ĐỒNG
HÀNH
Chúa
Nhật 3A Phục sinh
Nếu vắng bóng Thiên
Chúa, hành trình trần gian còn ý nghĩa gì không ? Bởi thế, Giáo Hội không ngừng đồng hành với Đức
Giêsu phục sinh trong cuộc hành trình hôm nay để phục hồi tất cả những giá trị đã
mất cho nhân loại.
GẶP MÀ KHÔNG GẶP.
Hành trình về Emmau,
hai môn đệ đang xa lìa dần Giêrusalem như xa lìa niềm tin ban đầu. Niềm tin vào thầy chí thánh đã tan thành mây
khói khi Đức Giêsu như giang tay thua cuộc trên thập giá. Niềm hi vọng cũng chìm vào nấm mồ hoang lạnh. Bằng chứng, hai ông đang lầm lũi bước đi với
“vẻ mặt buồn rầu.” (Lc 24:17) Thất vọng
tràn trề. Niềm tin băng hoại. Vì thế, “mắt họ bị ngăn cản, không nhận ra
Người,” (Lc 24:16) dù “chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ.” (Lc
24:15) Thế mới hay, Đức Giêsu phục sinh
là đối tượng của đức tin chứ không phải của giác quan.
Thực tế, đức tin các môn đệ Emmaus mới chỉ dừng lại ở một giới hạn
nào thôi. Cao lắm họ cũng mới chỉ tin Đức
Giêsu “là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên
Chúa và toàn dân.” (Lc 24:19) Niềm hi vọng
của họ vẫn chưa vượt khỏi biên giới Do thái : “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hi
vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen.” (Lc 24:21) Chính
vì giới hạn quá lớn như thế, nên họ mới không tin nổi lời chứng phục sinh của các
môn đệ khác, vì “chính Người thì họ không thấy,” (Lc 24:24) Lời chứng của các phụ nữ cũng chỉ dựa trên
lời “thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.” (Lc 24:23) Cũng như ông Tôma, các ông không thể tin nổi
Đức Giêsu phục sinh cho tới khi giáp mặt.
Để phá tung giới hạn
và nâng cao niềm tin các môn đệ, Đức Giêsu đã “bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các
ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả
Sách Thánh,” (Lc 24:27) để chứng minh rằng “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi mới
vào trong vinh quang của Người.” (Lc 24:26)
Đức Giêsu đã kiên nhẫn đưa các môn đệ lần ra sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ
Kinh thánh. Sợi chỉ xuyên suốt đó chính
là Đức Giêsu phục sinh. Người chính là
trung tâm qui tụ mọi tầm nhìn của Môsê và các ngôn sứ. Không có Người, Kinh thánh mất hẳn ý nghĩa. Nói khác, Người là ngọn lửa soi sáng cho ta
thấy tất cả những nét đậm nhạt trong Thánh kinh. Ngọn lửa ấy cũng khơi bùng lên cả một đám cháy
lớn trong con tim nhân loại. Chính vì
thế, các môn đệ mới thú nhận : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích
Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24:32)
Dầu sao các môn đệ mới cảm nhận trong con tim chứ chưa nhận ra Người
đang hiện diện ngoài thực tế. Nhưng “khi
đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” (Lc
24:31) Niềm tin lên tới cao điểm, sau
khi đã trải qua đêm đen thất vọng. Từ
cao điểm lòng tin, các ông mới thấy tất cả mạc khải sung mãn chỉ tìm được trong
những cử chỉ thân thương trong bữa tiệc ly.
Đức Giêsu đã lặp lại những giây phút lịch sử đó như một nghĩa cử đáp lại
lòng hiếu khách của các môn đệ. Bữa ăn
thân ái đó đã mạc khải cho các môn đệ dung nhan đích thực của Thầy Chí Thánh. Không có cuộc chia sẻ thân tình đó, chắc chắn
mắt đức tin các ông đã không mở ra. Đó
chính là bữa ăn cánh chung giúp các môn đệ nhận ra thời điểm Nước Chúa đã đến. Chính Đức Giêsu đã báo trước thời điểm đó
trong đêm Vượt Qua (Lc 22:16, 18).
Không còn niềm vui nào lớn hơn.
Con tim trào lên niềm hi vọng. “
Thánh Phêrô cũng mạnh mẽ làm chứng sự kiện đó : “Chính Đức Giêsu đó,
Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.”
(Cv 2:32) Chính Thánh Linh đã nâng Đức
Giêsu dậy. Chính “nhờ Người, anh em tin
vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được
vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hi vọng vào Thiên Chúa.” (1 Pr 1:21) Nói khác, nếu Đức Giêsu không phục sinh, nhân
loại không thể tìm được niềm hi vọng nào nơi Thiên Chúa nữa !
NIỀM HI VỌNG HÔM NAY.
Chỉ một mình Đức Giêsu
phục sinh mới có thể đem lại niềm hi vọng cho nhân loại hôm nay. Người là động lực thúc đẩy Giáo Hội không ngừng
tranh đấu cho sự sống và đồng hành với nhân loại trong nỗ lực bảo vệ sự sống. Nhân dịp lễ kỷ niệm ngày Đức Phật nhập Niết
Bàn vào ngày 9/4 tại các quốc gia theo phái Đại Thừa vào 19/5 tại các quốc gia
theo phái Tiểu thừa, ĐHY Francis Arinze, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về đối
thoại liên tôn, đã gởi một thông điệp đề nghị cùng hợp tác bảo vệ sự sống con
người chống lại vô số phương cách văn hóa sự chết đe dọa nhân loại. ĐHY mời gọi các Phật tử nhập cuộc với các người
Công giáo tranh đấu chống lại “một nền văn hóa sự chết đầy dẫy những cảnh phá
thai, an tử, và những thí nghiệm về di truyền trên con người đã hay sắp được pháp
lý công nhận.” (CWNews 9/4/02) “Quyền sống
đang bị kỹ thuật tân tiến vượt bực ngày nay đe dọa.” Tất cả đều phát xuất từ “sự khinh thường sự sống
con người.” (ĐHY Francis Arinze : Zenit 9/4/02)
ĐHY nhấn mạnh Kitô hữu và Phật tử
cần phải hợp tác để cổ động một nền văn hóa tôn trọng sự sống. Lý do vì “chúng ta đều tin tưởng rằng tôn trọng
sự sống con người phải bắt đầu từ trong tâm hồn con người, trước khi trở thành
thực tế ngoài xã hội.” (ĐHY Francis Arinze : CWNews 9/4/02) Ngài kêu gọi dồn nỗ lực giáo dục giới trẻ về
chân giá trị của sự sống con người (CWNews 9/4/02) “để họ xác tín mạnh mẽ về một
nền luân lý và văn hóa sự sống. Giáo dục giới trẻ phải là vấn đề ưu tiên.” (ĐHY Francis Arinze : Zenit 9/4/02)
Giáo Hội sẵn sàng cộng tác với các tôn giáo bạn để hướng dẫn giới
trẻ bước vào nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Như Thầy chí thánh, Giáo Hội phải đồng hành
với nhân loại mới có thể hoàn thành sứ mạng cứu độ. Nhân loại hôm nay chỉ có thể tìm lại được niềm
hi vọng trong Đức Giêsu phục sinh mà thôi. Thật vậy, Giáo Hội xác tín “nhờ mầu nhiêm Vượt
Qua, Chúa đã phục hồi phẩm giá nguyên thủy của nhân loại.” (Các Giờ Kinh Phụng
vụ 1999 : 511)
Tất cả sứ mạng Giáo Hội đều nhằm phục hồi phẩm giá nhân loại. Nhưng Giáo Hội không thể hoàn thành sứ mạng đó,
nếu không đồng hành với Đức Giêsu phục sinh.
Giáo Hội có thể giải thích cho nhân loại “những gì liên quan đến Người
trong tất cả Sách Thánh.” (Lc 24:27) Nhưng
chỉ khi nào Giáo Hội mời con người vào đồng bàn với Người, họ mới có thể “nhận
ra Chúa khi Người bẻ bánh.” (Lc 24:35)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP