Chúa Nhật 18 mùa Thường niên, A
Nước
Trời là đề tài rao giảng của Chúa Giê-su.
Sử dụng các dụ ngôn, Người đã cho ta hiểu Nước Trời là gì và phải có những
điều kiện nào để đón nhận Nước Trời. Tuy
nhiên cốt lõi của Nước Trời vẫn là Chúa Giê-su và giáo lý của Người. Giáo lý của Chúa Giê-su là lương thực giúp ta
thay đổi để trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa”. Lương thực được ban phát nhưng không chứng tỏ
tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho ta nơi Đức Ki-tô. Do đó, lãnh nhận lương thực Ki-tô là ta cảm
nghiệm được mức độ tình yêu của Thiên Chúa.
1.
Lương thực Thiên Chúa ban là hình ảnh báo trước lương thực Nước Trời (bài đọc Cựu Ước – Is 55:1-3)
Qua
ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa gửi đến toàn thể nhân loại một lời mời gọi thật đặc
biệt, từa tựa như quảng cáo thời nay!
Người bảo: các ngươi hãy đến lãnh nhận của ăn của uống đích thực để được
sống và sống muôn đời. Ở chợ đời khi quảng
cáo, người ta cho không hàng mẫu một lần để ta dùng thử, sau đó nếu thích thì
mua. Nhưng Chúa không làm thế. Người nói ta cứ việc đến, đừng lo tiền bạc, mọi
sự đều sẵn sàng: nào nước uống, nào rượu,
nào sữa. Cứ việc mua mà “không phải trả
đồng nào”! Lại nữa, của ăn thức uống
Thiên Chúa ban là những thứ thực sự “nuôi sống và làm cho chắc dạ no
lòng”. Tóm lại, lương thực Chúa ban là
những thứ “cao lương mỹ vị”.
Vậy
tất cả những thứ cao lương mỹ vị đó là gì?
Đó là: “Hãy lắng tai và đến với
Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống” (Is 55:3). Như thế, dân Chúa lãnh nhận lương thực Thiên
Chúa ban là họ phải “ăn” bằng tai chứ không phải bằng miệng lưỡi. Hơn thế nữa, họ phải lắng nghe bằng đôi tai
tâm hồn, mở lòng để lãnh nhận những điều Chúa nói với họ qua “giao ước vĩnh cửu”
mà Người đã hứa ban qua dòng dõi Đa-vít.
Giao ước vĩnh cửu này Thiên Chúa sẽ ký kết với nhân loại bằng máu của một
người miêu duệ vua Đa-vít. Người miêu duệ
ấy không là ai khác ngoài Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời xuống thế làm người và
sinh ra từ dòng dõi vua Đa-vít.
Tới
đây, ta hiểu rõ được ý của lời Thiên Chúa mời gọi rồi. Người khuyên nhủ ta hãy đến với Người qua
Chúa Giê-su Ki-tô, hãy lắng nghe những lời Người dạy bảo qua Chúa Giê-su
Ki-tô. Nhưng ta sẽ tìm gặp Chúa Giê-su
Ki-tô ở đâu? Ta sẽ đến với Chúa Ki-tô ở
trong Nước Trời, đi vào Triều Đại cứu độ của Người để lắng nghe và được sống. Thánh Phê-rô Tông đồ đã xác quyết điều này
khi ngài nhân danh các bạn Tông đồ khác và nhân danh các Ki-tô hữu mọi thời mọi
nơi để thưa với Chúa Ki-tô rằng: “Thưa
Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).
2.
Chúa Giê-su Ki-tô là lương thực tình yêu của Thiên Chúa (bài Tin Mừng –
Mt 14:13-21)
Nhiều khi ta quá chú tâm vào kết quả của phép
lạ Chúa làm cho năm cái bánh và hai con cá hóa nhiều là dân chúng được một bữa
ăn no nê, mà quên đi chính Đấng làm phép lạ là ai và động lực khiến Người thực
hiện phép lạ ấy. Bánh và cá hóa nhiều là
một sự kiện lạ lùng dân chúng đều thấy nên dễ gây chú ý và ngạc nhiên, hoặc
khâm phục Chúa Giê-su như một “người làm phép lạ”. Nhưng bởi đâu Chúa đã làm phép lạ ấy, điều này
khó nhìn thấy được, do đó thường ta ít để ý tới. Vì thế, trước khi kể lại phép lạ, thánh sử
Mát-thêu đã cẩn thận ghi chú điều này:
“Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh
lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14:14).
Ghi
chú này muốn nhắc nhở ta phải biết Chúa Giê-su là Đấng nào và tại sao Người làm
phép lạ. Trước hết cái thuyền đã trở
thành “giảng đài” của Chúa Giê-su. Người
ngồi dưới thuyền, dân chúng ở trên bờ và cao hơn mặt thuyền. Đây là “kỹ thuật âm thanh” tự nhiên khi loài
người chưa phát minh ra máy phóng thanh, như ta thường thấy tại những kiến trúc
hý trường thuở xưa. Chúa Giê-su không chỉ
mải mê giảng thuyết, nhưng Người còn lưu ý tới những nhu cầu khác của con người. Người đã “trông thấy” những đau khổ vất vả của
họ, Người cảm nhận cùng một cái đói khát, mệt nhọc và bệnh tật của họ. Cho nên Người đã “ra khỏi thuyền”, bước xuống
“giảng đài” để đến với đồng bào của Người.
Nhu cầu hiện tại của đám dân chúng đi theo Chúa Giê-su là đói khát. Các môn đệ Chúa đề nghị cách giải quyết khó
khăn không tốn công tốn sức của Chúa và các ông, nghĩa là giải tán dân chúng và
bảo họ tự lo liệu lấy. Cũng là một cách
“chạnh lòng thương”, nhưng trong một giới hạn quá nhỏ bé! Chúa Giê-su lại giải quyết cách khác. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Đây mới là cách “chạnh lòng thương” đích thực. Mà vì là lòng thương đích thực có mãnh lực
lan rộng nên chỉ năm cái bánh và hai con cá thôi cũng đủ để nuôi một đám đông
“chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em”. Hình ảnh bánh và cá hóa nhiều nói lên mức độ
chạnh lòng thương của Chúa Giê-su. Hơn
năm ngàn người, chứ tất cả nhân loại này cũng còn được dư đầy lòng thương của
Người. Bởi thế, Người không chết để chuộc
tội một số người như lạc thuyết Jansenius chủ trương, mà là toàn thể nhân loại.
Bỗng
chốc bãi cỏ bên bờ Biển Hồ đã trở thành một bữa tiệc, là hình ảnh nói lên bàn
tiệc Nước Trời. Chủ đãi tiệc là Chúa
Giê-su, Đấng có lời ban sự sống đời đời và Đấng “giàu lòng thương xót của Thiên
Chúa”. Người biểu lộ tình yêu của Thiên
Chúa qua phép lạ bánh và cá hóa nhiều.
Phép lạ là dấu chỉ, như thánh Gio-an thường sử dụng từ này. Quan trọng hơn, đó là điều phép lạ muốn nói
lên. Vậy phép lạ này muốn nói với ta rằng
tình yêu Thiên Chúa dành cho ta qua Chúa Ki-tô bao la phong phú vô cùng, tựa
như bánh và cá hóa nhiều không bao giờ vơi.
Kho tàng tình yêu Thiên Chúa được tích trữ nơi Chúa Ki-tô và hiện diện
trong Nước Trời. Do đó, nếu ta muốn tìm
kiếm lương thực thường tồn là tình yêu, thì ta “hãy đến và lắng tai nghe Người”
và ta sẽ được sống.
3.
Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện
nơi Chúa Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Rm
8:35.37-39)
Chúa
Giê-su là tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ.
Suy niệm về tình yêu này, thánh Phao-lô có một lối hùng biện hết sức độc
đáo. Trước hết ngài đặt vấn đề bằng những
câu hỏi và đưa ra những thí dụ cụ thể.
Câu hỏi là: Điều gì có thể tách
chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?
Thí dụ là: Gian truân, khốn khổ,
đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo.
Tiếp đến, câu trả lời là: Không,
bởi vì “nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”, chúng ta toàn thắng được tất cả những điều
kể trên. Sau đó, ngài mới chia sẻ niềm
tin vững chắc của chính ngài vào tình yêu của Đức Ki-tô.
Lý
luận rõ ràng, vì đây không phải là lý luận bằng trí óc, nhưng lý luận của con
tim xác tín. Thánh Phao-lô tin chắc rằng
tình yêu Chúa Ki-tô yêu ngài là tình yêu vững bền, trung thành, vô biên và vĩnh
cửu. Ngài hoàn toàn tín thác vào tình
yêu ấy nên ngài cứ an nhiên tự tại, bất chấp mọi khó khăn, cứ rao giảng Tin Mừng
và làm mọi sự có thể, “miễn là Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng rồi” (Pl
1:18). Tình yêu của Chúa Ki-tô làm cho
thánh Phao-lô điên lên được! Nó thôi
thúc ngài, không để cho ngài được yên (2 Cr 5:14), mà phải lên đường rao giảng
Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh thập giá.
Đây là một chứng từ hùng hồn về tình yêu Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô đã hãnh diện tuyên xưng tình
yêu Chúa Ki-tô đến nỗi sống hay chết đối với ngài chắng có ý nghĩa gì nếu không
có tình yêu Chúa Ki-tô. Chính ngài đã cảm
nghiệm được tình yêu Chúa Ki-tô yêu ngài như thế nào và ngài muốn chia sẻ cảm
nghiệm ấy. Sau hết ngài còn cầu xin Chúa
Cha giúp cho mọi người đều cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi
Đức Ki-tô. “Tôi quỳ gối trước mặt Chúa
Cha…nguyện xin Chúa Cha cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm
hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và
xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu
hiểu mọi kích thước dài rộn cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là
tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy
anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3:14-19). Ước chi lời cầu nguyện này được thể hiện nơi
mỗi người Ki-tô hữu chúng ta!
4.
Sống Lời Chúa
Khi
sinh ra làm người, Chúa Giê-su đã được đặt trong máng cỏ. Đó là hình ảnh Người trở nên lương thực cho
các con chiên được dưỡng nuôi. Đức Ki-tô
là lương thực đặt trong máng cỏ Nước Trời và Thiên Chúa mời gọi ta hãy đến mà
lãnh nhận lương thực ấy. Ta được lớn lên
nhờ tình yêu Chúa Ki-tô. Ăn thứ lương thực
nào, ta sẽ trở nên giống như lương thực ấy.
Lời giảng và gương sống của Chúa Ki-tô sẽ biến đổi ta mỗi ngày trở nên
giống như Người. Hơn nữa, quá khứ, hiện
tại và tương lai của ta hoàn toàn tùy thuộc vào tình yêu ấy và “không gì có thể
tách ta ra khỏi tình yêu của Người.
Suy nghĩ: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình
yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm
8:39). Vậy nếu có, thì đó là những điều
gì tôi đang làm khiến cho tôi tự tách rời khỏi tình yêu của Thiên Chúa? Tôi phải làm gì để nối lại mối yêu thương với
Người?
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, và cũng là
tình yêu bất tận, xin dủ lòng thương xót chúng con là con cái Chúa mà giúp
chúng con thoát cảnh ngặt nghèo. Xin củng
cố lòng tin của chúng con để chúng con không bao giờ ngờ vực rằng Chúa thực là
Cha nhân hiền luôn hết tình yêu mến đoàn con.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, lễ ngoại lịch
Cầu cho mọi nhu cầu)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi