Chúa Nhật Lễ Lá
Người
phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, anh mù bẩm sinh được chữa lành và cô
Mác-ta, cả ba người đều tuyên xưng Chúa Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng
phải đến. Vậy Đức Ki-tô là Đấng nào và
Người phải đến trần gian với sứ mệnh gì?
Câu hỏi này được trả lời một cách đầy đủ qua biến cố Chúa Giê-su trải
qua cuộc Thương khó, cái chết và Phục Sinh.
Trình thuật cuộc Thương khó của Chúa Giê-su cũng là một kết luận về căn
tính của Người và trình bày sứ mệnh Người phải hoàn tất khi được sai đến trần
gian.
1. “Ông này là ai vậy?” (bài
Tin Mừng trước khi kiệu lá – Mt 21:1-11)
Hình ảnh Chúa Giê-su như Thái Tử Hòa
Bình mở đầu cho mọi sinh hoạt Phụng vụ Tuần Thánh và Phục Sinh. “Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi” (Mt
21:5). Người ngồi trên lưng lừa con, tiến
vào thành thánh Giê-ru-sa-lem giữa tiếng tung hô của dân chúng. Một người hậu duệ vua Đa-vít được dân chúng
coi là “Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”.
Người ta vẫn chưa nhận biết Chúa Giê-su là ai. Tới khi vào Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su cũng vẫn
chỉ là “ngôn sứ” quê tại Na-da-rét xứ Ga-li-lê mà thôi.
Giê-ru-sa-lem được coi như trung tâm cứu
độ. Cuộc cứu độ được diễn tiến từ nơi
đây. Bắt đầu là Bữa Tiệc ly, tiếp theo
là biến cố Chúa bị bắt và cuộc xử án bất công, rồi kết thúc là chặng đường thập
giá từ nội thành Giê-ru-sa-lem tiến ra ngoại thành, một dấu hiệu ám chỉ ơn cứu
độ từ Giê-ru-sa-lem lan tới muôn dân. “Vì
thế , Đức Giê-su đã chịu khổ hình ngoài cửa thành, lấy máu mình mà thánh hóa
toàn dân” (Dt 13:12). Việc Chúa Giê-su
vào Giê-ru-sa-lem khởi đầu cho chặng cuối cùng trong hành trình nhận biết căn
tính của Người. Do đó, dân chúng đặt lại
vấn đề “Ông này là ai vậy?” Và câu trả lời
của dân chúng chỉ giới hạn ở hình ảnh ngôn sứ Giê-su, chứ họ không thể đi xa
hơn để nhận biết Người là “Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa”. Đúng vậy, qua cuộc Thương khó khi Chúa Giê-su
bị đóng đinh và chết trên thập giá, ta mới nghe được những lời tuyên xưng của
dân chúng, của viên sĩ quan Rô-ma và lính canh: “Quả thật ông này là Con Thiên
Chúa” (Mt 27:54; Mc 15:39).
Con người và sứ mệnh của Đức Ki-tô,
Con Thiên Chúa, sẽ được biểu lộ đầy đủ và rõ ràng qua cuộc Thương khó, cái chết
và Phục Sinh của Người. Đó cũng là điều ứng
nghiệm những điều ngôn sứ I-sai-a đã viết (bài đọc Cựu Ước), đồng thời cũng là
đề tài suy niệm của thánh Phao-lô Tông đồ (bài đọc Tân Ước).
2. Dung mạo Đức Ki-tô Con Thiên Chúa qua trình
thuật Thương khó (Mt 26:14 – 27:66)
Là Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su hằng
liên kết với Chúa Cha trong mọi sự, đặc biệt là cầu nguyện trước khi bước vào
cuộc tử nạn. Việc càng quan trọng, Người
càng cầu nguyện tha thiết hơn. Người sống
quan hệ với Chúa Cha trong đời sống cầu nguyện.
Người cầu nguyện trước khi tuyển chọn Tông đồ, khi làm phép lạ để tỏ ra
lòng thương của Thiên Chúa, khi một mình ở nơi thanh vắng và say sưa tha thiết
với Chúa Cha. Lúc này cuộc Thương khó là
thời điểm khó khăn nhất và đầy thử thách, nên việc cầu nguyện càng quan trọng. Thánh sử ghi lại chi tiết việc Chúa Giê-su cầu
nguyện: Người sấp mặt xuống đất, Người cầu
nguyện ba lần với cùng một lời cầu nguyện, xin cho được vâng theo thánh ý Chúa
Cha. Vâng ý Cha và để cho lời các ngôn sứ
được ứng nghiệm, đó là lý tưởng của Đức Ki-tô.
Chúa Giê-su vâng ý Cha để trọn đạo làm Con Thiên Chúa. Người thực hiện những điều các ngôn sứ nói để
làm Người Tôi Trung của Đức Chúa (Is 52:13-53:12) và làm Người Công Chính đau
khổ (Tv 21 và 68), hầu gánh vác và xóa tội trần gian.
Đức Ki-tô tuyên xưng danh phận và sứ mệnh
của Người trong cuộc xử án bất công. Trước
khi lên Giê-ru-sa-lem, Người đã ba lần tiên báo cuộc tử nạn: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người
sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ
sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại…” (Mc 10:33). Đứng trước Thượng Hội Đồng gồm các thượng tế,
kinh sư và Pha-ri-sêu, Đức Ki-tô giữ thái độ nhịn nhục, làm thinh trước những lời
vu cáo. Người chịu nỗi oan ức để đền
thay tội lỗi nhân loại. Vị thượng tế dồn
Người vào tình thế quyết liệt: chối bỏ
hay nhìn nhận danh phận Con Thiên Chúa và sứ mệnh cứu độ. “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền
cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông
có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa
không?” (Mt 26:63). Câu trả lời “phải”
đã quyết định cho số phận của Người. Đức
Ki-tô, Đấng phải đến, đã thưa cùng Chúa Cha:
“Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:9). Ý của Chúa Cha là Chúa Giê-su phải chết để đền
thay tội lỗi loài người. Quả thực là lời
tuyên xưng đức tin gương mẫu, được đào tạo và rèn luyện từ lời “Xin vâng” của Mẹ
Ma-ri-a, đồng thời cũng là khuôn mẫu cho lời tuyên xưng của các vị tử đạo và
các Ki-tô hữu muốn nói lên mình là môn đệ Chúa Ki-tô. Để vị thượng tế và Thượng Hội Đồng không hiểu
lầm về danh phận và sứ mệnh của Người, Chúa Giê-su còn khẳng định thêm: “Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu
Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26:64).
Sau khi tuyên bố mình là Đức Ki-tô Con
Thiên Chúa, Chúa Giê-su bị nhục mạ và chối bỏ.
Người bị khạc nhổ vào mặt, bị tát và biến thành trò cười. “Ông Ki-tô
ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi:
ai đánh ông đó?” (Mt 26:67). Người
còn bị chính môn đệ thân yêu Phê-rô chối bỏ ba lần. Tiếp đến, Đức Ki-tô được đánh giá bằng ba
mươi đồng bạc của Giu-đa, giá tiền để mua một tên nô lệ. Sau cùng, Đức Ki-tô bị Phi-la-tô đem ra so
sánh với một “tên tù khét tiếng”: “Các
người muốn ta phóng thích ai cho các người đây?
Ba-ra-ba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô?”
Danh phận Con Thiên Chúa cũng mang lại
bao tủi nhục cho Chúa Giê-su, nhất là những phút cuối cùng trên thập giá. Những kẻ qua lại bên đường cho tới các thượng
tế, kinh sư và kỳ mục, tên cướp cùng bị đóng đinh, tất cả đều chế giễu Người: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập
giá xem nào!” (Mt 27:40). Đáp lại những chế
giễu đó, Chúa Giê-su lại càng đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Đức Ki-tô, Thiên Chúa làm người, đã kêu lớn
tiếng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của
con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46).
Phải chăng đây là lời trách móc Thiên Chúa? Không phải đâu, nhưng những lời ấy chỉ nói
lên tâm trạng con người bị cám dỗ đừng tin vào Thiên Chúa. Mà lòng tin của Chúa Giê-su làm sao sụp đổ được. Đúng là “cơn cám dỗ cuối cùng” (The Last Temptation)! Thánh Mát-thêu ghi lại một chi tiết vô cùng ý
nghĩa: “Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn,
rồi trút linh hồn” (Mt 27:50). Vậy “một
tiếng lớn” đó là tiếng gì? Mát-thêu
không thể lấy ngôn ngữ loài người mà diễn tả nổi, vì đó là tiếng “xin vâng” quá
vĩ đại của lịch sử nhân loại đã nói lên lòng tin vô cùng lớn lao của Đức Ki-tô
Con Thiên Chúa. Người trút hơi thở cuối
cùng trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng sai Người đến trần gian để
chuộc tội nhân loại.
Đức Ki-tô Con Thiên Chúa đã trải qua một
cuộc Thương khó kinh hoàng để minh chứng danh phận và sứ mệnh của Người. Kết thúc cuộc Thương khó của Chúa Giê-su,
danh phận và sứ mệnh Đức Ki-tô Con Thiên Chúa đã được khẳng định qua lời tuyên
xưng của viên đại đội trưởng Rô-ma và đám lính canh của ông ta: “Quả thực ông này là Con Thiên Chúa” (Mt
27:54).
3.
Dung mạo Đức Ki-tô Con Thiên Chúa qua lời ngôn sứ I-sai-a và thánh
Phao-lô Tông đồ (bài đọc Cựu Ước – Is
50:4-7 và bài đọc Tân Ước – Pl 2:6-11)
Nếu
ta đã có thể chiêm ngưỡng dung mạo Đức Ki-tô qua trình thuật Thương khó sống động
của thánh sử Mát-thêu, thì ta cũng có thể suy niệm về sứ mệnh của Đức Ki-tô qua
lời ngôn sứ I-sai-a và thần học gia Phao-lô.
Trước hết, bài ca thứ ba về Người Tôi Trung trong sách I-sai-a đã được sử
dụng để ca ngợi những đức tính của Chúa Giê-su.
Thái độ của Chúa Giê-su đối với Thiên Chúa là thái độ của “người môn đệ”
đối với Thầy dạy mình. Người môn đệ chỉ
“nói năng” và “lắng nghe” những gì Thầy mình dạy bảo. Nói khác đi, người môn đệ hoàn toàn tin tưởng
nơi Thầy mình, “không cưỡng lại, không tháo lui”, quyết một lòng vâng theo những
định đoạt của Thầy mình. Ta có thể nhìn
lại cuộc đời thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Ki-tô để nhận thấy Người
đã nói năng và lắng nghe Thiên Chúa như thế nào. Người chính là miệng và đôi tai của Thiên
Chúa. Nhưng đặc biệt nhất trong những đức
tính của Người Tôi Trung là hoàn toàn phó thác trong tay Thiên Chúa. Trong cơn bách hại, Chúa Giê-su vẫn một lòng
tin tưởng: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng
phù trợ tôi, vì thế, tôi đã chẳng hổ thẹn…” (Is 50:7). Mà đúng vậy, trong khi bị đánh đòn, xỉ nhục,
Chúa Giê-su vẫn “trơ mặt ra như đá”, không kêu than mắng chửi trả lại kẻ hành hạ
mình.
Nếu
I-sai-a tôn vinh lòng tin và phó thác của Đức Ki-tô vào Thiên Chúa, thì Phao-lô
lại đi vào chiều sâu thần học, đề cao lòng khiêm nhượng tự hạ và vâng lời của Đức
Ki-tô (Pl 2:6-11). Trước hết Đức Ki-tô
đã “trút bỏ vinh quang” làm Con Thiên Chúa trên trời để đến trần gian “trở nên
giống phàm nhân sống như người trần thế”.
Từ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” tụt xuống làm “thân nô lệ” thì quả
thực không có sự tự hạ nào trên thế giới này sánh nổi. Sự hạ mình và khiêm nhượng ấy đã đạt tới cực
điểm khi Chúa Giê-su trả lời “xin vâng” với Thiên Chúa để nhận lấy cuộc Thương
khó và cái chết khổ nhục trên thập giá.
Suy niệm của Phao-lô về mầu nhiệm Đức Ki-tô đã dừng lại ở việc Thiên
Chúa tôn vinh Người Con Yêu Dấu bằng danh hiệu “Giê-su”, nghĩa là Thiên Chúa cứu
độ và việc muôn loài tuyên xưng “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”. Suy niệm của thánh Phao-lô về mầu nhiệm Đức
Ki-tô đã đi vào truyền thống Phụng vụ như một Điệp ca được lập đi lập lại trong
những ngày Tam Nhật Vượt Qua vậy.
4.
Sống Lời Chúa
Trình
thuật Thương khó không chỉ là một câu truyện lịch sử, nhưng phải là một suy niệm
sâu xa về danh phận và sứ mệnh của Chúa Giê-su.
Tất cả ý nghĩa của Phụng vụ Tuần Thánh là để cử hành Chúa Ki-tô là Con
Thiên Chúa, Đấng phải đến để cứu độ muôn người.
Tham dự các nghi lễ Tuần Thánh và Phục Sinh không phải chỉ làm để giữ luật
Giáo Hội, nhưng là sống chính ơn cứu độ ta nhận lãnh được do tình yêu Thiên
Chúa.
Suy nghĩ: Phi-la-tô hỏi dân chúng Do-thái rằng: “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ
làm gì đây?”, họ đã xin ông ta cho đóng đinh Chúa Giê-su. Còn tôi, tôi sẽ trả lời Phi-la-tô như thế
nào? Tôi sẽ sống câu trả lời của tôi làm
sao?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn
cho Đấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập
giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người
để lại trong cuộc Thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị
cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.
(Lời nguyện nhập lễ, Chúa Nhật Lễ
Lá)
Lm. Đaminh Trần
đình Nhi
14-2-2008