Chúa Nhật IV mùa Chay

 

          Bảy dấu lạ trong Tin Mừng Gio-an được chọn lựa để diễn tả những đặc điểm thuộc căn tính của Chúa Giê-su.  Bài Tin Mừng tuần trước kể lại truyện Chúa Giê-su đàm thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri là đề tài cuộc sát hạch dự tòng lần thứ nhất.  Giáo Hội sử dụng hai trong bảy dấu lạ của Tin Mừng Gio-an cho hai cuộc sát hạch dự tòng vào Chúa Nhật IV và V mùa Chay:  Chúa Giê-su chữa người mù từ thuở mới sinh và Chúa cho anh La-da-rô sống lại.  Người dự tòng phải vững tin Chúa Giê-su là ánh sáng chiếu soi đời họ và Người cũng chính là sự sống lại và sự sống đời đời.  Chủ đề Chúa Giê-su là ánh sáng rất thích hợp cho mùa Chay của ta, để nhờ ánh sáng đức tin ta nhìn mọi sự theo lăng kính giá trị Tin Mừng và bước đi trong ánh sáng của Người.

1.  Quan điểm của Thiên Chúa khác với quan điểm loài người (bài đọc Cựu Ước – 1 Sm 16:1b,6-7,10-13a)

          Mỗi người nhìn cuộc sống hoặc những gì chung quanh theo một cái nhìn riêng.  Nếu cái nhìn của ta đã khác nhau như vậy thì cái nhìn của Thiên Chúa càng khác xa hơn nữa, bởi vì “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm:  người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16:7).

          Câu truyện về khác biệt quan điểm trong bài đọc thứ nhất đã nói lên chân lý trên.  Thiên Chúa trao cho ngôn sứ Sa-mu-en sứ mệnh đi xức dầu phong vương cho cậu Đa-vít.  Cậu là con trai út của ông Gie-sê.  “Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn”.  Với ngoại hình ấy, so với bảy người anh và theo nhận xét của Sa-mu-en, cậu không có dáng vẻ của một tay lãnh đạo tài giỏi.  Vị ngôn sứ vẫn ngồi đấy, ngần ngại không biết phải tính sao.  Nhưng khi người nhà đưa Đa-vít từ ngoài đồng về và dẫn tới trước mặt ngôn sứ, Thiên Chúa bảo ông:  “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi!  Chính nó đó!”  Ông Sa-mu-en đã làm theo lời Chúa dạy, và “từ ngày đó trở đi, thần khí Đức Chúa nhập vào Đa-vít”.

          Vậy tại sao Thiên Chúa đã tuyển chọn Đa-vít?  Tại vì Người thấy Đa-vít tận đáy lòng.  Thiên Chúa thấy được những đức tính tàng ẩn và chưa phát triển nơi con người cậu Đa-vít.  Người muốn đặt một vị mục tử cho dân Người chứ không phải một ông vua như các ông vua láng giềng Ít-ra-en.  Do đó người lãnh đạo Ít-ra-en cần những đức tính về cả hai phương diện tài giỏi và đạo đức.  Có nhiều điều Thiên Chúa muốn thực hiện cho Ít-ra-en, nhưng điều kiện là người lãnh đạo phải là người trung thành với Thiên Chúa.  Chính vì bất trung nên Sa-un, được
Sa-mu-en xức dầu làm vua thứ nhất của Ít-ra-en, đã bị Thiên Chúa phế bỏ.  Còn Đa-vít, ông vua thứ hai, nổi bật về lòng trung thành đối với Thiên Chúa.  Ông hoàn tất cuộc chinh phục ngoại bang để mở mang bờ cõi và loại trừ mối đe dọa của dân Phi-li-tinh, lập Giê-ru-sa-lem làm thủ đô  và rước Hòm Bia Giao Ước về đấy.  Mặc dù Đa-vít vẫn là con người yếu đuối sa ngã, nhưng ông đã thật lòng thống hối và được Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ sẽ sinh ra từ dòng dõi ông.

          Nhìn và sống theo quan điểm của Thiên Chúa chính là lời kêu gọi ta hãy nên hoàn thiện hoặc nhân từ như Cha trên trời (Mt 5:48; Lc 6:36).  Mẫu gương nhìn và sống quan điểm của Thiên Chúa không ai khác ngoài Chúa Giê-su.  Khi ông Phê-rô nài nỉ Chúa đừng chấp nhận cuộc Thương khó, Người đã thẳng thắn sửa sai ông:  “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy!  Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23).  Ta cứ nghe những lời giảng của Người sẽ gặp thấy không biết bao nhiêu lần Người trình bày quan điểm của Thiên Chúa.  Cụm từ “như Cha anh em ở trên trời…” là lối Người trình bày quan điểm của Thiên Chúa.  Người không trình bày suông, mà còn thể hiện quan điểm ấy trọn vẹn trong cuộc sống nữa.  Ta hãy lấy một thí dụ:  Người dạy ta phải thương yêu kẻ thù “như Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45).  Đến lượt Chúa Giê-su, trên thập giá Người đã tha thứ cho những kẻ thù của Người (Lc 23:34).

2.  Chúa Giê-su mở con mắt mù lòa của ta để ta được làm con cái sự sáng (bài Tin Mừng – Ga 9:1-41)

          Muốn làm con cái Chúa và đi theo đường của Chúa, ta phải sống theo quan điểm của Chúa.  Còn nếu cứ sống theo quan điểm loài người, ta sẽ là kẻ mù lòa thiêng liêng.  Người dự tòng là người chuẩn bị làm con cái Chúa và sống đời sống mới của con cái sự sáng.  Do đó, trong cuộc sát hạch lần thứ hai, họ sẽ tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô là ánh sáng trần gian.  Dấu lạ Chúa Giê-su chữa lành người mù từ thuở mới sinh nói lên danh hiệu này của Chúa Giê-su.  Câu truyện thánh Gio-an kể rất là sống động với những chi tiết và đối thoại thích thú.  Thánh sử lấy phép lạ này như dấu chỉ nói lên phẩm tính của Chúa là ánh sáng (Ga 9:5).  Nhưng những câu trả lời khôn ngoan và đanh thép của anh mù trước những hạch hỏi của đám Pha-ri-sêu còn cho ta thấy một sự thật mỉa mai và đáng buồn, như Chúa đã khẳng định:  “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử:  cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9:39).

          Thực vậy, anh mù bẩm sinh đã không nhìn thấy Chúa trước khi được chữa lành.  Mà ngay sau khi đi rửa mắt ở hồ Si-lô-ác và được nhìn thấy, anh cũng chưa được gặp mặt Chúa Giê-su.  Mãi tới khi anh bị đám Pha-ri-sêu trục xuất, anh mới được gặp Người.  Vậy trong khoảng thời gian từ sau khi được lành mắt cho đến lúc được gặp Chúa Giê-su, anh đã trải qua một hành trình đi tìm căn tính của Người.  Giống như cấu trúc câu truyện Chúa Giê-su gặp người phụ nữ Sa-ma-ri, bài Tin Mừng hôm nay cũng là câu truyện nhận biết căn tính, căn tính của anh mù và căn tính của Chúa.  Trước hết, anh mù bẩm sinh phản bác lại những kẻ không tin anh chính là tên mù ăn xin vẫn ngồi ở cổng Đền thờ.  Anh quả quyết:  “Chính tôi đây!”  Sau đó, cha mẹ anh được người Pha-ri-sêu gọi đến, ông bà cũng xác nhận: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh… Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được” (Ga 9:18-19).  Sự thẳng thắn và khiêm tốn nhận mình là kẻ mù lòa của anh ngược hẳn với thái độ cao ngạo của đám Pha-ri-sêu, họ chửi rủa anh ta:  “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” (Ga 9:34, xem Ga 9:2).

          Đi tìm biết xem Chúa Giê-su là ai, đó là đề tài câu truyện.  Người Pha-ri-sêu hạch hỏi anh mù ai đã chữa lành cho anh.  Trước tiên, anh trả lời chỉ biết có “một người tên là Giê-su” đã trộn bùn bôi vào mắt anh và sai anh đi rửa ở hồ Si-lô-ác.  Sau đó, khi người ta tranh luận với nhau về hành động Chúa Giê-su trộn bùn vào ngày sa-bát (theo Lề Luật, người ta không được phép trộn bùn vào ngày sa-bát) và hỏi ý kiến anh mù, thì anh phát biểu:  “Người là một vị ngôn sứ” (Ga 9:17).  Giống hệt như câu truyện người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4:19)!  Bị hạch hỏi lần thứ hai, anh trả lời đanh thép, chống lại lời kết án của người Pha-ri-sêu cho Chúa Giê-su là “người tội lỗi”.  Anh lý giải:  “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.  Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9:33).  Sau cùng khi nghe tin anh bị trục xuất, Chúa Giê-su đến gặp anh, Người hỏi anh:  “Anh có tin vào Con Người không?” và cho anh biết Người chính là Đấng ấy, thì anh đã tuyên xưng đức tin:  “Thưa Ngài, tôi tin”.  Và anh sấp mình xuống trước mặt Người.  Sấp mình trước mặt Chúa là cử chỉ của kẻ thờ phượng Thiên Chúa (Lc 5:8).

3.  “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng” (bài đọc Tân Ước – Ep 5:8-14)

          Câu truyện Tin Mừng nói lên Chúa Giê-su là ánh sáng thế gian.  Tuy nhiên hình ảnh anh mù được mở mắt cũng mang ý nghĩa đặc biệt đối với ta, những người đã được mở con mắt thiêng liêng làm con cái Chúa và nhìn mọi sự theo quan điểm của Chúa.  Căn bệnh mù lòa thiêng liêng vẫn có thể trở lại với ta nhiều lần, do đó ta luôn luôn cần được Chúa chữa lành.  Thánh Phao-lô cho ta một lời khuyên thực tế:  “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5:8).

          Ánh sáng Tin Mừng giúp ta nhìn rõ và phân định điều tốt điều xấu.  Phân định là việc Ki-tô hữu luôn phải làm trong cuộc sống, từ điều nhỏ nhặt trong ngày cho đến những quyết định quan trọng như chọn lựa bậc sống hay nghề nghiệp.  Để phân định cho đúng, ta cần biết rõ đâu là quan điểm của Thiên Chúa và đâu là quan điểm của thế gian, đâu là tư tưởng của Thiên Chúa và đâu là tư tưởng của loài người.  Học hỏi Lời Chúa, nhất là Tin Mừng, sẽ giúp ta biết và làm quen với cái nhìn của Chúa Giê-su.  Lời thư thánh Phao-lô nói lên thực tại ta được làm con cái sự sáng.  Tuy nhiên lời thư lại như đặc biệt hướng về những người mù lòa thiêng liêng hoặc “còn đang ngủ mê”, kêu gọi họ hãy mở mắt và tỉnh dậy, nhất là hãy luôn hướng về Chúa Ki-tô là sự sáng trần gian.  Nếu ta ở trong Chúa là nguồn sáng, ta sẽ có ánh sáng của Người (Ga 8:12), và hơn thế nữa ta cũng sẽ là ánh sáng của Người, nhờ đó những người chung quanh sẽ nhận ra được dung mạo của Chúa Ki-tô qua đời sống của ta.

4.  Sống Lời Chúa

          Các bài đọc hôm nay phù hợp với nhau và đưa ta đến một hướng đi rõ ràng, đó là ta phải sống và bước đi như con cái ánh sáng.  Nhờ Chúa Ki-tô là ánh sáng, ta được “thấy” Thiên Chúa là Đấng nào và cũng “thấy” được ta là ai.  Nếu ta thấy được Thiên Chúa yêu thương ta dường nào, ta sẽ cố gắng đáp lại tình yêu đó.  Nếu ta thấy ta chưa sống như con cái Chúa, ta sẽ cố gắng sửa đổi, nhất là trong mùa Chay này.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô đưa ra một đề nghị thực tế để tôi sống như con cái ánh sáng.  Ngài nói:  “Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng”.  Vậy “những việc vô ích của con cái bóng tối” mà tôi đang cộng tác là những việc gì?  Tôi phải vạch trần những việc ấy ra bằng cách nào?

Cầu nguyện:   Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô là ánh sáng chiếu soi muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện hiệp lễ, Chúa Nhật IV mùa Chay).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

26-8-2008

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà