CHÚA NHẬT 32 QUANH NĂM
(Mát-thêu 25: 1-13)
Sống
điều răn mến Chúa yêu người (Chúa Nhật 30), sống như con cái đích thực của
Thiên Chúa và bước theo Chúa Ki-tô là Thầy và Đường dẫn đến Chúa Cha (Chúa Nhật
31), những điều này đã được trình bày qua Lời Chúa là cao điểm thúc bách tín
hữu chuẩn bị cho ngày phán xét. Hướng
về ngày cánh chung là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa trong cuối năm Phụng
vụ. Như thế, dụ ngôn mười trinh nữ trong
bài Tin Mừng hôm nay mời gọi ta hãy sẵn sàng nếu ta biết thực thi những điều Chúa
Giê-su đã đề ra, để ta được theo Vua Ki-tô vào hưởng vinh quang vĩnh cửu.
a) Sứ điệp được lập lại từ đầu:
“Hãy sẵn sàng”
Đầu
năm Phụng vụ, Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, sứ điệp “Hãy canh thức, hãy sẵn
sàng” đã mời gọi ta chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế đến trong lịch sử nhân loại. Giờ đây trước khi kết thúc năm Phụng vụ,
Giáo Hội lập lại cũng sứ điệp ấy để nhắc nhở ta hãy sẵn sàng đón Chúa Ki-tô đến
trong ngày tận thế, và Phụng vụ Lời Chúa trích dẫn dụ ngôn quen thuộc về Nước
Trời: dụ ngôn mười trinh nữ.
Như
vậy, “hãy canh thức và sẵn sàng” là thái độ sống căn bản của người Ki-tô hữu
đón nhận Chúa Ki-tô. Ta đón Chúa Ki-tô
đến với ta để Người mặc khải cho ta biết về Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa. Người đến dạy ta sống cuộc
sống mới qua giáo lý chứa đựng trong những bài Tin Mừng các Chúa Nhật mùa
thường niên, thí dụ sống đức tin, sống theo tinh thần con cái Chúa trong cộng
đồng Giáo Hội, nhìn nhận những giá trị của Tin Mừng... Mùa thường niên có thể ví như những năm
tháng ta sống cuộc lữ hành trên trần gian, sẵn sàng thực thi giáo lý Chúa dạy
và chờ đợi Chúa đến với ta bất cứ lúc nào vào giờ chết của ta. Người là Vua Ki-tô, Đấng xét xử mọi người
trong cuộc phán xét riêng hoặc trong cuộc phán xét chung ngày thế mạt.
Sau
bài giảng về ngày cánh chung (Mt 24), Chúa Giê-su dạy ta phải có thái độ thích
đáng để chuẩn bị cho ngày đó. Người
dùng những hình ảnh thường ngày, thí dụ cây vả, dụ ngôn người đầy tớ trung tín,
dụ ngôn mười trinh nữ và dụ ngôn những nén bạc, để nói lên thái độ thích đáng
ấy. Nước Trời ở trần gian này được khai
mở khi Thiên Chúa sai Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô đến để thiết lập một
triều đại mới, Triều Đại Thiên Chúa. Vì
Nước Trời không mang những hình thức hữu hình như bất cứ vương quốc trần gian
nào, nên người ta khó nhận ra được sự hiện diện của nó và do đó không quan tâm
tới việc tiếp nhận Nước Trời. Có lẽ đối
với ta là những người sống gần hai ngàn năm sau khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ
rao giảng, có nhiều cơ hội tìm hiểu, nghe giải thích Lời Chúa, nên dễ dàng hiểu
được Nước Trời là một thực thể vô hình gồm những giá trị Tin Mừng của Chúa
Ki-tô. Nhưng hiểu là một chuyện, còn ta
có để cho Nước Trời ấy thấm nhập vào đời sống mình và thay đổi cuộc sống mình
hay không thì lại là chuyện khác. Đó là
chưa nói tới chuyện ta dửng dưng trước sự hiện diện của Nước Trời. Bởi vậy, sứ điệp “hãy canh thức, hãy sẵn
sàng” thường được lập đi lập lại để nhắc nhở ta về tính cách khẩn thiết của
Nước Trời và thái độ tiếp nhận của ta.
Cũng có lẽ đây là báo động cuối cùng trước khi Giáo Hội kết thúc năm
phụng vụ, đồng thời có thể là báo động cuối cùng cho mỗi người Ki-tô hữu để họ
chuẩn bị cho kết thúc cuộc đời trần gian của họ.
b) “Vì chú rể đến chậm”
Nếu
thoáng nghe câu truyện dụ ngôn, ta sẽ không để ý mấy tới chi tiết nhỏ này. Nhưng thực ra đây là một chi tiết rất quan
trọng diễn tả lý do tại sao phải canh thức và sẵn sàng. Việc “chú rể đến chậm” có thể tượng trưng
cho cái chết đang đến với mọi người.
Thực ra thì ai cũng sống trong tình trạng chờ đợi cái chết đến, có thể
sớm và có thể muộn. Tuy nhiên bình
thường người ta đều nghĩ hoặc hy vọng rằng cái chết sẽ đến với mình “chậm”, có
nghĩa là không phải lúc này. “Chậm” bao
lâu còn tùy từng người. Chính cái
“chậm” này sẽ là lý do để ta hành động giống như năm cô trinh nữ dại hoặc như
năm cô trinh nữ khôn. Nếu ta xác tín
được tính cách khẩn thiết và bất ngờ của cái “chậm” ấy, ta sẽ hành động như năm
cô trinh nữ khôn, mang dầu theo với đèn, tức là tích lũy cuộc sống đức tin của
ta bằng những công việc tốt đẹp, nhờ tiếp nhận Nước Trời, lắng nghe và thực
hành lời Chúa, ta sẽ “được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”. Còn nếu ta nghĩ rằng “chậm” có nghĩa là còn
lâu lắm và không thể xảy ra bất ngờ, rồi ta không khi nào lo lắng vun trồng đời
sống thiêng liêng đạo đức, thì vào giờ chết ta sẽ không được Chúa nhìn nhận ta
là con cái Người. Đối với ta, giờ giấc
được đo lường bằng giây phút ngày tháng, nhưng đối với Chúa, thời giờ là cơ
hội, là biến cố xảy ra, thí dụ Chúa không bảo ta sẽ chết vào mười giờ sáng mai,
nhưng vào lúc nào đó và khi ấy chính là thời giờ của Chúa.
Một
chi tiết khác của dụ ngôn cũng được nhấn mạnh để nói rằng ta cần phải canh thức
và sẵn sàng. “Rồi người ta đóng cửa
lại” và lời chú rể đáp lại các cô dại đến gõ cửa: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!” Dĩ nhiên theo thói thường người ta không đối
xử như vậy, nhất là trong ngày vui của đôi tân hôn. Nhưng ta hiểu dụ ngôn cố ý đưa những chi tiết khác thường này vào
câu truyện để làm nổi bật lên một điểm nào đó.
Cánh cửa đã đóng và sẽ không được mở lại. Người ta chết một lần, chứ không có cơ hội chết lần thứ hai. Do đó, ta lại càng phải tỉnh thức và chuẩn
bị kỹ càng vì sẽ không thể sống lại cuộc sống lần nữa để bù đắp lại đâu. Nếu ta không tỉnh thức để tiếp nhận Nước
Thiên Chúa và Chúa Ki-tô, ta đã biến mình trở thành kẻ xa lạ với Người, và như
thế, không phải là Chúa chối bỏ ta mà là chính ta chối bỏ Người.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Gần
tới cuối năm Phụng vụ, tôi có theo chiều hướng suy niệm của Giáo Hội để giúp
mình sống theo đúng tinh thần của người Ki-tô hữu không? Suy nghĩ về cái chết đem lại cho tôi những
tâm tình nào? Sợ hãi? Lo lắng?
Hay bình an và tín thác vào Chúa?
Cần
phải mang theo chai dầu cho đèn của mình không bị tắt. Hình ảnh này nói với tôi điều gì?
Tôi
có chương trình gì để giúp cho mình luôn luôn ở tư thế sẵn sàng nếu Chúa gọi
bất cứ lúc nào không? Để lại di
chúc? Nợ nần thanh toán cho rõ
ràng? Nhất là luôn luôn ở trong tình
trạng sạch tội trọng?
Cầu nguyện
“Lạy
Chúa Giê-su,
Chúa
đã yêu trái đất này,
và
đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa
đã nếm biết
nỗi
khổ đau và hạnh phúc,
sự
bi đát và cao cả của phận người.
Xin
dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ
sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi
ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng
con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây
dựng trái đất này,
và chuẩn
bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa
Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho
những vất vả của cuộc sống ở đời
không
làm chúng con quên trời cao;
và những
vẻ đẹp của trần gian
không
ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì
qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi
người thấy Nước Trời đang tỏ hiện”.
(Trích RABBOUNI, lời
nguyện 46)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi