GIỮA LUỒNG DƯ LUẬN
Chúa Nhật 21A thường niên
Hôm nay nhân loại có đầy đủ phương tiện đi tìm sự
thật. Nhưng chưa bao giờ sự thật xa tầm tay con người đến thế. Có cả trăm cách
nhìn khác nhau. Mỗi chiều cạnh được khai thác theo mục đích riêng. Chẳng hạn
trong lãnh vực chính trị, sự thật có thể bị bóp méo một cách dễ dàng vì quyền lợi
đảng phái.
Tin mừng hôm nay cũng cho thấy cảnh dư luận xâu
xé Đức Kitô ra trăm mảnh như thế. Chúa Giêsu đi giữa những luồng dư luận:
"Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là ông Eâlia, có người lại
cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ." (Mt13:14)
Không hoàn toàn sai, nhưng chưa nói hết sự thật. Dân chúng ngưỡng vọng về Chúa
như một nhà cách mạng trong tư tưởng và cơ chế, một người nhân danh Thiên Chúa đến
công bố sứ điệp cho người đương thời. Nếu như một Gioan Tẩy Giả, Chúa sẽ nói
cho dân biết về Đấng Cứu thế. Nếu là Eâlia, Chúa sẽ báo hiệu thời cánh chung sắp
tới. Còn nếu như Giêrêmia, Chúa đến kêu gọi sám hối và canh tân.
Tuy có nhiều cái nhìn khác biệt như vậy, nhưng tất
cả đều nhất trí công nhận Chúa là một ngôn sứ. Nhiều lần họ đã tỏ lòng ngưỡng mộ
: "Ông này thật là vị ngôn sứ." (Ga 7:40) Đó là tột đỉnh nhận
thức của quần chúng về Đức Giêsu. Nhưng ngay trong cái nhìn này, Chúa
vẫn thấy còn nhiều thiếu sót. Chính Chúa Giêsu quả quyết :"Đây còn hơn cả
ngôn sứ nữa" (Mt 11:9). Phải đợi sau Phục sinh, niềm tin Kitô mới nhận ra
tất cả ý nghĩa Ngôn sứ trong con người và sứ mạng Đức Giêsu Kitô.
Đức Giêsu không muốn các môn đệ dừng lại mức nhận
thức tầm thường của quần chúng. Người kỳ vọng và thôi thúc các môn đệ nhìn cao
hơn và sâu hơn nữa. Bởi vậy Người lên tiếng : "Còn anh em, anh
em bảo Thày là ai ?" (Mt 16:15) Niềm kỳ vọng đó quả thực đã được đáp
ứng xứng đáng. Chưa ai có thể có câu trả lời tuyệt vời hơn Phêrô: "Thày là
Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16:16) Không phải tại Phêrô thông
minh hơn các môn đệ khác. Nhưng do lòng thương xót, Thiên Chúa đã đưa
cái nhìn Phêrô vào tận mối tương quan phụ tử thâm sâu giữa Chúa Giêsu và Thiên
Chúa. Chính Chúa quả quyết : "Này anh simon, con ông Giona, anh thật là người
có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của
Thày, Đấng ngự trên trời."(Mt 16:17)
Niềm tin tuyệt vời đó đã được đáp ứng rất đích đáng.
Tin bao nhiêu được bấy nhiêu. Nếu đức tin Phêrô không xoáy sâu vào tận bản chất
Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, chưa chắc Phêrô đã được đặt làm nền tảng sâu xa và vững
chắc như thế cho Giáo hội. Chúa đã quả quyết với Phêrô : "Thày bảo cho anh
biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh
của Thày và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16:18)
Rõ ràng mặc khải và lời hứa đều vượt quá khả năng và sức tưởng tượng của Phêrô.
Ông đã trở thành nền tảng hữu hình củng cố và hưng phát những nội lực vô hình là
chính Thánh Linh, Đấng sẽ được Chúa Giêsu sai đến từ nơi Chúa Cha. Bởi đó sức mạnh
tử thần không thể áp đảo được ông. Ông sẽ lãnh đạo Giáo hội trong sứ mệnh giải
thoát toàn thể nhân loại khỏi ách thống trị của ác thần. Sứ mệnh đó không chịu
khuất phục trước bất cứ sức mạnh nào.
Ông trở thành điểm tựa và qui tụ tất cả trong Đức
Giêsu Kitô. Ông là phát ngôn viên duy nhất của Chúa Giêsu trên trần gian. Đồng
thời ông được giao việc quản lý và có toàn quyền như Chúa trong Nước Chúa ở trần
gian. Đó là một vinh dự Chúa ban không căn cứ trên công trạng của Phêrô. Chúa bảo
đảm quyền bính của Phêrô: "Thày sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới
đất, anh cầm buộc điêu gì,trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo
cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16:19) Quyền
bính này vô cùng cần thiết đễ thiết lập bảo tồn và phát triển Giáo hội. Bởi vậy
quyền bính sẽ tồn tại mãi với Giáo hội, chứ không kết thúc với định mệnh cuộc đời
Phêrô.
Quyền bính ấy không phải chỉ để cấm đoán, trói
buộc, mặc dầu luật lệ vô cùng cần thiết cho bất cứ một tổ chức nào.
Nhưng chủ yếu quyền bính ấy nhằm giải thoát con
người khỏi tầm ảnh hưởng tử thần, dẫn con người đạt tới cùng đích cuộc đời và sống
hạnh phúc. Quyền bính vì con người, chứ con người sinh ra không phải
vì quyền bính. Nhưng thực tế có nhiều người cứ tưởng mình sinh ra để
làm bề trên. Nhiều bề trên cứ tưởng không ai có thể thay thế được mình.
Ngược lại nhiều người tỏ vẻ coi thường quyền
bính. Họ luôn sống trong thế đối kháng, dù quyền bính chính đáng và đang phục vụ
hạnh phúc con người. Chẳng hạn có những người lãnh đạo hội đoàn tỏ
thái độ coi thường các linh mục. Họ không cần những giáo huấn của Lời Chúa, nhưng
chỉ căn cứ vào những quy luật, thủ bản của hội. Họ tự coi mình như đại diện Đức
Mẹ để ban huấn từ cho hội viên. Nhưng Đức Mẹ rất khiêm nhường. Còn người muốn đại
diện Đức Mẹ có khiêm nhường đủ không ? Sinh hoạt trong đoàn thể, nhưng lại tách
đoàn thể ra khỏi mạch sống chung của giáo xứ hay Giáo hội, liệu hội đoàn đó có đang
làm đúng theo ý Chúa không ?
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP