mừng biến đổi tôi mỗi ngày không?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Cha,

          Cha muốn cho mọi người được cứu độ

          và nhận biết chân lý,

          chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giê-su, Con Cha.

          Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

          chưa nhận biết Đức Giê-su,

          họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

          Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

          khát vọng truyền giáo,

          khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

          niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

          và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê-su cho thế giới.

          Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

          trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

          để loan báo Tin Mừng.

          Chúng con chỉ xin đến

          với những  người bạn gần bên,

          giúp họ quen biết Đức Giê-su và tin vào Ngài,

          qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

          Chúng con cũng cầu nguyện

          cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

          Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

          sinh nhiều hoa trái.  A-men.”

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 69)

 

 

Lm. Trần Đình Nhi

24-9-2005


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà