TÔI ĐI TÌM TÔI
Chúa Nhật 1A Mùa Chay
Giữa những thách đố,
con người vẫn cố sức vươn lên. Vươn lên
như Đức Giêsu trong hoang địa sau khi chiến thắng những thách đố lớn lao trong
thân phận con người.
SÓNG GIÓ.
Trần gian là một hành
trình đi tìm cái tôi. Cái tôi ích kỷ
hay đầy bản lãnh. Bản lãnh đó chỉ được
xác định sau những thách đố hay sóng gió cuộc đời. Chỉ cần so sánh một chút giữa Eva và Đức Giêsu
sẽ thấy ngay khác biệt lớn lao giữa hai cái tôi đó.
Evà được “Thiên Chúa
lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên
một sinh vật.” (St 2:7). Bà muốn sống độc
lập với Thiên Chúa, muốn dành quyền qui định luật luân lý của Thiên Chúa. Vì muốn “được tinh khôn” (St 3:6) như Thiên
Chúa, bà đã nghe theo lời con rắn, giơ tay “hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả
chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.” (St 3:6) Ông bà
tưởng mình trở thành “vị thần biết điều thiện điều ác.” (St 3:5) Nhưng thực tế “họ thấy mình trần truồng” (St 3:7) như con vật. Vỡ mộng.
Trắng tay. Đúng như lời Chúa nói
: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.” (Mc 8:35; Lc 9:24; Mt 10:39; Ga
12:25) Ông bà đánh mất chính mình ngay khi muốn xác định
chính mình là ai. Từ sự mất mát đó, “tội lỗi đã xâm nhập trần
gian, và tội lỗi gây nên sự chết.” (Rm 5:12)
Trái lại, Đức Giêsu đã
hoàn toàn tìm thấy cái tôi của mình ngay khi đành mất chính mình. Người không tìm cách xác định thế đứng độc lập
với Thiên Chúa Cha. Nhưng Người muốn cho
mọi người thấy chỉ có thể tìm được chính mình trong Thiên Chúa mà thôi. Qua ba cơn cám dỗ, Đức Giêsu mạc khải bản lãnh
vô cùng vững chắc của mình trong vũ trụ.
Thật vậy, sau khi “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Người thấy đói”
(Mt 4:2) Quỉ liền tấn công vào điểm yếu
nhất của con người Chúa lúc đó. Ai chẳng nghĩ, “có thực mới vực được đạo.” Nhưng thật bất ngờ. Trong cơn đói cồn cào, Người vẫn khẳng khái
: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa
phán ra.” (Mt 4:4) Còn hơn cơm bánh, lời
Chúa là nguồn sống của cả vũ trụ, vì “nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành.” (Ga
1:3). Muốn hay không, con người phải hoàn
toàn lệ thuộc vào ý Chúa.
Chính vì thế, có lần
Người đã tâm sự với các môn đệ: “Lương
thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy.” (Ga 4:34) Nhờ xác định được nguồn sống đích thực như thế,
Đức Giêsu đã đem lại sự sống phong phú cho toàn thể nhân loại. Thực vậy, “nhờ một người duy nhất đã vâng lời
Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.” (Rm 5:19) Khác hẳn
với nguyên tổ, Đức Giêsu đã vâng lời Thiên Chúa Cha tuyệt đối. Sự lệ thuộc đó đã không đánh mất tính cách độc
lập. Trái lại, Đức Giêsu đã xác định được vị thế
mình một cách vững chắc hơn. Người không
chiều theo những nịnh bợ rẻ tiền để biểu dương quyền năng một cách lố bịch. Trước những lời nịnh hót : “Nếu ông là con
Thiên Chúa …” , Đức Giêsu đã khẳng khái đáp : “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là
Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4:7) Như vậy, mặc dù ý thức mình phải lệ thuộc vào
nguồn sống là Thiên Chúa, Người vẫn không quên mình là Con Thiên Chúa ngang hàng
với Chúa Cha.
Sau khi đã xác định vị
thế siêu việt đó, Đức Giêsu mới thấy rõ hướng đi trước mặt. Nếu làm theo ý Satan, Đức Giêsu sẽ trở thành
một kẻ giàu sang nhất trần gian (x.Mt 4:8-9).
Nhưng Người sẽ đánh mất bản ngã và tương quan với Thiên Chúa. Người không còn là Con Thiên Chúa và trở thành
kẻ phản loạn như Satan. Rất may, nhờ Thần Khí dẫn đường chỉ lối, Đức
Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ vô cùng
hiểm độc này. Người đã chọn Thiên Chúa như cứu cánh duy nhất
của cuộc đời. Tiếng Người mạnh mẽ vang
lên : “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng
một mình Người mà thôi.” (Mt 4:10) Đó là
hướng sống rất sáng tỏ đối với Đức Giêsu.
Nhưng không phải một lần xác nhận là đủ.
Thách đố đó không ngừng nổi lên trong cuộc đời.
Không vượt qua nổi cơn
cám dỗ đó, con người sẽ thành mồi ngon cho những ngẫu tượng. Ngẫu tượng đó là
chính cái tôi với những chiều kích cồng kềnh dị hợm. Chính khi cố gắng tôn thờ
ngẫu tượng kinh tởm này, con người sẽ đánh mất căn tính. Con người sẽ mất phương
hướng và hoàn toàn trống rỗng. Tâm hồn trở thành mảnh đất mầu mỡ phát sinh những
tư tưởng khủng bố, dâm đãng, cướp bóc, nghiện ngập.
CƠ HỘI LỚN.
Thế giới hôm nay con
người đang đẩy đồng loại vào những thảm cảnh chưa từng thấy. Thảm cảnh đó “thường là con đẻ của chủ nghĩa
ích kỷ vô trách nhiệm.” (ĐGH Gioan Phaolô
II, Zenit 13/02/2002) Nếu không tìm lại
được con người đích thực của mình, nhân loại sẽ còn bị những ngẫu tượng hướng dẫn
vào những ngõ cụt. Mất hết tương
lai. Trái đất sẽ thành một nghĩa trang
khổng lồ. Trước tình trạng bi đát đó,
“chúng ta cảm thấy cần Thiên Chúa giúp chúng ta phục hồi niềm tin và niềm vui
cho cuộc sống.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002) Thiên
Chúa sẽ giúp nếu chúng ta biết vượt lên như Đức Giêsu giữa bao thách đố trong
hoang địa.
Với một hình thức rất
hấp dẫn, những thách đố đầy ma lực đó chỉ nhằm kéo Đức Giêsu ra khỏi tình yêu
Thiên Chúa. Nhưng đầu hàng trước những
ma lực đó, chắc chắn Đức Giêsu càng lún sâu vào con đường lệ thuộc ma quỉ và đánh
mất căn tính của mình. Những thực tại vật
chất là những xiềng xích bên ngoài và tính kiêu ngạo là gông cùm bên trong sẽ cột
chặt cái tôi của Người trong hố diệt vong.
Nhân loại hôm nay đang
quay cuồng với những cái tôi phì nộn.
Con người có quá nhiều nhu cầu giả tạo đến nỗi “mọi người đều nghĩ rằng
mỗi chọn lựa và hành động phải bị luật cung cầu thị trường chi phối. Họ tưởng chỉ có lợi nhuận tối đa mới là định
luật tối cao. Giữa lúc đó, niềm tin Kitô
lại trình bày một lý tưởng bất vụ lợi, xây dựng trên tự do đầy ý thức của cá nhân,
bắt nguồn từ tình yêu chân chính,” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002) tức là Thiên Chúa. Tình yêu ích kỷ không bao giờ có thể hiểu được
lời Chúa : “Chúng con đã nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không.” Những tính toán nhỏ nhen ích kỷ đang làm cho
các tương quan hôm nay biến chất và tan rã.
Làm sao tìm được cơ hội nối lại
những tương quan đó ?
“Mùa chay là một cơ
hội Thiên Chúa quan phòng cho con người hồi tâm, vì giúp chúng ta chiêm niệm về
mầu nhiệm tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta để sống hạnh
phúc và qui hướng vạn vật về thiện hảo đích thực này.” (ĐGH Gioan Phaolô II,
Zenit 13/02/2002) Nhận định rõ tình yêu
lớn lao đó là bước đường vô cùng cần thiết nối lại tương quan nhân loại hôm
nay. Nếu không có những giây phút lắng đọng
tâm hồn, chúng ta không thể thấy được lòng Cha yêu thương như thế nào. Những phản kháng và phản chứng hôm nay đều phản
ánh một sự vô ý thức về tình yêu Thiên Chúa.
Trong thinh lặng, con người sẽ khám phá thấy “chính vì yêu thương vô bờ,
Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta và đã tiền định để chúng ta hoàn toàn hiệp
thông với Người. Vì thế, Thiên Chúa cũng
muốn chúng ta đáp trả tình yêu Người một cách quảng đại, tự do và ý thức.” (ĐGH
Gioan Phaolô II, Zenit 13/02/2002) Chỉ khi nào đáp trả tình yêu như thế, tôi mới
thành công trên bước đường tôi đi tìm tôi.
Tình yêu đã chính là sức mạnh đẩy tôi lên tới Thiên Chúa và đến với anh
em. Tôi sẽ tìm được tôi trong tương
quan sung mãn đó.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực,
OP