MỘT
CHIỀU KÍCH LẠ LÙNG
Chúa Nhật 2A Phục sinh
Còn gì vui hơn đối với
một nhà khoa học khi thấy thành quả sau nhiều năm nghiên cứu ?! Đức Giêsu sẽ chứng minh niềm vui phát xuất từ
niềm tin còn lao hơn nhiều.
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG.
Niềm tin Phục sinh đã
đến với các tông đồ rất dễ dàng khi “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói :
‘Bình an cho anh em !’” (Ga 20:19) Nhìn
thấy tận mắt Đức Giêsu Phục sinh, các môn đệ tràn ngập niềm vui. Đó là dấu chứng đầu tiên và hiển nhiên nhất từ ánh sáng Phục sinh. Thực
ra, niềm tin đó không phát xuất từ giác quan.
Nếu không, chắc chắn ông Tôma đã bị thuyết phục khi các ông chứng minh:
“Chúng tôi đã được thấy Chúa !” (Ga 20:25)
Chính niềm tin Phục sinh đã cho ông xác tín giới hạn của giác quan và sức
mạnh vô biên của niềm tin. Thực vậy, làm
sao giác quan có thể khiến ông Tôma mở miệng tuyện xưng : “Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con !” (Ga 20:28) ? Nhưng
giác quan chỉ trợ lực, chứ không thể thay thế mạc khải. Chính vì thế, Đức Giêsu đã từng nói với ông Phêrô
: “Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng
ngự trên trời.” (Mt 16:17)
Kinh nghiệm về Đấng Phục sinh phải vượt lên trên mọi giới hạn giác
quan. Chính Đức Giêsu đã quả quyết : “Phúc
thay người không thấy mà tin.” (Ga 20:29)
Ông Phêrô đã nói lên cảm nghiệm về một thực tại rất chính xác nơi cộng đoàn
tín hữu : “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà
lòng vẫn kính tin.” (1 Pr 1:8) Đó là một
điều bí hiểm hay ngớ ngẩn đối với những người không tin. Nhưng trái lại, đối với những người tin, đó
lại là tất cả nguồn hi vọng. Thực thế,
chính vì tin vào Đức Giêsu Phục sinh, “anh em được chan chứa một niềm vui khôn
tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con
người.” (1 Pr 1:8b-9)
Giác quan không thể thay thế niềm tin. Đức Giêsu không có ý phủ nhận
hạnh phúc của những người vừa thấy vừa tin nơi Người. Bằng chứng, mặc dù xác
quyết “chúng tôi đã được thấy Thầy” (Ga 20:25), các tông đồ vẫn không giảm bớt
hạnh phúc chút nào ! Thực vậy, “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” (Ga
20:20) Niềm vui phát xuất từ sự bình
an của Đấng Phục sinh. Bình an đồng nghĩa
với ơn cứu độ. Ơn cứu độ trước tiên phải
đến với các tông đồ, trong tư cách cá nhân hay cộng đồng.
Phải có cuộc gặp gỡ đích thân giữa Đức Giêsu và ông Tôma, chúng ta
mới có thể xác định đâu là tầm quan trọng cá nhân trong công cuộc cứu độ. Không gặp gỡ cá nhân với Đấng Phục sinh, con
người không thể xác tín sâu xa và vững mạnh đến thế ! Chiều kích cá nhân không thể bị lãng quên
trong công cuộc cứu độ. Chính vì thế,
vì “không ở với các ông khi Đức Giêsu đến”, ông Tôma đã khẳng quyết : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu
tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và
không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi
chẳng có tin.” (Ga 20:26) Không phải
ông Tôma tin tưởng vào giác quan hơn chứng từ các tông đồ. Trái lại, “ông Tôma yêu cầu được nhận chứng
cứ hiển nhiên Chúa phục sinh và Đức Giêsu chịu đóng đinh cũng là một.”
(Encycyclopedia of Catholicism 1995:1109)
Nếu cá nhân không quan trọng, Đức Giêsu đã không thỏa mãn đòi hỏi của ông
Tôma làm chi !
Khi nhận được ơn cứu độ đó, các tông đồ không thể khư khư giữ lấy
cho mình hay cộng đoàn mình. Nhưng họ
phải chia sẻ cho người khác. Nhưng làm
sao chia sẻ cho người khác, nếu họ không được sai đi ? Bởi thế, “Thầy lại nói với các ông : ‘Bình
an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy,
thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21) Ơn
cứu độ chỉ được ban cho nhân loại khi Đức Giêsu Phục sinh từ cõi chết. Sứ mệnh
cứu độ đã hoàn thành trên thập giá, nhưng phải được tiếp nối nơi các môn đệ. Sứ mệnh cứu độ đồng nghĩa với việc tha thứ tội
lỗi cho muôn dân. Nhưng không thể tha thứ
nếu không có quyền lực Thánh Linh. Bởi
thế, Đức Giêsu mới “thổi hơi vào các ông và bảo : ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được
tha.’” (Ga 20:22-23)
PHỤC SINH THẾ GIỚI.
Thánh Thần là quyền
năng Thiên Chúa vừa để tha tội vừa để phục sinh thân xác Đức Giêsu. Nói khác,
tha tội chính là phục sinh con người từ khỏi quyền lực tử thần và tội lỗi. Nhờ thế, con người bước vào một đời sống mới. Thực thế, tôi chỉ có thể sống và lớn lên theo
đúng kích thước sung mãn trong thân xác Đức Giêsu phục sinh. Ơn cứu độ cũng chỉ được thực hiện trong nhiệm
thể Đức Giêsu mà thôi. Ngoài Đức Giêsu
không có ơn cứu độ !
Làm sao người môn đệ có thể làm chứng cho mọi người nhận ra chân lý
đó ? Giống như Tôma, nhiều người cũng đang
khao khát có một cảm nghiệm về Đức Giêsu phục sinh. Chính các môn đệ tin rằng Thánh Thần chính là
tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con.
Nói khác, chính tình yêu đã phục sinh thân xác Đức Giêsu. Nhân loại hôm
nay đau khổ chỉ vì không đủ sức mạnh tình yêu phục sinh. Sứ mệnh làm chứng là sứ mệnh đem tình yêu phục
sinh nhân loại. Người môn đệ có thể làm
được chuyện đó không ?
Thực tế, các Kitô hữu thời kỳ Giáo Hội sơ khai đã làm được chuyện đó. Bằng chứng, “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có
thêm những người được cứu độ.” (Cv 2:47)
Đó là một hồng ân, nhưng cũng là kết quả nỗ lực của cộng đoàn. Quả thế, “tất cả các tín hữu hợp nhất với
nhau, và để mọi sự làm của chung.” (Cv 2:44)
Đời sống là cả một chuỗi ngày dài làm chứng. Bầu khí thật hồ hởi. “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến
Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia,
họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.” (Cv 2:46) Cộng đoàn đã có một sức hút rất mạnh vì “được
toàn dân thương mến.” (Cv 2:47) Không
thể phủ nhận chiều kích cộng đoàn trong việc làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh.
Cộng đoàn tiên khởi đã mạnh dạn làm chứng. Chứng từ đó được củng cố bằng lời cầu nguyện,
học hỏi lời Chúa và sống hiệp thông. Quả
thực, “thời bấy giờ, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy. Luôn luôn
hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.”
(Cv 2:42) Mọi người đều hãnh diện vì được
làm con Thiên Chúa do hồng ân Đức Giêsu phục sinh. Họ tin rằng “cũng như Người đã được sống lại
từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống
một đời sống mới.” (Rm 6:4) Trong đời sống
mới, họ có thể phục sinh toàn thể nhân loại nhờ quyền năng Thiên Chúa tức là Thánh
Linh, Đấng đã phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết.
Nếu Thần Khí đã phục sinh thân xác Đức Giêsu, chắc chắn Kitô hữu cũng có
thể biến cải nhân loại nhờ sức mạnh Thần Khí.
Thực vậy, “Thần Khí Thiên Chúa có quyền làm cho con người trở thành những
người đồng sáng tạo sự sống mới trong vương quốc Thiên Chúa ở mỗi giai đoạn lịch
sử hiện tại.” (The New Dictionary of Catholic Spirituality 1993:826)
Hiện tại thế giới đang chìm
ngập trong đau khổ vì bất công. Nếu thực
sự phục sinh với Đức Giêsu, chúng ta phải cam kết tranh đấu cho người nghèo và
những người đau khổ. Đã phục sinh với
Chúa, không đứng ngoài lề cuộc vận hành của Đấng phục sinh trong cuộc biến cải
thế giới thành vương quốc Thiên Chúa, tràn ngập “sự công chính, bình an và hoan
lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17)