Lễ Phục Sinh

 

          Phục Sinh là đích tới của đức tin Ki-tô giáo, vì nó đưa ta tới ơn cứu độ vĩnh viễn.  Hành trình đức tin phải trải qua những giai đoạn giống như cuộc đời Đức Ki-tô nơi trần thế và chính Người phải là đối tượng đức tin của ta.  Suy niệm về Phục Sinh không chỉ là nghĩ về một biến cố, nhưng là về một con người gắn liền với thân phận của ta.  Con người ấy là Đức Ki-tô, ý nghĩa đích thực của đời ta.

1.  Chứng từ của ông Phê-rô về Đức Ki-tô Phục Sinh (bài trích sách Công vụ Tông Đồ 10:34a,37-43)

          Có lẽ ít khi ta để ý tới cấu trúc Phụng vụ Lời Chúa các Chúa Nhật mùa Phục Sinh.  Một điều khác thường nhất, đó là thiếu vắng bài đọc Cựu Ước (bài đọc 1) như các Chúa Nhật thường niên, và để thay thế, Phụng vụ sử dụng các đoạn trích sách Công vụ Tông Đồ.  Như vậy là cả ba bài đọc đều lấy từ Tân Ước.  Tại sao vậy?  Phục Sinh là mầu nhiệm lớn lao nhất của Tân Ước và là đại lễ được mừng liên tục trong bảy Chúa Nhật cho tới lễ Hiện Xuống.  Chỉ có Thánh Kinh Tân Ước mới nói đến sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô.  Do đó, Phụng vụ Lời Chúa chỉ sử dụng Tân Ước để giúp ta suy niệm về ý nghĩa của Phục Sinh.  Bài đọc 1 trích sách Công vụ Tông Đồ kể lại việc rao giảng mầu nhiệm Đức Ki-tô.  Bài đọc 2 trích thánh thư của các Tông Đồ chỉ dạy cho ta một cách sống mầu nhiệm Phục Sinh.  Bài Tin Mừng nói với ta về những lần Chúa hiện ra với các môn đệ sau khi Người sống lại.

          Các Tông đồ ra đi rao giảng sau khi Chúa lên trời.  Bài giảng của ông Phê-rô và các Tông đồ về Chúa Ki-tô theo cùng một khuôn mẫu, kể lại những biến cố trong cuộc đời của Chúa.  Mặc dù nội dung bài giảng đơn sơ dễ hiểu, nhưng quan trọng hơn, đó là lòng xác tín của người giảng muốn nói lên những điều chính mình làm chứng.  Những gì Chúa Giê-su giảng dạy và hành động lúc sinh thời thì ai ai từ Ga-li-lê tới Giu-đê cũng đều nghe đều biết cả, cho nên thánh Phê-rô mới quả quyết:  “Quý vị biết rõ…” Tuy nhiên, có một điều các thính giả của ngài không được biết rõ, đó là việc Chúa Giê-su đã sống lại từ kẻ chết và hiện ra với các Tông đồ.  Thánh Phê-rô biết rõ điều này:  “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10:40-41).  Thực vậy, chỉ có các Tông đồ mới là những người được diễm phúc “cùng ăn cùng uống” với Chúa sau khi Người sống lại và hiện ra với các ông.  Thánh Lu-ca kể lại Chúa đã cầm lấy khúc cá nướng và ăn trước mặt các Tông đồ, để các ông không còn nghi ngờ Người là bóng ma nữa (Lc 24:36-42).  Còn thánh Gio-an thì ghi lại một bữa ăn thân mật của Thầy trò bên bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a (Ga 21:1-14).  Các Tông đồ ý thức nhiệm vụ phải rao giảng và làm chứng về Chúa Ki-tô, vì Người đã truyền lệnh cho họ:  “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24:48). 

          Thánh Phê-rô là vị Tông đồ đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, gia đình ông Cô-nê-li-ô tại Xê-da-rê.  Ngài không chỉ rao giảng về Chúa Giê-su như đã rao giảng cho người Do-thái, mà ngài còn nhấn mạnh đến tính phổ quát của ơn cứu độ:  “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:35).  Ông đại đội trưởng Cô-nê-li-ô là một trong số những người này, vì “ông là người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa, cũng như cả nhà ông;  ông rộng tay bố thí cho dân và luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Cv 10:2).  Những lời giảng của ông Phê-rô tự nó khó có thể lay chuyển lòng người.  Nhưng ta có thể hiểu rằng ông đã giảng với tất cả niềm xác tín của một chứng nhân đã được “cùng ăn cùng uống” với Đấng mà ông rao giảng.  Hơn nữa chứng từ của Phê-rô còn có sức mạnh đưa Thánh Thần đến với những người đang nghe ông (Cv 10:44).  Rao giảng về một Chúa Giê-su đã sống và đã chết là một điều khó, nhưng rao giảng về một Chúa Giê-su đã sống lại, nhất là cho những người dân ngoại như gia đình ông Cô-nê-li-ô, thì càng khó hơn nữa.  Do đó, ta tin rằng lòng tin của chính người rao giảng cũng là yếu tố hết sức quan trọng đóng góp vào kết quả của bài giảng là việc trở lại đạo của những người nghe giảng.

2.  Chứng từ của người “đã thấy và đã tin” Đức Ki-tô phải sống lại từ cõi chết (bài Tin Mừng – Ga 20:1-9)

          Những dấu hiệu bề ngoài nói lên việc Chúa Giê-su đã sống lại.   Nhưng mỗi người nhìn thấy những dấu chỉ ấy đã có những quyết đoán và thái độ khác nhau.  Trước hết bà Ma-ri-a Mác-đa-la “thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” và bà nghĩ rằng xác Chúa đã bị ai đó đem đi đâu mất rồi.  Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã nhìn thấy một dấu chỉ là tảng đá lăn khỏi mộ, nhưng dấu chỉ ấy vẫn chưa đủ để bà bước thêm một bước nữa, là nhận ra Chúa đã sống lại.  Tiếp đến, ông Phê-rô và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến cũng tới nơi mộ Chúa.  Mỗi người nhìn thấy những dấu chỉ sự Phục Sinh theo một cách riêng.  Người môn đệ Chúa thương mến thì “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó”.  Còn ông Phê-rô lại “vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giê-su”.  Cái nhìn của hai ông đã đưa các ông bước sang một lãnh vực linh thiêng:  “Ông đã thấy và đã tin”.  Đó chính là “bước nhảy vọt” của đức tin.  Tự khả năng riêng, ta không thể vượt qua bước nhảy vọt đó để đi tới đức tin, nhưng cần phải có sự trợ giúp của Chúa là Kinh Thánh các ông mới hiểu được “Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.  Cùng với sự trợ giúp của Chúa cũng cần phải có sự cố gắng của ta.  Không biết thánh sử Gio-an có ý gì khi ghi lại những cử chỉ của người môn đệ Chúa thương mến và ông Phê-rô là “cúi xuống” và “vào thẳng trong mộ”, nhưng ta lại nhận thấy những cử chỉ ấy thật cần thiết để giúp ta tiến đến đức tin.  Thực vậy, nếu ta không chịu “cúi xuống”, khiêm tốn nhìn nhận sự siêu việt của Chúa, ta sẽ chẳng bao giờ tin Chúa được.  Nếu ta không “vào thẳng trong mộ”, tức là vào trong con người của ta đã chết vì tội lỗi, ta cũng sẽ không thể tin lòng thương của Chúa muốn cứu độ ta.

          Trong hành trình đức tin, những cái nhìn của bà Ma-ri-a, ông Phê-rô và người môn đệ Chúa thương đều cần thiết cả.  Nếu ta không thể nhận ra thực tại thiêng liêng đằng sau dấu chỉ, ta cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, như bà Ma-ri-a đã chạy về gặp ông Phê-rô và người môn đệ Chúa thương.  Dấu chỉ đưa ta tới lòng tin luôn luôn có chung quanh ta hoặc ngay trong những biến cố và sinh hoạt cuộc sống ta.  Điều cần thiết là ta có muốn đọc những dấu chỉ ấy theo ân sủng của Chúa, theo ý nghĩa Kinh Thánh hoặc theo sự chỉ dạy của những người muốn giúp đỡ ta không.

3.  Chứng từ của người sống đức tin vào sự Phục Sinh (bài Thánh thư – Cl 3:1-4) 

          Sự Phục Sinh là kết thúc vinh quang công trình cứu độ của Chúa, nhưng lại là chân trời mới cho cuộc sống dương thế của ta.  Ki-tô hữu là những người sống lại, những người “đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô”.  Người sống lại từ cõi chết như một cuộc Vượt Qua từ hạ giới lên thượng giới, từ nhân loại lên tới Thiên Chúa, là nơi từ đó Người đã được sai xuống trần gian.  Khi đến với ta, Người “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2:7).  Còn khi Người trở về trời, “Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:29), để dắt họ về đoàn tụ với Thiên Chúa Cha.  Do đó sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc hành trình của ta đi về thiên quốc.

          Nhưng ta phải sống làm sao để chứng tỏ ta tin vào sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô?  Một vài lời khuyên thực tế thánh Phao-lô cho ta giúp định hướng cuộc đời trần thế của ta.  Điều thứ nhất là ta hãy “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới và hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”.  Sống ở trần gian, nếu ta muốn kiếm tiền thì phải nghĩ tới tiền, phải tìm đủ cách để kiếm được tiền.  Danh vọng và địa vị xã hội cũng vậy.  Phải ráng học thành tài, phải len lỏi và vươn lên, phải nắm bắt cơ hội.  Nhưng thường ta lại quá “chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”, đến nỗi coi thường hoặc dửng dưng với những giá trị thiêng liêng đạo đức.  Những gì thuộc thượng giới là đích tới của ta, còn những gì thuộc hạ giới chỉ là phương tiện để ta đạt đích tới.  Những gì thuộc thượng giới tức là “sự sống mới hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa”.  Vì nó tiềm tàng, không thể thấy được bằng mắt, do đó nó không lôi cuốn ta bằng những hào nhoáng của những gì thuộc hạ giới.  Điều thứ hai là sống mối quan hệ với Chúa Ki-tô.  Thánh Phao-lô trình bày chung cuộc cuộc  sống trần thế của ta như sau:  “Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang”.  Làm sao ta có thể xuất hiện với Chúa và cùng Người hưởng phúc vinh quang nếu ta không kết hiệp với Người ngay từ đời này?  Kết hiệp bằng cách làm môn đệ Người, sống theo lối sống của Người, thay đổi não trạng của ta giống như não trạng của Người.  Kết hiệp qua những suy niệm Kinh Thánh và cầu nguyện.  Kết hiệp lúc vui cũng như khi gặp phải nghịch cảnh.  Nói tóm lại, là ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô.

4.  Sống Lời Chúa

          Chúa Ki-tô Phục Sinh đã trở thành nội dung của việc rao giảng Tin Mừng.  Nhưng Chúa Phục Sinh cũng là lẽ sống của ta trên trần gian, để qua những tháng năm sống đời Ki-tô hữu một cách trọn vẹn, ta sẽ được sống vĩnh viễn với Chúa mai sau.

Suy nghĩ:  Người môn đệ Chúa thương mến chia sẻ cảm nghiệm về Chúa Ki-tô Phục Sinh:  “Ông đã thấy và đã tin”.  Trong cuộc đời mình, tôi đã thấy gì và tôi đã tin gì về Chúa?

Cầu nguyện:  Lạy Cha từ ái, ngày hôm nay, Đức Giê-su đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời.  Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Cha ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới, để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Đấng Phục Sinh.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật Phục Sinh)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

                  

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà